⠀
Về khả năng trừu tượng hóa của tiếng Việt
Tôi không biết ở các ngoại ngữ thông dụng của thế giới thì ra sao, nhưng tôi biết tiếng Việt của tôi có những cái thật đáng yêu. Khả năng trừu tượng hóa của các từ thành một sức chuyển tải lớn hơn chính từ đó.
Ăn là động tác nhai, nghiền thực phẩm để đưa xuống bụng, một động tác cơ học, sinh lý và hóa học. Vậy mà rồi không hiểu do đâu, động tác này lại biến thể đi khá xa. Ăn gian nói dối, ăn hiền ở lànhthành phạm trù đạo đức, ăn nói ám chỉ khả năng biểu hiện giao tiếp bằng ngôn ngữ của một người, ăn vạ là hành vi của kẻ đuối lý mà lỳ…
Các đầy tớ của dân có máu ăn bẩn hẳn biết rõ điều này của ngôn ngữ Việt. Người công chức lương thiện ăn lương nhà nước ắt thấm thía đồng lương ấy như thế nào!
Dân đánh cờ chắc quen với từ ăn quân mà nghe nói có người đã xổ Tây thành…I eat you nghe muốn ù té vì mất mạng tới nơi!
Khi đi với năng thành nói năng là tính cách của người có văn hóa (hay vô, thiếu), nói năng dịu dàng, nói năng từ tốn, nói năng bỗ bã… là một cách tự phân loại mình!
Tương tự, “Ngủ đi em mộng bình thường” (Huy Cận) thì vừa đi vừa ngủ là… mộng du hoặc kinh dị hơn, quỷ nhập tràng! Ăn đi, chết đi, nín đi… không có chi liên quan đến chân cẳng, đi là hư từ kèm vào để chỉ mệnh lệnh cách, mắng mỏ đó thôi!
Trong tiếng Việt, từ “Mẹ” là từ được sử dụng rộng trên nhiều lãnh vực. Từ chỗ là danh từ chỉ người phụ nữ sinh ra mình được nâng cao thành từ chỉ thiên nhiên: sông cái (cái = mẹ), đường cái , cửa cái, quê mẹ, đất mẹ, tiếng mẹ đẻ, mẫu tự (chữ cái), những cái gì sinh ra và là cái gốc của những cái khác.
Ngày nhỏ sang nhà hàng xóm tôi lò dò vào bếp bị chó mẹ làm cho một trận bay hồn bạt vía vì…mẹ bảo vệ đàn con thơ dại của mẹ!
Những người ưa quậy theo kiểu mang từ Hán Việt trong tiếng mẹ đẻ ra “Việt hóa” đố làm sao dịch nổi danh từ Mẫu giáo, Cô mẫu giáo, bó tay!
Tuy nhiên, khi đọc Số Đỏ nghe câu cửa miệng của Xuân Tóc Đỏ “Nước mẹ gì” thì thật tình không hiểu được từ mẹ trong cụm từ của thằng láu cá láu tôm có một không hai trong tiểu thuyết này nghĩa chính xác là gì!…
Theo CAO THOẠI CHÂU / MỘT THẾ GIỚI
Tags: Ngôn ngữ, Văn hóa Việt