Về hai mặt tích cực và tiêu cực của việc ăn chay

Hiện nay, ăn chay đang dần trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong lối sống hiện đại của nhiều người dân. Họ cho rằng một chế độ ăn chỉ bao gồm thực vật sẽ định hình một lối sống lành mạnh, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, không ít quan điểm trái chiều lại khẳng định kịch bản cả thế giới ăn chay là quá xa vời. Khi xu hướng từ bỏ thịt hoàn toàn tiến đến một quy mô toàn cầu, nó sẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực, khiến cuộc sống của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Về hai mặt tích cực và tiêu cực của việc ăn chay

Lợi ích thì cũng lớn

Nhiều nghiên cứu trên thực tế chỉ ra rằng ăn chay có tác động tích cực đến sự thay đổi khí hậu, trong bối cảnh ngành sản xuất thực phẩm (đặc biệt là công nghiệp chăn nuôi) hiện nay chiếm từ 1/4 đến 1/3 lượng khí nhà kính phát thải do con người tạo ra trên toàn thế giới. Các chuyên gia đến từ Oxford Martin School đã chế tạo những mẫu máy tính phân tích môi trường trong bối cảnh tất cả mọi người đều ăn chay vào năm 2050. Kết quả cho thấy, nhờ việc loại bỏ thịt mà phát thải liên quan tới thực phẩm sẽ giảm khoảng 60%. Nếu thế giới quay sang ăn chay hoàn toàn không cần thịt, lượng khí thải sẽ giảm khoảng 70%.

Ngoài ra, ăn chay lâu dài được cho là sẽ khôi phục hệ sinh thái tự nhiên của ít nhất 80% diện tích đồng cỏ dùng để nuôi gia súc, mở ra cơ hội gia tăng đa dạng sinh học. Trâu rừng và các loài động vật ăn cỏ to lớn sẽ thay thế những loài gia súc yếu đuối, đồng thời động vật ăn thịt cũng có thể trở lại. Việc tăng diện tích thảm thực vật sẽ giúp tăng lượng hấp thu các loại khi carbon, từ đó giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. Vì vậy, có ý kiến cho rằng chỉ cần tiêu thụ ít thịt hơn thì môi trường sống trong tương lai của các thế hệ sau sẽ được bảo vệ.

Xét trên phương diện sức khỏe, ăn chay làm giảm nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa do thức ăn chay có nhiều chất xơ nên thời gian đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn, cơ thể thải trừ được chất cặn bã tốt hơn. Một chế độ ăn toàn thực vật không có cholesterol và rất ít chất béo bão hòa giúp những người ăn chay trường có nồng độ cholesterol rất thấp, từ đó làm giảm hẳn nguy cơ bệnh tim mạch và thừa cân. Theo dự đoán, nếu cả thế giới ăn chay vào năm 2050 thì tỉ lệ tử vong trên toàn cầu giảm từ 6-10%, nhờ vào sự suy giảm của bệnh mạch vành tim, tiểu đường, đột quỵ và một số bệnh ung thư, từ đó giảm chi phí y tế, tiết kiệm từ 2-3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Và hiệu ứng tiêu cực

Dù có nhiều lợi ích nhưng tranh cãi về ăn chay vẫn chưa dứt. Phản đối ý tưởng ăn chay, các nghiên cứu của Trường đại học Carnegie Mellon (Mỹ) lập luận rằng người ăn chay đang vô tình tiếp tay hủy hoại môi trường, và rằng viễn cảnh cả loài người ăn chay là cường điệu quá mức. Theo họ, quá trình sản xuất thực phẩm chay tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, tiêu tốn nhiều nước sạch và lượng khí thải nhà kính tạo ra sau quá trình sản xuất thực tế lại tăng lên chứ không hề giảm đi như những tuyên bố trên truyền thông.

Bên cạnh đó, ăn chay không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với phụ nữ. Việc chỉ sử dụng thực phẩm nguồn gốc thực vật một cách thiếu khoa học sẽ khiến người ăn chay có thể bị thiếu một số chất như canxi và vitamin B12 (phần lớn có trong sữa, cá hay thịt), hay các loại đạm quan trọng (chất đạm động vật có đầy đủ cả 20 acid amin, còn đạm thực vật thì thiếu một vài acid amin thiết yếu).

Một số chuyên gia đến từ đại học Cambridge nhận định ăn chay có nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng y tế tại các nước đang phát triển bởi họ không biết tìm các vi chất dinh dưỡng cân đối và đầy đủ ở nguồn nào để thay thế cho thịt. Chưa hết, ăn chay hoàn toàn đi liền với tước bỏ nền chăn nuôi, làm mai một bản sắc văn hóa của một số nhóm dân du mục như người Mông Cổ hay Berber. Ngoài ra, ăn chay sẽ tác động tiêu cực đến việc làm, khiến những người đang làm trong lĩnh vực chăn nuôi bị mất việc. Khi ấy, những đối tượng này sẽ cần hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu động thái này thất bại, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng trong xã hội, kéo theo hàng loạt những biến động khó lường.

Nên ăn lành, ăn sạch

Mọi việc đều có hai mặt, và lời khuyên được đa số chuyên gia đưa ra đó là nên tìm hiểu một chế độ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bốn nhóm chất đường bột, chất đạm – thịt, chất béo và muối khoáng – vitamin, và biết cách cân đối lượng thịt tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Việc ăn chay không nên dập khuôn mà phải phù hợp với yêu cầu mỗi người. Nếu là người lớn khỏe mạnh bình thường, nên ăn chay một vài lần trong tháng cho bộ máy tiêu hóa được “vệ sinh sạch sẽ” và giảm nguy cơ bệnh tật. Còn với những người ăn chay trường, nếu biết cách thay đổi thực đơn thường xuyên cũng sẽ giảm tối đa nguy cơ thiếu chất.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, con người nên cân nhắc xu hướng “ăn lành mạnh” của xã hội ngày nay, tức là chỉ tiêu thụ những thực phẩm sạch không chứa hóa chất, hướng tới một bữa ăn đơn giản mà vẫn đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa ăn chay và “ăn lành mạnh” – xu hướng tiêu thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giảm thiểu đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và chất béo chứ không phải ăn kiêng thịt hoàn toàn. Dù có phải là người ăn chay hay không, và đi theo bất kỳ xu hướng ăn uống nào đi chăng nữa, mỗi người vẫn cần ghi nhớ lời khuyên của “ông tổ y khoa” Hippocrates cách đây 2.400 năm, rằng “hãy biến thức ăn thành thuốc, đừng để thuốc là thức ăn của mình”.

Theo THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,