Về ‘đôi mắt’ trong sáng tạo văn học – nghệ thuật hiện nay

Ðầu thế kỷ 21, lịch sử đã sang trang với rất nhiều thay đổi theo hướng phát triển. Và chính lúc này xuất hiện một số hiện tượng khiến những người quan tâm tới vấn đề đặt ra câu hỏi: dường như “đôi mắt cũ” lại đang có cơ hồi sinh?

Về ‘đôi mắt’ trong sáng tạo văn học – nghệ thuật hiện nay

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phần lớn văn nghệ sĩ ở nước ta dù theo khuynh hướng và trào lưu nghệ thuật nào, cũng đều tình nguyện đi theo cách mạng, rồi sau đó lên chiến khu. Ðối với nhiều người trong số họ, việc khó khăn nhất là thay đổi về nhận thức, vấn đề đã được Nam Cao định danh một cách hình tượng là “đôi mắt”. Và giờ đây, trong thời đại mới, đó vẫn là một vấn đề không hề cũ…

1. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, đầu thế kỷ 20, sự có mặt của chủ nghĩa thực dân và công cuộc tiếp xúc văn hóa với phương Tây một cách không đồng đều (do chỉ tập trung ở những không gian hạn chế về mặt địa lý và xã hội) dẫn đến sự xuất hiện một lớp trí thức đã Âu hóa trên cái nền của một xã hội nông nghiệp cổ truyền. Lớp trí thức này chủ yếu tập trung ở các đô thị, tiếp thụ những chuẩn mực văn hóa phương Tây. Họ xuất hiện ồ ạt trong xã hội từ những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, khi hệ thống giáo dục Pháp – Việt đã triển khai; rồi sau đó nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Có thể coi điển hình của lớp trí thức đó là nhóm Tự lực văn đoàn đã tồn tại trong những năm 1933 – 1940. Từ lĩnh vực văn chương, mỹ thuật, âm nhạc, các trí thức này còn có tham vọng cải cách xã hội, mà đối tượng đầu tiên của công cuộc cải cách mà họ hướng tới là nông thôn, nơi được cho là chốn “bùn lầy nước đọng”, tập trung đủ mọi hủ tục, lạc hậu. Người ta viết phóng sự về những lạc hậu của đời sống hương thôn, viết tiểu thuyết phê phán những tiêu cực của đời sống nông thôn như dốt nát, mù chữ, kinh tế lạc hậu, hủ tục nặng nề; người ta coi nông thôn là nơi tồn tại của nhiều giá trị cũ kỹ như thói chuộng hư danh, thích ăn chơi, và nhiều tệ nạn như cờ bạc, mê tín dị đoan, cùng nhiều phong tục tiêu tốn thời gian, tiền của nhưng lại vô bổ như hội hè, đình đám, lễ lạt, khao vọng… Thậm chí họ còn sáng tạo ra các nhân vật hài hước như Lý Toét và Xã Xệ để đả kích những thói xấu của chức dịch và nông dân ở làng xã Việt Nam thời đó.

Chưa bàn tới động cơ của những cái nhìn mới về văn hóa do Tự lực văn đoàn đề xướng nhưng có thể thấy, cái nhìn của họ về người nông dân là cái nhìn “từ bên ngoài” từ một lớp người, đứng ngoài xã hội nông thôn, dựa trên những chuẩn mực xa lạ với văn hóa nông thôn để đánh giá xã hội nông thôn. Về mặt hiện tượng, khó có thể phủ nhận sự sinh động cũng như chân thực trong những điều được các thành viên Tự lực văn đoàn phát hiện về xã hội nông thôn, nhưng chưa chạm đến những tầng sâu văn hóa tạo nên những hiện tượng đó. Chính vì vậy, trong không ít trường hợp, cái nhìn đó trở nên kỳ thị và thiếu tính xây dựng. Nó tạo nên một hố sâu ngăn cách về tâm lý giữa nông thôn và thành thị. Không nghi ngờ gì, Tự lực văn đoàn chỉ là một trong số nhiều nhóm văn chương – văn hóa có ảnh hưởng trước cách mạng, nhưng cái nhìn của họ thể hiện sự hạn chế của không ít trí thức, văn nghệ sĩ thời đó. Hoàn cảnh xã hội và nền giáo dục tạo nên sự đứt gãy về văn hóa giữa nông thôn và thành thị và giữa các tầng lớp xã hội, tạo nên tình trạng không hiểu nhau về văn hóa. Chính vì vậy, khi bước vào kháng chiến, đi theo kháng chiến, khi đứng về phía nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những trí thức, văn nghệ sĩ ấy đã phải trải qua một quá trình “lột xác”, “nhận đường” vô cùng vật vã, để từ bỏ cách nhìn đời, nhìn người mà họ vốn có để đứng về phía với nhân dân, yêu thương và thấu hiểu nhân dân, để nhìn thấu những phần tốt đẹp ẩn sâu sau những vẻ bề ngoài nhiều khi là tưởng như thô kệch của người bình dân.

2. Ðầu thế kỷ 21, lịch sử đã sang trang với rất nhiều thay đổi theo hướng phát triển. Và chính lúc này xuất hiện một số hiện tượng khiến những người quan tâm tới vấn đề đặt ra câu hỏi: dường như “đôi mắt cũ” lại đang có cơ hồi sinh? Có thể nói, với sự ra đời và hỗ trợ của các phương tiện mới mà điển hình là truyền hình – nơi có thể chuyển tải đủ mọi thể loại từ phim nhiều tập, phim hài tình huống, đến những show tấu hài được phổ biến rộng rãi, cùng điện ảnh và nhiều hình thức giải trí mang tính đại chúng khác như hài kịch, tạp kĩ,… xu hướng “hài hước hóa và bôi bác một cách thô kệch” đang có nguy cơ trở thành mục tiêu được nhiều nghệ sĩ theo đuổi. Các chương trình giải trí này tập trung khai thác hình ảnh các cộng đồng có tính dị biệt, như: người nông dân sống trong những môi trường được đánh giá là lạc hậu hơn so với thành phố; người đồng tính hoặc chuyển giới; những địa phương có thổ ngữ đặc biệt, hoặc những cộng đồng nghề nghiệp đặc biệt, kể cả văn nghệ sĩ (mà cụ thể nhất là nhà thơ!). Các nhân vật đại diện cho các cộng đồng này được xây dựng bằng những công thức tương đối cố định, như: người nông dân nói chung thì tham lam và lố bịch; người phụ nữ ở nông thôn thì đanh đá, chua ngoa và khôn vặt; người đồng tính hay người chuyển giới thì ẻo lả, nửa nam nửa nữ. Thậm chí, cố tình để nhân vật nói ngọng, “cấp” cho nhân vật bộ răng xấu xí, hoặc mặc những quần áo bệ rạc,… nhằm tạo ra tiếng cười nhạt nhẽo. Còn với một số cộng đồng nghề nghiệp, nhiều định kiến mang tính đặc thù được khai thác triệt để như sự mơ mộng đến kỳ quặc của giới văn nghệ sĩ hay thói thời thượng thô tục của doanh nhân. Sự tô đậm đó hầu hết chỉ nhằm mục đích duy nhất là tạo nên cái cười cho công chúng. Không thể phủ nhận rằng, các sản phẩm văn hóa này gắn liền với một số hiện tượng lệch lạc nhất định vẫn đang tồn tại trong xã hội, nhưng mặt khác, sự lạm dụng các yếu tố nói trên bắt đầu tạo nên những lối mòn, những khuôn sáo về mặt văn hóa, thể hiện sự lười nhác trong sáng tạo và trong nhiều trường hợp, còn là sự kỳ thị, đặc biệt là khi dạng nhân vật kiểu này thường được gắn với một vài khuôn mặt diễn viên có lợi thế trong việc thể hiện sự lố bịch và lệch lạc. Như vậy là sau gần một thế kỷ, dường như một số ngăn cách về văn hóa vẫn đang tồn tại trong xã hội, tất nhiên, dưới một hình thức khác; đáng tiếc là sự ngăn cách ấy lại được đào sâu bởi một số văn nghệ sĩ – những người lẽ ra phải là chủ thể tích cực của quá trình xóa bỏ ngăn cách về văn hóa.

3. Xem xét sự lặp lại sau hơn nửa thế kỷ của một loại hiện tượng văn hóa tưởng chừng đã khuất bóng theo thời gian, có thể nhận thấy những khác biệt quan trọng. Nếu trước kia một số văn nghệ sĩ, đi đầu là Tự lực văn đoàn, có tham vọng cải cách xã hội và đối tượng họ hướng tới trước hết là nông thôn, thì ngày nay, khi yếu tố thị trường gắn liền với sản phẩm văn học – nghệ thuật thì động cơ lợi nhuận và kinh doanh lại được “nhập nhằng” với động cơ về xã hội, đạo đức (cải tạo xã hội, phê phán thói hư tật xấu). Cho nên, so với giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dường như giờ đây động cơ lợi nhuận đang là yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất những sản phẩm văn hóa kiểu này. Hơn nữa, trước đây, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự lệch lạc trong cái nhìn của một số văn nghệ sĩ luôn được điều chỉnh bởi các giá trị của nền văn hóa mang tính chính thống, văn hóa dòng chính (mainstream). Ðường lối văn nghệ mang tính chính thống luôn đòi hỏi văn nghệ sĩ phải có những đấu tranh mang tính tự phê bình, từ đó điều chỉnh các lệch lạc trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tất nhiên, không thể phủ nhận, hiện tượng lãnh đạo văn nghệ một cách cứng nhắc cũng có thể đẩy tới tình trạng công thức, giáo điều – những vấn đề đã được công khai và thẳng thắn phê bình ngay từ giai đoạn đầu của thời kỳ Ðổi mới. Và rõ ràng, sự điều chỉnh đó đã có tác động tích cực. Hiện nay, không thể nói sự lãnh đạo văn nghệ không được quan tâm, thậm chí buông lỏng. Tuy nhiên, văn học – nghệ thuật vận động theo các quy luật riêng, và việc điều chỉnh những lệch lạc trong sáng tạo văn học – nghệ thuật không thể chỉ bằng con đường mệnh lệnh hành chính, mà còn phải thông qua việc phổ biến, sự vang vọng của những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và chất lượng về nghệ thuật. Trong thời gian vừa qua, đã xuất hiện một số tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ phim điện ảnh, ảnh báo chí, truyện phi hư cấu (tự thuật) tới truyện hư cấu đã cung cấp cái nhìn phân tích từ bên trong các đề tài nói trên (người nông thôn, người đồng tính chuyển giới, những cộng đồng có tính thiểu số…). Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận áp lực của thị trường, sự thiếu vắng những cây bút phê bình văn học – nghệ thuật có tiếng nói và khả năng thuyết phục công chúng đã khiến những tác phẩm này chưa có sức tác động đủ mạnh trong đời sống văn học – nghệ thuật, giúp làm thay đổi thị hiếu của công chúng và qua đó, tác động đến các sáng tác văn học – nghệ thuật khác.

Vậy là, từ câu chuyện một loại hiện tượng và một nhóm sản phẩm văn hóa có tính chất tương đối đặc biệt, có thể thấy một trong các vấn đề của đời sống văn học – nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay không chỉ là vấn đề quản lý văn hóa, hay hạn chế xu hướng chỉ đạo sáng tạo văn học – nghệ thuật bằng mệnh lệnh hành chính mà còn là việc bảo hộ, tạo ra môi trường thuận lợi cho các tác phẩm tích cực, có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật có thể đến với công chúng rộng rãi. Và dù thế nào thì, một trong những yếu tố cơ bản, có vai trò quyết định đối với kết quả sáng tạo văn học – nghệ thuật là vẫn là “đôi mắt” của văn nghệ sĩ. Việc phê phán, châm biếm các thói hư tật xấu, các hiện tượng tiêu cực lạc hậu,… từ phương diện văn học – nghệ thuật luôn có tác động tích cực tới đời sống xã hội. Tuy nhiên,  sự phê phán phải bằng “đôi mắt” hướng về nhân dân. Văn nghệ sĩ luôn đi cùng nhân dân, sáng tạo vì nhân dân, không sa vào xu hướng chạy theo các thị hiếu tầm thường và cái nhìn lệch lạc.

Theo PHẠM TIẾN HÙNG / NHÂN DÂN ONLINE

Tags: