⠀
Về cuộc khủng hoảng sinh thái ở TP HCM
Hiện nay trên thế giới đang trong giai đoạn “toàn cầu hóa” của một “xã hội thông tin và lập trình”. Xã hội thông tin và lập trình với muôn ngàn mặt của nó dẫn tới hiện tượng đô thị hóa các “thánh phố cực lớn”. Sự phát triển của thành phố cực lớn luôn đi đôi với khủng hoảng sinh thái đô thị.
Bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng.
Đô thị hóa, khủng hoảng sinh thái và phát triển bền vững
TP trong quá trình phát triển dường như môi trường xây dựng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Dân cư, nước, không khí là những yếu tố nổi bật của môi trường tự nhiên chịu tác động của đô thị hóa (hệ quả tất yếu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa).
Đô thị hóa tất yếu dẫn đến tăng dân số, tăng mật độ trong không gian đô thị và ô nhiễm công nghiệp dẫn đến việc hủy hoại tài nguyên thiên nhiên là nước và không khí ngày càng gia tăng.
Đô thị hóa dẫn tới phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp. Cái nghèo nằm trong bản chất của “TP cực lớn” đương đại. Chỗ ở tạm bợ, lụp xụp coi như đã được định sẵn cho người nghèo. Các khu nhà ở tạm bợ, lụp xụp đều ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường.
Đô thị hóa ngày càng gia tăng tất yếu gây ra khủng hoảng sinh thái. Vì vậy, phát triển bền vững có mục tiêu sẽ làm giảm được khủng hoảng này. Phát triển bền vững có nghĩa là lập dự án thỏa mãn nhu cầu của dân số hiện tại mà không gây phương hại đến khả năng tự thỏa mãn của thế hệ tương lai. Vì vậy, ngay bây giờ chúng ta phải xác định rõ là phát triển bền vững gồm ba chiều không tách rời nhau, gồm: môi trường, kinh tế và xã hội.
TP HCM và khủng hoảng sinh thái
TP.HCM đang có xu hướng phát triển thành “TP cực lớn – khổng lồ” (10 triệu dân). Do hậu quả của chiến tranh trước đây và quá trình đô thị hóa ngày nay thành phố đã phát sinh ra nhiều vấn đề môi trường nhức nhối.
Thoát nước và xử lý nước thải:
Nước thải và nước mưa đều chảy chung vào đường cống và được đổ ra kênh rạch và cuối cùng là đổ ra sông Sài Gòn. Nước thải sinh hoạt và công nghiệp ô nhiễm đang hằng ngày đổ ra các kênh rạch và sông mà không qua xử lý, hơn nữa rác thải sinh hoạt xả vào các kênh từ 15.000 căn hộ tạm bợ, lụp xụp ở trên và ven kênh rạch (mặc dù TP đã cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm và một phần kênh Tàu Hủ-Bến Nghé).
Việc nạo vét không triệt để các kênh thoát nước đã gây ô nhiễm và mùi hôi đáng kể, đồng thời gây ra tình trạng ngập lụt khá trầm trọng khi mưa xuống, lúc triều lên làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và cuộc sống của cư dân.
Nguồn nước mặt:
Nguồn nước mặt phần thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đã bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, dinh dưỡng do nước thải sinh hoạt, nước rửa trôi từ sản xuất nông nghiệp và nước thải từ các cơ sở công nghiệp ở thượng nguồn sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Cạnh đó, tốc độ khai thác nước ngầm vượt quá giới hạn cho phép có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này sẽ mất ít nhất 30% lượng nước cấp cho TP và tạo ra nguy cơ lún sụp nền đất.
Chất lượng không khí:
Tại TP.HCM, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí hiện nay và trong tương lai là khí thải giao thông, cơ sở hạ tầng yếu kém và khí thải công nghiệp của các ngành công nghiệp ô nhiễm nghiêm trọng. Tình hình trên cho thấy tất yếu đã gây ra khủng hoảng sinh thái đô thị.
Đối phó khủng hoảng sinh thái trong giai đoạn biến đổi khí hậu (BĐKH)
Để đối phó với tai họa này, một trong những biện pháp đáng lưu ý nhất là phát triển bền vững. Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững TP đã đề ra “Chiến lược quản lý môi trường” với nhiều chương trình mục tiêu. Song ở đây chỉ đề cập đến các chương trình có liên quan đến BĐKH bởi Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai này, nước biển dâng sẽ khiến 11% diện tích đất bị ngập và 9 triệu dân số phải tái định cư.
Chương trình thoát nước đô thị:
Tiếp tục cải tạo kênh rạch và hoàn thành hệ thống thoát nước mới, tạo ra các hồ điều hòa và cải tạo hệ thống bơm chống ngập. Song phải tính đến mực nước biển dâng cao vì nó làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt ở TP và làn sóng “di dân vì khí hậu” vào TP, không thể để tái diễn tình trạng định cư bất hợp pháp trên và ven kênh rạch.
Chương trình bảo vệ nguồn nước:
Sử dụng tiết kiệm nước và giảm lưu lượng khai thác. Cải thiện chất lượng nước mặt tại khu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Phải tính đến khả năng nhiễm mặn nguồn nước khi nước biển dâng lên.
Chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí:
Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ sản xuất công nghiệp và giao thông ở mức dưới chuẩn của “TP carbon thấp” để Việt Nam có “hạn ngạch” phát thải khí nhà kính. BĐKH sẽ làm trầm trọng thêm khủng hoảng sinh thái. Do đó cần thực hiện một số ưu tiên cấp bách với phương pháp tiếp cận mới:
TP cần điều chỉnh không gian quy hoạch kết hợp với nông thôn đồng thời trong “vùng đô thị cực lớn” bao gồm cả đồng bằng sông Cửu Long. “Chính quyền TP lập huy hoạch, cộng đồng dân cư (công dân và doanh nghiệp) tham gia quy hoạch TP”.
Cần lồng ghép ngay vấn đề BĐKH vào các kế hoạch đầu tư trong cả khu vực công và tư, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. “Phát triển bền vững là điểm kết thúc của cách quản lý và nghiên cứu đơn ngành hoặc đa ngành và mở đường cho loại quản lý và nghiên cứu liên ngành, thậm chí xuyên ngành. Đây là một thách thức lớn bởi tính đơn ngành hoặc đa ngành đã in sâu vào ý thức của các cơ quan quản lý và nghiên cứu, phải phân tích thực tại phức tạp, rộng lớn hơn nhiều so với những gì mà họ đã phải đối đầu cho đến nay”.
—————————
Tài liệu tham khảo:
Đô thị hóa, khủng hoảng sinh thái và phát triển bền vững – nhiều tác giả 2001, NXB Trẻ.
Chiến lược quản lý môi trường đến 2010 – UBND TP.HCM, 2002.
Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị – Nguyễn Đăng Sơn, 2005 và tập 2, 2006, NXB Xây dựng.
Vùng đô thị cực lớn ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Sơn, 2008. Low Carbon Cities – 45th World Congress Poto Portugal, 18-22 Octorber 2009. Hội nghị lần thứ 15 của LHQ về BĐKH-COP 15-Copenhagen, 7-12-2009.
Theo PHÁP LUẬT TPHCM (2009)
Tags: Biến đổi khí hậu, Ô nhiễm môi trường, TP HCM, Đô thị