⠀
Về cuộc khủng hoảng dân số được báo trước của Trung Quốc
Các nhà nhân khẩu học dự đoán quy mô dân số của Trung Quốc sẽ bắt đầu thu hẹp trong năm nay, một bước ngoặt có thể ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách kinh tế của chính phủ.
Có một sự thay đổi lớn đang diễn ra tại Trung Quốc, Financial Times nhận định.
Các nhà nhân khẩu học dự đoán quy mô dân số quốc gia đông nhất thế giới sẽ bắt đầu thu hẹp trong năm nay. Đây được đánh giá là bước ngoặt với những ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của quốc gia này.
Dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng sẽ “tăng tốc” trong thời gian tới, ảnh hưởng tới các lợi thế kích thích tăng trưởng và quản lý khủng hoảng kinh tế của Bắc Kinh.
Tính hai mặt
Trong vòng 5 năm tới, nhóm đầu tiên làm cha mẹ trong thời kỳ “chính sách một con” bắt đầu từ năm 1980 – hiện trong độ tầm tuổi 60-70, sẽ bắt đầu chạm mốc 80 tuổi.
Theo Oer Services, dân số trưởng thành lớn tuổi có thể chia làm 3 nhóm nhỏ hơn, gồm young-old (từ 65-74 tuổi), middle-old (khoảng 65-84 tuổi) và old-old (trên 85 tuổi).
Do đó, Wang Feng – chuyên gia về thay đổi nhân khẩu học Trung Quốc tại Đại học California, Irvine – cho hay việc quy mô nhóm “old-old” – nhóm có khả năng cao mắc các căn bệnh mạn tính cần chi phí điều trị tốn kém – ngày càng tăng đồng nghĩa với việc sẽ cần tới sự chăm sóc nhiều hơn từ cả con cái lẫn chính phủ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương phải vật lộn để đáp ứng chi phí chăm sóc xã hội và y tế. Chi tiêu của Trung Quốc vào hệ thống Zero COVID-19 tăng vọt, giữa lúc doanh thu thuế từ lĩnh vực bất động sản giảm mạnh.
“Nếu tình hình này tiếp tục, Trung Quốc làm thế nào để có thể duy trì các khoản chi trả lương hưu cho nhóm dân số già ngày càng đông này?”, ông Wang đặt câu hỏi.
Tuy vậy, không phải tất cả chuyên gia đều bi quan về tác động của dân số già tới nền kinh tế.
Jane Golley – nhà kinh tế học Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia – nhận định số lượng người trong độ tuổi lao động giảm là hệ quả tất yếu khi đất nước phát triển kinh tế.
“Lực lượng lao động nhỏ bớt có nghĩa là nguồn cung lao động giảm, khiến người lao động có thể đòi hỏi mức lương cao hơn. Tăng trưởng GDP trên đầu người sẽ vượt qua tăng GDP nói chung khi dân số Trung Quốc giảm”, bà nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cảnh báo Trung Quốc có thể mất lợi thế về chi phí trong sản xuất nếu không chuyển sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng như các nền kinh tế phát triển khác.
“Một con là đủ”
Theo South China Morning Post, từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 2010, chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách một con. Theo phát ngôn viên của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc vào năm 2013, chính sách này đã làm giảm 400 triệu dân số của đất nước.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm trong nhiều năm. Trong giai đoạn 2012-2021, số trẻ sơ sinh mỗi năm giảm hơn 45%, xuống còn 10,6 triệu.
Năm 2016, Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh đẻ trên toàn quốc. Kể từ đó, chính quyền địa phương đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản và đưa ra các khoản trợ cấp cho các bậc cha mẹ.
Năm ngoái, Trung Quốc – quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất trong số các nền kinh tế lớn – đã thắt chặt kiểm soát quy định phá thai không vì mục đích y tế. Các chuyên gia cảnh báo giới chức có thể sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế khả năng phụ nữ tiếp cận thủ thuật phá thai.
Dù vậy, những phương án khuyến khích sinh sản của Trung Quốc không có nhiều tác động, đặc biệt là sau đại dịch và chính sách Zero COVID-19 nghiêm ngặt phần nào ảnh hưởng tới cách nhìn của người trẻ tuổi về việc kết hôn và sinh con.
Yi Fuxian – chuyên gia sản khoa tại Đại học Wisconsin-Madison – cho biết tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nỗi sợ phong tỏa kéo dài đã khiến các cặp đôi trẻ trì hoãn kết hôn và sinh con. Ông ước tính điều này sẽ làm giảm 1 triệu ca sinh ở Trung Quốc trong cả năm 2021 và 2022.
“Chính sách Zero COVID-19 làm giảm đáng kể mong muốn sinh con của nhiều người”, ông Yi nói.
Trung bình mỗi cặp vợ chồng cần có 2,1 đứa con để dân số một quốc gia duy trì ổn định. Thế nhưng, cô Li – một bà mẹ 34 tuổi ở tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc – là một trong số hàng chục triệu phụ huynh quyết định chỉ đẻ một con.
Cô Li (từ chối dùng tên thật) có một đứa con ba tuổi. Gần đây, cô đã quay lại làm bán thời gian tại các điểm du lịch địa phương. “Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ giống như cái hố không đáy”, người phụ nữ 34 tuổi chia sẻ.
Nguyên nhân chính là do giá bất động sản tăng cao và chi tiêu nhiều cho giáo dục. Theo YuWa Population Research – một tổ chức tư vấn của Trung Quốc, tổng chi phí trung bình nuôi dạy một đứa trẻ tại quốc gia này gần gấp 7 lần GDP bình quân đầu người, so với 4 lần tại Mỹ.
Mối lo về chi phí chăm sóc con cái càng tăng do những vụ phong tỏa phòng dịch. Thu nhập từ người chồng làm thợ cắt tóc của cô Li đã sụt giảm khi tiệm của anh buộc phải đóng cửa kéo dài hồi mùa xuân do Cát Lâm phong tỏa.
“Một con là đủ. Chúng tôi không có tiền hay sức lực để nuôi thêm đứa con nào nữa”, cô nói.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Trung Quốc, Dân số