Về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung

Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung hiện nay đã bước sang thời kì mới, đó là cạnh tranh chiến lược có mục tiêu lâu dài khi Mỹ và Trung Quốc đã định vị lại quốc gia của mình và quan hệ giữa hai bên.

Về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung

Ghi lại từ bài nói chuyện của ông Phạm Quang Vinh – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ từ 2014 – 2018.

Chuyển hoá ngay trong lòng nước Mỹ

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, khác với các cuộc bầu cử trước đây trong lịch sử nước Mỹ.

Hoàn cảnh đặc biệt đó là, nước Mỹ đang có những cuộc khủng hoảng đa chiều cùng lúc diễn ra dịch bệnh COVID-19 với hơn 6 triệu người nhiễm virus corona và gần 200 ngàn người chết, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội.

Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến vấn đề bầu cử Mỹ hiện nay, tạo ra sự chuyển hoá ngay trong lòng nước Mỹ, tạo ra lợi thế cũng như bất lợi thế cho các ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden.

Nước Mỹ đã có sự chuyển hoá sâu sắc, trong đó có cấu trúc về cử tri, định vị của cử tri về lợi ích nước Mỹ. Điều đó được thể hiện rõ nét qua cuộc bầu cử 2016. Lúc đó, Tổng thống Barack Obama muốn chốt hiệp định Thương mại TPP nhanh nhưng cả hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton đều cho rằng khó để Mỹ thông qua hiệp định này.

Nếu trước đây phía Dân chủ ủng hộ tầng lớp bình dân Mỹ, phía Cộng hoà ủng hộ lớp người giàu có thì bầu cử năm 2016 đã khác, nổi lên những vấn đề khác như màu da, lứa tuổi, nông thôn, thành thị…

Trong bầu cử 2016, người dân Mỹ chán nản với “chính trị dòng chính”, muốn tìm sự khác biệt nên bỏ phiếu cho ông Trump, tỷ phú chưa từng có kinh nghiệm làm chính trị. Đến bầu cử năm nay, cử tri Mỹ tỏ ra chán nản với đình trệ kinh tế và phong toả do đại dịch, họ có thể trông đợi những chiến lược cụ thể của ông Biden.

Tuy nhiên, sau đại hội của đảng Dân chủ và Cộng hoà, cả hai đều không tạo được cú hích đáng kể nào, vì thế cử tri còn trông chờ vào nỗ lực vận động ở hiện trường và tranh luận trực tiếp của hai ứng cử viên Trump và Biden sắp tới để đưa ra quyết định bỏ phiếu cho ai.

Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra sự khác biệt cho cuộc bầu cử năm nay. Nếu trước đây các ứng cử viên trực tiếp tiếp xúc với cử tri thì bây giờ chỉ tương tác qua mạng. Chỉ giai đoạn tới đây mới bắt đầu đi vận động trực tiếp.

Có 3 nhân tố có thể tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Thứ nhất là nhóm cử tri chưa lên tiếng. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận về 2 ứng viên từ cuối tháng 5 đến nay không có đột biến nào, ông Joe Biden duy trì đà dẫn trước ông Trump. Điều đó dường như cho thấy “nhóm chưa lên tiếng vẫn im lặng”, chưa bày tỏ ủng hộ đại diện đảng Cộng hòa hay Dân chủ.

Thứ hai, tín hiệu kinh tế Mỹ phục hồi sau thời gian dài ngưng trệ do ảnh hưởng của COVID-19. Nếu Mỹ có tín hiệu mở cửa, tỷ lệ thất nghiệp tạm thời sẽ được cải thiện đáng kể, nhiều người dân sẽ có thu nhập để trang trải các chi phí cơ bản như tiền nhà. Khi đó, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ có cơ giành chiến thắng lớn hơn so với đối thủ Biden.

Thứ ba là sự cố bất ngờ, ví dụ như một cuộc bạo động quy mô lớn liên quan đến chủng tộc, sự cố của cá nhân ông Trump hoặc ông Biden sẽ tác động mạnh đến kết quả bầu cử.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung  

Câu chuyện cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc không phải bây giờ mới có. Mỹ đã định hình cách ứng xử, quan hệ với Trung Quốc suốt gần 5 thập kỉ qua, Mỹ xác định phải quan hệ với Trung Quốc, song quan hệ thế nào để vẫn giữ được vai trò lãnh đạo của mình.

Tuy nhiên, đến năm 2017, nước Mỹ đã nhìn nhận lại cách ứng xử đó và thấy rằng cần có cách ứng xử mới trong quan hệ với Trung Quốc, tạo ra cạnh tranh mới giữa hai bên nhưng giá trị cốt lõi vẫn là can dự tích cực.

Từ khi chính quyền Donald Trump lên cầm quyền với 3 giai đoạn chính: Định hình chiến lược tranh cử sang chính sách từ năm 2017 đến nửa đầu năm 2018; Chiến lược an ninh quốc gia tháng 12/2017; Chiến lược quốc phòng 12/2018, có thể thấy xuyên suốt là việc quan hệ với các nước lớn và chú ý nhiều đến Trung Quốc, Nga.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018-2019 manh nha theo nhiều hướng. Câu chuyện về Huawei cũng xuất phát từ đó. Các bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ và các nhân vật chóp bu trong chính quyền Mỹ gần đây cho thấy cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc. Chẳng hạn, phát biểu ngày 16/5 của Phó Tổng thống Mỹ đã nói rõ, Trung Quốc là “thách thức lớn nhất”. Tuy nhiên, dù cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên diễn ra trên nhiều mặt trận nhưng vẫn có không gian để hai bên hợp tác với nhau.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung hiện nay đã bước sang thời kì mới, đó là cạnh tranh chiến lược có mục tiêu lâu dài khi Mỹ và Trung Quốc đã định vị lại quốc gia của mình và quan hệ giữa hai bên.

Về ngắn hạn, nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng cuộc cạnh tranh này sẽ không thể giải quyết sớm trước bầu cử. Về dài hạn, cuộc chiến còn liên quan đến ngôi vị, trật tự thế giới nên cũng không thể giải quyết được một sớm một chiều.

Nhiều câu hỏi đặt ra, do cuộc chiến này liên quan đến cuộc đua vị trí số 1, số 2 thế giới liệu có dẫn đến cuộc chiến tranh Lạnh mới không? Tôi cho rằng dường như Mỹ và Trung Quốc sẽ không có nhiều lợi ích nếu để xảy ra cuộc chiến tranh Lạnh, vì vậy có thể 2 quốc gia sẽ tránh sự “cọ xát có chủ ý”.

Và nếu nhìn lại cuộc chiến tranh Lạnh thời Mỹ – Liên Xô, bây giờ nhiều thứ khác hơn đang diễn ra. Chiến tranh Lạnh Mỹ – Liên Xô đưa cuộc chiến hình thành 2 hệ thống tách biệt và đối lập, giữa họ ít quan hệ với nhau nhưng phải có người bao cấp chi viện. Thời điểm hiện tại khó có chuyện đó.

Mặc dù 2 quốc gia Mỹ – Trung Quốc cạnh tranh vị trí số 1, số 2 với nhau nhưng họ không thể phân định, tách biệt với nhau được. Thế giới tiếp tục đa cực, các quốc gia khác vẫn còn những không gian cho mình để góp phần quyết định cho các vấn đề khu vực và thế giới.

Mỹ đang dùng từ “thách thức” để nói về Trung Quốc, thách thức từ kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh, truyền thông, hay mô hình quản trị quốc gia.

Mặc dù 2 quốc gia cạnh tranh nhau nhưng không coi nhau là kẻ thù, họ vẫn có không gian để hợp tác với nhau nếu cùng chấp nhận những chuẩn mực chung để cùng chia sẻ lợi ích với nhau.

Bản thân cả 2 quốc gia đều mong muốn thế giới nhìn nhận vị trí mới của mình. Các biện pháp tổng thể nêu ra đến giờ phút này có cả những lợi thế lẫn bất cập. Tổng thống Donald Trump tập trung chính vào thương mại, kinh tế và công nghệ, đôi lúc bằng các biện pháp trừng phạt mạnh nhưng vẫn nằm trong những giới hạn dựa trên nền tảng quan hệ Mỹ – Trung Quốc.

Hai nước Mỹ – Trung Quốc chiếm 40% thương mại thế giới. Điều đó cho thấy họ có những lợi ích đan xen với nhau. Câu hỏi đặt ra liệu cuộc chiến thương mại có làm 2  nước tách biệt nhau hay không? Về phía thương mại: Chắc chắn có sự li tán nhưng sẽ không nhiều.

Cuộc chiến công nghệ giữa 2 nước cũng mang tính chất chiến lược hơn. Trung Quốc là nước áp dụng công nghệ, nhưng về mặt sáng tạo công nghệ thì thua Mỹ và châu Âu. Sáng tạo công nghệ mang lại nhiều lợi thế cho Mỹ trên 4 mặt trận: kinh tế, an ninh quốc phòng, quản trị trên mạng và đời thường, truyền thông. Bốn mặt trận đó tạo nên mô hình hệ giá trị cho Mỹ.

Sau cuộc bầu cử Mỹ tới đây, quan hệ 2 nước lớn này sẽ ra sao là câu hỏi mà nhiều nhóm nghiên cứu đặt ra. Đã có nhiều nhóm học giả, nghiên cứu nhận định Trung Quốc là thách thức với lợi ích của Mỹ, thách thức với vị trí toàn cầu của Mỹ.

Cách tiếp cận, xử lí những thách thức đó của ông Biden hay Trump sẽ không giống nhau sau khi thắng cử.

Thông thường nước Mỹ sẽ có những ứng xử với thách thức không chỉ dựa trên sức mạnh của họ mà dựa trên sức mạnh của hệ thống các nước đồng minh. Mỹ sẽ tranh thủ trật tự thế giới hiện tại, trong đó có thể chế toàn cầu và khu vực.

Thách thức cho thế giới

Thứ nhất, phải nhìn nhận rằng 2 nước lớn cạnh tranh nhau sẽ tạo nhiều thách thức cho thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc dù nhiều phức tạp nhưng ta thấy manh nha những cơ hội về an ninh – kinh tế. Chẳng hạn về kinh tế, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng sẽ tạo chuỗi cung ứng mới bằng các liên minh kinh tế mới. Về an ninh, sẽ dựa trên luật lệ, pháp quyền. Đó là những điều mà các nước nhỏ đang rất cần.

Thứ ba, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc là chiến lược tổng thể căng dần lên nhưng họ vẫn hợp tác với nhau, vẫn tạo được khoảng không gian cho các nước khác không buộc phải đứng hẳn về bên nào. Cuộc cạnh tranh đó không phân tuyến đối lập nhau, vẫn còn nhiều sân chơi cho các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác chơi được.

Thứ tư, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc vừa tạo cơ hội cho các quốc gia khác vừa chơi được với Trung Quốc, vừa đa dạng hoá quan hệ chính trị kinh tế.

Thứ năm, xu hướng tiếp tục chủ nghĩa đa phương, cục diện đa phương nhằm thúc đẩy kinh tế, đa dạng hoá luật lệ. Việc lựa chọn giờ đây không phải lựa chọn trên toàn tuyến nhưng với một vấn đề cụ thể có hai cấp để quyết định quyết sách: lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.

Đơn cử, ASEAN muốn quan hệ tốt với Trung Quốc và Mỹ nhưng khi đứng trước việc phải xuất hàng sang Mỹ mà hàm lượng linh kiện xuất xứ có nguồn gốc Trung Quốc thì phải suy nghĩ cân nhắc. Ngay cả Singapore cũng đang phải lưỡng lự lựa chọn công nghệ 5G của Huawei. Ở đây là câu chuyện lợi ích quốc gia, lựa chọn sản phẩm nào tốt cho đất nước mình không có nghĩa là chọn quốc gia nào hay chống quốc gia nào.

Về vấn đề Biển Đông, cần hiểu rất rõ lợi ích của Mỹ trong chiến lược Biển Đông. Mỹ vẫn đặt ưu tiên, quan trọng nhất vẫn là an ninh, an toàn, tự do hàng hải, sự hiện diện vị trí lãnh đạo của Mỹ với toàn cầu… Tuy nhiên, nếu bất cứ quốc gia nào lên tiếng về những hành vi vi phạm chủ quyền ở Biển Đông và nếu Việt Nam phải lên tiếng thì không có nghĩa là Việt Nam chọn bên này hay bên kia mà Việt Nam chọn chính quan điểm đó mà thôi.

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động trên Biển Đông. Chúng ta phải rất tách biệt, rõ ràng giữa chuyện cạnh tranh Mỹ – Trung và chuyện chủ quyền biển đảo để có cách ứng xử đúng đắn.

Với các nước ASEAN, cách ứng xử dựa trên luật pháp quốc tế là quan trọng.

Thứ sáu, đà quan hệ Việt – Mỹ suốt 25 năm qua đã được củng cố dựa trên nền tảng cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà.

Việt Nam đã đổi mới, hội nhập nâng cao được vị thế vai trò của mình trên trường quốc tế, nhất là trong khu vực. Vì vậy, dù ai lên làm Tổng thống Mỹ cũng đều nhận thấy được giá trị chiến lược của Việt Nam và đều mong muốn quan hệ với Việt Nam. Họ thấy giá trị trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Những gì trở thành đan xen song trùng lợi ích đã được Việt Nam – Hoa Kỳ xây dựng nền tảng quan hệ trong suốt 25 năm qua.

Thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế hơn các nước khác trong khu vực. Thời kì đàm phán TPP, các tập đoàn Mỹ đến Việt Nam trong sự phấn khởi vì họ nhìn thấy tương lai Việt Nam, nhìn thấy đà quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp.

Cho dù mỗi chính quyền mới của Mỹ sẽ có cách tiếp cận khác nhau nhưng hãy tin rằng, chính quyền Mỹ vẫn giữ được đà quan hệ Việt – Mỹ như hiện nay.

Theo VIETNAMNET 

Tags: ,