Về bản Sonata piano số 17 của Beethoven

Bản Sonata piano số 17 “Giông tố” được Beethoven sáng tác trong khoảng thời gian 1801-1802 và được đánh giá là một trong những tác phẩm ưu tú của ông.

Về bản Sonata piano số 17 của Beethoven

Tác giả: Ludwig van Beethoven.

Tác phẩm: Sonata piano số 17 “Giông tố” giọng Rê thứ, Op. 31, No. 2

Thời gian sáng tác: Năm 1801-1802.

Độ dài: Khoảng 23 phút.

Tác phẩm có 3 chương:
– Chương I – Largo – Allegro (Rê thứ)
– Chương II – Adagio (Si giáng trưởng)
– Chương III – Allegretto (Rê thứ)

Nhiều tác phẩm của Beethoven được gắn với một cái tên không phải do nhà soạn nhạc đặt ra nhưng vì những lý do này khác, cuối cùng chúng cũng trở thành nhưng tên gọi chính thức của tác phẩm đó. Ví dụ như bản Sonata piano số 14 “Ánh trăng” hay Concerto piano số 5 “Hoàng đế”. Bản Sonata piano số 17 “Giông tố” của ông cũng là một trường hợp như vậy. Nguồn gốc của cái tên này xuất phát từ thư ký của Beethoven, Anton Schindler khi ông hỏi nhà soạn nhạc về những gợi ý cho tác phẩm này cũng như bản Sonata piano số 23 “Appassionata”, Beethoven đã trả lời hãy đọc vở kịch Giông tố của Shakespeare. Mặc dù phần lớn thông tin do Schindler đưa ra đều bị các nhà nghiên cứu âm nhạc nghi ngờ về độ chính xác, nhưng không phải không có người nhìn thấy sự tương đồng giữa hai tác phẩm. Học giả nổi tiếng người Anh Donald Tovey đã viết trong cuốn “Sổ tay về các sonata piano của Beethoven” đã nhận xét: “Với tất cả sức mạnh bi kịch trong chương I bản sonata piano giọng Rê thứ (số 17), như Prospero (nhân vật trong Giông tố của Shakespeare) hầu như đã vượt qua thảm kịch, vượt qua thời tiết xấu. Bạn sẽ chẳng có hại gì khi nghĩ đến Miranda trong ô nhịp 31-38 của chương chậm…”.

Bản Sonata piano số 17 được Beethoven sáng tác trong khoảng thời gian 1801-1802 và được đánh giá là một trong những tác phẩm ưu tú của ông, dù rằng danh tiếng của nó có phần lu mờ khi xuất hiện những bản sonata piano số 21 “Waldstein” hay 23 “Appassionata” ngay sau đó. Đây cũng gần với thời điểm Beethoven viết bản chúc thư nổi tiếng Heiligenstadt, cho thấy căn bệnh điếc bắt đầu hành hạ ông nhưng cũng là sự khởi đầu cho cái gọi là “thời kỳ giữa” hay “thời kỳ anh hùng” – một giai đoạn mà Beethoven đạt được năng suất và sức sáng tạo cao nhất, kéo dài cho đến năm 1813. Nhiều sự cách tân trong các hình thức và thể loại khác nhau (trong đó có sonata) diễn ra trong khoảng thời gian này.

Tác phẩm là bản sonata piano duy nhất được Beethoven sáng tác ở giọng Rê thứ nhưng cùng chia sẻ giọng này với một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của ông – bản giao hưởng số 9. Sonata piano số 17 có cấu trúc theo đúng hình dạng của một bản sonata cổ điển gồm 3 chương với chương đầu và chương cuối ở dạng sonata và chương giữa là một sonatina (sonata không có phần phát triển). Trên thực tế, tác phẩm sở hữu phần âm nhạc thuần tuý nổi bật. Việc cảm thụ tác bản sonata hoàn toàn không phụ thuộc vào tên gọi Giông tố của bản nhạc.

Chương I bắt đầu với một đoạn Largo ngắn chỉ với 2 ô nhịp với một hợp âm rải chậm rãi. Ngay sau đó bắt đầu phần Allegro tương phản đầy kích động, “cơn bão” xuất hiện. Đây chính là chất liệu âm nhạc chính của chủ đề đầu tiên của chương nhạc. Nghệ sĩ biểu diễn được yêu cầu thể hiện sự tài tình và đa dạng trong nghệ thuật trình tấu giữa “cơn bão” với những khoảnh khắc yên bình ngắn ngủi đan xen. Phần Largo đầu chương được trở lại nhiều lần trong phần sau, đặc biệt được mở rộng trong phần tái hiện như là một giai điệu hát nói (recitative) – điềm báo cho giai điệu oboe nổi tiếng trong chương I bản giao hưởng số 5 của Beethoven sau này.

Chương II Adagio là một trong những chương chậm tuyệt vời của Beethoven. Czerny mô tả nó là “cao quý”. Chương nhạc sở hữu một tính chất quý phái, êm ái như có tác dụng làm dịu bớt những căng thẳng của chương I và cũng giống như chương trước, được mở đầu bằng một hợp âm rải cùng chất liệu nhưng được xây dựng ở giọng Si giáng trưởng. Chương nhạc tiến triển trong sự pha trộn đẹp đẽ đến nhức nhối giữa nhiều cảm xúc lẫn lộn: ấm áp, mất mát, dịu dàng và u uất. “Cơn bão” xuất hiện trở lại ngắn gọn qua các hợp âm rải của chùm nốt móc tam trong phần giữa chương.

Chương III là một sonata allegro trở lại với chủ âm Rê thứ với phần mở đầu khá duyên dáng, là một trong những giai điệu dễ nhớ và ấn tượng nhất của Beethoven. Tuy nhiên đến lần lặp lại đầu tiên, âm nhạc trở nên “giông bão” hơn. Nếu dựa vào tiêu đề của tác phẩm, chương I có lẽ là sự đối mặt của người nghệ sĩ với toàn bộ cơn bão thịnh nộ của số phận thì chương cuối có lẽ là niềm vui sướng khi đã vượt qua được những khó khăn gian khổ của cuộc hành trình. Tác phẩm khép lại với những hợp âm rải nhẹ nhàng ở giọng Rê thứ.

Bản Sonata piano số 17 cùng với hai người anh em của mình: số 16 và 18 là bộ ba được xuất bản vào năm 1803 tại Thuỵ Sĩ và đều được đánh số Op. 31. Beethoven nổi tiếng là nhà soạn nhạc trong cùng một giai đoạn có thể tạo ra những tác phẩm âm nhạc có tính chất tương phản nhau. Điển hình là bản giao hưởng số 5 với số 6. Trong trường hợp này cũng vậy, bản sonata piano số 17 nhiều kịch tính được đặt giữa 2 tác phẩm nhẹ nhàng hơn.

Theo COBEO / NHACCODIEN.VN 

Tags: , ,