⠀
Vành đai và Con đường của Trung Quốc: Con đường bất ổn toàn cầu
Tạp chí Forbes gọi đây là “Con đường rắc rối toàn cầu”. Một số quốc gia rơi vào nợ nần chồng chất khiến triển vọng phát triển ngày càng tăm tối. Những nước khác chỉ nhận ra rằng họ đã mất quyền kiểm soát các dự án của mình sang tay Trung Quốc khi rơi vào tình thế không thể trả được nợ mới.
Tác giả: Tiến sỹ Terry F. Buss.
Biên dịch: Đào Thuý.
Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – đây chỉ là cách vận dụng ngôn ngữ hiện đại để gọi tên một dự án sao chép lại các tuyến đường bộ và hàng hải của Con đường tơ lụa cổ đại nối Trung Quốc với châu Âu qua Nam Á và Trung Đông. Trung Quốc sẽ đạt đến đỉnh cao ở vị thế lãnh đạo toàn cầu sau nhiều thập kỷ tìm kiếm thông qua việc giúp các quốc gia đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông với những vô số lợi ích kinh tế đầy hứa hẹn cho tất cả các bên.
Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản vay “ước tính” khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ cho 126 quốc gia “chiến lược” để giúp các nước này xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng bao gồm cảng biển, sân bay, kho chứa và đường cao tốc chạy dọc theo Con đường Tơ lụa như một “chuỗi ngọc trai”.
Một trật tự toàn cầu mới
Trung Quốc tin rằng trật tự “tự do”toàn cầu hiện tại đang điều chỉnh các hoạt động tài chính phát triển bao gồm cho vay, đầu tư, thương mại và giải quyết tranh chấp, không phục vụ lợi ích của các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc. Và nước này cho rằng cần phải có một trật tự toàn cầu mới, không bị chi phối bởi các quy tắc, luật pháp, và thông lệ đã lỗi thời. Và rằng, các loại hình đầu tư mới – theo phong cách Trung Quốc – là điều tất yếu.
Thay vì là một “món quà cho thế giới” như Trung Quốc đã hứa hẹn, các nhà phê bình cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường là một món quà cho người Trung Quốc. Trên thực tế, ông Tập đã đưa sáng kiến này vào trong Hiến pháp Trung Quốc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017. Sáng kiến Vành đai và Con đường ra đời không nhằm mục đích bổ sung cho các tổ chức phát triển quốc tế và ngân hàng đa phương hiện thời mà là một giải pháp thay thế dành cho các nước đang phát triển.
Trong những năm đầu, Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc gieo hạt giống phát triển dọc theo Con đường tơ lụa. Tuy nhiên, việc từ bỏ các thực tiễn phát triển “được chấp nhận” rộng rãi đã được đúc kết qua nhiều thập kỷ trong trật tự toàn cầu, cuối cùng đã làm hỏng mô hình thay thế của Trung Quốc. Mô hình này có vẻ chững lại khi các khoản đầu tư thất bại và các nước tham gia bắt đầu rút khỏi chương trình. Thế nhưng bất chấp điều đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh.
Tháng 1 năm nay, đại dịch COVID-19 cực kỳ nguy hiểm bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng trên toàn cầu rất nhanh sau đó. Hậu quả của đại dịch này là sự hủy diệt và hỗn loạn kinh tế, chưa kể đến sự hỗn loạn xã hội, chính trị và văn hóa trên quy mô lớn. Trung Quốc chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến đại dịch.
Sáng Kiến Vành đai và Con đường vốn đang chao đảo lại càng chuyển hướng xấu hơn, có khả năng làm xói mòn những thành quả mà Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được. Nước này hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về đường lối ứng phó trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Những khiếm khuyết cơ bản nào của Sáng kiến Vành đai và Con đường đã khiến ảnh hưởng của đại dịch trở nên tồi tệ? Trung Quốc sẽ chọn con đường nào để khôi phục động lực của mình: “tăng cường hơn nữa” sáng kiến này trong đại dịch hay thiết kế lại để đưa sáng kiến này tiệm cận hơn với các thông lệ toàn cầu đang thịnh hành? Các tổ chức đa phương, các nước đang phát triển, EU và Mỹ sẽ phản ứng thế nào?
Chỉ có Trung Quốc mới biết họ sẽ chọn con đường nào, và còn quá sớm để đánh giá sự lựa chọn của họ là gì. Nhưng dù là gì đi nữa, sinh kế của người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển và đã phát triển cũng đang bị đe doạ.
Vi phạm trật tự toàn cầu để “cho vui và thu lợi”
Khi thiết lập Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc không hề cố gắng che đậy việc nước này nhìn trật tự tự do toàn cầu bằng nửa con mắt. Trung Quốc giao dịch và đầu tư chỉ để làm lợi cho quốc gia. Và Trung Quốc từ chối chấp nhận bất kỳ tổn thất nào.
Khi Sáng kiến này cung cấp một khoản vay thì các dự án thụ hưởng phải sử dụng lao động, vật liệu, dịch vụ vận chuyển và chuyên môn kỹ thuật của Trung Quốc. Quốc gia vay nợ không thấy lợi ích nào từ việc xây dựng này. Ngoài ra, Trung Quốc còn o bế quốc gia vay nợ, ép họ phải tham gia vào chuỗi cung ứng và thị trường của mình khiến các nước này phải lệ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà phê bình gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường là “ngoại giao bẫy nợ”. Trung Quốc thường cung cấp các khoản vay với lãi suất cao hơn mức thị trường. Như vậy, nếu một quốc gia trả hết nợ, Trung Quốc sẽ giàu hơn. Với những nước không có khả năng thanh toán, Trung Quốc sẽ giành quyền sở hữu hoặc kiểm soát các dự án, hoặc thu nợ bằng các tài nguyên có giá trị do quốc gia vay nợ thoả hiệp như vàng, kim loại đất hiếm hoặc dầu mỏ. Zambia đã thoát nợ với Trung Quốc bằng cách chuyển giao các mỏ đồng của mình cho các chủ nợ Trung Quốc.
Không giống như các ngân hàng đa phương, Trung Quốc thực hiện cho vay đối với các quốc gia có xếp hạng tín dụng nghèo hoặc “cấp thấp”. Việc này giúp Trung Quốc có nhiều cơ hội giành quyền kiểm soát một dự án khi các nước vay nợ chắc chắn thất bại.
Trung Quốc thực hiện các khoản vay từ các “ngân hàng chính sách”, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, các ngân hàng quốc doanh, các quỹ đầu tư thuộc sở hữu chính phủ và hàng chục ngân hàng đặc biệt. Hoạt động cho vay được trợ cấp ở mức cao, được quy định và kiểm soát bởi hệ thống chính trị. 40% nợ trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của các tổ chức khác. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng cấp vốn cho các dự án trong khuôn khổ này. Có hai ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập, kết hợp nguồn vốn từ hơn 60 quốc gia tài trợ và Ngân hàng Phát triển mới (BRICS) do Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ thành lập đang thay thế cho các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Mặt trái của Sáng kiến Vành đai và Con đường
Trước đại dịch, nhiều quốc gia đã trở nên bất mãn với những thỏa thuận họ đã ký kết trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, những thoả thuận mà chính họ cũng thấy là quá hoàn hảo để có thể tin là thật.
Tạp chí Forbes gọi đây là “Con đường rắc rối toàn cầu”. Một số quốc gia rơi vào nợ nần chồng chất khiến triển vọng phát triển ngày càng tăm tối. Những nước khác chỉ nhận ra rằng họ đã mất quyền kiểm soát các dự án của mình sang tay Trung Quốc khi rơi vào tình thế không thể trả được nợ mới.
Sri Lanka đã trở thành “một điển hình” cho “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc. Kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay, sân vận động thể thao, trung tâm hội nghị và hệ thống đường bộ ở Hambantota. Sau đó Sri Lanka vỡ nợ. Giờ đây, Trung Quốc nắm giữ 77% cổ phần của dự án trong thời gian 99 năm.
Dân cư địa phương đã phản đối dự án này trong một thời gian dài bởi họ không thấy có lợi ích gì mang lại cho người dân trong vùng. Người Kazakhstan đã xuống đường để phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc tại đất nước họ. Ở các quốc gia khác như Malaysia và Thái Lan, một số dự án đang bị thu hẹp quy mô và được đàm phán lại.
Thiếu cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình, tham nhũng tràn lan, đặc biệt là hối lộ, chưa kể đến sự thiếu hiệu quả vì trì hoãn, trình độ nhân công thấp, quy trình mua sắm đấu thầu và chủ nghĩa thiên vị nhóm là những vấn đề gặp phải của các dự án này.
Tạp chí Phố Wall đã có bài nói rằng Trung Quốc đã cố gắng giúp chính phủ Malaysia trước đây che giấu 20 tỷ đô la tiền gian lận bằng cách đề nghị cứu trợ Quỹ phát triển 1MDB.
Nhưng hãy xem xét Sáng kiến Vành đai và Con đường từ góc độ tổng thể. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ đã chỉ ra rằng giá trị của sáng kiến này dao động từ 1 đến 8 nghìn tỷ đô la, khó mà coi đây chỉ là sai số làm tròn.
Biến Sáng kiến Vành đai và Con đường thành vũ khí
“Rõ ràng”, Trung Quốc đã công nhận rằng chỉ riêng chính sách “ngoại giao mềm” sẽ không đủ để đảm bảo thành công cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc sẽ cần phải phát huy sức mạnh quân sự để thuyết phục các quốc gia khác đồng hành.
Trong những tháng trước đại dịch, Trung Quốc đã gia tăng quân sự và thực hiện chính sách bắt nạt các quốc gia dọc theo Con đường tơ lụa.
Suốt thời gian dài, Trung Quốc đã quấy nhiễu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm cực bắc của Con đường tơ lụa (hiện do Nhật quản lý). Ở Biển Đông, Trung Quốc có những hành xử khiêu khích, áp chế Philippines, Việt Nam và một số nước khác.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu quân sự hóa vùng lãnh thổ tranh chấp ở vùng núi Himalaya mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Họ coi Pakistan là “đối tác chiến lược. Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự ở Gwadar, một thành phố cảng trên Biển Ả Rập và tuyên bố căn cứ này chỉ nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho công nhân của họ.
Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự ở nước Cộng hoà Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi – đây là nơi Bắc Kinh phô trương quyền lực tại Trung Phi, Trung Đông và Ấn Độ dương. Mỹ cũng có một căn cứ quy mô nhỏ ở Djibouti, nơi quân đội Mỹ tổ chức các cuộc tấn công chống khủng bố.
Trung Quốc cũng đang liên kết với Iran trong việc cung cấp vũ khí và tham gia trao đổi thương mại. Tại Hy Lạp, Trung Quốc đã mua cảng Piraeus trên biển Địa Trung Hải với mục đích để cứu một quốc gia đang chìm trong nợ nần.
Ngấm đòn đại dịch
Tác động của đại dịch mới bắt đầu ngấm. Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức khi hầu hết lao động của nước này ở nước ngoài đã quay về nước khi đại dịch nổ ra. Tất cả đều đang bị mắc kẹt lại trong nước, không thể hoặc không muốn quay nơi làm việc. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở Trung Đông, đã cấm du lịch.
Sự tàn phá do hậu quả việc đóng cửa kinh tế và phong toả khiến các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường không có nguồn thu để trả nợ các khoản vay của Trung Quốc.
Việc kiểm soát, giám sát các dự án, mặc dù do chính nhân sự người Trung Quốc đảm nhận cũng không thể được thực hiện một cách hiệu quả trong đại dịch. Các dự án ở Bangladesh, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Sierra Leone… bị hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô.
Không ai đoán được là thời gian tạm lắng này của Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ kéo dài bao lâu.
Tìm kiếm đối tác?
Nhiều nhà quan sát tin rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường với mô hình hiện nay sẽ không mang tính bền vững. Trung Quốc có vẻ đồng ý với nhận định này. Một số thay đổi đã được thực hiện để điều chỉnh các hoạt động “phi tự do”. Không ai biết liệu những thay đổi này sẽ mang lại hiệu quả hay không, thậm chí còn chẳng biết đó là những thay đổi gì. Chính vì vậy, chiến lược này, với chính bản thân Trung Quốc, cũng chỉ là “trò chơi may rủi”.
Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược quan hệ công chúng toàn cầu để biện hộ cho nguồn gốc của đại dịch, để thuyết phục các nước đang phát triển rằng Mỹ không còn là đối tác tốt, và để bóng gió rằng Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình. Chúng ta sẽ chờ xem thực hư thế nào.
Một cách tiếp cận khác là lôi kéo Trung Quốc tham gia “trật tự tự do toàn cầu”. Để làm được như vậy, các thông lệ tài chính của Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Quỹ tiền tệ quốc tế. Đây là một việc vô cùng khó khăn. Làm được như vậy thì các nước đang phát triển sẽ không bị “cướp trắng” bởi các bẫy nợ mà Trung Quốc đã giăng ra.
Thật khó để thấy Trung Quốc sẽ hết lòng theo đuổi việc này. Rốt cuộc, các nhà phê bình cáo buộc Trung Quốc vi phạm trật tự tự do ngay từ khi nước này bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Nhưng dường như đang có một mối lo ngại ngày càng lan rộng trong cộng đồng toàn cầu rằng cần phải có người cầm cương Trung Quốc. Mặc dù trong các giao dịch trước đây, EU, LHQ, WTO và các quốc gia khác đã thiếu ý chí ứng phó với Trung Quốc.
Trớ trêu thay, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) lại tuân thủ hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù Quốc hội Mỹ cho rằng: Không chắc chắn Trung Quốc sẽ làm thế nào để dung hoà ngân hàng này với các chính sách an ninh và thương mại của nước này. Và hiện giờ thì Bắc Kinh đang cố gắng tách Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Một lựa chọn thứ ba, theo Diễn đàn kinh tế thế giới, sẽ liên quan đến khu vực tư nhân và các công ty nước ngoài trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc đã kiểm soát hoạt động của họ tại Đại lục. Có lẽ Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy trong Sáng kiến Vành đai và Con đường? Đã có Huawei và Alibaba là những tấm gương. Việc này có thể trở nên khó khăn hơn cho Bắc Kinh khi nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản và Mỹ đang giúp các công ty của họ rời khỏi Trung Quốc. Mỹ cũng đang ngăn chặn sự mở rộng của Huawei. Do hậu quả của đại dịch, các quốc gia đang ngày càng trở nên mệt mỏi với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thao túng họ và biến họ thành con tin khi chuỗi cung ứng xảy ra vấn đề.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ủng hộ WTO bởi ông tin rằng tổ chức này chỉ mang đến cho nước Mỹ bất lợi, đặc biệt chỉ làm lợi cho Trung Quốc. Chẳng có lẽ chúng ta lại phải chờ ông Trump và ông Tập bắt tay đưa ra một giải pháp gì đó?!
Phản ứng của nước Mỹ
Tổng thống Trump, cũng như người tiền nhiệm là ông Obama, đều công nhận tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cả hai đã cố gắng để xoay trục về khu vực này. Ông Trump có kế hoạch, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng, để hỗ trợ khu vực này và ngăn chặn Trung Quốc. Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa chính với an ninh quốc gia. Tuy nhiên những định hướng này rất chung chung chứ không đưa ra một kế hoạch cụ thể gì.
Năm 2019, Tổng thống Trump thiết lập Chiến lược “Bộ Tứ”để củng cố liên minh giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cách tiếp cận mới này chứng tỏ quyết tấm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Ngoài ra, Chiến lược “Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và Tự do” cũng cố gắng hợp nhất toàn bộ khu vực. Nhưng chiến lược này đã không được triển khai đầy đủ.
Ông Trump cũng thiết lập Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế, gộp một số chức năng từ Tập đoàn Đầu tư Tư nhân ở nước ngoài và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Ngân sách cho chương trình này là 60 tỷ đô la, thấp hơn nhiều so với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nước Mỹ đang hứng chịu hậu quả của đại dịch và đóng cửa kinh tế, và hiện giờ là những cuộc bạo loạn nổ ra khắp các thành phố. Đồng thời, trong suốt ba năm qua ông đã phải phải liên tục chống chọi với những nỗ lực không có hồi kết, không có căn cứ và vô cùng mạnh tay của phe Dân chủ nhằm cản trở hoạt động quản trị và ngăn chặn ông tái đắc cử nhiệm kỳ mới.
Đảng Dân chủ chưa bao giờ ủng hộ ông Trump trong việc đối đầu với Trung Quốc cả về quân sự cũng như thương mại. Phe này cũng không ủng hộ ông tái thiết nền quân sự vốn đã bị ông Obama làm cho suy yếu. Phe đối lập đang chặn hầu hết các sáng kiến của Tổng thống tại Quốc hội hoặc tại tòa án.
Ông Trump đã rút khỏi các tổ chức đa phương và quốc tế bởi ông tin rằng các tổ chức này hoạt động với những thiên kiến và không hiệu quả. Ông ủng hộ các mối quan hệ song phương. Còn Trung Quốc thì đang lấp đầy những khoảng trống nước Mỹ để lại với mục tiêu làm giảm sức mạnh của Mỹ.
Ông Trump đã khiến Trung Quốc phải trả giá cho mối quan hệ thương mại của họ và đã đẩy lùi sự áp chế của Trung Quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương thông qua các cuộc biểu dương lực lượng “tự do hàng hải”. Đáng buồn là ông Trump đã không thể làm được tất cả những việc ông muốn làm.
Cuộc bầu cử tháng 11 sẽ mang tính quyết định. Nếu ông Trump thắng, chắc chắn ông sẽ tiếp tục đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nếu ông Joe Biden của đảng Dân chủ thắng, cánh cửa sẽ rộng mở cho Trung Quốc. Ông Biden có kế hoạch áp dụng chính sách ngoại giao mềm của ông Obama với mục đích thuyết phục Trung Quốc hành xử tốt hơn trên trường quốc tế.
Nhưng Trung Quốc cũng đang ở vị thế dễ bị tổn thương. Nợ quốc gia đang ở mức cao. Nền kinh tế đang oằn mình trong đại dịch. Sáng kiến Vành đai và Con đường khiến Trung Quốc ngày càng phải gắng sức nhiều hơn. Nếu tất cả các yếu tố này tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng xấu và nước Mỹ bằng cách nào đó phục hồi, Trung Quốc có thể gặp rắc rối.
Theo VIETNAMNET
Tags: Trung Quốc, Vành đai và Con đường, Bẫy nợ