Vai trò của Nga trong cấu trúc châu an ninh châu Á-Thái Bình Dương

Không bao giờ nên cho rằng trong bất cứ cuộc cuộc khủng hoảng địa chính trị trong tương lai nào tại châu Á, lợi ích kinh tế sẽ thắng thế trước các đam mê chính trị. Đó là lý do Châu Á cần một tổ chức khu vực có khả năng giải quyết những vấn đề chính sách kinh tế và an ninh.

Bài viết của tác giả Kevin Rudd, Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á, cựu Thủ tướng và Ngoại trưởng Australia. Bài viết được đăng trên trên tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu”.

Tại cuộc gặp ngoại giao diễn ra hồi tháng 6/2016 ở Bangkok, Thái Lan, một câu hỏi được nêu ra là liệu mô hình Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có phù hợp cho hợp tác an ninh châu Á hay không. Hội thảo OSCE của châu Á đã tạo ra cơ hội hiếm hoi để xem xét tương lai cấu trúc an ninh tại phần này của thế giới dựa vào kinh nghiệm của châu Âu.

Lịch sử châu Âu gợi nhớ rằng không bao giờ được phép coi hòa bình là điều đương nhiên. Giá như vào tháng 7/1914 người ta thành lập được, dù chỉ ở hình thức sơ khai, một thể chế an ninh châu Âu, thì lãnh đạo các nước châu Âu đã có nhận định khác về ý định của nhau và về sự lựa chọn mang tính quyết định của họ. Nếu không có đối thoại chín chắn về những vấn đề an ninh, sẽ không có “bộ giảm chấn động” chính trị để chế ngự những khát vọng cạnh tranh quốc gia. Và, đừng bao giờ quên rằng sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế ở châu Âu vào đầu thế kỷ XX hóa ra không đủ để ngăn chặn “cuộc chiến tranh nhằm chấm dứt tất cả các cuộc chiến tranh”.

Các thể chế quốc tế đã đóng vai trò làm giảm căng thẳng và bảo đảm an ninh tại châu Âu sau chiến tranh. Liên hợp quốc (LHQ) đã trở thành diễn đàn toàn cầu, trong khi tại Lục địa già sự minh bạch trong lĩnh vực quân sự và những biện pháp xây dựng lòng tin trong khuôn khổ Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu tại Helsinki đã giúp ngăn chặn Chiến tranh Lạnh trở thành chiến tranh nóng. OSCE không thể chấm dứt Chiến tranh Lạnh hay ngăn chặn các cuộc khủng hoảng, nhưng tổ chức này thường rất thành công trong việc tạo thời gian tạm ngừng cho những nhà lãnh đạo thực dụng ở hai bên đối địch cũng như soạn thảo một khuôn khổ cải thiện an ninh khu vực. Một trong số đó là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu. Hiện, đang có những sự trùng hợp giữa kinh nghiệm châu Âu trong thế kỷ XIX và XX và những mối đe dọa an ninh hiện nay tại châu Á.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng ở ngã ba đường giữa trật tự kinh tế thế kỷ XX hướng tới toàn cầu hóa và hội nhập hóa, và trật tự an ninh khu vực với những mâu thuẫn dân tộc gay gắt gần giống như trong thế kỷ XIX. Một số chuyên gia gọi vấn đề này là “nghịch lý châu Á”. Tất nhiên, có những sự khác biệt cơ bản giữa thực tế châu Âu và châu Á. Tại châu Âu, khái niệm nhà nước quốc gia hiện đại bắt nguồn từ thế kỷ XV, và đến bây giờ khái niệm này tiếp tục được phát triển, trong khi đó tại châu Á khái niệm nhà nước quốc gia hiện đại mang tính ít chính thức hơn. Hơn nữa, bất chấp các cuộc chiến tranh tôn giáo và sự ganh đua giữa các nhà nước-quốc gia, châu Âu phát triển từ nền văn hóa Do Thái-Kito giáo và Hy Lạp-La Mã cổ đại hơn, trong khi châu Á lại có các nền văn hóa đa dạng và qũy đạo phát triển khác nhau. Ngoài ra, lịch sử châu Á thế kỷ XX chủ yếu là lịch sử thực dân và hậu thực dân. Vào thời điểm đó, người châu Âu trên thực tế là những kẻ thực dân.

Tuy nhiên, tất cả điều này không nên cản trở các nhà lãnh đạo châu Á rút ra một loạt bài học chính sách từ quá khứ gần đây của châu Âu. Dù khác biệt văn hóa có lớn như thế nào đi nữa, nhu cầu về an ninh đang thống nhất xã hội và người dân. Điều này hoàn toàn không có nghĩa rằng một mô hình toàn năng bắt chước từ lịch sử châu Âu có khả năng mang lại cho châu Á giải pháp về tất cả mọi vấn đề. Nói đúng hơn để làm giảm căng thẳng, chúng ta cần phải thích nghi, và nếu cần thiết, điều chỉnh các mô hình ngoại giao để phù hợp với đặc tính của khu vực và thực tế của địa phương.

Cấu trúc an ninh ở châu Á

Kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và tất nhiên sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cấu trúc an ninh ở châu Á dựa vào mạng lưới liên minh song phương của Mỹ tại Đông Á, việc triển khai phía trước lực lượng Mỹ trong khu vực và khả năng của Washington triển khai sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chiến lược khi cần thiết. Mỹ đang chứng minh rằng cách tiếp cận như thế đã tạo ra nền tảng chiến lược cho ổn định lâu dài trong mối quan hệ giữa các cường quốc trong 40 năm kể từ khi Sài Gòn thất thủ. Điều này đã đặt nền móng cho cái gọi là sự kỳ diệu kinh tế Đông Á.

Từ cuối những năm 1970, tại Đông Nam Á không có cuộc xung đột đáng kể nào, trong khi kinh tế tại khu vực này tăng trưởng mạnh. Vào năm 1990, thị phần của châu Á trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) quy đổi theo USD là 23,2%. Đến năm 2014, con số này đạt mức 38,8%. Trong khi đó, theo dự báo của Oxford Economics, GDP của châu Á đến năm 2015 sẽ chiếm tới 45% GDP toàn cầu. Một số chuyên gia dự báo rằng đến năm 2050, GDP của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 50%. Như vậy, châu Á sẽ lấy lại vị trí thống trị trong nền kinh tế thế giới, vốn thuộc về khu vực này vào năm 1700. Tất nhiên, Trung Quốc đánh giá triển vọng duy trì sự hiện diện chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á theo cách khác. Ví dụ, Trung Quốc liên tục phản đối những chuyến bay do thám của Không quân Mỹ dọc theo bờ biển của mình, Bắc Kinh còn phản đối việc nước này coi là sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc cũng lo ngại sâu sắc về bất cứ sự thay đổi nguyên trạng nào trong quan hệ với Đài Loan. Nga cũng không vui vẻ gì trước việc duy trì các liên minh của Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh tại Đại Tây Dương cũng như tại Thái Bình Dương. Ngoài ra, cả Nga lẫn Trung Quốc đều bất mãn sâu sắc trước việc Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và châu Á và ảnh hưởng của chúng đến khả năng răn đe hạt nhân của 2 nước này trong tương lai. Những cuộc tranh cãi này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhưng ẩn sau những tranh cãi này là xung đột phức tạp và nghiêm trọng hơn bắt nguồn từ nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong trang sử buồn của lịch sử quan hệ quốc tế, kể từ khi xuất hiện nhà nước quốc gia hiện đại, đa số các cuộc khủng hoảng và chiến tranh đều bắt nguồn từ các yêu sách lãnh thổ đối địch trên đất liền cũng như trên biển. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những xung đột như thế có rất nhiều: mâu thuẫn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc; Nga và Nhật Bản; Trung Quốc và Hàn Quốc; Hàn Quốc và Nhật Bản; Trung Quốc và Nhật Bản; Trường hợp hết sức đặc biệt của Đài Loan; Tranh cãi chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan xung quanh khu vực Kashmir; Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, và đó là chưa nói đến tranh chấp lãnh thổ giữa 6 quốc gia trên Biển Đông. Tranh chấp trên Biển Đông gần đây đang trở nên phức tạp bởi sự tồn tại của hiệp ước quốc phòng song phương giữa Mỹ và Philippines, cũng như lập trường của Washington về vấn đề “tự do hàng hải” ở vùng biển mà có tới 40% thương mại thế giới và 90% thương mại đường biển đi qua.

Trên thực tế, phần duy nhất của khu vực châu Á mà không trở nên bất ổn bởi các tranh chấp lãnh thổ là Đông Nam Á. Vì sao? Nhờ vào tổ chức khu vực là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong vòng 35 năm qua khu vực này đã xây dựng được các thể chế an ninh khu vực chồng lấn và dần dần tạo ra văn hóa phối hợp về chính sách an ninh dựa trên nền tảng là Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Kết quả là ASEAN đã tạo ra được vùng đệm duy nhất để chống lại các căng thẳng chiến lược tại châu Á kể từ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, bên ngoài biên giới khu vực Đông Nam Á, nếu nhìn vào toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những bất đồng và tranh cãi vẫn tiếp diễn và thậm chí ngày càng có xu hướng trầm trọng. Lo ngại lớn nhất hiện nay là bất cứ cuộc tranh cãi nào đều có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng, xung đột hay thậm chí là chiến tranh khu vực sâu rộng hơn.

Chủ nghĩa dân tộc chính trị là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của phần lớn các quốc gia trong khu vực. Và nó vẫn là thế lực luôn luôn chống lại những khuynh hướng tích cực hơn, thôi thúc các nước hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn. Ít nhất một bài học quan trọng cần được rút ra từ lịch sử: trong tình thế rất khó khăn, các xem xét về chính trị và an ninh gần như chắc chắn chiến thắng các vấn đề kinh tế. Cuộc khủng hoảng tháng 7/1914 đã chứng minh rõ điều này. Không bao giờ nên cho rằng trong bất cứ cuộc cuộc khủng hoảng địa chính trị trong tương lai nào tại châu Á, những lợi ích kinh tế hợp lý nhất định sẽ thắng thế trước các đam mê chính trị. Hoàn toàn không có gì đảm bảo cho điều này.

Hướng tới cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương

Từ đó nảy sinh ra vấn đề chính: Liệu có thể quản lý tốt hơn hay làm giảm căng thẳng chiến lược xuất hiện từ các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết hay không? Tác giả không tiếp cận vấn đề này theo quan điểm duy tâm hay viển vông. Tác giả không tin chính phủ các nước có thể tuyên bố rằng lòng tin chiến lược nhanh chóng được khôi phục như có phép màu, và giả vờ lảng tránh các tranh cãi chính trị đã tồn tại hàng chục năm nay, thậm chí hàng trăm năm nay. Và trong lịch sử không tồn tại thuyết quyết định (học thuyết triết học cho rằng tất cả các sự việc xảy ra là do những điều tất yếu và do đó là không thể tránh được – ND). Yếu tố con người có ý nghĩa, lãnh đạo chính trị mang tính quyết định, cũng như ngoại giao sáng tạo.

Vì vậy, chúng ta cần xem xét 1 vấn đề thực tế hơn, cụ thể là: những dàn xếp tối thiểu nào về hợp tác trong lĩnh vực an ninh là khả thi giữa nhiều nước trong khu vực châu Á lớn, mà có khả năng giúp giải quyết tranh cãi và hạn chế khả năng leo thang? Những thỏa thuận thực tế có thể được thiết kế để xoa dịu những quan điểm gay gắt liên quan đến những động lực an ninh hiện hành, nhưng chưa chắc đã giải quyết được các cuộc tranh cãi mà tạo ra những động lực đó. Những đổi mới về thể chế này cũng không thể có khả năng gỡ bỏ được những vấn đề trong chính sách thực tế mà đương nhiên là mối bận tâm của các cộng đồng chính sách đối ngoại, quốc phòng và tình báo của tất cả các quốc gia trong khu vực. Như vậy, sự hợp tác tối thiểu trong lĩnh vực an ninh trong một khu vực không đồng nhất như vậy có thể trông như thế nào?

Ngay từ năm 2008, khi đang giữ chức Thủ tướng Úc, tác giả đã đề xuất thành lập Hiệp hội châu Á-Thái Bình Dương (APC), một tổ chức khu vực có khả năng giải quyết những vấn đề chính sách kinh tế và an ninh. APC không phải được xây dựng ngay tức khắc, mà là điểm cuối trong quá trình phát triển của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) đến năm 2020. Tác giả tự hào rằng đã đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy EAS tiến tới mục tiêu này. Cùng với các đồng nghiệp từ Đông Nam Á, tác giả đã vận động hành lang để Nga và Mỹ tham gia EAS, và điều này cuối cùng đã xảy ra vào năm 2010. Một phần do chính câu chuyện bi kịch của chủ nghĩa dân tộc cạnh tranh đã thôi thúc tác giả, người đứng đầu Nhà nước Úc, đề xuất ý tưởng nói trên. Năm 2008, khi đưa ra ý tưởng này, tác giả nhấn mạnh rằng mặc dù các cường quốc khu vực hiện có thể đang chung sống hòa thuận nhưng lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng: không nên cho rằng “hòa bình trong thời đại chúng ta” là một cái gì đó đương nhiên và được bảo đảm.

Tác giả đã nói điều này cách đây 7 năm, và như chúng ta thấy, những vấn đề an ninh khu vực hiện nay đã trở nên rất căng thẳng. Cùng với thời gian, APC sẽ làm sâu sắc mối liên hệ lẫn nhau giữa các nước trong lĩnh vực chính sách an ninh, thúc đẩy kỹ năng minh bạch, lòng tin và quy tắc hợp tác. Những cơ chế như vậy có thể giúp châu Á đối phó với các cuộc khủng hoảng bằng cách tìm kiếm những giải pháp hòa bình và giảm sự phân cực chiến lược đang bắt đầu nổi lên giữa Washington và Bắc Kinh. Khái niệm về APC có thể bắt đầu từ biện pháp củng cố lòng tin chung và nâng cao an ninh cơ bản. Năm 2009, tác giả đã trình bày tầm nhìn về APC trước các quan chức cấp cao và lãnh đạo các quốc gia trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Hội nghị cấp cao Đông Á và Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Với mong muốn khởi động đối thoại khu vực, Chính phủ Úc đã tiến hành một cuộc hội thảo về APC, bổ nhiệm một quan chức cấp cao và cử quan chức này đi khắp 21 quốc gia để tham vấn với hơn 300 quan chức, 30 bộ trưởng và 8 người đứng đầu nhà nước. Khi đó, Chính phủ Úc đã thăm dò được 5 điểm đồng thuận sau:

– Mức độ quan tâm cao của khu vực đối với đề xuất về APC.

– Thừa nhận rằng những thể chế đang tồn tại không giải quyết được toàn bộ các thách thức kinh tế, an ninh, chính trị đang đặt ra đối với khu vực.

– Mong muốn hạn chế đối với việc xây dựng các thể chế mới để bổ sung cho các thể chế hiện hành.

– Tán thành rằng ASEAN cần phải trở thành nòng cốt của APC tương lai.

– Quan tâm tới việc bổ sung cho đề xuất về APC với nội dung cụ thể hơn.

Viện Chính sách xã hội châu Á (Asia Society Policy Institute) mà tác giả làm chủ tịch, đã thành lập ủy ban chính trị để xem xét cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm khả năng thiết lập APC. Chỉ trích ban đầu về đề xuất thành lập APC cho rằng một tổ chức theo kiểu EU sẽ trở thành mô hình phù hợp đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Như đã nói ở trên, trong bất luận trường hợp nào, EU không thể trở thành mô hình cho “tất cả các trường hợp” mà chỉ đơn giản cần phải được áp đặt. Thách thức đang đặt ra trước các nhà lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương là phải giải quyết 1 vấn đề khó khăn bất thường bằng cách thừa nhận đặc điểm độc đáo của chủ nghĩa khu vực châu Á, không lặp lại những sai lầm nhiều thế kỷ của châu Âu và không mù quáng sao chép khuôn mẫu của châu Âu. Chúng ta ở châu Á cần phải rút ra những bài học sâu sắc từ lịch sử châu Âu.

Dưới đây là lộ trình chuyển động hướng tới Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.

– Đến năm 2020 cải tổ Hội nghị cấp cao Đông Á thành APC dựa trên nền tảng Tuyên bố Kuala Lumpur của Hội nghị cấp cao Đông Á năm 2005.

– Chuyển Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN nằm dưới sự bảo trợ của EAS/APC.

– Thành lập Ban Thư ký thường trực của EAS/APC, đóng tại một trong những thủ đô của ASEAN, ứng cử viên tiềm năng hơn cả là Singapore, Kuala Lumpur và Jakarta. Sau một thời gian khu vực cần phải có những thể chế tương đương với của Brusels, dù không có mô hình đóng góp chủ quyền của châu Âu.

– Các cuộc gặp hàng năm ở cấp độ người đứng đầu quốc gia và chính phủ để bảo đảm đường hướng và sự đồng thuận chính trị. Các cuộc gặp cần phải được tiến hành trong nửa đầu năm như một hội nghị thượng đỉnh riêng, chứ không phải trong khuôn khổ các hội nghị thượng đỉnh khác của khu vực như Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Mục đích đầu tiên của tổ chức mới là cần phải soạn thảo các biện pháp toàn diện để củng cố lòng tin và an ninh, bao gồm các đường dây nóng giữa giới quân đội các nước, biện pháp bảo đảm sự minh bạch và các nghị định thư về giải quyết các vụ đụng độ quân sự trên biển cũng như trên không. Nhiệm vụ thứ hai là phát triển một cơ chế phản ứng trước các thảm họa thiên nhiên trên khắp khu vực trong trường hợp xảy ra thảm họa môi trường, khí hậu hay thiên tai khác trên qui mô khu vực. Những ưu tiên khác sẽ được thực hiện khi lòng tin bắt đầu được xây dựng.

Không có bất cứ vấn đề nào nêu trên có thể tự thân diễn ra. Nếu mở máy lái tự động, nó sẽ đưa chúng ta đến một con đường nhất định, tuy nhiên đó hoàn toàn không phải là sự lựa chọn dài hạn của chúng ta. Và điều này sẽ không đáp ứng lợi ích của bất cứ quốc gia nào trong khu vực, kể cả Trung Quốc, Nga hay Mỹ.

Vai trò của Nga trong cấu trúc châu Á-Thái Bình Dương

Nga là cường quốc quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này hoàn toàn hiển nhiên đối với bất cứ ai có kiến thức địa lý cơ bản. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà phân tích phương Tây có khuynh hướng đánh giá không đúng tầm quan trọng của Nga đối với hòa bình và an ninh khu vực này. Chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của Moskva không kém phần quan trọng hơn so với của Mỹ, nhất là khi mối quan hệ Nga-Trung đang được cải thiện nhanh chóng.

Vào đầu những năm 1990, các nhà phân tích phương Tây bắt đầu hạ thấp vai trò của Nga ở châu Á. Một chuyên gia dự báo rằng “ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Liên bang Xôviết bị suy yếu về mặt kinh tế sẽ trở thành Úc có vũ khí hạt nhân”, tương tự khi Liên bang Xôviết bị chụp cho cái mũ “Thượng Volta có tên lửa” tại châu Âu. Trong khoảng thời gian những năm 1990, khi người Nga phải vật lộn với những hậu quả của một trong những vụ sụp đổ lớn nhất thời bình, phương Tây nhìn chung không đánh giá cao vai trò và vị trí của Nga trên thế giới.

Đến năm 1996, các nhà phân tích phương Tây khẳng định rằng nước Nga chỉ là “chú chó terrier quẩn quanh dưới chân các cường quốc châu Á vĩ đại”. 20 năm sau, xu hướng coi nhẹ vai trò của Nga trong vấn đề an ninh châu Á vẫn chiếm ưu thế, mặc dù tình hình bắt đầu thay đổi chậm chạp. Vị trí địa chính trị nằm giữa hai lục địa Á-Âu luôn luôn làm cho nước Nga trở nên khác biệt. Chính thực tế địa chiến lược cơ bản này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận bên trong giới tinh hoa chính trị và trí thức của Nga, giữa những người theo chủ nghĩa châu Âu và những người ủng hộ hội nhập Á-Âu, tranh cãi xem Nga cần hội nhập với khu vực nào.

Một nhóm thứ ba các nhà hoạch định chính sách của Nga lập luận rằng đây không phải là sự lựa chọn có tổng bằng không, bởi vì nước này có thể tận dụng thành công những lợi thế địa lý và lịch sử của mình bằng cách gắn kết đồng thời với trật tự châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương trong lĩnh vực kinh tế và an ninh. Lòng hăng hái đối với mục tiêu của OSCE, xây dựng một cộng đồng an ninh thống nhất từ Vancouver đến Vladivostok, bắt đầu tắt dần. Thay vào đó, các nhà phân tích của Nga và phương Tây chỉ rõ “việc Nga xoay trục sang châu Á” và mối quan hệ đối tác Nga-Trung đang được củng cố như là dấu hiệu tiềm năng của “châu Á lớn từ Thượng Hải đến St.Petersburg”.

Còn sớm để nói trước về những hệ quả lâu dài mà sự liên kết chiến lược này mang lại. Dù can dự giữa Moskva với châu Á trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chiến lược tạo ra ảnh hưởng như thế nào, thì đối với phương Tây, thậm chí cả với châu Á, việc coi thường tiến trình này là thiển cận. Việc Moskva “xoay trục sang châu Á” có thể đánh dấu một cột mốc quan trọng trong can dự ngoại giao và an ninh của Nga với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Liệu những dự định này có trở thành chính sách hay không là điều thực tế cần phải xem xét. Tuy vậy, Chính phủ Nga đã đưa Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trở thành yếu tố quan trọng trong nghị trình chính sách đối ngoại khu vực của mình. Trong hội nghị EAS năm 2011, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đề xuất rằng những cuộc thảo luận chiến lược tại hội nghị cấp cao này “cần phải tập trung vào việc cải thiện cấu trúc an ninh và hợp tác trong khu vực”.

Ông Lavrov nhiều lần tuyên bố ý định của Nga gia nhập cấu trúc kinh tế và an ninh của châu Á-Thái Bình Dương. Tại hội nghị EAS năm 2013, ông Lavrov kêu gọi để cấu trúc khu vực mới cần phải cởi mở và bình đẳng với tất cả các nước, dựa trên nguyên tắc không chia cắt an ninh, tôn trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. “Chúng tôi tin tưởng rằng cách tiếp cận như thế về xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia có thể giúp chúng ta trong hoạt động thực tiễn giải quyết các cuộc khủng hoảng khác nhau”. Phát biểu này rõ ràng cho thấy Nga coi trọng EAS như thế nào.

Tương lai EAS

EAS có thể trở thành một phần quan trọng của cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương, nếu các quốc gia trong khu vực mong muốn điều này. Kết thúc hội nghị năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia, lãnh đạo các quốc gia quyết định thành lập một tiểu ban EAS với Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia. Đây là một bước tiến khiêm tốn hướng tới nâng cao khả năng của EAS quản lý những thách thức chung trong lĩnh vực an ninh và kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương. Nga có thể đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này. Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN mới đây ở Sochi đã thể hiện sự quyết tâm của hai bên “củng cố EAS với động lực là ASEAN, như là một diễn đàn dưới sự lãnh đạo của các nhà lãnh đạo chính trị cho đối thoại và hợp tác sâu rộng trong các vấn đề chiến lược, chính trị và kinh tế có lợi ích chung. Mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh là củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng kinh tế trong khu vực. Cuối cùng, một bước tiến hóa trong tương lai của EAS trở thành thành tố vững chắc hơn của cấu trúc an ninh khu vực là vấn đề của tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Nga.

Nếu các quốc gia bắt đầu xây dựng một thể chế khu vực mạnh mẽ hơn, sẽ không có nước nào bị thua thiệt, mà trái lại có lợi ích rất lớn. Bản thân thể chế như thế sẽ không thay thế các cấu trúc liên minh hiện nay, nhưng dần dần nó có thể hỗ trợ cải thiện các căng thẳng chiến lược và lãnh thổ mà trước đây đã thôi thúc xây dựng những liên minh này. Cấu trúc khu vực này cũng có thể tìm ra lối thoát cho bất cứ cuộc khủng hoảng nào mà có thể xuất hiện trong tương lai.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,