Vai trò các nước chư hầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Ngay sau khi Mỹ chính thức đưa quân vào miền Nam Việt Nam, theo gót họ xâm lược nước ta là hàng loạt các nước chư hầu đồng minh.

Vai trò các nước chư hầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Hàn Quốc là một trong những nước chư hầu của Mỹ gửi quân sang tham chiến tại đông nhất trong thời kỳ diễn ra chiến tranh Việt Nam. Số lượng quân lính Hàn Quốc được gửi sang Việt Nam nhiều thứ hai, chỉ sau Mỹ.

Vào năm 1961, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã đề nghị Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là John F. Kennedy về việc gửi quân Hàn Quốc sang Việt Nam hỗ trợ Mỹ. Tuy nhiên Kennedy đã từ chối lời đề nghị này vì cho rằng “thời điểm chưa thích hợp”.Tới năm 1964, Tổng thống Lyndon Johnson đã đề nghị Hàn Quốc nối gót Mỹ đổ quân vào chiến trường Miền Nam Việt Nam.

Tổng cộng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã có 320.000 lính Hàn Quốc tham chiến với thời gian thực hiện nghĩa vụ tại Việt Nam tối thiểu 1 năm, quân số lính Hàn Quốc cao nhất tại Việt Nam vào khoảng 50.000 quân vào năm 1968. Đi theo các đợt hành quân của lính Hàn Quốc là sự tột cùng của tội ác mà chúng gây ra cho nhân dân miền Nam.

Tuy nhiên, chúng cũng đã phải trả giá cho những hành động phi nhân tính của mình khi có đến 5.099 lính Hàn Quốc thiệt mạng tại Việt Nam, 10.962 người bị thương.

Mỹ đã trả cho Hàn Quốc tổng cộng 236 triệu USD (tương đương với 1,4 tỷ USD ngày nay) bao gồm lương cho binh lính, tiền điều trị thương tật và tiền tử tuất cho lính Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam.

Ngoài Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng có gửi quân sang Việt Nam tham chiến cùng Mỹ trong thời kỳ này. Các cố vấn quân sự Australia đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1962 và những binh lính Australia đầu tiên đặt chân đến nước ta từ năm 1965.

New Zealand cũng nối gót Australia và Mỹ bắt đầu gửi các đơn vị công binh và pháo binh đầu tiên của mình tới Việt Nam từ năm 1965. Sau này, khi thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam leo thang, phía New Zealand còn gửi cả các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ sang tham chiến.

Số lượng lính Australia đông nhất tại miền Nam Việt Nam được ghi nhận là 7672 người trong khi đó ở phía New Zealand là 552 người. Tổng cộng có khoảng 60.000 lính Úc và 3500 lính New Zealand từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam.

Con số thương vong của lính Australia là 521 người thiệt mạng và hơn 3000 người bị thương. Trong khi đó phía New Zealand có 37 lính thiệt mạng và 187 lính bị thương. Phần lớn các lực lượng Australia và New Zealand đóng quân ở khu vực Phước Tuy, nay là Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một điều ít ai biết đó là Philippines cũng đã từng gửi lính tới miền Nam Việt Nam tham chiến. Tổng cộng có khoảng 10.450 lính Philippines đã từng được gửi tới miền Nam Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo, biểu diễn nghệ thuật.

Quân đội Thái Lan cũng đã từng gửi quân sang tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam trong những năm từ 1965 tới 1971. Thực tế, quân đội Thái Lan được cho là có nhiều hoạt động quân sự tại Lào hơn là tại miền Nam Việt Nam.

Ngoài các nước kể trên, còn có Đài Loan, Brazil và Canada đã từng gửi quân lính sang tham chiến trên chiến trường miền Nam Việt Nam với nhiều vai trò và nhiệm vụ khác nhau.

Theo KIẾN THỨC

 

Tags: , , , , , ,