Vài nét về sự phát triển của triết học sinh thái hiện nay 

Mặc dù chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng triết học sinh thái – một phân ngành của triết học hiện đại ngày càng được quan tâm nghiên cứu bởi nó không chỉ chứng tỏ sự phát triển không giới hạn của tư duy triết học trong các lĩnh vực phát triển khác nhau của đời sống xã hội, góp phần tạo nên các kết quả nghiên cứu nói chung của các khoa học về sinh thái, nhất là trong điều kiện loài người đang quan tâm đến sự thay đổi về môi trường, về biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay. Mặc dù là một ngành khoa học non trẻ cùng với các kết quả nghiên cứu được tạo ra cho đến nay chưa thực sự nhiều nhưng nếu xét từ vị trí và vai trò của mình, triết học sinh thái chắc chắn sẽ là một trong những ngành khoa học có triển vọng phát triển không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai.

Vài nét về sự phát triển của triết học sinh thái hiện nay 

Bài viết của PGS. TS. Phạm Công Nhất, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số chuyên đề I năm 2017.

1. Mở đầu

Biến đổi khí hậu hiện được coi là một trong những “vấn đề toàn cầu” mang tính cấp bách nhất mà nhân loại đang quan tâm giải quyết. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện ngày càng nhiều các ngành khoa học nghiên cứu về sinh thái gọi chung là các khoa học về sinh thái trong đó có triết học sinh thái. Triết học sinh thái (Ecological philosophy) là một thuật ngữ được dùng để diễn đạt về một chuyên ngành triết học chuyên ngành mới xuất hiện trong những năm gần đây. Mặc dù mới xuất hiện nhưng triết học sinh thái lại có ảnh hưởng ngày càng to lớn bởi không chỉ tính chất liên ngành trong nghiên cứu mà còn thể hiện tính thực tiễn, tính thời đại. Bài viết giới thiệu khái về cơ sở hình thành, những quan niệm chung và triển vọng phát triển của một trong những chuyên ngành mới trong sự phát triển của triết học hiện đại – triết học sinh thái.

2. Những tư tưởng về triết học sinh thái trong lịch sử

Mặc dù khái niệm triết học sinh thái chỉ xuất hiện vào những năm gần đây nhưng tư tưởng về triết học sinh thái có từ rất sớm trong triết học cổ ở phương Đông và phương Tây. Trong triết học phương Đông, xuất phát từ mô hình vũ trụ về sự thống nhất trong sự tồn tại của con người và giới tự nhiên mà các nhà triết học Trung Quốc cổ đại đã cho rằng: con người là một bộ phận trong “tam tài” (thiên – địa – nhân), là một phần của vũ trụ nên cuộc sống của con người không tách rời với giới tự nhiên. Do đó, muốn tồn tại được, con người cần phải áp dụng phương pháp sống “thuận theo tự nhiên” mà Lão Tử gọi là “Đạo pháp tự nhiên” (Đạo đức kinh, Chương 25) [Hà Thúc Minh,1997; 52].

Trong triết học phương Tây tư tưởng về triết học sinh thái đã được các nhà triết học theo phương pháp biện chứng tự phát trình bày từ rất sớm. Đó là tư tưởng về một thế giới vật chất tồn tại khách quan và vận động không ngừng nghỉ của Heraclitus (535 TCN – 475 TCN), hay quan niệm về con người “là thước đo của vạn vật” [Изд. Сов. Энциклопедия,1989; 521] của nhà triết học Protagoras (490 TCN – 420 TCN). Đây là những tiền đề triết học quan trọng cho các tư tưởng về triết học sinh thái của các nhà triết học phương Tây, kể cả các ngành khoa học về sinh thái tiếp tục phát triển qua các thời kỳ phục hưng và cận đại.

K. Marx (1818-1883) và F. Engels (1820 – 1895) là những nhà lý luận tiên phong cho việc hình thành triết học sinh thái Marxist. Theo quan điểm của triết học Marx, chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất. Thế giới vật chất tồn tại khách quan độc lập với ý thức con người. Con người là một phần của thế giới vật chất, sự sống của con người có liên quan chặt chẽ đối với môi trường chung quanh mình. Xét về bản chất, con người là động vật có ý thức, có khả năng làm chủ tự nhiên và bản thân. Nhờ khả năng đó đã giúp cho con người có thể sống không lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Từ khi xuất hiện, con người đã tích cực tác động vào tự nhiên, làm thay đổi tự nhiên theo hướng có lợi cho mình. Thế giới tự nhiên kể từ khi xuất hiện con người đã có sự thay đổi lớn lao, nhưng điều đó, theo triết học Marx sự tác động quá tích cực của con người vào tự nhiên nó cũng có khả năng dẫn đến nguy cơ làm mất cân bằng trong sự phát triển của giới tự nhiên. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, khi nói về sự tác động thống nhất lẫn nhau giữa các bộ phận trong giới tự nhiên F. Engels viết: “Trong tự nhiên không có cái gì xảy ra một cách đơn độc cả. Hiện tượng này tác động đến hiện tượng kia và ngược lại” [C.Mác và Ph.Ăngghen, 2004; 652]. Do đó, F. Engels cảnh báo: “Chúng ta không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với tự nhiên. Bởi vì mỗi lần chúng ta đạt được thắng lợi là mỗi lần tự nhiên trả thù lại chúng ta (chúng tôi – tác giả bài báo này nhấn mạnh)” [C.Mác và Ph.Ăngghen, 2004; 654]. Có thể coi đây là tiền đề tư tưởng quan trọng cho triết học sinh thái hiện đại.

3. Quan niệm chung về triết học sinh thái

Cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất về triết học sinh thái. Tuy nhiên, qua các tác giả và công trình nghiên cứu rải rác, như: Ando leopold (1949), trong: The land ethic; Arne Naiess (1986), trong: Deep Ecology and Ultimate Premises [Hồ Sĩ Quý, 2005; 46-47]; Eugene C. Hargrove (1992), trong The animal rights, environmental ethics debate: The environmental perspective (Các quyền động vật, đạo đức môi trường tranh luận: Quan điểm về môi trường) [Eugene C. Hargrove, 1992; 273]; Phương Lập Thiên (2005), trong: “Triết học sinh thái Phật giáo và ý thức sinh thái hiện đại” [Phương Lập Thiên, 2005; 135–172]; John Nolt (2015) trong Environmental ethics for the long term: An introduction (Giới thiệu tổng quát về đạo đức môi trường) [John Nolt, 2015; 275]; Hồ Sĩ Quý (2005), trong:“Về đạo đức môi trường” [Hồ Sĩ Quý, 2005; 46-47]; Phạm Thị Ngọc Trầm (2016), trong: “Nghiên cứu triết học – xã hội về môi trường sinh thái Việt Nam” [Phạm Thị Ngọc Trầm, 2016); 21]… có thể đi đến nhận định chung triết học sinh thái là một trong những chuyên ngành của triết học hiện đại, là cách tiếp cận triết học – xã hội đối với hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn, về sự tồn tại và thích ứng bền vững giữa sự tồn tại của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Với tính cách là một môn khoa học,đồng thời khác với các ngành khoa học sinh thái khác, triết học sinh thái có đối tượng, phương pháp và nội dung nghiên cứu riêng.

Về đối tượng nghiên cứu, với tính cách là một chuyên ngành triết học, triết học sinh thái không nghiên cứu tất cả các phương diện khác nhau của các mối quan hệ sinh thái mà chỉ dừng lại nghiên cứu mặt cấu trúc, chức năng, cơ chế vận hành và diễn biến của mối quan hệ giữa con người và xã hội với tự nhiên, nghĩa là nghiên cứu các quy luật, các mối liên hệ và các xu hướng vận động mang tính phổ quát nhất nguồn gốc, bản chất và nội dung của các mối quan hệ sinh thái.

Về phương pháp nghiên cứu, với tính cách là một bộ môn khoa học chuyên ngành của triết học triết học sinh thái sử dụng trước hết các phương pháp nghiên cứu phổ biến của triêt học như phân tích – tổng hợp, diễn dịch – quy nạp, lôgíc – lịch sử. Cố nhiên, phương pháp nghiên cứu của triết học đúng đắn nhất trong thời đại hiện nay chính là các phương pháp triết học của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử với các nguyên tắc xem xét cơ bản đối với đối tượng nghiên cứu như: khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử – cụ thể và thực tiễn… Ngoài ra, với tính cách là một bộ môn khoa hoc mang tính liên ngành, triết học sinh thái còn sử dụng một số phương riêng, liên ngành đối với một số khoa học liên quan như sinh thái học, xã hội học, đạo đức học…

Về nội dung nghiên cứu, triết học sinh thái không đề cập tới tất cả các vấn đề của triết học nói chung mà chỉ tập trung làm rõ một số nội dung chủ yếu có liên quan đến thế giới quan và phương pháp luận triết học về những quan niệm về môi trường sinh thái, về mối quan hệ giữa con người với môi trường và các nguyên tắc phương pháp luận về xây dựng và phát triển môi trường sinh thái bền vững. Có thể thấy, nội dung nghiên cứu của triết học sinh thái vừa rộng, vừa hẹp. Rộng vì xét đến cùng nội dung nghiên cứu của triết học sinh thái cũng cần bao quát toàn bộ các nội dung nghiên cứu của triết học nói chung. Đây là điều kiện cần để cho triết học sinh thái tồn tại và phát triển. Hẹp vì kết quả nghiên cứu của nó phải phản ánh được những quan điểm triết học cơ bản nhất của mỗi trường phái, khuynh hướng triết học khác nhau về môi trường, về mối quan hệ giữa con người với môi trường và những quan điểm triết học cơ bản về việc xây dựng và phát triển môi trường sinh thái bền vững. Đây là điều kiện đủ để phân biệt triết học sinh thái với các chuyên ngành triết học khác cũng như phân biệt giữa triết học sinh thái với các khoa học khác về môi trường.

4. Triển vọng phát triển của triết học sinh thái

Loài người đã và đang chứng kiến sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm. Chưa bao giờ loài người lại đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách đặc biệt là những khó khăn và thử thách từ sự thay đổi dẫn đến khủng hoảng môi trường và những tác động tiêu cực đến cuộc sống của chính con người như hiện nay. Sự ra đời và phát triển của triết học sinh thái không chỉ là sự chọn lọc và kế thừa một cách tất yếu các tư tưởng về triết học sinh thái đã có từ trước đó trong lịch sử mà còn là kết quả tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố của thời đại trong đó bối cảnh loài người đang đứng trước các nguy cơ về sự tồn tại và phát triển bền vững do tác động của xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bối cảnh thực tiễn trên đây đã và đang có một sự tác động rất lớn đến việc thay đổi nhận thức của nhân loại về môi trường sinh thái và về mối quan hệ giữa con người và môi trường trong quá trình phát triển. Do đó, việc nhiều quốc gia hiện nay xây dựng ngành triết học sinh thái không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà đó còn là một đòi hỏi trong việc giải quyết các nhu cầu của thực tiễn ở mỗi quốc gia nói riêng và nhân loại nói chung hết sức cấp bách. Triển vọng phát triển của triết học sinh thái cũng hết sức to lớn vì các lý do sau:

Một là, về nội dung, với tính cách là một khoa học mang tính phổ quát, triết học sinh thái có nội dung nghiên cứu khá rộng, nó có thể nghiên cứu tiếp cận những vấn đề sinh thái dưới các góc độ thế giới quan, nhân sinh quan đồng thời từ đó rút ra các nguyên tắc phương pháp luận có tính phổ quát cho nhận thức và hành động thực tiễn;

Hai là, về hình thức biểu hiện, cũng giống như một số chuyên ngành triết học hiện đại khác, triết học sinh thái là một trong những chuyên ngành triết học mang tính chất liên ngành khả năng tiếp cận nghiên cứu cũng như các hình thức thể hiện kết quả nghiên cứu cũng hết sức đa dạng. Chính tính chất đa dạng phong phú trong các hình thức thể hiện là yếu tố thuận lợi để triết học sinh thái có điều kiện phát triển và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Ba là, về ý nghĩa nghiên cứu, sự hình thành và phát triển của triết học sinh thái trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất lớn cả về hai phương diện: thứ nhất về phương diện lý luận, nó góp phần bổ sung và hoàn thiện thêm đối tượng, nội dung và phạm vi nghiên cứu của triết học, nhất là triết học hiện đại; thứ hai, về phương diện thực tiễn, kết quả nghiên cứu của triết học sinh thái không chỉ góp phần tham gia giải quyết một trong những vấn đề lớn đang nảy sinh trong đời sống thực tiễn nhân loại ngày nay là vấn đề khủng hoảng sinh thái, trong đó triết học sinh thái với tính cách là một khoa học về thế giới quan và phương pháp luận có thể góp phần tham gia giáo dục nâng cao ý thức sinh thái, ý thức BVMT cho mỗi cá nhân hay cộng đồng mà nó tham gia khảo sát, nghiên cứu.

Bốn là, cùng với sự phát triển chung của nhận thức nhân loại về về môi trường sinh thái và phát triển môi trường sinh thái bền vững, triết học sinh thái sẽ tiếp tục phát triển và sẽ trở thành một trong những bộ môn triết học chuyên ngành phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống nhận thức chung của nhân loại trong tương lai.

Tại Việt Nam hiện nay, mặc dù khái niệm triết học sinh thái chưa được sử dụng phổ biến nhưng những nghiên cứu ban đầu về triết học sinh thái của nhiều tác giả và các công trình nghiên cứu cũng đã xuất hiện từ khá sớm với các kết quả nghiên cứu ban đầu dưới tên các chuyên ngành triết học khác nhau như: triết học trong khoa học tự nhiên, triết học môi trường, đạo đức học sinh thái… Đặc biệt, những năm gần đây rất nhiều các tác giả công trình nghiên cứu về triết học sinh thái ở Việt Nam đã tạo ra được các kết quả nghiên cứu mang tính hệ thống chuyên sâu và đã được công bố dưới nhiều hình thức như bài báo, sách chuyên khảo, luận văn, luận án…

Xuất phát từ một trong những yếu tố tác động từ điều kiện thực tiễn khi “Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu” [Nguyễn Văn Thắng cùng cộng sự, 2011; 12 ] đã và đang đặt ra cho triết học sinh thái ở Việt Nam có cơ hội tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, triết học sinh thái ở Việt Nam hiện nay cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy triển vọng phát triển. Hy vọng mọi khó khăn, thách thức sẽ qua và những triển vọng phát triển triết học sinh thái ở Việt Nam trong tương lai sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.

5. Kết luận

Với tính cách là một chuyên ngành triết học, triết học sinh thái là cách tiếp cận triết học – xã hội đối với hiện trạng môi trường sinh thái nhân văn, về sự tồn tại và thích ứng bền vững giữa sự tồn tại của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Việc ra đời của triết học sinh thái là kết quả của sự hình thành và phát triển các tư tưởng về triết học sinh thái trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, trong đó có các tư tưởng của các nhà sáng lập ra triết học Mác và một số tư tưởng triết học, đạo đức học hiện đại khác. Mặc dù, sự hình thành và phát triển của triết học sinh thái trong điều kiện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng triển vọng phát triển của triết học sinh thái là vô cùng to lớn. Cùng với sự phát triển chung của nhận thức nhân loại về về môi trường sinh thái và phát triển môi trường sinh thái bền vững, triết học sinh thái sẽ tiếp tục phát triển và sẽ trở thành một trong những bộ môn triết học chuyên ngành phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống nhận thức chung của nhân loại trong tương lai.

———————————————

Tài liệu tham khảo:

– C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 20. NXB.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
Hà Thúc Minh, Lịch sử Triết học Trung Quốc. NXB TP. Hồ Chí Minh,1996.
– Hồ Sĩ Quý, “Về đạo đức môi trường”. Tạp chí Triết học số 9 (172), tr.45-48, 2005
– Phương Lập Thiên (2005),“Triết học sinh thái Phật giáo và ý thức sinh thái hiện đại”, Tạp chí Huyền Trang Phật học nghiên cứu (Đài Loan), kỳ 2, trang 135 – 172, Nguồn: http://www.lieuquanhue.vn, ngày 13/5/2015.
– Phạm Thị Ngọc Trầm, “Nghiên cứu triết học – xã hội về môi trường sinh thái Việt Nam”. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 (99), tr. 16-26, 2016.
– Nguyễn Văn Thắng (cùng nhiều tác giả), Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam. NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 2011.
– Eugene C. Hargrove, The animal rights, environmental ethics debate : The environmental perspective. New York : State university of New York, 1992.
John Nolt, Environmental ethics for the long term: An introduction. London. New York : Routledge, Taylor & Francis Group, 2015.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG

Tags: ,