Uống rượu lái xe: Bi kịch từ thói sĩ diện hão của đàn ông Việt

Tôi là đứa trẻ sinh non 7 tháng tuổi thai kỳ vào một sáng hè nóng nực năm 1979, theo một cách không bình thường. Mẹ tôi bị một người đàn ông say đi xe đạp đâm vào bên bờ hồ Hoàn Kiếm tối hôm trước.

Bố tôi làm ca đêm bên nhà máy khóa Việt-Tiệp tuốt bên Đông Anh. Ông được nhiều người đánh giá là coi tử vi giỏi, xem cho cả phố, tất thảy người quen lẫn họ hàng. Đa số đều gật gù thừa nhận những lá số nhằng nhịt nét bút. Nhưng hôm đó, ông đã không thể đoán được đứa con trai của mình chào đời sớm một cách đầy bất trắc như vậy.

Mẹ tôi hay kể chuyện cũ khi tôi còn nhỏ nằm gối đầu lên đùi bà mỗi buổi tối mùa đông. Nó ám ảnh tuổi thơ: Tại sao ông say lại đâm vào mẹ nhỉ, mẹ có đau không, mẹ có buồn vì con ốm yếu không…? Nếu ai đó nói những câu chuyện cũ đậm ký ức có khả năng điều chỉnh được hành vi thì tôi luôn tin điều này. Đi ra đường từ bé tôi nhìn thấy phụ nữ mang bầu là đứng xa xa. Lớn lên đi xe máy lẫn ô tô luôn giữ khoảng cách tới vài mét. Tôi sợ vô tình làm điều gì đó tổn thương họ, tôi lo lắng liệu nếu có chuyện gì xảy ra thì cô ấy cũng sinh em bé sớm như tôi, liệu đứa bé có còi cọc, hay bị đau đầu, hay phải đi bệnh viện giống tôi bây giờ hay không.

Thói quen uống bia rượu rồi ngật ngưỡng leo lên xe đạp, xe máy rồi cả xe hơi đi ngoài đường không phải là chuyện lạ lẫm gì ở Việt Nam. Đàn ông biết uống rượu nói chung đều có một niềm tin vững chắc về tửu lượng của mình. Họ điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng ngà ngà say đã trở thành thói quen, đôi khi khó có thể phân biệt được người nào say người nào tỉnh.

Việc khuyên can một gã say là để xe lại đi taxi, xe ôm về là việc khó. Bởi niềm tin tửu lượng nêu trên, và lẫn trong đó là cái sĩ diện hão. Người say vẫn tiếp tục lái xe lang bang ngoài phố với đủ tình trạng từ nhẹ đến “say mất người” gây ra bao thảm kịch cho xã hội.

Vài tuần trước, trên nhiều trang báo có bức ảnh nhóm chị em lao công ngồi khóc bên thi thể không nguyên vẹn của đồng nghiệp bị gã say lái xe đâm nát khi đang đẩy xe về chỗ tập kết. Ngày còn nhỏ thời cũ, người lớn, thậm chí cả cô giáo hay quở mắng chúng tôi rằng nếu không học hành tử tế sau này ra đường mà quét rác. Có lẽ không ai biết rõ về sự hôi hám bẩn thỉu của những đống rác bằng những chị lao công ngoài phố. Không biết vì lý do gì chúng ta lại thiếu đi một tấm lòng cần thiết đối với họ.

Đêm định mệnh đó, chị để lại hai đứa con mồ côi mẹ, oan ức quá. Một nỗi buồn lẫn thương cảm không thể cất nên lời. Để không ít người bỗng kịp nhận ra, à hóa ra họ cũng giống chúng ta, có gia đình và cả những đứa trẻ… Và chị ấy là nạn nhân của một người say rượu.

Kẻ gây ra thảm cảnh từ rượu sẽ phải trả giá, nhưng cái giá nào cho đủ? Ai cũng có một gia đình và cả sự mong chờ họ trở về nhà an lành mỗi ngày. Đôi khi, trong khoảnh khắc tích tắc không may mắn, những kẻ say tước đoạt đi tất cả.

Có một thời gian tôi sống tại thành phố Dublin, Cộng hòa Ireland. Nơi đây nổi tiếng thế giới với “đặc sản” là quán nhậu. Irish Pub hiện diện khắp mọi con phố và luôn đông nghịt khách vào ngày cuối tuần.

Họ phân loại người say vào cuối ngày bằng một vạch sơn trắng dài trước quán. Ẩm khách bước ra khỏi quán sẽ được yêu cầu đi bộ trên vạch sơn đó. Nếu anh bước không chệch ra ngoài là vẫn còn đủ tỉnh táo. Hoặc ngược lại, anh sẽ bị ép đi taxi về.

Quán rượu ở Dublin thường chủ động không có chỗ đỗ xe hơi: khách tới nhậu buộc phải sử dụng phương tiện công cộng hoặc cuốc bộ. Vào mùa đông lạnh giá, xe cảnh sát đi tuần để nhắc nhở những người say rượu không được ngồi nghỉ ven đường bởi đã có không ít người say rồi ngủ thiếp và mất mạng dưới trời lạnh. Việc say rượu và lái xe ở Ireland bị xử phạt rất nặng, thậm chí là ngồi tù giống như không ít quốc gia khác trên thế giới.

Chúng ta nên nghiêm túc tập đón nhận với thói quen mới, uống bia rượu tuyệt đối không lái xe, chắc chắn phải vậy.

Theo NGUYỄN MINH TRÍ / VNEXPRESS

Tags: , ,