Tương lai của thế giới dưới góc nhìn Lý Quang Diệu

Nói thẳng không mập mờ không thiên lệch, đa số các quan điểm của Lý Quang Diệu là tầm nhìn sâu rộng của một nhà hiền triết chính trị nên cần được giới thanh niên và các nhà lãnh đạo tương lai học hỏi.

Lý Quang Diệu được xem là một chính trị gia lỗi lạc của châu Á. Quyển sách dài 224 trang mang tựa đề “Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World” (Những nhận định của Lý Quang Diệu về Mỹ-Trung và thế giới) được ba học giả Mỹ góp nhặt từ các phát biểu của nhà lãnh đạo này trong nhiều năm, và là một tài liệu rất đáng đọc để suy nghỉ.

Lý Quang Diệu nổi tiếng là người sắt bén nói thẳng những suy nghĩ của mình mà không sợ bị đụng chạm. Ông nhận xét rằng Trung Quốc sẽ tiến lên hạng nhất nên Á Châu cùng thế giới phải tìm ra một phương thức để sống chung với cường quốc lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong quyển sách lại không có nhiều nhận định của Lý Quang Diệu về các tranh chấp đang xảy ra tại vùng biển Đông Nam và Bắc Á, ngoại trừ ý kiến của ông cho rằng sự hiện diện của Mỹ rất cần thiết để tạo sự cân bằng sức mạnh trong khu vực. Về mậu dịch, ông cho rằng Á Châu không thể thoát khỏi rơi vào quỹ đạo của cường quốc kinh tế Trung Quốc Đại lục vì sức hút khổng lồ của thị trường gồm 1.3 tỷ người – hoặc theo cách hiểu của người viết, các nước Đông Á sớm muộn cũng sẽ trở thành những chư hầu kinh tế của Trung Quốc. Giả sử Mỹ tổ chức vùng mậu dịch tự do từ thập niên 1970 thì còn có thể cưỡng chống lại nhưng nay mới bắt đầu thì đã muộn màng.

Một điều không được Lý Quang Diệu nói đến là tinh thần dân tộc của các nước Nhật Bản và Việt Nam, vốn đã sống hàng ngàn năm bên cạnh Trung Hoa. Có lẻ vì Singapore vừa mới trở thành quốc gia độc lập từ năm 1965 nên Lý Quang Diệu khó cảm nhận được ý thức độc lập và tâm lý đề kháng vốn được nung nấu trong suốt chiều dài lịch sử mỗi lần va chạm với tham vọng bành trước của người láng giềng.

Lý Quang Diệu tán đồng đường lối trị nước của Đặng Tiểu Bình vì ông không ngần ngại cho rằng thể chế dân chủ sẽ làm tan rã Trung Quốc. Theo ông, nếu Đặng Tiểu Bình cần ra lệnh bắn giết 200.000 sinh viên tại Thiên An Môn (thay vì 4.000-5.000 người bị sát hại vào năm 1989) thì cũng phải làm để tránh rơi vào nội loạn.

Nhìn sang tương lai, Lý Quang Diệu cho rằng Trung Quốc sẽ không phát triển ở mức độ nhanh chóng như trước đây. Thử thách lớn nhất sẽ là xây dựng được một nhà nước pháp quyền và hài hoà giữa các đặc quyền của phe phái, chủng tộc và do ảnh hưởng địa lý. Trung Quốc còn bị một thiệt thòi là chữ Hán khó học nên sẽ không được phổ biến rộng rãi để thu hút nhân tài trên thế giới.

Trái lại, Mỹ là một quốc gia sinh động và đầy sáng tạo. Không một nước nào khác mà một người gốc Ấn, Nga hay Hoa có thể đến sinh sống và hội nhập chỉ trong vòng vài tháng nếu họ có khả năng. Tiếng Anh lại là một ngôn ngữ dể học nên xứ Mỹ sẽ tiếp tục hội tụ nhân tài từ khắp mọi nơi.

Mỹ đang gặp nhiều khó khăn về ngân sách và nợ công nhưng Lý Quang Diệu tin rằng nước Mỹ sẽ hồi phục để tiếp tục đứng hàng đầu trên thế giới. Nền dân chủ gặp khó khăn vì các chính trị gia phải hứa hẹn ngon ngọt với cử tri để đắc cử thay vì đưa ra những liều thuốc đắng.

Theo Lý Quang Diệu, với đà phát triển của thế giới thì việc trồng người và hun đúc các nhà lãnh đạo trong tương lai sẽ quyết định cho năng lực và tính cạnh tranh của quốc gia. Vì vậy ông không hề chểng mảng với trách nhiệm này đối với Singapore.

Người viết không đồng ý với vài nhận xét của Lý Quang Diệu nhưng vẫn kính trọng ông vì sự nói thẳng không mập mờ không thiên lệch Đa số các quan điểm còn lại của ông là tầm nhìn sâu rộng của một nhà hiền triết chính trị nên cần được giới thanh niên và các nhà lãnh đạo tương lai học hỏi.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: ,