Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Nói tới tư tưởng thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Thiền sư Thanh Từ cho rằng: “Phong cách thiền của Thượng Sĩ quá siêu việt, không kẹt mắc trong hình thức đối đãi sai biệt. Với tinh thần siêu phóng qua lối đối cơ ứng đáp và thơ tụng của ngài ta thấy sự hiện lộ không thiếu vắng chỗ nào”.

Tinh thần nhập thế siêu việt

Trong cuốn Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục có nói rõ: “Tuệ Trung Thượng Sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Ðại Vương và là anh cả của hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Khi Ðại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương”.

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) có tên thật là Trần Quốc Tung, ông là người Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay thuộc tỉnh Nam Định. Thời trẻ, ông không thích công danh, chỉ ham nghiên cứu về Thiền. Ông học đạo với Thiền sư Tiêu Dao, vừa thực hành giải thoát tâm trong đời sống gia đình theo hình thức cư sĩ.

Lớn lên, Tuệ Trung được cử trấn đất Hồng Lộ, tức là Hải Dương bây giờ. Ông có công hai lần trong việc ngăn giặc Bắc xâm lăng. Sau được thăng chuyển giữ chức tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình, ông lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Lại, làng Yên Quảng) và đổi tên là Vạn Niên, tự hiệu là Tuệ Trung. Tại thực ấp, ông dựng lên Dưỡng Chân Trang làm nơi tọa thiền và tu niệm.

Tuệ Trung vừa đảm trách các công việc xã hội mà triều đình giao phó. Ông được vua Trần Thánh Tông nể do kiến thức uyên bác về nội ngoại điển, được vua tôn làm đạo huynh. Vua Trần Thánh Tông rất khâm phục đạo học của Tuệ Trung, chính vua là người đầu tiên gọi ông là Thượng Sĩ – tương đương như Bồ tát.

Về con người của Tuệ Trung Thượng Sĩ, đương thời Thiền sư Pháp Loa Đệ nhị tổ Trúc lâm đã có lời tán thán: “Thượng Sĩ vốn khí lượng thâm trầm, phong thần hòa nhã. Thượng Sĩ yêu chuộng cửa không từ lúc còn để chỏm”. Qua tìm hiểu nghiên cứu về Thượng Sĩ, Hòa thượng Thích Minh Tuệ thì nhận định: “Tất cả thi tụng của Thượng Sĩ hầu như bài nào cũng toát lên tư tưởng thiền. Qua 49 bài tụng được thể hiện trong (Ngữ lục) đều ôm chứa tinh thần thiền nhập thế kỳ lạ vượt qua mọi kiến chấp để đạt tới bến bờ giải thoát rốt ráo”.

Nhờ sớm ngộ lý thiền, không câu nệ khái niệm thiên chấp, đây là thứ trở ngại cho con đường thể nhập lý sắc, thế nên Thượng Sĩ đã tự tại trong mọi tình huống. Để chứng minh cho tinh thần này, theo sử liệu được biết: “Một hôm, Thái Hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm mở tiệc mời Thượng Sĩ vào cung dự, thức ăn trên bàn có cả chay và mặn. Thượng Sĩ đã ăn thịt. Hoàng Hậu hỏi “Anh tu thiền mà ăn thịt, làm sao thành Phật được? Thượng Sĩ trả lời: “Phật là Phật, anh là anh, anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh”. Em chẳng nghe cổ đức nói: “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”.

Lại có lần, trong một bữa tiệc, Vua Nhân Tông nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hòa lẫn thế tục” của Tuệ Trung, liền làm bộ ngây thơ hỏi một cách gián tiếp: “Bạch thượng sĩ, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt uống rượu thì làm thế nào mà thoát khỏi tội báo?”

Tuệ Trung đã trả lời như sau về vấn đề tội báo: “Nếu có người đang đứng xây lưng lại, thình lình vua đi qua sau lưng, người ấy không biết, cầm một vật gì ném nhằm vua. Thử hỏi: Người ấy có sợ không, ông vua có giận không? Nên biết hai việc ấy không dính líu gì với nhau vậy.”

Một lần khác, Vua Nhân Tông hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền, Tuệ Trung nói:

“Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”. Lời nói ấy khiến Nhân Tông thấy được ánh sáng của thiền đạo.

Ngày thị tịch (ngày cư sĩ qua đời), Tuệ Trung không nằm trong phòng riêng mà cho kê giường nằm ở Dưỡng Chân Trang, giữa thiền đường lớn. Ông nằm xuôi theo kiểu cát tường, mắt nhắm. Những người hầu hạ và thê thiếp khóc rống lên. Ông mở mắt ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay súc miệng rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?”. Nói xong thì tịch một cách êm ái. Ðó là vào ngày mồng một tháng Tư năm Tân Mão (1291).

“Sống chết là lẽ thường mà thôi”

Bởi luôn tâm niệm “Sống chết là lẽ thường nhiên” mà Tuệ Trung Thượng Sĩ đã mang luôn tư tưởng đó vào việc tu tập và trong số 49 bài tụng trong Thượng Sĩ Ngữ Lục, có một bài với tựa đề: “Sinh tử nhàn nhi dĩ” – “Sống chết là lẽ thường mà thôi”, được coi là chứa đựng tinh thần thiền nhập thế khai phóng khá sâu sắc. Bởi nó phản ánh rõ nét tư tưởng Thiền tông hay còn có tên khác là Như Lai Thanh tịnh thiền của Thượng Sĩ: “Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi / Bồ-tát nói pháp ta nói thực”.

Bài tụng này có 20 câu. Nội dung đề cập một vấn đề lớn, đó là chuyện sinh tử của con người. Ở đây chúng tôi xin phép được đề cập đến 4 câu thơ cuối của bài thơ để phần nào thấy được tư tưởng phóng đạt của Tuệ Trung Thượng Sĩ về chuyện sinh tử của đời người.

“…Đến nhà thôi chớ hỏi đường chỉ
Thấy trăng tìm gì ngón tay ấy
Kẻ ngu sống chết mãi lo âu
Người trí suốt thông nhàn thôi vậy”

Để thấu hiểu được ý tứ sâu xa của Thượng Sĩ, Thượng tọa Thích Thanh Điện và TS Phạm Thị Thanh Hương đã phân tích từng câu thơ như sau: “Đến nhà thôi chớ hỏi đường chi”. Vì chưa đến được nhà nên còn hỏi, hiểu theo nghĩa thông thường là như vậy. Tuy nhiên, thiền sư chỉ mượn cái thông thường để muốn nói về trí giác ngộ của người tu thiền.

Bằng phương pháp ẩn dụ, thiền sư nói Nhà ở đây nhằm muốn chỉ cái tâm không chân thật thường hằng nơi chính mình. Nhà cũng có thể được hiểu là Phật. Đến với Phật, gặp được Phật đó chính là nhà, là bến bờ an lạc, bình yên. Phật không ở đâu xa, cũng không phải đi đâu để tìm kiếm, mà Phật ở ngay nơi chính mình. Đó là tâm không – tâm thanh tịnh không uế nhiễm, tâm không vọng niệm. Khi chúng ta tìm được đến tâm không nơi chính mình rồi cũng có nghĩa là ta đã về đến nhà rồi, biết nhà rồi. Biết rồi thì không phải mong cầu, không phải loanh quanh tìm kiếm ở đâu nữa…

“Thấy trăng tìm gì ngón tay ấy”, ý câu thơ muốn nói, kinh luật Phật hay giáo lý Phật như ngón tay đề chỉ dẫn chúng ta đến bến bờ niết bàn. Và niết bàn ở đây được tác giả hiện thực hóa bằng Mặt trăng. Phật nói cuộc đời là vô thường, mỗi người có cái chân thường hằng không thay đổi, hiểu rằng vô thường ở đời như là chiêm bao để không còn dính chấp. Hiểu không phải để hiểu rồi để luận bàn mà là để thấy, biết bản thể của vạn vật, các pháp đều là vô ngã không có bản thể xác định để không còn vướng bận và để giải thoát. Vì vậy, cũng như nếu đến nhà rồi, biết đường rồi thì không phải hỏi đường, hỏi nhà nữa. Thấy trăng rồi thì không phải dùng ngón tay để chỉ nữa.

“Kẻ ngu sống chết mãi lo âu/ Người trí suốt thông nhàn thôi vậy”, câu thơ có thể hiểu mang ý nghĩa kẻ ngu thì sống lo âu chết cũng lo âu, người trí giác ngộ thì sống bình an, ra đi cũng bình an. Bởi vậy, ở đời con người đừng quá coi nặng chuyện sống chết, bởi nó chỉ là quy luật tự nhiên, không ai có thể trốn tránh, cũng không thể thay đổi. Nếu chỉ nghĩ về chuyện sinh tử mà sinh ra lo âu, sống một đời dằn vặt, sợ hãi những điều không thể thay đổi thì thật phí hoài, ngu ngốc.

Và sau cùng, con người phải nhận ra rằng, mọi hiện tượng của thế gian, cứ thế tiếp tục trôi chảy không ngừng, sự tồn tại và hủy diệt của mọi sự vật và của chính ta nữa cũng nằm trong dòng sông vô tận ấy. Vậy thì, tại sao ta phải sợ sống chết nhỉ? Thay vì lo âu tới chuyện sống chết thì có lẽ bản thân mỗi người nên sống trọn vẹn, phấn đấu từng ngày, sống tốt từng ngày để khi ra đi không phải hối tiếc.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ cho rằng: “Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta thấy rõ sự sống chết không thật. Vì sống chết của thân này không thật, nên địa ngục, thiên đường, phiền não, Bồ-đề … đều không thật. Thấy tất cả không thật, nên an nhàn trước sống chết. Khi đã nhận ra Pháp thân là Thể chân thật không hình tướng không sanh không diệt, không đến không đi, không phải không quấy, giống như người tới nhà, người thấy mặt trăng, không còn quan ngại, thấy việc sống chết chỉ là việc nhàn thôi”.

Theo BÁO PHÁP LUẬT  

Tags: , , ,