⠀
Từ vỉa hè hỗn loạn đến sự nhếch nhác của đô thị Việt Nam
Bạn có thể sẽ phải chửi thề khi đi qua những con phố ngập rác, nơi người đi bộ thường xuyên phải nhảy chân sáo xuống lòng đường để tránh hàng xe dựng ngay trước một quán ăn đang đông khách.
Ảnh: VietnamPlus.
Tháng Sáu vừa qua, một bức ảnh lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội và gây ra nhiều tranh cãi: cựu Phó chủ tịch quận 1, TP Hồ Chí Minh , ông Đoàn Ngọc Hải khoe mình đang ngồi thưởng thức món ăn vỉa hè.
Bức ảnh gây tranh cãi dữ dội vì khi còn đương chức, ông Hải đã tạo tiếng tăm với một chiến dịch dẹp sạch vỉa hè rất quyết liệt. Giờ nếu bật công cụ Google và gõ tên ông với từ “dẹp vỉa hè”, bạn có thể nhận được ngót 2 triệu kết quả, đa số là đến từ các tờ báo có tiếng tăm trong nước, với đủ mọi kiểu tin. Từ chuyện ông Hải 5 giờ sáng đã một mình đi dẹp vỉa hè, rồi mưa lớn cũng đội mưa để giám sát xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè.
Tất nhiên là chiến dịch của ông đã thất bại, như mọi câu chuyện cố “bắt cóc bỏ đĩa” khác ở Việt Nam. Nhưng người ta vẫn chưa hiểu thực sự lý do tại sao, ngoài việc đổ lỗi cho chuyện “một con én chẳng làm nổi mùa xuân”, cho đến khi chính ông Hải, trong một ngày cao hứng, đã đăng lên mạng câu trả lời: chính ông, trong vai một người tiêu dùng, cũng không thể cưỡng lại được thú vui ăn uống vỉa hè.
Tôi biết một anh bạn nay đã là phó tổng biên tập một tờ báo lớn, lớn lên ở phố cổ. Anh kể rằng hồi bé nhà rất nghèo, và anh chỉ may mắn được đi học nhờ hàng thuê truyện kê sát vỉa hè của gia đình. Hàng truyện ấy đã đưa anh vào cánh cổng trường đại học, thậm chí trong những năm đầu đi làm khốn khó. Nói rằng vỉa hè đã làm đời anh sang trang cũng không hẳn là quá lời.
Nền kinh tế phi chính thức, theo các chuyên gia quốc tế, có thể tạo ra đến 20% GDP, và trong đó, kinh tế vỉa hè đóng góp 11 triệu trong số khoảng 22 triệu người tham gia nền kinh tế phi chính thức. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, việc kinh doanh trên vỉa hè, cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra khoảng 11-13% GDP của toàn bộ TP Hồ Chí Minh. Việc ăn uống và sinh hoạt trên vỉa hè không chỉ là một dịch vụ đơn thuần. Nó còn tạo ra cảm xúc, thậm chí đi vào tiềm thức nhiều người.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra bằng mắt thường, như chính ông Hải, sự nhếch nhác của những đô thị mà vỉa hè bị xâm lấn quá thô bạo. Bạn có thể sẽ phải chửi thề khi đi qua những con phố ngập rác, nơi người đi bộ thường xuyên phải nhảy chân sáo xuống lòng đường để tránh hàng xe dựng ngay trước một quán ăn đang đông khách. Rồi bạn đi qua một con phố đang đẹp thì tiếng “dzô dzô” cứ thế tống vào tai bạn, từ hàng bia kê đầy bàn ghế nhựa ra sát lòng đường. Sau đó, cố len lỏi qua một đoạn vỉa hè mà cứ đến hẹn lại lên người ta lại “đè” ra… lát lại.
Nhưng thái độ với vỉa hè thì luôn đầy rẫy tiêu chuẩn kép, thậm chí kép của kép. Điều đó đến từ đâu? Vào năm 2016, một học giả người Mỹ từng sinh sống tại TP Hồ Chí Minh 15 năm đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng người thành phố cùng chia sẻ một không gian vỉa hè, vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Kiểu như buổi đêm thì chỗ này là nơi ngả lưng của người này, và đến sáng sớm lại được kê cái ghế cho người khác ngồi uống cà phê.
Khi yên vị trong công sở buổi sáng và đọc một bài báo về thực trạng vỉa hè, bạn có thể rất bức xúc. Nhưng cũng có thể chính bạn, vào buổi sáng, đã ngồi góc phố gặm bánh mỳ và uống cà phê, rồi chiều lại lê la làm mấy chai bia, ngay sát lòng đường. Hoặc cũng chính bạn, trong một phút giây bấn loạn đi tìm chỗ đỗ xe, cũng có thể dễ dàng lái theo cái vẫy của một bãi xe lấn chiếm tạm bợ nào đó trên phố. Chính tập quán sinh hoạt của chúng ta, cao hơn tất thảy, mới là thứ định hình diện mạo đô thị.
Khi tôi sang Melbourne (Australia) và ra đường tản bộ vào một giờ sáng cuối tuần, dòng người vẫn rất tấp nập, vào ra các quán bar. Nhưng đường phố thì vẫn sạch đẹp và quy củ không khác gì ban ngày. Các cô ăn mặc gợi cảm vẫn có thể đi lại thoải mái mà không sợ bị trêu ghẹo, hay quấy rối, dù trong suốt một tuần ở lại đây, tôi thậm chí không thấy bóng dáng một cảnh sát nào.
Khi tôi hỏi liệu đô thị ban đêm như thế có rủi ro không nếu thiếu các lực lượng duy trì trật tự, đại diện của bang Victoria trả lời rằng không cần thiết, vì ngay từ nhỏ, đàn ông ở đây đã được giáo dục rằng phải cư xử kiềm chế, dù “chúng tôi biết rằng ai cũng có dục vọng”. Khi chúng tôi đi uống rượu ở một quán bar, sau ba “shot” (cốc nhỏ) rượu mạnh ban đầu uống hơi nhanh, phục vụ quầy đã bắt mấy anh em phải “chờ 30 phút” để tránh say xỉn, có thể dẫn đến các rắc rối không cần thiết. Ngày cuối cùng, khi tôi tham gia một quán bar lưu động ở một bãi đất trống, nhạc đang lên nhưng đúng một giờ sáng, theo quy định, DJ lập tức tắt nhạc và đám đông giải tán. Nếu không tuân thủ, họ có thể bị phạt rất nặng.
Tất nhiên bạn có thể tự ái, khi tôi đưa ra một ví dụ ở “bển” để soi lại tình hình Việt Nam. Nhưng bạn hẳn cũng hiểu thông điệp này: những vỉa hè sạch sẽ và an toàn đều có một “chi phí” hy sinh nào đó. Ai đó phải kiềm chế lại. Ai đó phải thay đổi thói quen, và tập quán sinh hoạt. Nếu ở Việt Nam, chúng tôi có thể uống thâu đêm, bao nhiêu cũng được, thậm chí có những hàng quán còn sập cửa cuốn xuống cho khách ngồi tới sáng. Và tất nhiên, rắc rối có thể phát sinh từ việc uống quá mức như thế. Cũng như chuyện ăn uống vỉa hè vậy: bạn không thể sử dụng dịch vụ này bừa bãi như lúc này, nếu muốn có một bộ mặt đô thị sạch đẹp và quy củ hơn.
Tất nhiên, bạn có thể tiếp tục giữ nguyên cách sinh hoạt như hiện tại, và mong muốn một kết quả khác đi. Điều này chỉ có trong giấc mơ.
Theo PHẠM AN / AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Đô thị, Trật tự đô thị