Tư tưởng hiện sinh trong văn học của Oe Kenzaburo

Được coi là nhà văn hiện đại thực sự đầu tiên của nền văn học quốc đảo Phù Tang, Oe Kenzaburo đã khiến dòng chảy hiện đại của nền văn xuôi Nhật Bản trở nên mạnh mẽ, tân kì hơn.

Sự nghiệp sáng tác của Oe vô cùng phong phú gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận về các đề tài chính trị, xã hội, về văn chương và ông cũng giành được nhiều giải thưởng văn học uy tín của Nhật Bản như giải Akutagawa, giải Tanizaki, giải Shincho. Tác phẩm của Oe Kenzaburo đã trở nên nổi tiếng trong xứ sở hoa anh đào và khá quen thuộc với độc giả toàn thế giới: truyện ngắn Nuôi thù (1957), Quái vật trên không (1964), tiểu thuyết Một nỗi đau riêng (1964), Tiếng thét câm lặng (1967), Khi vị cứu tinh bị hành hạ (1993), Chao đảo (1994), Cây xanh rực lửa (1995)…

Những cố gắng và đóng góp của Oe Kenzaburo cho nền văn học Nhật Bản nói riêng và văn học hiện đại thế giới nói chung giúp ông vinh dự là nhà văn thứ hai của Nhật Bản, sau Kawabata Yasunari, được bước lên diễn đàn nhận giải Nobel Văn học 1994 tại Stockholm. Hội tụ nhiều luồng ánh sáng tư tưởng, dưới ảnh hưởng của những xung động riêng tư và thời đại, Oe Kenzaburo trăn trở đi tìm cho mình một nguyên lý sáng tác, một quan niệm về sáng tạo nghệ thuật. Nguyên lý ấy, quan niệm ấy sẽ chi phối mạnh mẽ tới tác phẩm của ông, làm nên một Oe Kenzaburo – nhà văn Nhật tiên phong và đặc trưng nhất của thời hậu chiến.

Một trong những yếu tố tích cực của tư tưởng hiện sinh là quan niệm dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật: cần phải dấn thân, đấu tranh chống lại tính phi lí của thế giới. Oe đã kế thừa một cách tích cực tinh thần dấn thân ấy. Trong văn học Nhật Bản thế kỉ XX, Kawabata và Oe là hai cực đối lập. Nếu như Kawabata Yasunari là nhà duy mỹ chủ nghĩa, không can dự xã hội thì Oe Kenzaburo lại là gương mặt tiêu biểu, đại diện cho nền văn chương nhập cuộc, can dự xã hội một cách mạnh mẽ. Oe khẳng định các tác phẩm của ông luôn gắn bó chặt chẽ với xã hội, thời đại, “tôi bao giờ cũng khước từ những cảm xúc trực tiếp của chính mình và đặt chúng trong mối tương quan với xã hội, với đất nước, với thế giới”.

Con đường văn học của Oe ngay từ đầu đã gắn bó với con người, cuộc sống, xã hội. Văn chương của ông có ký ức tuổi thơ về quê hương, có cả dũng khí lập văn chương của tuổi thanh niên, ông luôn suy ngẫm người Nhật Bản cần phải như thế nào và ông, “ngày càng quan tâm đến cuộc sống đương đại. Bởi vì một nhà văn không thể né tránh thời đại sôi động đầy biến hóa mà anh ta đang sống”. Nhà văn luôn tâm niệm tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cá nhân, gia đình, xã hội và vũ trụ, làm nên một sinh mệnh sống cho tác phẩm của mình. Những mô hình văn học của Oe Kenzaburo gắn bó chặt chẽ với biến động của xã hội thời hậu chiến, phản ánh những biến đổi, những tai biến sâu sắc nhất về chất của thập niên đầu tiên sau chiến tranh.

Ông viết, “ở những mô hình thế giới của tôi hồi ấy có sự phản ánh mối bất hòa mà tôi cảm thấy rất rõ giữa con người với bản thân mình và với xã hội”. Ông cũng khẳng định vai trò của người cầm bút đối với xã hội và con người thời đại, “là một nhà tiểu thuyết, tôi cho rằng tiểu thuyết còn có một tác dụng quan trọng khác, đó là sự ghi nhớ tức thời về hiện thực đương đại. Sự phát triển của xã hội đương đại vô cùng gấp gáp, thậm chí mắt ta không theo kịp…vai trò của nhà văn đối với xã hội có thể nói đã giúp mọi người hoàn thành ký ức”.

Hiện thực xã hội sôi động được chuyển hóa một cách linh hoạt và tinh tế vào tác phẩm của Oe, chủ yếu là hiện thực tâm hồn, những bức tranh trung thực về đời sống tinh thần của người Nhật Bản thời hậu chiến. Làm được điều ấy đòi hỏi tài năng và lương tâm của người cầm bút, như Oe từng nói, “là một con người- một con người sống giữa muôn người lại chỉ muốn truy cứu và vạch trần mặt đen tối của một quốc gia, quả là rất khó. Điều đó không chỉ liên quan đến trách nhiệm của nhà văn, mà còn liên quan đến thủ pháp miêu tả của nhà văn”. Âm hưởng phản kháng xã hội, thời đại cùng chiều sâu nhận thức về chính trị cũng như bản thể con người trong tác phẩm của Oe được chuyển tải dưới hình thức những thủ pháp nghệ thuật tinh tế, hiện đại. Sự kết hợp hài hòa ấy làm nên một tên tuổi rạng danh cho nền văn học hiện đại Nhật Bản.

Tính chất dấn thân còn thể hiện ở khao khát tìm đến đáy sâu bản thể của con người. Các nhà văn, nhà tư tưởng lớn đều khao khát khám phá đến tận cùng chiều sâu của sự hiện sinh, tìm ra bản thể đích thực của con người thời đại. Milan Kundera, một trong những nhà tiểu thuyết lớn nhất thế kỉ XX, từng viết: “ tiểu thuyết “thể hiện trong mình “tinh thần của phức tạp”, “hiền minh của hoài nghi”, nó không đi tìm các câu trả lời mà đặt ra các câu hỏi, nó nghiên cứu “không phải hiện thực mà hiện sinh”, nghiên cứu chính ngay bản chất sự tồn tại của con người”.

Oe cũng đi tìm bản thể của hiện sinh với bóng tối và nỗi u buồn. Ông nhận thức sâu sắc về bóng tối, nỗi u buồn hiện diện trong chiều sâu bản thể của con người thời đại cũng như vai trò quan trọng của nó đối với công việc sáng tạo nghệ thuật. Ông viết, “tôi cảm thấy mình phải luôn luôn đi vào cánh cửa tiếp theo bên trong bản thân mình, sâu hơn, sâu hơn nữa, tối tăm hơn, và sau đó tôi phải viết về điều này. Tôi cảm thấy tôi phải chế ngự bóng tối đó bằng cách xem xét kĩ những điều vô cùng tối tăm ẩn sâu trong mình, thông qua việc viết về chúng”. Đi sâu vào bản thể của cái “tôi” cá nhân, Oe phát hiện ra bản thể của con người Nhật Bản hậu chiến và bản thể của con người thời đại, của nhân loại với những mảng sắc tối tăm, hỗn độn, u buồn. Với những cuộc phiêu lưu bên trong ấy, nhân vật trong các tác phẩm của Oe tự nhận thức được trạng thái hiện sinh của mình, ý nghĩa hay vô nghĩa, được sẻ chia hay tận cùng cô đơn, lạc loài. Qua bản thể ấy, trạng thái thời đại được nhận diện và soi chiếu.

Quan niệm nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo, Oe kêu gọi các nhà viết văn cố gắng tối đa bằng sức mình, chủ động xây dựng lấy một mô hình của riêng mình về thế giới. Khác với mô hình khoa học, mô hình trong nghệ thuật chứa đựng ý thức và nhãn quan của tác giả như một trong những thành tố quan trọng. Vì thế mà một mô hình nghệ thuật sáng tạo khi ý thức và nhãn quan của tác giả mang chiều sâu và vẻ đẹp riêng. Không chỉ là sáng tạo ở mô hình xác lập của tác giả mà còn sáng tạo ở mô hình tiếp nhận của người đọc. Nhà văn phải tạo nên những mô hình năng động, chứa đựng khả năng gợi mở lớn, từ đó người đọc với những suy tư và cảm quan riêng bóc tách, khám phá, vừa sẻ chia vừa sáng tạo.

Oe viết, “trong việc giải mã cái mô hình nghệ thuật do một ai đó tạo ra, giữa ý thức, nhãn quan của người khác được biểu hiện trong mô hình ấy, và giữa ý thức, nhãn quan của bản thân mình thế nào cũng nảy sinh một liên hệ căng thẳng, năng động”. Oe đã vượt thoát ra khỏi quan niệm trước đây về nhà văn, tác phẩm và người đọc, trong đó nhà văn là vị Chúa toàn năng chi phối và quyết định tất cả, nhân vật là loa phát ngôn cho tư tưởng nhà văn và người đọc vì thế bị áp đặt và luôn thụ động. Mỗi tác phẩm đều được thưởng thức, soi chiếu từ mối liên hệ căng thẳng, năng động giữa mô hình khách thể, mô hình tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và mô hình nhận thức của riêng từng độc giả. Vì thế mà khả năng sáng tạo được nhân lên gấp bội.

Mô hình văn học mà Oe tạo ra không xa rời với thế giới thực tại nhưng đồng thời cũng đầy ắp tưởng tượng. Sáng tạo trong nghệ thuật luôn đòi hỏi khả năng vận dụng tận độ trí tưởng tượng của nhà văn. Quan niệm này vừa bắt nguồn từ mĩ học Thiền truyền thống của tâm thức Nhật Bản vừa ảnh hưởng từ văn học hiện đại phương Tây. Mĩ học Thiền coi trọng trí tưởng tượng, trí tưởng tượng phải biết đoán nốt những gì chưa nói hết, phải cùng tham gia vào quá trình sáng tạo, gợi mở những khoảng trống trên một bức họa hội mặc, một bài thơ Haiku hay trong nghệ thuật vườn đá…

Với Oe, “trí tưởng tượng không nhằm chấp nhận một hình ảnh của người khác mà để tạo ra hình ảnh riêng của chúng ta”. Trí tưởng tượng sẽ chắp cánh cho những suy tư thực tại được bay vượt lên tới chân trời của cá tính, sáng tạo. Về phương diện này, Oe có sự gặp gỡ với Kawabata Yasunari, nhà văn đã khiến độc giả trên thế giới lần đầu tiên biết đến văn hóa, văn học xứ sở Phù Tang với giải Nobel văn chương 1968, khi cùng đề cao độ sáng tạo, tươi mới ở người nghệ sĩ. Kawabata từng viết, “chúng ta đã hoàn toàn trở nên chán ngấy văn chương vì nó không thay đổi như mặt trời ngày hôm nay vẫn mọc chính xác ở hướng đông như ngày hôm qua”.

Tuy nhiên, giữa hai nhà văn vẫn có sự khác biệt ngay trong điểm tương đồng ấy. Trải qua nhiều thế kỉ “bế quan tỏa cảng”, khép kín trong bốn bức tường cô lập của quốc đảo, nền văn học Nhật Bản trước cải cách Minh Trị đã trở nên vô cùng nghèo nàn về tư tưởng nghệ thuật và kĩ thuật văn chương. Và làn gió hiện đại của văn hóa tư tưởng phương Tây đã thổi tung bức tường cô lập ấy, mở ra nhiều hướng đi mới mẻ, đa dạng cho các nhà văn Nhật Bản. Chưa bao giờ như lúc này, những người cầm bút như Yasunari Kawabata lại khao khát cái mới, vượt thoát khỏi truyền thống đến như thế. Còn Oe Kenzaburo đang trong giai đoạn mà nền văn chương xứ Phù Tang thăng hoa những đặc tính hiện đại, cái mới trong văn chương đi vào chiều sâu và rực rỡ hơn rất nhiều.

Không chỉ dừng lại ở quan niệm nghệ thuật cần dấn thân, Oe Kenzaburo cho rằng, “nghĩa vụ của người viết tiểu thuyết là làm sao cho cả những người thể hiện bằng từ ngữ lẫn các độc giả của họ khắc phục được những nỗi đau khổ của chính mình và những mối tai họa của thời đại mình và hàn gắn những vết thương trầm trọng trong tâm hồn mình…tôi đã dốc nhiều công sức để thông qua văn học chữa lành những nỗi đau đó và có được sự nguyên vẹn. Tôi đã dốc nhiều công sức để làm cho các đồng bào Nhật Bản của tôi thoát được những nỗi đau đó và tôi cũng trả lại cho họ sự nguyên vẹn”.

Nghệ thuật, với Oe, là phương thuốc hàn gắn nỗi đau, dù phương thuốc này không ngọt ngào vì chứa đựng thực tại với bóng tối và u buồn. Tác phẩm của Oe xây dựng hệ thống hình tượng nhân vật trải nghiệm bi kịch, đi tìm ý nghĩa hiện sinh cho chính mình với nỗi đau và thất vọng ê chề. Chính nỗi đau được giải tỏa trong tác phẩm đã giúp nhà văn trụ lại được với thời đại biến động, phi lý và vô nghĩa. Oe Hikari, con trai của Oe, người nghệ sĩ bị thiểu năng trí tuệ đương đầu với khó khăn bằng sáng tác âm nhạc. Âm nhạc với Hikari như là phương tiện giãi bày tâm sự một cách hồn nhiên, thể hiện sự vô tội, trong trắng của tâm hồn, cất lên những “tiếng khóc u uất của tâm hồn”. Tiếng khóc u uất của tâm hồn ấy thật đẹp, nó giúp Hikari sống được với thế giới này, thanh lọc tâm hồn mình và nhân loại, tìm thấy ý nghĩa hiện sinh cho bản thân.

Và cũng chính công việc sáng tạo nghệ thuật đã giúp Oe đứng vững và được tôi luyện. Oe bộc bạch, “đối với âm nhạc và văn học chúng tôi sáng tạo ra, mặc dù chúng tôi tiến tới để nhận biết nỗi thất vọng, cái mà là đêm tối của tâm hồn, điều mà chúng tôi đã phải trải qua- chúng tôi nhận ra rằng với việc tự biểu lộ, chúng tôi có thể được hàn gắn và biết được niềm vui của sự hồi phục”. Với suy nghĩ này, Oe thể hiện lòng ngưỡng mộ của mình trước nghệ thuật chân chính, nghệ thuật có khả năng cứu rỗi con người, nghệ thuật chữa bệnh tâm hồn, thứ bệnh vốn vô cùng khó chữa, cho chính người sáng tạo và cả người thưởng thức.

Từ thiên chức hàn gắn, nghệ thuật, theo Oe Kenzaburo, cần phải hướng tới ánh sáng dù thực tại còn nhiều u ám. Ông tâm niệm, “văn học cần phải phát hiện ra mặt sáng sủa từ phía u ám của nhân loại, đem lại sức mạnh cho con người…văn học cho dù viết ra bao điều u ám của nhân loại, vừa viết về những âm thanh dòng sông đang cuốn trôi trong đêm khuya dễ sợ, vừa phải ngẫm nghĩ sao cho đến trang cuối cùng kết cục hiện ra trước mắt nhân loại phải là niềm hoan lạc lớn lao”. Trong cái tối tăm của hiện thực, người nghệ sĩ phải mang lại ánh sáng hi vọng cho con người, hàn gắn nỗi đau và thanh lọc tâm hồn con người. “văn học phải đem lại hi vọng cho con người, đồng thời cũng làm cho con người tin rằng, con người xứng đáng được sống hạnh phúc”.

Oe mong muốn xác lập trong thế giới nghệ thuật của mình những giá trị nhân văn có tính chất toàn cầu. Quan niệm ấy đưa Oe gặp gỡ với những đỉnh cao văn học của nhân loại. Quan niệm ấy đã chi phối mạnh mẽ tác phẩm của nhà văn, trong tác phẩm của Oe, đằng sau nỗi đau, niềm thất vọng tột cùng mang âm hưởng thời đại bất hạnh của bom nguyên tử, con người vẫn tìm được một nơi để nương tựa, đương đầu với bóng tối u ám của hiện thực bằng một tinh thần dũng cảm, vượt thoát khỏi bóng tối trong chính tâm hồn mình dù hành trình ấy không đơn giản và không thiếu những vũng lầy.

Tuy cùng là hai nhà văn đã làm vinh danh nền văn học Nhật trên diễn đàn văn học thế giới, cùng tôn thờ nghệ thuật, coi nghệ thuật là phương tiện cứu rỗi thế giới. Song giữa hai bậc thầy của văn học hiện đại Nhật Bản này vẫn có những khác biệt. Trong diễn từ Nobel năm 1994, Oe Kenzaburo có sự đối thoại lại quan niệm của Kawabata Yasunari, “là một người sống trong cái thế giới vốn có như hiện nay và lưu giữ những kí ức cay đắng không phai mờ về thời quá khứ, tôi không thể noi theo Kawabata từng nói về mình như về một người sinh ra bởi vẻ đẹp của Nhật Bản”.

Vẻ đẹp của Nhật Bản mà Kawabata từng nói tới trong diễn từ Nobel năm 1968 là vẻ đẹp có tính chất tâm linh thần bí, hướng tới phong vị Thiền của văn hóa Nhật truyền thống, ngưng tụ từ tinh chất của thơ Haiku và kiệt tác bất hủ- Truyện Genji. Từng trải qua nhiều thử nghiệm hiện đại song đến cuối con đường sáng tạo rực rỡ của mình, Kawabata lại quay về với vẻ đẹp và cách tư duy Nhật Bản truyền thống. Còn Oe không thế, Oe không thể quay về một Nhật Bản trong quá khứ với vẻ đẹp huy hoàng của thời Heian như Kawabata, nếu có thể quay về thì thật hạnh phúc và đỡ đi nhiều đau khổ cho Oe, vì ông có thể tìm thấy sự thanh thản và cứu rỗi bởi quá khứ huy hoàng ấy.

Oe chấp nhận chung sống với một Nhật Bản của sự đa nghĩa, đương đầu với những thử thách của thời đại đa nghĩa ấy, mong muốn hòa giải xung đột giữa cá nhân, xã hội, thế giới, song bất lực và đi đến tận cùng con đường nghệ thuật hiện đại. Khác với Kawabata thể hiện “niềm tin cháy bỏng với hồn thiêng sông núi”, Oe nỗ lực “hướng tới một chủ nghĩa nhân bản quốc tế”. Ông hi vọng trở thành người trung gian cho những nhà văn Nhật Bản cùng thế hệ với văn hóa Châu Âu hiện đại và hậu hiện đại. Tinh thần nhân bản quốc tế là chiếc cầu nối đưa Oe đến với những đỉnh cao tư tưởng của nhân loại, đồng thời cũng là phương tiện mà qua đó Oe kéo nhân loại đến với Nhật Bản.

Theo VIỆN NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á

Tags: , ,