Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử và bài học cho Việt Nam

Nho học coi giáo dục loài người là đề cao vai trò của văn hoá giáo dục, coi giáo dục học vấn là con đường quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển và làm nên bản sắc con người. Mặc dù những quan điểm của Khổng Tử về mục đích, chủ trương, nội dung, phương pháp của giáo dục được đưa ra từ cách đây 25 thế kỷ nhưng hiện nay nó vẫn mang ý nghĩa thời sự.

Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử và bài học cho Việt Nam

Hịên nay, khi cánh cửa của nền kinh tế tri thức đang mở cửa ra, hướng nhân loại vào kỷ nguyên khoa học và công nghệ, khi mà việc học tập thường xuyên, suốt đời trở thành hiện thực. Việc nghiên cứu những quan điểm giáo dục của Khổng Tử là vấn đề hết sức cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam.

Sơ lược về cuộc đời của Khởng Tử

Khổng Tử (551-479TCN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni, ông là nhà triết học, nhà chính trị và là nhà giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại. Tổ tiên Không Tử là người nước Tống dời sang nước Lỗ. Ông được sinh ra ở nước Lỗ – nơi bảo tồn nhiều di sản văn hoá nhà Chu.

Khổng Tử được 3 tuổi thì bố mất. Là người thông minh, lớn lên trong thời loạn lạc, các nước chư hầu luôn gây hoạ binh đao, tranh giành quyền binh, chiến tranh liên miên hàng thế kỷ khiến trăm họ lầm than, điêu đứng từ đó Khổng Tử ôm mộng binh bang, tế thế, lập trí giúp nước, cứu đời, thực thi những hoài bảo của mình. Song tới năm 35 tuổi, Khổng Tử không được vua các nước chư hầu tin dùng nên bèn về quê hương mở trường dạy học theo đúng lễ xuất xứ của bậc đại quân tử “Tiến vi quan, đạt vi sư”. Học trò khắp nơi đến theo học. Họ kính cẩn gọi ông là tiên sư, học trò của Ông đã có lúc lên đến 3000 người, trong đó có 72 người nổi tiếng trong lịch sử (thất thập nhị hiền), đây thật là một con số hiếm thấytrong lịch sử giáo dục thời cổ đại. Khổng Tử có 4 năm làm quan tại nước Lỗ với các chức vụ: Đại tư khấu, Nhiếp tướng sự. Nhưng vua nước Lỗ hoang dâm, mê đắm tửu sắc, không màng tới chính sự. Từ đó Khổng Tử đã nhìn thấy kết cục chẳng có gì tốt đẹp ở nhà vua, cho nên, Ông xin từ quan về quê dạy học và toàn tâm nghiên cứu, xác định lại các loại sách đời trước và viết bộ Xuân Thu nổi tiếng.

Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử

Hạt nhân tư tưởng của Khổng Tử đề xướng và xuyên suốt truyền bá trong các lớp môn sinh là “nhân”, chữ nhân theo quan niệm của Ông mang một ý nghĩa rộng lớn, gắn bó chặt chẽ với đạo – đạo đức – lòng yêu thương con người, yêu thương vạn vật. Theo Khổng Tử, gốc của nhân là hiếu đễ lễ nghĩa, trung thực vị tha, xã thân cứu người như chính Khổng Tử đã nói: “Theo ta, người có đức nhân là: Bản thân mình muốn đứng vững trong cuộc sống thì phải giúp người khác đứng vững trong cuộc sống. Mọi việc điều có thể từ mình mà nghĩ đến người khác, có thể nói đó là biện pháp thực hiện điều nhân”. (Luận Ngữ-Ung dã). Nhân theo Khổng Tử còn là: “kỷ sở bất dục, vi thư ư nhân”. Để thực hiện được Nhân, Khổng Tử cho rằng con người phải có lễ. Lễ là các quy phạm đạo đức hợp thành một hệ thống qui tắc xử thế. Trong suốt cuộc đời làm thầy của mình, bên cạnh dạy chữ, bao giờ Khổng Tử cũng chú trọng vào dạy người, ở đây đề cao thuyết đức trị.

Từ nội dung của học thuyết mà Khổng Tử đã áp dụng vào giáo dục mang tính nhập thế và tích cực. Ông đề xướng “thuyết tôn hiền”. Những tư tưởng ấy của Khổng Tử trong bối cảnh rối ren của xã hội đương thời rất khó thực hiện, sông đó là những quan có giá trị được thế hệ sau kế thừa, phát triển và đến nay vẫn còn đáng trân trọng về nội dung, chủ trương, nội dung và cả phương pháp giáo dục.

Mục tiêu giáo dục của Khổng Tử: là đào tạo, bồi dưỡng người “nhân”, “quân tử” để làm quan, điều hòa mâu thuẩn giai cấp, “khôi phục lễ nghĩa” trong xã hội đầy rối ren. Xét về mặt chính trị về cơ bản là bảo thủ, ít tiến bộ, nhưng về giáo dục thì mang tính tiếnn bộ và vượt thời đại.

Theo Khổng Tử học để làm người quân tử với chí khí của bậc đại trượng phu – hình mẫu của con người trong xã hội phong kiến. Người quân tử trước hết phải tu dưỡng đạo đức thì mới có thể làm việc lớn (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Khổng Tử quan niệm: “người quân tử ăn không được đầy đủ, ở không được yên vui, làm việc siêng năng và thận trọng với lời nói, tìm người đạo đức để sửa mình; như vậy mới được coi là người ham học”. Khổng Tử không chỉ quan tâm đến việc nuôi dân, dưỡng dân mà còn quan tâm đến việc giáo hóa dân. Nuôi dân, dưỡng dân là chăm lo về đời sống vật chất, giáo dân là lo cho dân về đời sống tinh thần. Với quan điểm này, giáo dục góp phần làm nên bản chất xã hội của con người. Với mục đích giáo này, Khổng Tử đã thể hiện tư tưởng vượt thời đại, một xã hội muốn phát triển vững mạnh phải có con người đủ đức, đủ tài. Vì thế Đảng và Nhà nước ta chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu góp phần xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, mục đích giáo dục của Khổng Tử là nhằm thực hiện mục đích chính trị của Nho gia, là thể hiện tư tưởng thân dân của nhà cầm quyền. Bởi vì người làm quan có giáo dục sẽ hiểu được chức phận của mình không làm điều hại dân, ngưòi dân có giáo dục sẽ hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của mình để thực hiện.

Chủ trương giáo dục của Khổng Tử: là bình dân giáo dục, đây là chủ trương tiến bộ trong bối cảnh lịch sử bấy giờ.

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại”, bầt cứ ai chỉ cần “đem cho thầy một bó nem” là ông đều nhận làm học trò, không phân biệt giai cấp, quý tiện, sang hèn. Tư tưởng này được học trò, Mạnh Tử kế thừa và phát huy đường lối bình dân giáo dục của Khổng Tử trên phạm vi quảng đại, với các hình thức đa dạng. Khác với Khổng Tử, Mạnh Tử chủ trương hình thành một mạng lưới trường công từ làng đến kinh đô, từ trường hương học đến trường quốc học, đó là trường, tự, học, hiệu để giáo hóa dân chúng. Hệ thống trường học mở rộng theo quan niệm của Mạnh Tử là điều kiện, là biện pháp thiết thực để bình dân giáo dục. “Nếu từ đô áp đến chỗ châu huyện đều đặt nhà học, để cho từ con vua trở xuống đến con nhà sỹ và thứ dân đều đi học cả, thì độ mười năm sau, trên biết bảo dưới, dưới biết cách thờ trên”. Đây là tư tưởng tiến bộ của nho gia vì không chỉ biểu hiện tư tưởng thân dân mà còn làm cho dân đổi mới. Tử tưởng này chẳn phải hiện nay Đảng và Nhà nước đang vận dụng hay sao! Đó là mở rộng các trường ở nông thôn và đặc biệt ở miền núi để giáo dục, nâng cao trình độ cho người dân.

Nội dung giáo dục của Khổng Tử:

Nội dung giáo dục luôn lý đạo đức của Khổng Tử được thể hiện trong “Luận ngữ”. “Luận ngữ” chủ trương rèn luyện tính thiện cho dân bằng phương pháp “cất nhắc người tốt, dạy dỗ người không tốt thì dân khuyên nhau làm điều thiện”. Mục đích giáo dục điều thể hiện cho dân không làm điều ác, không phạm tội. Nếu không giáo hóa dân, để dân phạm tội rồi giết, như vậy tàn ngược. Với quyết định này, thì trước hết phải dạy cho dân biết điều thiện, ác để mà thực thi.

Bên cạnh giáo dục đạo đức, chúng ta có thể suy thấy nội dung dạy học của ông gốm 4 mặt: “những kẻ theo ta ở nước Trần, nước Sái nay đều không đến trường cua ta nữa. Môn đức hạnh: thì có Nhan Uyên, Mẫu Tử – khiên, Nhiễm Bá – ngưu, Trọng Cung; khoa ngôn ngữ: thì có Tể Ngã, Tử Cống ; môn chính trị, thì có Nhiễm Hữu, Qúy Lộ; môn văn học: thì có Tử Du, Tử Hạ”. Ở đây Khổng Tử chưa hẳn phân ngành để dạy, nhưng trên thực tế thì có 4 nội dung đó, và biết phân biệt ra 4 mặt như vậy mà dạy, “tùy tính chất mà dạy”, thì quả thật đây là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử giáo dục mà đến nay còn nguyên giá trị. Chính công việc truyền dạy của ông đã có tác dụng tích cực rất lớn đối với lịch sử văn hóa.

Những chủ trương của Khổng Tử, là những nội dung giáo dục nhằm phục vụ quan điểm chính trị, nhằm cải tạo xã hội đương thời. Ông tuyệt nhiên không phải dạy “văn học”, dạy “ngôn ngữ”. Khổng Tử rất coi trọng việc học Kinh Thi, không học Kinh Thi thì không biết gì để nói. Theo Khổng Tử, Kinh Thi có thể làm cho phấn khởi, có thể làm cho ta đoàn kết, có thể làm cho ta biết căm thù, gần thì để thờ cha mẹ, xa thì thờ vua, nhưng căn bản là bồi dưỡng đức hạnh, kiến thức, để “thờ cha”, “thờ vua”.

Ngoài ra, nội dung giáo dục của Khổng Tử còn thể hiện trong việc giáo hóa huấn luyện kỹ năng thực hành cho dân. Khổng Tử cho rằng “Bậc thiện dạy dân bảy năm thì có thể dùng dân vào việc chiến đấu được”, “đưa dân không được dạy dỗ ra đánh giặc, tức là bỏ dân”. Quan niệm này thể hiện trong quan niệm của Khổng Tử ít nhiều quý trọng sinh mệnh con người, dù đó là tính mạng của tứ dân bách tính tầm thường. Nguyễn Hiến Lê cho rằng: dạy dân tới bảy năm mới đưa ra trận, cổ kim chưa thấy bao giờ. Qủa đúng như vậy! Sau bảy năm người dân được giáo hóa rèn luyện, sẵn sàng xông pha nơi trận mạc, liều chết với giặc để giữ nước.

Tuy nhiên trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng thực hành cho dân, Khổng Tử không tránh khỏi những hạn chế xã hội.Trung Hoa thuở ấy là xã hội nông nghiệp, thế mà Khổng Tử không dạy cách làm ruộng làm vườn. Khi Phàn Trì xin ông dạy cách trồng cây, thì ông đã trách rằng: “Gã Phàn Trì chí nhỏ hẹp lắm thay!”. Người bề trên chỉ cần học đủ lễ, nghĩa, tín thì dân chúng bốn phương sẽ đem đến phục dịch mình. Cần khi phải học nghề cày cấy” (Luận Ngữ; Tử Lộ). Khổng Tử coi việc làm ruộng là của kẻ tiểu nhân, còn kẻ sỹ “hà tất phải học làm ruộng”. Đây là tư tưởng xem thường chân tay của Khổng Tử. Không chỉ xem thường kẻ lao lực, Khổng Tử còn không tin vào khả năng nhận thức của họ. Khổng Tử viết “Dân khả sự do chi, bất khả sự tri chi” , đây là chủ trương “ngu dân” của Khổng Tử. Tuy nhiên, ông chủ trương “hữu giáo vô loài”, đây là mâu thuẫn giữa tư tưởng thân dân và lập trường quí tộc của ông. Về sau tư tưởng này được Mạnh Tử khắc phục.

Phương pháp giáo dục của Khổng Tử:

Về mặt phương pháp dạy học ông có một số quan điểm cá biệt có tính chất duy vật chất phác tiến bộ, đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự trong việc dạy học và cách tổ chức thi cử ở nước ta hiện bay. Phương pháp giáo dục của Khổng Tử thể hiện:

Thứ nhất, học như thế nào?

Theo Khổng Tử người học phải có nhu cầu nhận thức, ham hiểu biết, khám phá cái mới; phải độc lập suy nghĩ và sáng tạo trong quá trình nhận thức. Người dạy không chỉ truyền đạt tri thức mà cái cơ bản là dạy năng lực sáng tạo, dạy phương pháp để người học tự tìm đến tri thức. Ông nói: “kẻ nào không cố công tìm kiếm, ta chẳng chỉ vẽ. Khi nào không bộc lộ tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho. Kẻ nào ta dạy mà không biết hai ta chẳng dạy”. Trong quá trình học, Khổng Tử bắt học trò phải suy nghĩ, “học không suy nghĩ thì vô ích. Suy tư mà không học thì kết quả cũng chỉ bằng không” (Luận Ngữ). Với quan điểm này, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc nêu: “đổi mới phương pháp và các hình thức tổ chức giáo dục, phát huy tính tích cực và năng lực chủ động, sáng tạo của người học, thực hiện cân đối, hợp lý dạy kiến thức – dạy nghề – dạy người trên cơ sở lấy dạy người làm căn bản, nhằm đào tạo con người có nhân cách và bản lĩnh, có đủ kiến thức cần thiết, có năng lực lành nghề”.

Ngoài ra, Khổng Tử còn đề cao việc ứng dụng vào cuộc sống những đều đã học. Ông nói: “Như có ai đã đọc thuộc hết ba trăm thiên trong Kinh Thi, được bật quốc trưởng trao quyền hành chính cho mình, nhưng cai trị chẳng xuôi; được phái đi sứ đến các nước ở bốn phương, nhưng tự mình chẳng có tài ứng đối, người ấy dẫu học nhiều cũng trở nên vô ích” (luận Ngữ, Tử Lộ). Quan điểm này được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục kế thừa, trong Văn kiện Đại hội X khẳng định: mở rộng qui mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, gắn học với hành, tài với đức.

Thứ hai, thái độ của người học và người dạy:

Đối với người học:

Theo Khổng Tử, ngoài học Thầy, học trong sách vở còn học cả trong cuộc sống “ba người cùng đi, tất có người làm thầy; lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình”, tư tưởng này rất tiến bộ. Chúng ta có thể học mọi luc, mọi nơi, mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, Khổng Tử coi trọng nguyên tắc làm gương. Những quan điểm này được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục kế thừa trong giai đoạn xã hội hóa giáo dục hiện nay. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, khẳng định: “chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở – mô hình xã hội hóa học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập thường xuyên”. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, khoa học kỹ thuật công nghệ luôn luôn thay đổi. Do đó, nếu ta thụ động, không tiếp thu tri thức thì sẽ lạc hậu và không theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Vì vậy ta phải luôn học tập, trao dồi kiến thức trong mọi hoàn cảnh.

Đối với người dạy:

Theo Khổng Tử “học không biết chán, dạy người không mệt” – thái độ dạy học ấy rất tiến bộ cả mọi thời đại. Ngoài ra, Khổng Tử đặt ra rất nhiều yêu cầu khắc khe đòi hỏi sự nổ lực của người học đi theo hướng của thầy đã vạch ra. Về đòi hỏi này, thông thường trong khi dạy, Khổng Tử giảng giải từng bước một, trả lời những câu hỏi từng bước, từ chung chung đến cụ thể tuỳ theo sự hiểu biết của người học. Chính đều này đã phát huy được khả năng suy lý của mình như lời bình trong “Lễ ký” viết: “Thầy dạy chỉ thúc đẩy, chỉ mở lối soi đường nhưng sự không bức bách, không dẫn dắt đến cùng ấy lại làm cho học trò thư thái và biết nghĩ suy”. Đây chẳng phải là quan điểm lấy người học làm trung tâm trong nền giáo dục hiện nay ở nước ta chăng!

Ngoài ra, Khổng Tử đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp của người học để nắm những phần quan trọng nhất của các vấn đề đặt ra. Lời giảng: “Này, Tứ, sự thông suốt mọi nhẽ của ta chẳng phải ở chỗ ta học nhiều mà ở chỗ ta để tâm tìm ra đầu mối”, không phải dành riêng cho Tử Cống mà là yêu cầu đối với tất cả những ai muốn “thông suốt mọi nhẽ nhu ông”. Ngoài ra, ông còn đòi hỏi sự kết hợp giữa học và hành, giữa tri thức và rhực tiễn như đòi hỏi việc vận dụng ba trăm thiên trong Kinh Thi, với việc hàng chính và việc của người đi xứ.

Tất cả những phương pháp giáo dục của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị trong việc dạy và học ở nước ta hiện nay.

Kết luận

Có thể nói rằng, chủ trương, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục của Khổng Tử thể hiện tư tương “thân dân” và “tân dân” đậm nét. Mặc dù vẫn còn những hạn chế mang tính lịch sử, nhưng quan điểm giáo dục đó là bức tranh phác thảo đa dạng cho thế hệ sau chắc lọc, tiếp thu, phát triển.

Không có một dân tộc nào có thể phát triển khi họ xem thường truyền thống của mình. Chính cái truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại sẽ tạo tiền đề cho quá trình phát triển của dân tộc ấy trong tương lai. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là nét đặc trưng nổi bật tạo nên những giá trị của nền văn hóa, nền giáo dục của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng.

Việt Nam bên cạnh những tiến bộ mà giáo dục đã đạt được, giáo dục nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập mà đáng quan tâm nhất là chất lượng và hiệu quả giáo dục còn thấp, đặc biệt ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trong ba nhiệm vụ “dạy chữ”, “dạy nghề” và “dạy người”, mới tập trung vào dạy chữ, chưa chú ý đầy đủ tới dạy người. Một số biểu hiện tiêu cực như: thiếu kỷ cương, chất lượng còn thấp; nội dung, phương pháp dạy học còn lạc hậu; các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục còn nhiều,… Văn kiện đại hội XI chỉ rõ: “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu…. Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội”. Chính những điều này đã đặt trên vai ngành giáo dục ở nước ta một trọng trách lớn của thời đại. Ngành giáo dục chúng ta cần xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp hữu hiệu, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có số lượng và chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

S.T

Tags: ,