Từ cuộc chiến Nga – Ukraina nghĩ về thách thức với luật pháp quốc tế

Việc Nga tấn công Ukraina một lần nữa đặt ra những thách thức cho cộng đồng quốc tế trong việc thực thi hiệu quả pháp luật quốc tế. Thách thức này đặc biệt lớn khi chủ thể vi phạm là một quốc gia có tiềm lực lớn về chính trị, quân sự và kinh tế.

Từ cuộc chiến Nga – Ukraina nghĩ về những thách thức với luật pháp quốc tế

Tác giả: TS Hồ Nhân Ái, Khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật – ĐH Huế.

Tạo tiền lệ xấu

Sau Thế chiến thứ hai, sự ra đời của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đem lại những hy vọng cho việc đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, xây dựng một thế giới văn minh, hòa bình và bình đẳng hướng đến một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, sau gần 77 năm tồn tại, có vẻ như các mục tiêu mà LHQ đặt ra về một trật tự dựa trên luật lệ vẫn còn rất xa xôi.

Trong một trật tự dựa trên luật lệ, các quốc gia thường chỉ thực hiện các hành động phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực đã được thống nhất. Đó là một trật tự được nhất trí và chỉ được thay đổi thông qua các thể chế đa phương và các biện pháp ngoại giao.

Nhìn chung, việc hình thành một trật tự dựa trên luật lệ trước hết nhằm hướng đến các lợi ích của cộng đồng quốc tế, chẳng hạn tạo ra các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và phúc lợi cho tất cả các chủ thể liên quan.

Trên phạm vi thế giới, việc nhiều quốc gia không nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật quốc tế đã góp phần tạo ra những tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ.

Chẳng hạn, nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ – quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với một trật tự dựa trên luật lệ lại thường theo đuổi chủ nghĩa đơn phương với các hành vi trái với luật pháp quốc tế. Việc Mỹ can thiệp quân sự vào Nam Tư và Iraq khi không có sự đồng ý của LHQ đã tạo nên những tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế, và gián tiếp ảnh hưởng đến việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ.

>> Nhìn lại tội ác lịch sử của bè đảng NATO ở Nam Tư năm 1999
.

Các vụ việc này ở một khía cạnh nào đó có những điểm tương đồng với việc Nga phát động các hoạt động quân sự vào Ukraina, một quốc gia có chủ quyền.

Việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ phải gắn liền mới một cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Đây có lẽ là điều còn thiếu trong hệ thống pháp luật quốc tế hiện nay. Trước sự việc Nga tấn công Ukraina, cộng đồng quốc tế chỉ dừng lại ở các biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế vốn ít có tính hiệu quả mà không có những biện pháp đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền của các nước yếu thế hơn.

>> Chính sách đối ngoại ngu xuẩn của phương Tây đã đẩy Ukraina vào bi kịch
.

Luật pháp quốc tế bị “bỏ rơi”

Tương tự, ở Biển Đông, trước hàng loạt hành vi đi ngược lại với pháp luật và chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế không thể có được một cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn hoặc xử lý. Bản thân ASEAN không đủ năng lực để tạo ra những đối trọng cần thiết với Trung Quốc, do đó trật tự pháp quyền ở Biển Đông bị xâm hại, công lý bị bẻ cong bởi những hành động bá quyền.

Đỉnh điểm của vấn đề là việc Trung Quốc phản đối thẩm quyền và từ chối thi hành Phán quyết Biển Đông 2016 của Tòa trọng tài quốc tế. Đây chính là một minh chứng rõ ràng cho sự thiếu hiệu quả của cơ chế thực thi luật quốc tế hiện tại.

Nếu nhìn rộng ra thế giới, người ta vẫn luôn đánh giá rằng “thực thi là khâu yếu nhất của hệ thống luật quốc tế” do đó câu hỏi “liệu luật quốc tế có thật sự là luật” vẫn thường xuyên được đặt ra.

Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy rằng, hiếm khi một tập thể các quốc gia hành động chống lại quốc gia khác, đặc biệt nếu quốc gia đó có ảnh hưởng về kinh tế hoặc có khả năng quân sự đáng kể.

Trong đa số trường hợp, cộng đồng quốc tế chỉ có thể dừng lại ở việc gửi các công hàm ngoại giao phản đối các hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia đó. Do đó, việc thực thi pháp luật quốc tế có xu hướng dựa vào sự nỗ lực của cá nhân các quốc gia hoặc một nhóm quốc gia có tiềm lực và thế mạnh về quân sự, chính trị và kinh tế.

Điều này là một sự rủi ro bởi ý chí và quyết tâm thực thi pháp luật quốc tế của các cường quốc thường bị chi phối bởi các động cơ và lợi ích quốc gia, và không phải lúc nào cũng thể hiện sự công tâm và khách quan.

Trong thực tiễn, các quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ như Nga, Anh, Pháp hay Mỹ cũng đã nhiều lần vi phạm pháp luật quốc tế. Điều đáng chú ý ở đây là, các quốc gia này có tiềm lực về kinh tế, quân sự và đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình-an ninh, cũng như bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế.

Do đó, trong những lần như vậy, việc thực thi pháp luật để đảm bảo trật tự pháp luật quốc tế đều rất khó khăn, nếu như không muốn nói là không thể. Mặt khác, Trung Quốc cũng không phải là quốc gia duy nhất từ chối thẩm quyền và không thi hành phán quyết của một cơ quan tài phán quốc tế. Các cường quốc như Mỹ, Nga hay Anh cũng đã vài lần thực hiện điều tương tự khi đối diện với những vụ kiện chống lại họ.

Và thực tế, cộng đồng quốc tế, kể cả LHQ, cũng không thể có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ pháp quyền quốc tế trong những trường hợp như vậy.

Những thực tế này chứng tỏ một điều thế giới đang thiếu một cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả, từ đó các giá trị pháp quyền và công lý không phải lúc nào cũng được đảm bảo ở mức độ cao nhất.

Hơn nữa, việc không có một cơ chế hữu hiệu để thực thi các quy định và chuẩn mực của luật quốc tế sẽ khiến cho việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ gặp phải những khó khăn, đặc biệt là khi mà chủ thể thách thức trật tự đó là quốc gia có những thế mạnh về kinh tế, chính trị và quân sự.

Việc Nga tiến hành các hành động quân sự vào Ukraina, một quốc gia có chủ quyền, đã tiếp tục đặt ra những thách thức cho các quốc gia trong việc xây dựng và duy trì một trật tự quốc tệ dựa trên luật lệ. Điều này cũng làm dày thêm những thực tiễn quốc tế về các hành vi sai trái của các nước lớn, đe dọa và ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của các quốc gia yếu thế hơn.

Theo PHÁP LUẬT TPHCM

Tags: , ,