⠀
Từ chuyện vàng miếng và đồng hồ Patek Philippe trong nhà cựu Bí thư Tỉnh ủy
Chẳng cần phải vòng vo, thứ đem ra đổi chác ở đây là những món đồ, những tài sản mà ai nhìn vào cũng biết ngay là xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu chứ không thể nào với một cán bộ cấp tỉnh.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Ảnh: Tiến Tuấn.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị truy tố về tội “Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Theo cáo trạng, ông Thọ đã 2 lần nhận hối lộ, tổng hơn 13,8 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 3 lần, tổng hơn 22,1 tỷ đồng.
Danh sách tài sản của ông Lê Đức Thọ mà nhà chức trách thu giữ, tạm giữ phục vụ điều tra có: một ô tô Mercedes, 3 bộ gậy golf hiệu Honma, 134 bản chính sổ tiết kiệm/thẻ tiết kiệm, 4 sổ đỏ, 9 điện thoại di động…
Cơ quan chức năng còn thu giữ 13 đồng hồ với 10 chiếc đồng hồ đeo tay các hãng Patek Philippe, Tissot, Speak – Marin, Breguet, Blancpain; 3 chiếc đồng hồ để bàn, có một chiếc hiệu Patek Philippe. Ngoài ra còn 97 miếng vàng có hàm lượng trung bình 99,99%.
Vàng miếng là tài sản dễ hình dung về giá trị và cùng với tiền mặt, vàng miếng thể hiện rõ ràng nhất về “tính vật chất” trong trao đổi, đổi chác. Ngoài ra còn có những món đồ xa xỉ mà giá trị có thể bằng hàng chục năm tiền lương của người lao động bình thường. Chẳng hạn như bộ gậy golf trị giá 1,1 tỷ đồng; chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 421.000 USD; xế hộp Mercedes S450 Luxury trị giá hơn 6,6 tỷ đồng.
Với người dân thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, những thương hiệu đồng hồ, gậy golf được nhắc đến ở trên có lẽ là khá xa lạ. Nhưng qua cáo trạng thì hành vi của ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lại không lạ chút nào.
Như trên đã nêu, ông Thọ bị cáo buộc nhận hối lộ và trước đó ông từng bị kỷ luật vì giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định…
Cáo trạng vụ án này cho chúng ta thấy được mặt đen tối của những “giao dịch ngầm” diễn ra giữa cán bộ tha hóa – người có chức, có quyền – với các cá nhân, doanh nghiệp đi cửa sau. Một bên có quyền lực và một bên có tiền. Hối lộ dù với hình thức nào, là biếu, tặng hay cảm ơn cũng là biểu hiện của giao dịch mua – bán, bên mua lợi ích, bên bán quyền lực.
Người dân cũng thấy mức độ lộ liễu, trắng trợn của các giao dịch. Chẳng cần phải vòng vo, thứ đem ra đổi chác ở đây là những món đồ, những tài sản mà ai nhìn vào cũng biết ngay là xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu chứ không thể nào với một cán bộ cấp tỉnh.
Tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh xã hội nguy hiểm, gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể trong vụ án Xuyên Việt Oil đó là nguy cơ môi trường kinh doanh trở nên bất bình đẳng khi tồn tại sự phân biệt đối xử, ưu ái cho những doanh nghiệp thân tín, có chống lưng. Quyền lực bị sử dụng sai mục đích, lèo lái lợi ích vào túi thiểu số.
Qua vụ án này, một lần nữa có thể thấy ít nhất ba vấn đề sau:
Thứ nhất là cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Trong những năm qua, hành lang pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, qua trường hợp ông Lê Đức Thọ, chúng ta thấy rằng vi phạm của ông này mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm chứ không phải trong thời gian ngắn. Rõ ràng, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện các quy định về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Thiết nghĩ, biện pháp mạnh mẽ hơn nữa là vấn đề nên được tính đến. Thời gian qua nhiều chuyên gia đã đề xuất bổ sung hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú; nghiên cứu việc tội phạm hóa hành vi làm giàu bất chính, một biện pháp được ghi nhận tại Điều 20 Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng…
Thứ hai, về nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, nhiều người cho rằng một trong những lý do quan trọng là mức lương cho cán bộ, công chức, viên chức quá thấp. Tuy nhiên, qua các đại án gần đây, cụ thể trong vụ án Xuyên Việt Oil thì cán bộ từng trải qua vị trí công tác (tại một ngân hàng thương mại) như ông Lê Đức Thọ không thể nói là nghèo, không thể nói là thu nhập thấp. Vì vậy, vấn đề cần được nhìn nhận sâu xa hơn, và giải pháp phải đồng bộ để cán bộ “không thể, không muốn, không dám và không cần tham nhũng”.
Thứ ba, ông Lê Đức Thọ là cán bộ tương đối trẻ, được cử về công tác ở địa phương để đào tạo, rèn luyện nhưng đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là bài học, là sự cảnh tỉnh đối với bất cứ ai không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện để giữ mình, để bàn tay nhúng chàm và cuối cùng phải trả giá đắt theo đúng quy định pháp luật.
Theo BÍCH DIỆP / DÂN TRÍ
Tags: Bộ máy hành chính, Tham nhũng - Tiêu cực