Truyền thông và quan điểm lầm lạc về hạnh phúc của chủ nghĩa tiêu dùng

Tại sao ngoài kia nhiều con người suốt đời loay hoay tìm kiếm hạnh phúc, họ đặt ra rất nhiều mục tiêu và kể cả khi đã ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU ấy, họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Tại sao vậy?

Truyền thông và quan điểm lầm lạc về hạnh phúc của chủ nghĩa tiêu dùng

Một người có trí tuệ nào đó đã từng nói: “Hạnh phúc là cả một cuộc hành trình, không phải là một đích đến (Happiness is a journey, not a destination)“. Liệu điều này có đúng không?

Tôi mong các bạn, nhất là những người trẻ, nhìn ra được sự thật này.

Trước hết, xin đừng bắt tôi phải đưa ra định nghĩa đúng đắn về HẠNH PHÚC. Trước tôi và bạn, đã có vô số bậc toàn tri trong lịch sử đã cố gắng đưa ra khái niệm về điều này, và mỗi người thì nhìn nhận theo một cách khác nhau. Người ta không thể định nghĩa chính xác được nó, nhưng người ta CẢM NHẬN được hạnh phúc khi mà nó tới, và người ta chia sẻ với nhau về điều đó.

“Quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (Life, Liberty and the pursuit of happiness).

Nghe có quen không? Điều này không chỉ nằm trong bản tuyên ngôn độc lập của nước CHXHCN Việt Nam đâu nhé. Ngày nay điều này được coi là những quyền cơ bản và đương nhiên của loài người, nó được ghi rõ trong tuyên ngôn độc lập của rất nhiều quốc gia, nhất là ở phương Tây – nơi mô hình xã hội của họ được coi là những “anh cả” đang dẫn dắt thế giới.

“Mưu cầu hạnh phúc” – nó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều đang nhắm tới. Nhưng mưu cầu hạnh phúc bằng cách nào? Thì không có một văn bản pháp luật nào nhắc tới.

Người ta chỉ có thể quy ước, thống nhất ngầm với nhau như thế này:

the pursuit of happiness – Mưu cầu hạnh phúc, là bằng cách nào đó người ta MUA được, ĐẠT được, GIÀNH được những vật phẩm, những dịch vụ, những giá trị tinh thần, và cả những CON NGƯỜI cụ thể.

Đây chính là thứ mà những xã hội mang màu sắc chủ nghĩa tư bản (capitalism) hay tân tự do (neoliberalism) muốn con người ta hướng đến. Bỏ qua đống lý thuyết chính trị vớ vẩn đi, tôi không có ý muốn đi sâu vào nó. Đơn giản là như thế này. Qua truyền thông báo đài, phim ảnh, người ta NGẦM QUY ƯỚC với nhau rằng, anh chỉ có thể đạt được hạnh phúc khi:

MUA ĐƯỢC những vật chất hữu hình nhất định: xe cộ, nhà cửa, quần áo, đồ trang sức…

ĐẠT ĐƯỢC những giá trị về tinh thần: ăn phải ngon miệng, đi du lịch ở những nơi đẹp và sang trọng, làm gì cũng phải nhắm đến mục đích hưởng thụ, phải được “phê”, phải “sướng”. Thậm chí là những món mang lại “khoái cảm” như cần sa đang được dần hợp pháp hóa.

GIÀNH ĐƯỢC cho mình những chủ thể là CON NGƯỜI như anh mong muốn: Những cô bồ đẹp, nóng bỏng như người mẫu hay là mối quan hệ bạn bè với những người nổi tiếng, có vai vế trong xã hội.

Theo cách hiểu, cách nhận định như vậy, thì những người “hạnh phúc” nhất trong xã hội là những người có tiền. Thật nhiều tiền. Hạnh phúc của họ được đo đếm bằng chiếc Ferrari, căn biệt thự bên bờ biển, chiếc du thuyền, những cô nàng đẹp lộng lẫy xuất hiện trong bữa tiệc toàn người nổi tiếng, là Las Vegas, là Hawaii…

Không khuyến khích, thôi thúc anh làm những điều trên thì người ta làm sao bán được hàng cho anh? Làm sao để bắt anh có thể lao động như một con trâu phục vụ cho doanh nghiệp của họ? Những chủ tập đoàn, những đại tài phiệt, giới đầu tư kinh doanh họ đã tính toán rất kĩ khi đổ tiền vào ngành truyền thông, giáo dục là bởi lý do này. Để ý mà xem, những thứ mà truyền thông hằng ngày trưng cho chúng ta thấy, về những con người với vẻ mặt tươi tắn, nụ cười rạng rỡ bên những thứ họ MUA, ĐẠT, GIÀNH được tôi kể trên kia. Những hình ảnh trên in sâu vào đầu óc con người chúng ta. Chúng ta THẤY và TIN nó, làm theo nó, cố gắng để bản thân đạt được như “mẫu hình” ấy. Hai chữ “hạnh phúc” trở thành một lý tưởng, được hiểu theo nghĩa như vậy.

Loài người chúng ta, không khác những con động vật linh trưởng trong sở thú đang bắt chước hành động đám khách du lịch là mấy.

Theo TAKE THE 1ST RED PILL

Tags: , ,