Truyện Bác Ba Phi: Một ‘đặc sản’ văn hóa của vùng đất Nam Bộ

Trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng, Truyện kể Ba Phi đã trở thành một hiện tượng văn hóa đặc sắc, với những sắc thái biểu hiện cái hài nghệ thuật khá độc đáo. Chính vì vậy, những Truyện kể Ba Phi – phần lớn do chính Bác Ba Phi kể, một số do người khác dựa theo lối kể của Bác mà sáng tác nên – đã được lưu truyền sâu rộng khắp vùng Nam Bộ.

Truyện Bác Ba Phi: Một ‘đặc sản’ văn hóa của vùng đất Nam Bộ

Qua những Truyện kể Ba Phi đã sưu tầm được, ta có thể hình dung được một miệt đất rừng U Minh trù phú “chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm” của những con người phóng khoáng, lạc quan khẩn hoang mở đất và kiên cường đánh giặc để bảo vệ mảnh đất của mình. Bên cạnh hiện thực xã hội sinh động đó, ta lại thấy ở Truyện kể Ba Phi những tố chất dân gian đặc thù Nam Bộ với tiếng cười hóm hỉnh, hồn hậu và thoải mái.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt đi sâu tìm hiểu về những sắc thái của tiếng cười dân gian Nam Bộ được thể hiện rất rõ nét trong Truyện kể Ba Phi.

1. TIẾNG CƯỜI DÍ DỎM TRƯỚC THIÊN NHIÊN TRÙ PHÚ

Lịch sử của vùng đất Nam Bộ gắn liền với lịch sử khẩn hoang lập ấp của dòng người di dân từ Thuận Quảng vào Nam từ thế kỷ XVII-XVIII. Đất Nam Bộ ngay từ đầu thế kỷ XX vẫn còn nổi tiếng hoang vu và trù phú. Mà hoang vu và trù phú hơn có lẽ vẫn là vùng đất U Minh – Đồng Tháp Mười.

Thông thường, trong phạm trù cái hài thì “Tiếng cười do cái hài đưa lại nhằm giải thoát cho con người những thói xấu cá nhân và tệ nạn xã hội, khỏi những điều ti tiện và thị hiếu tầm thường; nó có tác dụng lớn trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức và thẩm mỹ cho mọi người” [ 8: 103 ]. Đó chính là tiếng cười thoát ra từ sự đả kích, châm biếm, mỉa mai đối với bạo quyền, cường hào ác bá, các tệ nạn xã hội, những thói hư tật xấu, như ta thường gặp trong các truyện cười dân gian, kể cả truyện cười dân gian Nam Bộ. Nhưng ở Truyện kể Ba Phi thì tính chất của tiếng cười không vậy.

Như trên đã nói, người U Minh vốn là những lưu dân, luôn luôn phải trực diện đấu tranh với đầm hoang thú dữ để sinh tồn sau khi đã can đảm tự nguyện hoặc bị đày ải vào mảnh đất địa đầu phương Nam, bỏ lại sau lưng những thành kiến và trói buộc cổ hủ. Vì cùng là lưu dân ở vùng đất mới, trong quan hệ xã hội, họ phải sát cánh bên nhau, cả trong những lúc tối lửa tắt đèn. Có lẽ vì vậy, giữa họ không có cái cơ sở để phát triển những tiếng cười đả kích, phê phán , châm biếm. Nhưng nhu cầu về tiếng cười là luôn luôn có thực và cần thiết trong đời sống con người. “Trên cơ sở nào mà cái hài được coi là một trong những phạm trù trung tâm của mỹ học? Sự tồn tại của một thể loại đặc biệt – hài kịch – không đủ để tách riêng phạm trù cái hài ra. Nếu không chúng ta sẽ phải tạo ra các phạm trù từ tất cả  mọi thể loại nghệ thuật hiện có. Cái hài vượt ra ngoài khuôn khổ thể loại hài kịch – nó phổ biến rộng rãi trong đời sống bình thường, hầu như ở khắp mọi lĩnh vực của thực tại xã hội”, đó là ý kiến của giáo sư mỹ học M.F.Ốpxianhicốp [ 10: 212 ]. Và chính vì cái hài “phổ  biến trong đời sống bình thường” nên những lưu dân Nam Bộ cũng đã tạo nên tiếng cười cho mình từ những đối tượng rất gần gũi là thiên nhiên trù phú vây quanh. Đối tượng ấy, cộng thêm cái tính cách phóng khoáng , lạc quan được hình thành từ những nguyên nhân xã hội – địa lý của người dân Nam Bộ như đã nói, đã tạo nên một sắc thái tiếng cười độc đáo được phản ánh trong Truyện kể Ba Phi: tiếng cười dí dỏm trước sự trù phú của vùng đất mới.

Tiếng cười lạc quan ấy đã bật lên từ hầu hết các Truyện kể Ba Phi. Mùa nước nổi, lúa thóc tưởng chừng sẽ “đi theo bà thủy hết”, ai nấy đều “chờ hạ cơn nước chum mà đi bắt cá, đặt lươn ăn qua ngày”, “nẫu ruột” là vậy mà rồi cũng trở thành đề tài để Bác Ba Phi bịa chuyện bông đùa: “Lúa đang nở ngầm dưới đáy nước. Lúa đang chuyển mình nở nghe rào rào. Những con chàng bè mò cá ăn, lớ quớ thế nào mà đút đầu vào giữa gốc bụi luá, lúa nở r, mắc kẹt đầu rồi cứ chổng cẳng mà chòi. Khoái quá, tui chống xuồng đi “nhổ” chàng bè. Làm một lát,  tui trói bỏ đầy một xuồng be tám. Chống xuồng rút về xóm, tui cho bà con hay, biểu ruộng ai thì ra bắt chàng bè về ăn, rồi cắt tranh mò mẫm bó từng bụi  lúa lại, kẻo nở quá, tới mùa nó lốp hết” ( Lúa nở ngầm ). Vậy đó, đất rừng phương Nam vô cùng trù phú. Nếp thì dẻo đến cái bánh ít bị rẫy dính vào cây xiên nhà, chó nhảy lên táp cũng bị treo tòn ten tỏn tẻn trên đó ( Nếp dẻo ). Chim chóc thì sống lẫn lộn với gia súc: “Riết rồi cúm núm ngoài đồng, con trống nào chân cũng có mọc cựa, còn gà trống trong nhà thì hay cất tiếng gáy vang: “Ò ó o … Cúm! Ò ó o … Cúm! Cúm …” ( Ven rừng U Minh thuở trước ). Chuột thì “đứng sắp hàng , nhỏ đứng trước, lớn đứng sau đều bân mặt đất. Chuột nhỏ thì đưa hai tay lên, chuột lớn thì một tay chắp sau đít một tay đưa ra hứng lúa. Có mấy con chuột già không hứng được lúa để ăn, ngồi vuốt râu, mặt mày buồn thiu.” ( Chim và chuột U Minh ). Cá trê thì đầy lung, đến cả con nai chà chỉ trong thoáng chốc đã bị chúng bu theo “rỉa sạch trọi thịt thà, xương xóc”, “làm cho con nai cứ trồi lui, trồi tới” như đang còn lội, “kéo nai lên (thì) được cả tạ cá trê, con nào con nấy to bằng cườm tay người lớn” ( Cá trê Lung Tràm ). Cá lóc thì to đến “táp trụm lủm chiếc xuồng sáp chở đầy mật ong” rồi “nhai nhai một cách ngon lành” ( Cá lóc Lung Tràm ). Vườn cũng đầy trái, đến chỉ để rụng cho cá ăn, nên cá bổi thịt chát ngấm, cá rô nấu chua “khỏi phải dầm me, dạo cơm mẻ”, cá lóc nấu cháo “khỏi phải vắt nước cốt dừa” ( Cá nuôi ). Rồi tôm, ếch, rùa, rắn, trăn, ong, nai, heo rừng, khỉ, nai, voi, cọp, cá sấu, kỳ đà… của đất rừng U Minh đều trở thành đối tượng gây cười một cách dí dỏm trong Truyện kể Ba Phi.

Có thể nói mà không hề cường điệu, rằng tiếng cười dí dỏm ấy – tiếng cười thoải mái, phóng khoáng và dung dị nhằm tập hợp những lưu dân ngồi lại bên nhau giữa một rừng đất mới hoang vu nhưng trù phú – chỉ có thể thoát ra từ dân gian Nam Bộ .

2. TIẾNG CƯỜI LẠC QUAN TRONG MỞ ĐẤT VÀ GIỮ ĐẤT

2.1. Như ta đều biết, Nam Bộ vốn là vùng đất mới. Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên, đất rừng phương Nam cũng đặt ra cho những người di thực biết bao thách đố: “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh”; thú dữ, thiên tai, bệnh chướng…  Ấy là chưa kể bao lo toan của buổi đầu định cư, những nhọc nhằn của cuộc khai phá và những tình cảm gắn bó với làng xóm quê hương cũ. Cũng có đôi khi, con người ở đây “nẫu ruột”, “ngồi khoanh tay rế mà than vắn thở dài với vợ con chịu trận” ( Lúa nở ngầm ). Nhưng rồi, thực tế cuộc sống không cho phép họ bi quan, bỏ cuộc; hơn nữa, bản thân họ lại là những  con người vốn không dễ bị khuất phục trước bạo quyền và trước tự nhiên.

Cái tinh thần lạc quan của người dân Nam Bộ trong quá trình chinh phục thiên nhiên ấy hiện lên khá rõ nét qua tiếng cười của Truyện kể Ba Phi. Ngay trong những truyện kể thể hiện tiếng cười dí dỏm trước thiên nhiên trù phú đã dẫn trên đây, cũng tràn đầy cái tiếng cười lạc quan của những người mở đất: Dù trong cảnh đồng ruộng chìm ngập trong sóng nước hay giữa mùa khô hạn, dù thường xuyên bị chim chuột phá hại mùa màng hay thú dữ đe dọa cuộc sống … , những người dân U Minh vẫn luôn cất tiếng cười.

Nhưng tập trung hơn cả cho cái tiếng cười lạc quan ấy, phải kể đến các truyện: Mô đất biết đi, Bắt heo rừng, Con chó săn dũng cảm, Heo đi cày, Con khỉ biết mần ruộng, Khỉ đi phát ( 2 truyện ), Giữ rẫy, Voi nhổ mạ, Căn bệnh da cổ của tôi, Câu cá sấu, Xuồng cá sấu, Bắt rắn hổ, Cọp xay lúa, Con trăn… rồng, …

Ở Mô đất biết đi, Căn bệnh da cổ của tôi, Con trăn… rồng, cả một hiện thực hoang vu đầy dẫy khó khăn gian khổ bày ra trước người nghe. “Năm đó mới đến mùa phát đất mà nước đã chum lên đầy ói đồng. Chuột bọ, rắn rít hết chỗ ở, leo lên đọt cây nằm có đùm”, đến nỗi… Bác Ba Phi cả đêm “ngồi mài mảng, hút thuốc trên lưng một con cá kình đước”, nó bò mang Bác vào tận nhà mà Bác cũng chẳng hay! ( Mô đất biết đi ). Phương tiện giao thông chủ yếu dựa vào sông nước, mà “Thuở ấy, hai bên bờ sông Đốc là rừng lá trập trùng, lá dừa nước ken nhau chạy một mạch tới mé sông rồi như giựt mình dừng lại đứng chới với, hai bên ngọn chờm ra như muốn câu lấy nhau”, khi “lỡ con nước”, người dân phải về trong con nước ròng đêm thì càng hết sức hiểm nguy: “Trời tối đen như mực, tui cứ dòm lằn sáng trên trời mà lái theo. (…)  Tức thì tai tui nghe cái vèo, thân thể nhẹ bổng, ghe lũi tuốt lên mé bờ!” … , hiện thực đó đã tạo nên cái nền cho Bác Ba Phi bịa chuyện: “sợi dây kẽm chằng cột đáy gạt văng cái đầu” và rồi vì ban đêm lụp chụp, không sẵn bay, dượng Tư dùng xi măng tháp lại cái đầu của Bác không kỹ nên “đến bây giờ da cổ mới sần sượng vậy đó đa!” ( Căn bệnh da cổ của tôi ). Những đêm mưa bão “Vợ chồng con cái ngủ trên túp chòi có sàn gác, bị giông đẩy đưa”, bên dưới thì đầy dẫy “thú rừng bị ướt ổ, lạnh, đâm ra quạu, cắn lộn với nhau kêu ầm lên”, hiểm nghèo là vậy mà Bác Ba Phi vẫn cứ cợt đùa “tựa như ngồi thuyền nan trên biển” và thêu dệt chuyện ( Con trăn … rồng )!

Ở những truyện còn lại, là những cảnh con người phải bảo vệ thành quả lao động và cả tính mạng của mình trước thú dữ, phải sống chung cùng với thú rừng nhưng vẫn cười vui dí dỏm. Lạc quan đến thế là cùng!

2.2. Không chỉ có lạc quan trong đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, Truyện kể Ba Phi còn có cả sự lạc quan trong quá trình giữ đất, mảnh đất mà người dân đã bất chấp hiểm nguy dày công khai phá. Hết Tây rồi đến Mỹ khi đặt chân đến U Minh đều trở thành đối tượng của tiếng cười. Cái tinh thần “bảo vệ chủ quyền” ở đây được thể hiện một cách kín đáo thông qua những mẩu truyện khôi hài. “Cò Tây cấm ngặt không cho chở dưa (hấu)  bằng xe” mà vẫn bị họ “qua mặt” dễ dàng đến ngớ ngẩn: “Thưa ông cò, đó là đầu hành khách, đó ông xem kỹ lại đi! Vì đường gồ ghề quá, xe chạy xóc quá làm đầu hành khách thối lủng mui xe, trổ lên phía trên, rồi mắc kẹt ở đó… “ ( Phá luật giao thông ). Bịa vậy thì ai tin được, trừ … Tây! Trong Truyện kể Ba Phi có khá nhiều mẩu truyện về đề tài đánh Mỹ. Đây cũng là một hiện tượng lý thú. Thông thường, những mẩu truyện vui kháng  chiến hiện đại chỉ rải rác trong dân gian rồi được tập hợp lại, ở đây, thì là cả một loạt truyện được lưu truyền mà chỉ do một người là Bác Ba Phi sáng tác.

Trong kho tàng những chuyện vui kháng chiến thì Truyện kể Ba Phi đã góp nhiều mẩu chuyện đặc sắc. Như ta biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đất rừng U  Minh là một trọng điểm chà xát của Mỹ-ngụy. Vậy mà người dân ở đây vẫn vui vẻ bám trụ tăng gia sản xuất nuôi quân, đóng góp vũ khí cho bộ đội và làm bình phong che chở cho cán bộ Cách mạng hoạt động… Bị thằng cảnh sát Xọn bắt vì “tội ba năm không đóng thuế đất, và không chịu làm khế ước cho nó”, Bác bèn nghĩ kế… Vậy mà cả quận trưởng Rạch Sáng cũng bị lừa ( Nói dóc có sách ). Nghĩa là, Bác Ba Phi đâu có ngán bọn tay sai cầm quyền, đem cả chúng ra để mà chế giễu. Qua những truyện cười của Bác Ba Phi về đề tài này, một mặt, ta thấy cái khí phách và sự thông minh của cư dân Nam Bộ, mặt khác, ta thấy rõ ở họ sự xem thường cái gọi là “sức mạnh xâm lược” của bộ máy chiến tranh Mỹ – ngụy. Xe lội nước, máy bay trực thăng , tàu chiến … với Ba Phi đều hóa thành những món đồ vô dụng ! “Người ta không thèm bắt ( xe lội nước ) rồi mà cứ ủi vào chưn hoài”, “Tui nổi xung, tống cho nó một đạp thật mạnh, con rùa ( xe lội nước ) văng bổng lên khỏi đọt nga, rớt trái giữa lung Bùn một cái rầm!” ( Rùa U Minh ). “Cái đầu chiếc máy bay cán gáo bê qua, cái đuôi vừa quật lại, đang lúc sôi máu giận, tui vớt lái thêm một phảng nữa. Nghe “bụp” một tiếng, tức thì chiếc cán gáo rụng mất khúc đuôi, thét lên hù hụ, xịt khói đen ra đít. Nó tròng trành, tròng trành, rồi cắm đầu xuống Lung Tràm.“ (Chém trực  thăng). “Chưa kịp chui ra, tui liền bị chúng nhấc cò cái bụp. Toàn thân tui bị bắn ra, cọ vào nòng súng kêu nghe cái “có … ét” (…). Thật bọn Mỹ ở hạm đội nổi tại sông Ông Đốc chơi ác quá, chúng lấy tui làm giẻ lau nòng súng cho chúng” ( Thụt nòng ô buýt ! . Rõ ràng toàn là “nói dóc”! Nhưng qua cái “nói dóc” này, ta thấy Ba Phi nói riêng, nhân dân Nam Bộ nói chung chẳng hề coi những cỗ máy chiến tranh hiện đại kia nặng một kí lô nào  cả: “ Tui thì “hú” hay “khẹt” gì cũng tréo ngoảy uống nước trà chơi, kể như tiếng pháo nổ tùng phình là tiếng trống bọn trẻ đánh múa lân vậy.” ( Tờ giấy khen )! Không nhờ lạc quan như thế , người dân U Minh sao có được cái sức mạnh tinh thần bám trụ giữ đất suốt bao năm chiến tranh vô cùng ác liệt ngay trong lòng địch?

Rõ ràng, Truyện kể Ba Phi là một biểu hiện rất sống động cho cái sắc thái tinh thần lạc quan của người dân Nam Bộ nói chung, cư dân U Minh nói riêng, trong quá trình khai phá thiên nhiên và bảo vệ các thành quả của mình.

3. TIẾNG CƯỜI BẬT LÊN TỪ MỘT LỐI “NÓI DÓC” CÓ NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN VUI TÍNH

Để tạo nên những tiếng cười dí dỏm, Truyện kể Ba Phi đã vận dụng một cách nhuần nhị một số biện pháp gây cười cổ điển của văn học dân gian ( folklore ), mà chủ yếu là biện pháp ngoa dụ ( cường điệu, phóng đại, khoa trương… ) và một số biện pháp tu từ văn bản. Ở Truyện kể Ba Phi, ta cũng còn có thể nhận thấy nhiều màu sắc biểu cảm được thể hiện qua cách sử dụng từ ngữ đặc thù Nam Bộ.

Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một số biện pháp nghệ thuật chủ yếu đã làm nên phong cách Ba Phi.

3.1. Trong các truyện cười, ngoa dụ được coi là một trong hai biện pháp gây cười cơ bản [ 1: 24 ], “ là phương thức cường điệu một mức độ, tính chất, đặc điểm nào đó của sự vật” [ 5: 213 ]. Đây là một trong những biện pháp tu từ ngữ nghĩa.

Ở Truyện kể Ba Phi, việc vận dụng biện pháp ngoa dụ có những sắc thái nào độc đáo so với việc vận dụng thông thường?

Trước hết, ta dễ dàng nhận ra những ngoa dụ trong Truyện kể Ba Phi thường xuất phát từ những sự việc, hiện tượng vốn đã tồn tại trong thực tế. Cơ sở thực tế của ngoa dụ Lúa nở ngầm chính là hiện tượng lúa nổi ở đồng bằng Nam Bộ. Cơ sở của ngoa dụ Nếp dẻo chính là loại nếp Cò Hương nổi tiếng của đất rừng U Minh. Chính cái hiện thực rất màu mỡ, trù phú của đất rừng phương Nam đã làm nền cho những ngoa dụ của một loạt các Truyện kể Ba Phi khác. Và do vậy, cái “dóc” của Ba Phi mới được tồn tại và lưu truyền rộng rãi khắp đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ như một hiện tượng văn hóa độc đáo chứ không phải như một sự chọc cười dễ dãi.

Đồng thời, ta còn thấy ở đây một hình thức ngoa dụ – tăng cấp rất đặc sắc, vừa có tác dụng tăng thêm cường độ, trường độ cho tiếng cười, vừa gây được ấn tượng mạnh ở người nghe. Chẳng hạn, trong truyện Cá lóc Lung Tràm: “Đang lúc “nhả khói phung mây” phì phèo, tôi bỗng nghe ở gần đâu đây có ổ ong mật đang sổ nực. (…) Trời ơi! Ổ ong lang đóng ngay dưới bắp chân đây chớ hổng đâu xa. (…) Tấm tàn ong lớn bằng cái nia vậy. Còn lại khúc mức, nó rớt xuống tấm vải mủ đụi đụi. Từng khối mật vàng óng bằng trái dừa khô nằm chất đống trên tấm vải mủ. Tui chặt cây khoanh thêm mấy tấm nữa làm bồn chứa. (…) Tui nắn sáp thành một chiếc xuồng lớn chở độ vài chục thùng mật. (…) Chiếc xuồng nặng quá con trâu phải bườn è ạch mà vẫn trèo lên bờ không nổi. (…) Một con cá lóc rừng lên táp trụm lủm chiếc xuồng sáp chở đầy mật ong của tui rồi còn gì đâu! (…) “Con cá lóc đang nhai nhai chiếc xuồng sáp một cách ngon lành dưới lung. Mật ong trào ra hai bên khóe miệng nó vàng óng cả một khúc nước Lung Tràm. “, v.v.

Nhờ vậy, ở Truyện kể Ba Phi , sự cường điệu dường như đã được đẩy lên đến mức tột cùng.

3.2. Về mặt văn bản, ngoài những biện pháp tu từ thường thấy (chủ yếu là quan hệ tương hợp trong màu sắc phong cách), đáng chú ý nhất ở Truyện kể Ba Phi là phương thức mở rộng. Ý đồ của dạng mở rộng này trong văn bản là giúp cho các truyện kể có vẻ như hoàn toàn chân thật. Thường thì Truyện kể Ba Phi mở rộng ở phần kết thúc văn bản với một kiểu rất độc đáo: “Hổng tin hỏi bả mà coi!” (Gài bẫy bắt chim), “Hổng tin, bà con cứ hỏi “bà xã” tui thử coi!” (Bắt chim trời ăn lúa), “Đứa nào hổng tin vô sau bếp coi bác gái bây đang dở mắm ra thì biết liền” (Ong mật rừng Tràm), “Không tin đi hỏi bả coi có phải thiệt vậy hông?” (Bắt heo rừng) hay “Hổng tin cứ làm thử thì biết!” (Căn bệnh da cổ của tôi), v.v… Lối kết thúc này có lẽ ta cũng chỉ gặp ở mỗi Truyện kể Ba Phi, nên chăng có thể gọi đây là “kiểu-kết-thúc-Ba-Phi”?

3.3. Ngoài các biện pháp tu từ chủ yếu trên đây, không thể không nói đến một giọng điệu thuần khẩu ngữ Nam Bộ đã mang lại hiệu quả nghệ thuật cao cho Truyện kể Ba Phi. Cho dù những văn bản đã sưu tầm ghi chép lại có thể có sự biến đổi đôi chút so với nguyên văn Truyện kể Ba Phi, thì, nhìn trên đại thể, đó vẫn là khẩu ngữ Nam Bộ.

Tính khẩu ngữ Nam Bộ trong Truyện kể Ba Phi thể hiện rất rõ nét qua cách sử dụng các từ xưng hô, tiểu từ, từ địa phương, các quán ngữ, thành ngữ, cách ví von, miêu tả…

Thử xem xét một đoạn trong truyện Tôm U Minh: “Cái năm đó nắng gì đến lung, bàu khô sạch trọi, không còn một miếng nước thấm tay. Hạn đến chó nằm hàng ba nhìn trời lè lưỡi, gà ấp trên ổ hót cổ thở hết ra hơi, trâu thèm nước đổ bọt mồ hôi. Nhà tui chỉ có mấy cái đìa cá giống với một búng đập thông ra Kinh Ngang là còn chứa nước chút đỉnh.”

Và mấy đoạn khác, trong Tờ giấy khen:

“Tờ giấy khen của huyện cấp cho tui về thành tích đóng góp võ khí cho bộ đội công binh đánh tàu đó, chớ phải chơi đâu?

Số là đây tính theo đường chim bay thẳng ra cụm pháo Rạch Ráng đâu độ bảy, tám cây số gì đó. Thường đêm, cụm pháo nó thụt lu ầm như giã gạo chảy ba. Đạn pháo bay  vùng mình bầy bầy chẳng khác le le về ăn đám mạ. Người ở trong tầm pháo riết rồi cũng đâm chai lì. Nghe bầy pháo nào hú hí thì thây kệ cha nó ; chỉ để ý đến bầy nào đi kêu khè khè, khẹt khẹt như tiếng vịt trống xiêm cồ gù thì mới sửa soạn chum vô hầm.

Chuyện đó là đối với đàn bà con nít kia, tui thì “hú” hay “khẹt” gì cũng ngồi tréo ngoảy uống nước trà chơi, kể như tiếng pháo nổ tùng phình là tiếng trống bọn trẻ đánh múa lân vậy.”

Ở những đoạn văn trên, những chỗ in nghiêng là những từ ngữ được dùng trong khẩu ngữ Nam Bộ. Rõ ràng, nếu thay thế những từ ngữ đó bằng những từ ngữ trong vốn từ toàn dân thì cái giọng điệu thuần khẩu ngữ Nam Bộ cũng mất đi và những Truyện kể Ba Phi sẽ khó lòng gây được hiệu quả thẩm mỹ cao.

ooOoo

Tóm lại, qua bài viết này, chúng tôi muốn khẳng định: Truyện kể Ba Phi là một sản phẩm tinh thần tiêu biểu của dân gian Nam Bộ. Những truyện kể này, một mặt, làm phong phú thêm cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam, mặt khác, phản ánh một cách khá sinh động về thiên nhiên và con người ở địa đầu phương Nam Tổ quốc. Chính những sắc thái độc đáo và đặc sắc của tiếng cười ở Truyện kể Ba Phi đã khiến tác phẩm và tên tuổi Bác Ba Phi vượt ra khỏi địa giới U Minh, lưu truyền cả một vùng rộng lớn Nam Bộ.

Chúng tôi xin mượn lời của văn hào M. Gorki để kết thúc bài viết này: “Cơ sở của nghệ thuật bằng lời là nghệ thuật dân gian. Hãy sưu tầm nghệ thuật dân gian, hãy học tập nghệ thuật dân gian và phải chỉnh lý lấy nó…” ( Dẫn theo [ 13: 83 ] ).

——————————

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TRƯƠNG CHÍNH – PHONG CHÂU, Tiếng cười dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987.
2. NGUYỄN GIAO CƯ và tgk, Truyện nói Trạng, NXB Đà Nẵng, 1998.
3. NGUYỄN HỮU HIẾU, Truyện kể dân gian Nam Bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
4. VŨ NGỌC KHÁNH, Kho tàng truyện cười Việt Nam ( tập 3 ), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1995 .
5. ĐINH TRỌNG LẠC (chủ biên), Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1993.
6. NGUYỄN ĐĂNG NA, Truyện Trạng, NXB Giáo dục, 1988.
7. BÙI MẠNH NHỊ và tgk: Truyện cười dân gian Nam Bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.
8. NHIỀU TÁC GIẢ, Từ điển văn học ( tập 1 ), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
9. NHIỀU TÁC GIẢ, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thànb phố Hồ Chí Minh, 1988.
10. M.F.ÔP-XI-A-NHI-CÔP, Mỹ học Mác-Lênin ( Bản dịch của Phạm Văn Bích), NXB Văn hóa, HN, 1987.
11. THẠCH PHƯƠNG và tgk: Kho tàng truyện trạng Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, HN, 1996.
12. PHAN ANH TUẤN, Những câu chuyện lý thú về Bác Ba Phi, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1990.
13. HỒ SĨ VỊNH, Gorki với văn nghệ dân gian, NXB Văn hóa, HN, 1986.
Và một số mẩu chuyện vui Ba Phi in trong:
– Câu lạc bộ Ba Phi , Minh Hải, 1990, 1991, 1992, 1995, 1996.
– Chuyện vui Ba Phi, Văn nghệ Minh Hải, 1979.
– Chuyện vui Bác Ba Phi, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1978.

Theo TS TRẦN HOÀNG / HCMUP.EDU.VN

Tags: , ,