Trung Quốc sẽ làm gì với các tiền đồn trên Biển Đông?

Trung Quốc sẽ tiếp tục thâu tóm các thực thể ở Biển Đông và sẽ sử dụng các căn cứ này để phô trương sức mạnh và thực hiện hành vi đe dọa. Liệu Trung Quốc có thực sự bảo vệ các thực thể cũng như có kế hoạch gì sắp tới?

Trung Quốc sẽ làm gì với các tiền đồn trên Biển Đông?

Bài viết của tác giả Robert Farley, người đóng góp thường xuyên của tạp chí The National Interest, và cũng là tác giả của cuốn The Battleship Book. Ông hiện đang là Giảng viên cấp cao tại trường Ngọai giao và Thương mại Quốc tế tại trường Đại học Kentucky. Tác phẩm của ông bao gồm học thuyết quân sự, an ninh quốc gia và các vấn đề hàng hải. Ông cũng viết blog cho các trang Lawers, Guns and Money, Information Dissemination và tờ The Diplomat. Bài viết được đăng trên The Natation Interest

Trung Quốc đã thiết lập nhiều cơ sở quân sự ở Biển Đông, chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng các sân bay tại Đá Subi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross), cùng với hạ tầng tên lửa, ra-đa và máy bay trực thăng ở một số thực thể nhỏ hơn. Tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã thiết lập một cơ sở quân sự quan trọng tại Đảo Phú Lâm (Woody Island), cũng như các cơ sở ra-đa và máy bay trực thăng ở một số khu vực khác. Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp Biển Đông cho thấy Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện quân sự trong tương lai. Các căn cứ lớn hơn (Đá Subi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đảo Phú Lâm) có cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc quản lý máy bay quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và tàu tuần tra lớn. Những tên lửa, ra-đa và máy bay mở rộng tầm bắn của quân đội Trung Quốc trên khắp Biển Đông.

Một số đảo là cơ sở cho các hệ thống tên lửa SAM và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM). Những tên lửa này nhằm biến Biển Đông trở thành khu vực “chết người” đối với các tàu và máy bay Mỹ không có khả năng tàng hình hoặc không có hệ thống phòng không nhiều lớp. Tuy nhiên, làm sao để các hệ thống tên lửa trên có thể “sống sót” trong một cuộc xung đột? Tên lửa trên đất liền “sống sót” sau một cuộc tấn công trên không vì chúng có thể ẩn nấp giữa những ngọn đồi, khu rừng và tầng bao phủ tự nhiên khác. Trong khi đó, các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc không có lớp bao phủ tự nhiên và ngay cả các cơ sở phòng thủ nhân tạo cũng không thể sống sót sau một cuộc tấn công phối hợp.

Về không lực của Trung Quốc, bốn cơ sở quân sự lớn nhất ở Biển Đông có đủ khả năng phục vụ hoạt động của máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra và máy bay cảnh báo sớm tân tiến. Khả năng sử dụng các sân bay này giúp mở rộng hiệu quả phạm vi áp dụng chiến lược A2/AD (Chống xâm nhập/Khu vực cấm) của Trung Quốc, cho phép truyền dữ liệu mục tiêu đến các bệ phóng tên lửa trên biển và ở Đại lục. Các máy bay chiến đấu sẽ khiến vùng trời ở Biển Đông nguy hiểm hơn, cũng như đe dọa các tàu chiến của Mỹ ở khoảng cách xa bằng tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, khi xảy ra xung đột, “độ bền” của sân bay phụ thuộc vào sự sẵn có của vật liệu và thiết bị để tái thiết sau một cuộc tấn công. Không rõ các đảo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông cùng hệ thống trú ẩn cho máy bay (tại các đảo lớn hơn) có đủ mạnh để tiếp tục hoạt động sau các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom của Mỹ hay không.

Ngoài ra, tính hiệu quả của các hệ thống tên lửa SAM, GLCM và máy bay chiến đấu phụ thuộc vào dữ liệu chính xác của mục tiêu. Ra-đa có vai trò quan trọng nhất mà các đảo ở Biển Đông có thể cung cấp cho quân đội Trung Quốc. Việc lắp đặt hệ thống ra-đa giúp cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về không gian chiến đấu cho Trung Quốc.

Năng lực quân sự của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông phụ thuộc vào sợi dây liên lạc với Đại lục. Hầu hết các hòn đảo không có kho dự trữ hậu cần rộng lớn cũng như khả năng đảm bảo an toàn. Khi xảy ra xung đột, các đảo này phải luôn được cung cấp đủ nhiên liệu, thiết bị và đạn dược. Đây là một gánh nặng đối với năng lực vận tải của Trung Quốc. Sự tốn kém trong việc tiếp tế cho các hòn đảo này khi xảy ra chiến tranh khiến các đảo ở Biển Đông trở thành một sự lãng phí.

Vì các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông không di động và không đủ lớn để che giấu trang thiết bị quân sự nên Mỹ có thể lập bản đồ chi tiết về các cơ sở quân sự trên mỗi hòn đảo ở Biển Đông và có thể theo dõi các lô hàng thiết bị quân sự đến các đảo. Tàu chiến, tàu ngầm và máy bay Mỹ sẽ dễ dàng tấn công các đảo của Trung Quốc vì tên lửa không yêu cầu dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực.

Các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông có một số liên quan về mặt quân sự. Song, quan trọng hơn, các đảo này là công cụ để Trung Quốc khẳng định yêu sách chính trị đối với hàng hải và tài nguyên ở Biển Đông. Về mặt quân sự, các đảo này là lớp vỏ cho hệ thống A2/AD của Trung Quốc, có thể phá vỡ sự tự do hành động của Mỹ; tuy nhiên, vẫn khó có thể cản bước Hải quân và Không quân Mỹ.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,