Trung Quốc đang từng bước cạnh tranh ảnh hưởng quân sự toàn cầu với Mỹ

Bắc Kinh đã bắt đầu tính đến giai đoạn cạnh tranh với Mỹ không chỉ ở trong khu vực, mà còn trên toàn thế giới.

Trong nhiều năm, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng thách thức quân sự của Trung Quốc đối với Mỹ về bản chất chỉ gói gọn trong khu vực, cụ thể là vùng Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ được hưởng lợi từ những năng lực và ảnh hưởng toàn cầu mà Mỹ gây dựng, Bắc Kinh đang tìm cách có được khả năng cho phép họ mở rộng sức mạnh quân sự ra bên ngoài các khu vực lân cận.

Tham vọng này của Bắc Kinh không phải là điều gì mới mẻ. Khi khủng hoảng Đài Loan bùng phát vào năm 1995-1996, Mỹ đã phản ứng trước việc Trung Quốc đe dọa Đài Loan bằng cách đưa 2 tàu sân bay tới khu vực, nhằm nhấn mạnh với giới lãnh đạo Trung Quốc rằng uy thế và ảnh hưởng về mặt quân sự của Mỹ cho phép họ có khả năng can thiệp bất kỳ khi nào họ muốn tại nơi mà Trung Quốc xem là sân sau của mình. Kể từ đó, Bắc Kinh đã phát triển các năng lực quân sự, phát triển các máy bay chiến đấu tân tiến, tên lửa hành trình chống hạm và các tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel, không chỉ để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước láng giềng ở phía Đông và Đông Nam Á, mà còn là để ngăn Mỹ can thiệp sâu vào tuyến phòng thủ của mình.

Nỗ lực nhằm xây dựng năng lực được gọi là “chống tiếp cận/chống xâm nhập” đã đem đến những kết quả nhất định. Mỹ ngày nay đối mặt với những thách thức và trở ngại ngày lớn trong việc bảo vệ Đài Loan cùng các đối tác khác và đồng minh trong trường hợp nảy sinh xung đột với Trung Quốc.

Dù thực tế Bắc Kinh đang thách thức quyền bá chủ của Mỹ tại vùng biển Tây Thái Bình Dương, song họ lại chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ uy thế siêu cường quân sự toàn cầu của Mỹ. Đó chỉ là một trong số rất nhiều điều trớ trêu trong quan hệ Mỹ-Trung. Washington “giúp ích” cho sự trỗi dậy về kinh tế của đối thủ chiến lược dài hạn lớn nhất bằng việc đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu, đem lại sự giàu có và thịnh vượng cho đối thủ này. Tuy nhiên, điều này không thể tồn tại lâu, bởi người ta khó có thể bao dung mãi mãi với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Sau cùng, nếu Mỹ có thể đảm bảo các giá trị toàn cầu, thì Mỹ cũng có thể thao túng và thậm chí là ngăn chặn chúng nếu muốn.

Khi quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng hơn, Trung Quốc ngày càng khó chấp nhận thực tế là sự thịnh vượng về kinh tế mà họ có cần tới sự độ lượng của Mỹ. Các chiến lược gia Trung Quốc đều hiểu rõ thách thức có tên “Malacca”, hay nói rõ ràng hơn là nguy cơ Mỹ có thể phong tỏa tuyến đường nhập khẩu dầu mỏ và các hàng hóa quan trọng của Trung Quốc. Giới hoạch định chiến lược của Mỹ cũng nhận thức được điều này, bởi các đề xuất về việc phong tỏa eo biển Malacca, bóp ngẹt các nguồn tài nguyên thiết yếu của Bắc Kinh, đã nhiều lần xuất hiện trong các cuộc tranh luận về cách đánh bại Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra.

Cùng lúc ấy, những phát triển trong sức mạnh của quân đội cho phép Bắc Kinh có khả năng giải quyết những điểm yếu của mình dễ dàng hơn. Vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vẫn là một lực lượng lạc hậu với những khó khăn rất lớn nếu muốn triển khai bên ngoài biên giới Trung Quốc. Chi tiêu dành cho quốc phòng của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.

Giờ đây, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đầu tư mạnh tay cho quốc phòng, Trung Quốc là nước sở hữu ngân sách dành cho phòng vệ lớn thứ 2 thế giới. PLA đã trở thành một lực lượng tinh nhuệ và hiện đại hơn với khả năng thực hiện cả những nhiệm vụ cực kỳ tham vọng. Điều này dẫn đến việc giới chức Trung Quốc bắt đầu đưa tầm mắt xa hơn Tây Thái Bình Dương và tính đến chuyện bành trướng ở những khu vực xa xôi hơn nữa.

Các chiến lược gia hải quân đang bắt đầu tính đến cách bành trướng ảnh hưởng của quân đội tại Ấn Độ Dương, vùng Sừng châu Phi và những tuyến đường biển trọng yếu nối các tuyến huyết mạch của Trung Quốc với các khu vực quan trọng như vịnh Persia. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” – một dự án cơ sở hạ tầng quy mô nhằm nối Trung Quốc với các quốc gia ở châu Á và châu Âu – cũng cùng chung mục đích này.

Dù các hoạt động của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào khía cạnh hàng hải và lãnh thổ (cũng như an ninh nội địa), song Bắc Kinh đang từng bước mở rộng dấu ấn quân sự trên toàn cầu. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành các nhiệm vụ chống cướp biển, sơ tán người dân và các cuộc diễn tập hải quân ở những khu vực cách bờ biển của mình hàng nghìn dặm. Quân đội Trung Quốc cũng đã tới Bắc Băng Dương, biển Baltic và nhiều vùng biển khác. Hải quân PLA đang phát triển nhiều năng lực, như tàu sân bay, với mục tiêu hoạt động và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc cũng đang tích cực đảm bảo các hạ tầng cơ sở hậu cần cần thiết để đảm bảo các chiến dịch này.

Bắc Kinh đã khai trương căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoại tại Djibouti, và nhiều dự án phát triển dọc vùng duyên hải Ấn Độ Dương. Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang dùng ảnh hưởng kinh tế và gây sức ép ngoại giao để tìm cách sử dụng các cảng biển và những hạ tầng khác ở nhiều quốc gia từ Vanuatu tới Sri Lanka và nhiều nơi khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tham gia nhiều cuộc tập trận tại châu Phi, một phần trong nỗ lực bảo vệ sự hiện diện ngày càng gia tăng của quốc gia này tại Lục địa Đen. Sẽ phải mất nhiều thập kỷ trước khi Trung Quốc có thể tiến gần tới việc đạt được thế cân bằng về sức mạnh quân sự với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang rảo bước, một cách dứt khoát và mạnh mẽ, trên con đường này.

Nhìn từ góc độ của Mỹ, xu thế này là đáng lo ngại, đặc biệt là về tham vọng lâu dài của Trung Quốc. Nó cho thấy rằng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng mâu thuẫn, Bắc Kinh đã bắt đầu tính đến giai đoạn cạnh tranh với Mỹ không chỉ ở trong khu vực, mà còn trên toàn thế giới. Nếu Trung Quốc đã nuôi tham vọng về gia tăng sự hiện diện trên trường quốc tế ngay cả trong bối cảnh đối mặt với nhiều tranh chấp ở vùng biển ngoài khơi thì họ sẽ còn toan tính những gì khi họ thành công trong việc bá quyền Tây Thái Bình Dương.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / BLOOMBERG

Tags: , ,