Triết lý giáo dục phương Tây trong trường học tư ở Trung Quốc

Thế hệ phụ huynh trẻ, giàu có ở Trung Quốc lựa chọn cho con cái học ở những trường tư áp dụng triết lý giáo dục phương Tây, thay vì trường công mà họ cho là trì trệ, áp lực.

Triết lý giáo dục phương Tây trong trường học tư ở Trung Quốc

Ở ngoại ô phía bắc Bắc Kinh, đi qua một rừng cao ốc mới xây và những con đường chật cứng xe cộ qanh thủ đô Trung Quốc, là Ri Ri Xin, một khu tổ hợp rợp hàng cây táo gai và óc chó.

Đây là một trong số những “trường tư thay thế” do một cặp vợ chồng thành lập năm 2007, với hơn 70 giáo viên và 300 học sinh, dạy từ mẫu giáo đến lớp 8.

“Chúng tôi không làm quảng cáo”, Zhang Dongqing, người đồng sáng lập trường nói. Ri Ri Xin có nghĩa là “mỗi ngày một mới” trong tiếng Trung Quốc. “Các bậc phụ huynh tự tìm đến chúng tôi từ lúc mới mở cửa, và tiếp sau đó là họ hàng, rồi bạn bè của họ”.

Ri Ri Xin và những trường học tương tự thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng trong giới phụ huynh trẻ và trung niên ở Trung Quốc về “giáo dục thay thế”, nền giáo dục dựa trên những tư tưởng tự do phương Tây, bất chấp chính quyền đang kiểm soát chặt chẽ hơn các giá trị phương Tây trong giáo dục đại học ở Trung Quốc.

Hôm 30/1, bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu các trường đại học xa lánh “giá trị phương Tây” nhằm củng cố ý thức hệ.

Tuy nhiên, những triết lý giáo dục phương Tây như Waldorf hay Montessori, mà một vài năm trước còn bị nhầm với nhãn hiệu quần áo, nay đánh bóng tên tuổi cho các trường mầm non và tiểu học cao cấp.

Cha mẹ hy vọng giải phóng con khỏi hệ thống giáo dục công trì trệ và áp lực bằng cách tìm cho chúng nơi học thong thả và thoải mái hơn, giúp tự do khai phá trí tuệ. Một vài người, như Zhang, đã thành lập các trường tư thục lấy cảm hứng từ triết lý cổ đại Nho giáo và Đạo giáo của Trung Quốc; người khác thì chọn cho con học ở nhà.

Một vài trường có học phí lên đến 8.000 USD/năm, cao gấp ba lần thu nhập bình quân năm của một gia đình Trung Quốc, giáo dục thay thế là lựa chọn dành cho số ít người giàu có.

Một buổi chiều trong tuần cuối tháng 3 năm ngoái, nhiều hoạt động diễn ra trên sân chơi bê tông của Ri Ri Xin. Hai tá học sinh lớp 3 đang luyện võ, miệng hô đều mỗi khi di chuyển, trong khi một nhóm khác chơi ném rổ. Phía xa xa, một lớp tiểu học đang ngồi nghe cô giáo kể chuyện.

Wang Xiaofeng, chồng của Zhang kiêm hiệu trưởng, cho biết mở Ri Ri Xin với mục đích để không phải khổ tâm về chuyện học của cô con gái thứ hai. Con gái lớn của Wang, sau hơn 10 năm học hành khổ sở trong hệ thống trường công, đã quyết định bỏ học cấp ba khi mới 17 tuổi. Sau đó, cô bé vào học trường nghề và trở thành một game thủ chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm từ con gái khiến Wang chỉ trích xu hướng đồng đẳng của giáo dục Trung Quốc, khiến ông cho rằng bóp chết cái tôi cá nhân.

“Mỗi đứa trẻ như một hạt giống”, Wang nói. “Một số được định sẵn để phát triển thành cây ngô, nhưng ta ép chúng phải thành cây kê. Tại sao?”, ông vung nắm tay lên. “Bởi vì kê thì được giá hơn. Nhưng nếu ta làm thế, chúng ta sẽ chẳng có gì khác ngoài kê”.

Nhiều phụ huynh tân tiến và giàu có đã chọn lựa đưa con mình khỏi hệ thống giáo dục công của Trung Quốc vì hơn ai hết, họ hiểu được những hạn chế và rủi ro trong đó.

Nicolas Chang, một cựu giám đốc bán hàng của IBM, đã quyết định bỏ việc và dạy Felix, cậu con trai 8 tuổi của anh ở nhà, bằng những kinh nghiệm thời từng đi học.

Mắt đeo kính và miệng nở nụ cười trẻ trung, cho dù không đề cập tới mình tốt nghiệp tiến sỹ kỹ thuật ở Đại học Thanh Hoa, Chang vẫn lộ ra dáng dấp một học giả. Anh nhớ lại thời gian ở trong các lớp học buồn chán và đầy mâu thuẫn. “Tôi không bao giờ hiểu được mục đích của đi học là gì”, Chang nói, người đã dễ dàng nắm bắt được yêu cầu cần thiết của việc đi học, nhưng lại không mấy hứng thú với việc học. “Tôi dành hầu hết thời gian tự hỏi người ta được lợi gì từ việc thực hành, và ý nghĩa của giáo dục thực sự là gì”.

Chang tìm kiếm câu trả lời bằng cách thử nghiệm với việc học tập của con trai. Anh từng đăng ký cho con vào một trong những trường tiểu học công lập hàng đầu, nhưng nó thật cứng nhắc và đơn điệu. Chang đổi trường cho con vào một trường tư hào nhoáng, nhưng rất nhanh chóng, anh nhận thấy nó quá chú ý đến vẻ bề ngoài và sự giàu có. “Vai trò cơ bản của hệ thống giáo dục đó là đào tạo ra công nhân và người tiêu dùng”, Chang nói về những ngôi trường này. “Nó chẳng khác gì một công xưởng”.

Để vạch ra triết lý của việc “học không nhà trường”, nơi trẻ em được toàn quyền tự chủ quyết định học cái gì trong môi trường tự do, không bị quy định bó hẹp, thường là ở nhà hoặc ở cộng đồng địa phương, Chang đang từng bước thử nghiệm.

Con trai anh, Felix, thường dành cả buổi sáng để học thuộc từ vựng tiếng Đức và luyện hợp âm guitar. “Học thuộc lòng vẫn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng”, Chang nhắc lại. Buổi chiều, Felix đi thơ thẩn trong căn hộ rộng rãi, lật dở nhiều cuốn sách như loạt truyện “Nhật ký của đứa trẻ tự ti”, hay những bộ truyện Trung Quốc kinh điển như “Tam Quốc diễn nghĩa”. Sau đó, gia sư nước ngoài ghé qua và dạy cậu đàn dương cầm, trống, tập làm văn.

Chang cho biết anh dự định sẽ mở rộng thử nghiệm. Anh đặt tên cho dự án này là “Giáo dục Armada”, thể hiện niềm tin rằng việc học cũng giống như một chuyến đi chung giữa người lớn và trẻ con. Trong đó, người lớn như một tàu sân bay, còn trẻ em là những chiến hạm. “Chúng được tự do thám hiểm”, anh giải thích, “nhưng người lớn vẫn ở đó khi bọn trẻ cần quay về tiếp nhiên liệu”.

Khi được hỏi liệu có tin phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc không, Chang nói bằng giọng mơ hồ: “Tôi cho rằng đào tạo một vị tướng khác với đào tạo một anh lính”. “Một vị tướng chân chính chắc chắn đi con đường khác với người thường. Nó đòi hỏi những kỹ năng khác biệt”.

Còn tại Ri Ri Xin, giáo án được lập phần lớn dựa theo hệ thống giáo dục công với sự chú trọng các môn tiếng Hán, toán và tiếng Anh. Lớp học được tổ chức lỏng lẻo hơn, cho phép giáo viên và học sinh tương tác nhiều hơn, mặc dù đôi khi gây ra sự hỗn loạn nhẹ. Trong một lớp thiên văn học lớp 4, một giáo viên nữ trẻ vừa chật vật cao giọng giữa rừng học sinh đang nói chuyện, vừa cố gắng vô ích kéo ánh mắt chúng vào những hình ảnh thể hiện 9 hành tinh trong hệ mặt trời.

“Ở đây, học sinh và giáo viên như bạn bè”, ông Wang, bố của Xiaoyu, một học sinh lớp 3 nói. “Môi trường ở đây thân thiện hơn, đó là điều thu hút tôi”.

Trong nhiều thập niên, giáo dục công của Trung Quốc đã cung cấp cho những người trẻ cơ hội thực hiện tham vọng của mình bằng cách học tập chăm chỉ. Chú trọng vào học thuộc lòng và ghi nhớ đã đạt được những kết quả đáng kể trong ba thập kỷ qua, tạo ra vô số các quan chức và đội quân lao động biết chữ làm việc trong các vai trò khác nhau phục vụ cho nền kinh tế đang bùng nổ.

Tuy nhiên, sự bấp hợp lý của nền giáo dục bắt đầu lan rộng. Cuộc cạnh tranh vào các trường đại học ưu tú luôn khốc liệt và là trận chiến sống còn. Theo báo cáo của chính phủ hồi tháng 5/2014, có 79 trường hợp sinh viên Trung Quốc tự tử năm 2013, 90% vì không chịu nổi áp lực học tập.

Sau một thập kỷ có số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng vọt nhờ hệ thống giáo dục đại học mở rộng, các văn bằng đại học không còn là tấm bằng đảm bảo một công việc đáng mơ ước. Trong khi đó, lượng sinh viên Trung Quốc đi du học, tính riêng năm 2013 là 300 nghìn người, về nước với vốn ngoại ngữ và kỹ năng phản biện tốt hơn so với những người học trong nước, thường được các nhà tuyển dụng ưa chuộng hơn.

Chịu ảnh hưởng của xu hướng này, các bậc cha mẹ đang chạy đua cho con cái tiếp cận với những kỹ năng giáo dục sớm theo triết lý phương Tây. Li Yue’er, vốn là một họa sĩ, vẫn nhớ lại lúc cô phát hiện ra Montessori, một mô hình sư phạm nổi tiếng phương Tây, ủng hộ sự tôn trọng tính độc lập của trẻ và đề cao phát triển tâm lý tự nhiên.

Đó là vào năm 1999, “nó như một chùm sáng soi rọi thế giới đen tối của tôi”, Li nói. Cô bỏ việc, mở một lớp dạy Montessori trên con phố đông người qua lại ở Ngân Xuyên, thủ phủ tỉnh Ninh Hạ, cố gắng thuyết phục người qua đường gửi con lại khi mua sắm. Đối với một tỉnh nghèo thì tên tuổi những trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh hấp dẫn hơn nhiều so với lý thuyết của Montessori về “trí tuệ của trẻ như tấm bọt biển” hay là “bình ổn nhân cách”.

Thế nhưng, cơ sở của Li, được đặt tên là “Học viện Ba” theo tên một trường học về lý thuyết chủ nghĩa xã hội không tưởng được mô tả trong một quyển truyện nổi tiếng dành cho trẻ em của Nhật Bản, hiện đang phát triển mạnh mẽ.

Học viện này giờ có hai cơ sở với 500 học sinh và 200 giáo viên. Bước vào trường học, ta nhìn thấy những lớp học được sơn màu sáng, trang trí bằng đồ chơi Waldorf, còn những lớp nghệ thuật được trang bị giáo cụ Montessori.

“Giáo dục chỉ là công cụ”, Li giải thích về các tiếp cận của cô với triết lý giáo dục phương Tây trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Trung Quốc tháng 4/2014. “Mục đích của nó là giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn”.

Li đã lên kế hoạch đưa một cách tiếp cận khác vào hệ thống nhà trường. Cô cho biết đã ký hợp đồng thuê gần một héc ta đất ở phía đông bắc Bắc Kinh. Trong tương lai, đó sẽ là một trường tiểu học áp dụng mô hình giáo dục Phần Lan, Li nói, “Sau cấp một, sẽ có trường cấp hai và cấp ba”. “Tôi đã dành 10 năm để xây dựng trường mẫu giáo này. Tôi còn 20 năm nữa. Tôi sẽ làm được “.

Còn ông Wang, bố của Xiaoyu, học sinh lớp ba đang học ở Ri Ri Xin, cho biết ông đơn giản chỉ mong muốn con mình có cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn. Giáo dục phải cung cấp kiến thức cũng như nền tảng thỏa mãn tinh thần, chứ không phải là cuộc chạy đua mệt mỏi, Wang nói. “Ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, tôi nhớ rằng mình đã nghĩ, cuối cùng thì cũng xong”, ông nói. “Mình không cần phải học nữa. Mình kiệt sức quá rồi”.

Theo VNEXPRESS / FOREIGN POLICY

Tags: ,