⠀
Trận oanh tạc khủng khiếp của Không quân Việt Nam trên đất Lào
Trận tập kích của không quân nhân dân Việt Nam, vào sào huyệt của phỉ Vàng Pao diễn ra ngày 9/10/1972, là trận chiến đầu tiên và cũng là duy nhất trên đất Lào của máy bay ném bom IL-28.
Căn cứ Bun Loong nằm ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển, cách Xiêng Khoảng 30m về phía Đông Bắc. Đây là căn cứ của phỉ Vàng Pao và nhiều cố vấn Mỹ, địa hình hiểm trở. Địch tổ chức phòng thủ rất chặt. Bun Loong có căn cứ sân bay, máy bay địch thường xuyên hoạt động và hàng loạt kho tàng quân sự quan trọng.
Đã nhiều lần quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pha Thét Lào tổ chức đánh nhưng chưa tiêu diệt được căn cứ này. Bộ Tổng Tham mưu đã quyết định dùng máy bay oanh tạc vào căn cứ Bun Loong và sử dụng hai tổ bay điều khiển máy bay ném bom IL- 28, của Đoàn bay 929 thực hiện nhiệm vụ này.
Để đánh địch đạt hiệu quả cao nhất, đơn vị đã thành lập tổ công tác đặc biệt, cùng với quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pha Thét Lào, trinh sát giúp cho phi công, tổ bay nghiên cứu kỹ trên bản đồ và lập sa bàn để nắm chắc về đặc điểm khu vực, địa hình, khí tượng, thủy văn, tình hình địch.
Các bài bay độ cao thấp và độ cao cực thấp (50m); cách ném bom thia lia đều được tổ bay ôn lại nhiều lần để sẵn sàng tham chiến. Các tình huống giả định khi thực hiện nhiệm vụ cũng được tổ bay luyện tập kỹ lưỡng. Cùng với đó, Bộ tư lệnh còn điều Biên đội máy bay MiG-21, để yểm hộ cho 2 tổ bay rút về căn cứ an toàn.
Sáng 9/10/1972, hai chiếc oanh tạc cơ IL-28 được tổ bay và cán bộ, nhân viên kỹ thuật hàng không kiểm tra thông điện lần cuối, kiểm tra đồng bộ, bom đạn. Máy bay của Bùi Trọng Hoan, Nguyễn Đình Nhẫn, Nguyễn Hùng Cường mang 8 quả bom bi mẹ. Máy bay của Nguyễn Văn Trừ, Thân Xuân Hạnh và Ngô Văn Trung mang 8 quả bom phá 250 kg. Mỗi máy bay còn nạp 650 viên đạn pháo 23 ly.
16 giờ 40 phút, ngày 9/10/1972, các phi công đã ngồi sẵn trên máy bay chờ lệnh xuất kích. Cùng lúc đó, một tốp máy bay địch đang ném bom ở Việt Trì. Thực hiện chiến thuật bám thắt lưng địch mà đánh, khi máy bay địch rút về căn cứ, Bộ tư lệnh mới quyết định cho 2 tổ máy bay ném bom xuất kích, để tránh ra đa cảnh giới của địch phát hiện.
17 giờ 07 phút, hai tổ bay được lệnh xuất kích. Lúc này, trên bầu trời miền Bắc thời tiết xấu, mây giăng kín, nhưng cả 2 tổ bay vẫn bình tĩnh bay theo đường bay đã định. Đến Bun Loong, khi đã xác định rõ mục tiêu oanh kích, tổ bay của Bùi Trọng Hoan lao vào mục tiêu công kích trước. Lần lượt 8 quả bom bi 250 kg được trút xuống.
Tiếp theo đó là tổ bay của Nguyễn Văn Trừ và Thân Xuân Hạnh nhanh chóng ào tới mục tiêu ném 8 quả bom phá vào căn cứ địch. Cùng lúc đó, xạ thủ Nguyễn Hùng Cường và Ngô Văn Trung đã quay 4 khẩu pháo 23 ly trút xuống mục tiêu gần 900 viên đạn 23 ly.
Trận oanh kích của hai tổ bay đạt hiệu suất chiến đấu cao, đã phá hủy một phần đường băng, bắn cháy một kho xăng, một kho đạn của địch bị nổ và trên 80 nóc nhà quân địch cũng bị phá hủy.
Sau trận đánh, 2 máy bay nhanh chóng thoát ly an toàn về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc (Nội Bài). Khi xuống, hai máy bay không tắt máy mà điều khiển máy bay lăn thẳng vào ụ sơ tán để ngụy trang, tránh địch phản kích. 8 giờ tối, khi mọi việc sơ tán ngụy trang máy bay vừa xong thì chiến đấu cơ F-111 của địch đến oanh tạc.
Trận đánh của hai tổ bay IL- 28 ở Bun Loong đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pha Thét Lào phát triển thế tiến công, góp phần vào chiến thắng vang dội trên mặt trận cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng đến toàn thắng.
Trận đánh của hai tổ bay ném bom IL- 28 ngày 9/10/1972 là trận đầu tiên và cũng là cuối cùng của máy bay ném bom IL-28. Đây là trận đánh có “1-0-2”, mãi mãi là niềm tự hào của Không quân Nhân dân Việt Nam và xứng đáng với 16 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.
Từ khi thành lập năm 1959 cho tới ngày nay, Il-28 có lẽ là loại máy bay được thiết kế hoàn toàn cho nhiệm vụ ném bom, duy nhất có trong trang bị chiến đấu của không quân ta. Trong khi các loại máy bay khác như MiG-17/21, F-5, Su-27/30 được xếp vào loại tiêm kích hoặc Su-22, A-37 là cường kích dù chúng đều có thể mang bom.
Sau trận này, những chiếc Il-28 không còn xuất kích thêm lần nào nữa. Năm 1973, quân đội ta có tổ chức duyệt binh lớn và đã có kế hoạch đưa Il-28 vào đội hình bay diễu qua lễ đài. Tuy nhiên, do các máy bay hết hạn sử dụng nên cuối cùng đã không thực hiện.
Cho đến nay, kể cả ở Bảo tàng Phòng không – Không quân, không ai còn được thấy hình ảnh chiếc IL-28, nhưng với thời gian không dài tồn tại, không quân ném bom T-16 cũng đã góp phần vào chiến công chung của Không quân nhân dân Việt Nam.
Theo THÁI HÒA / KIẾN THỨC
Tags: Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chiến tranh Việt Nam, Kháng chiến chống Mỹ, Lào