‘Giết mọi thứ di động’: Tội ác lịch sử của đế quốc Mỹ ở Việt Nam

Bài học đau thương: Rước giặc vào nhà thì phải biết hậu quả tai hại sẽ không thể lường được dù giặc có khoe đầy giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền.

‘Giết mọi thứ di động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam’

Dù di hại của chiến tranh vẫn còn hằn in, nhưng vì quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, vì hòa bình và phát triển, chúng ta đã cố gắng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Tuy nhiên, trong tâm trí nhiều người Mỹ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn là một nỗi day dứt, và họ đã xuất bản nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến tranh, trong đó có tác phẩm Giết mọi thứ di động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam (Kill Anything That Moves – The Real American War in Vietnam) của Nick Turse.

Tác phẩm dày 370 trang này đoạt giải thưởng Ridenhour của National Press Club năm 2009, nguyên là luận án Tiến sĩ tại Ðại học Columbia của nhà báo kiêm sử gia Nick Turse. Cuốn sách gồm một nhập đề, bảy chương và một kết luận. Tựa đề cuốn sách như một mệnh lệnh cho người lính Mỹ khi đến Việt Nam: Giết mọi thứ di động! Ðọc xong thì thấy đúng như vậy. Qua cuốn sách, Nick Turse đã chứng minh một cách không thể chối cãi rằng mệnh lệnh dã man ấy là một chính sách, một chiến thuật chính thức của quân đội Mỹ và đã được áp dụng từ cấp tướng đến người lính, từ quân trường ở Mỹ đến xóm làng ở Việt Nam. Chủ đề cuốn sách là một chứng minh rằng cuộc thảm sát từ 350 đến 500 thường dân ở Mỹ Lai ngày 16-3-1968 không phải là một sơ suất biệt lệ của quân đội Mỹ. Ðiều này có thể thấy ngay trong Chương 2: “Theo hồi ký của tướng Westmoreland, (tướng) Mac Arthur đã “thúc giục tôi hãy chuẩn bị để luôn luôn có đầy đủ trọng pháo vì dân Á Ðông rất sợ trọng pháo” và đưa ý kiến là Westmoreland có thể phải sử dụng một “chiến thuật đốt sạch đất đai” tại Việt Nam” (tr.61). Lời chỉ đạo từ một anh hùng của Thế chiến thứ hai có thể coi như thể hiện tâm cảnh của tướng Westmoreland trước khi nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam để “đếm xác” (body count) dân Việt trong tinh thần kỳ thị chủng tộc dứt khoát.

Phương pháp làm việc của tác giả Nick Turse thích ứng với môi trường hàn lâm của một trường đại học nổi tiếng như Columbia. Tác giả sử dụng hồ sơ giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, các báo cáo từ các cuộc điều tra của “Sở điều tra tội ác” thuộc Bộ Quốc phòng, đặc biệt là báo cáo của “Nhóm điều tra tội ác chiến tranh ở Việt Nam” được Pentagon thành lập sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai, cộng với hơn 100 cuộc phỏng vấn ở cả hai phía: nạn nhân Việt Nam và quân nhân Mỹ. Tất cả để đúc kết lại thành một bức tranh bi thảm về sự tàn phá tận cùng của chiến tranh mà ngay cả Picasso có sống lại cũng không thể vẽ thêm một Guernica thứ hai…

Trước những vũ khí và quân lực đằng đằng sát khí, người thường dân Việt Nam đã phải chịu một tai họa thống khổ đến mức nào? Bảy chương sách của Nick Turse mang câu trả lời với các tựa đề hãi hùng: 1. Cuộc thảm sát ở Triệu Ái, 2. Một hệ thống đau khổ, 3. Tàn sát quá độ, 4. Một loạt những hung bạo, 5. Khốn khổ vô bờ, 6. Tên khùng, ông tướng “săn cộng” và tên đồ tể của vùng châu thổ, và 7. Những tội ác chiến tranh biến đi đâu rồi? Không phải là một tình cờ mà nhận định của Alvin Tofler: “Nếu nguyên tắc căn bản của nền kinh tế kỹ nghệ là sản xuất hàng loạt thì nguyên tắc căn bản của chiến tranh thời kỹ nghệ hóa là tàn phá hàng loạt” (War and Anti-War, trang 38) lại trùng hợp sát sao với nhận định của tác giả Nick Turse: “sự tàn sát theo chuẩn mức kỹ nghệ đã được áp dụng khoảng thời gian thiếu tướng Julian Ewell cầm quân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” (tr.204). Tại Việt Nam, chính quyền Mỹ đã thực thi một cuộc tàn phá hàng loạt một cách có hệ thống trong suốt cuộc chiến với những mô tả đáng kể nhất là trong hai Chương 1 và Chương 6 mà người đọc không thể bỏ qua.

Chương 1: Từ thời kỳ được huấn luyện ở quân trường tại Mỹ (Fort Benning, Camp Lejeune, tiểu bang Georgia) tinh thần kỳ thị chủng tộc (như của tướng Mac Arthur) đã được nhồi sọ tối đa để giúp tân binh Mỹ có thể giết kẻ thù – người Việt Nam – mà không hối tiếc hay ân hận. “Cựu chiến binh Wayne Smith nhớ lại là các huấn luyện viên không bao giờ gọi người Việt Nam là Vietnamese. Mà họ gọi bằng những chữ tiếng lóng hạ cấp như “dinks, gooks, slopes, slants, rice-eaters”, những chữ không còn mang ý nghĩa tượng trưng cho con người nữa. Cái thâm ý là coi người Việt Nam thấp hơn cả giống người” (tr.28). Như vậy thì có thể tự do để vâng lệnh giết một cách vô trách nhiệm, như lời khuyên của một vị tuyên úy Tin lành: “Người lính tự do nhất là người lính sẵn sàng tuân lệnh cấp trên. Khi bạn tuân một mệnh lệnh hợp pháp thì bạn không sợ, không lo gì cả” (tr.30). Vấn đề là không có ai định nghĩa “mệnh lệnh bất hợp pháp” là gì. Khi trung úy Maynard quăng lựu đạn xuống hầm một căn nhà trong làng Triệu Ái, “Trung úy Bailey cho biết có con nít trong hầm ấy. Và trung úy Maynard trả lời: “Kệ mẹ nó, rồi tụi đó lớn lên thì cũng trở thành Việt cộng thôi”…” (tr.34). Ðiều kinh khủng là người lính Mỹ không phân biệt được kẻ thù và đồng minh nên họ chỉ biết khi thấy “nhúc nhích thì giết”. Ở cấp cao hơn, các sĩ quan tốt nghiệp quân trường West Point cũng có một hiệp hội ngầm (mà ai cũng biết) có tên là West Point Protective Association (WPPA) để họ bảo vệ lẫn nhau khi bị điều tra hay khi phải ra trước tòa án quân sự như trường hợp tướng Julian Ewell dưới đây.

Chương 6: Hồ sơ của trung sĩ Roy Bumgarner và tướng Julian Ewell là hai thí dụ điển hình.

“Trung sĩ Bumgarner thuộc Lữ đoàn dù 173, Sư đoàn kỵ binh số 1, đóng tại Bình Ðịnh (năm 1968) nổi tiếng với thành tích giết 1.500 kẻ thù. Có khi toán quân 6 người của ông còn giết nhiều kẻ thù hơn cả tổng số “đếm xác” của toàn thể tiểu đoàn 500 người của ông” (tr.192). Thành tích này đã làm cho ông mang biệt danh là “The Bummer” (tên Khùng). Tên Khùng tuy khùng nhưng không dại, vì sau khi giết một thường dân (dù đàn bà, con nít), y lại nhét vào trong xác chết một quả lựu đạn “made in China” hay một khẩu súng Nga. Hậu quả là số “Việt cộng” bị Trung sĩ Bumgarner giết lên rất cao. Ðiều không may là các bạn đồng ngũ đã thấy hành vi vô nhân đạo này và họ báo cáo lên cấp trên. Tên Khùng bị điều tra, bị đưa ra tòa án quân sự. Tên Khùng bị xử có phạm tội, nhưng lại là tội “sát nhân không mưu tính”, nhờ vậy y đã không vào tù, dù chỉ một ngày (tr.196). Một nhân chứng của vụ án, Peter Berenback, sau khi giải ngũ đã đọc trong nhật báo New York Times ngày 31-3-1972 một bản tin ca ngợi trung sĩ Bumgarner với tấm hình tên Khùng ôm một em bé Việt Nam một cách bao bọc. Berenback bèn gửi một lá thư đầy giận dữ gọi Bumgarner là “kẻ sát nhân”. Nhưng tờ báo đầy uy tín này đã không phản ứng. Berenback gửi một thư khác cho dân biểu Peter Frelinghuysen. Ông này lại chuyển lá thư cho đại tá Murray Williams ở Pentagon. Rồi nội vụ không còn được nói đến nữa!

Trường hợp tướng Julian Ewell đáng chú ý là vì sự nghiệp của ông tại Việt Nam thành công rực rỡ chỉ nhờ một yếu tố: khả năng làm tăng con số “kẻ thù” bị giết. Tháng 2-1968, khi mới nhận chức Tư lệnh Sư đoàn 9 vùng đồng bằng sông Cửu Long, các phi công trực thăng của ông đã để ý trò chơi săn người của ông khi ra lệnh cho pháo thủ trên trực thăng bắn bất kể vào người nông dân đang cày bừa trên đồng lúa. Ðặt cơ sở trên chiến tranh kỹ thuật của Bộ trưởng Mac Namara, “thống kê đếm xác là thước đo thành công quan trọng nhất” cho tướng Ewell (tr.206). Hãy đọc “tiến bộ” của tướng Ewell trong 2 năm 1968 và 1969 theo thước đo tỷ lệ chết giữa địch và ta (Việt cộng và Mỹ): Trước khi ông nhậm chức, tỷ lệ đó là 1/8: một người lính Mỹ chết thì có 8 người lính Việt cộng chết. Ðây đã là một tỷ lệ khá cao so với các đơn vị khác. Qua tháng 7-1968, sau 5 tháng dưới quyền tướng Ewell, tỷ lệ này tăng lên thành 1/14. Sau 5 tháng, tướng Ewell mở đầu chiến dịch Speedy Express với tỷ lệ 1/24. Ba tháng sau tỷ lệ đã là 1/68. Một tháng sau (4-1969), tỷ lệ tăng lên gần gấp đôi: 1/134. Câu hỏi là trong 134 người Việt Nam được “đếm xác” này có bao nhiêu thường dân? Vì: 1. sự chênh lệch quá xa giữa số xác Việt cộng quá cao so với số vũ khí lại thu lượm quá thấp; 2. trước hỏa lực kinh hồn của quân đội Mỹ, quân đội Việt cộng cũng đủ khôn ngoan để rút đi nơi khác, chỉ còn người dân vô tội trong vùng hỏa tuyến.

Khi được hỏi làm sao họ phân biệt được kẻ thù trên đồng ruộng để nã súng bắn, phi công Cobra của chiến dịch Speedy Express trả lời: “Kẻ nào thấy trực thăng mà bỏ chạy là kẻ thù” hoặc “kẻ nào mặc bà ba đen là Việt cộng”. Từ đó tướng Ewell mang hỗn danh là “tên đồ tể của vùng châu thổ”. Với “tiến bộ” từ 1/14 lên 1/134, tướng Ewell được thăng trung tướng và năm 1970, ông được gửi qua làm cố vấn quân sự cho phái đoàn Mỹ đang tham dự Hội nghị Paris.

Nhưng một quân nhân vô danh ký tên là “một trung sĩ ưu tư” đã gửi thư cho tướng Westmoreland, lúc này đã trở thành Tham mưu trưởng Liên quân, để tố cáo đầy đủ chi tiết về tên tuổi, chức vụ trong cuộc tàn sát khủng khiếp của chiến dịch Speedy Express. Lá thư kết luận một cách chắc nịch “dù các con số của tôi chỉ đúng 10%, mà tôi tin là cao hơn, thì 120 đến 150 tử vong đã tương đương với một Mỹ Lai mỗi tháng trong hơn một năm trời” (trang 215). Nhưng rồi lá thư này cũng bị rơi vào quên lãng như số phận của hàng ngàn thường dân Việt Nam đã bị thảm sát.

Ðọc xong trang cuối cùng, gấp lại cuốn sách, chắc người đọc nào cũng thấy hãi hùng, đầy thương cảm. Riêng người điểm sách còn rút ra được ba ý nghĩ riêng cho mình: 1. Ðây là một cuốn sách rất khó đọc cho cả người Việt lẫn người Mỹ vì nó trình bày một cách trần trụi sự bi thảm tận cùng của một cuộc chiến vẫn còn vang vọng trong tim óc chúng ta. Với những cựu quân nhân VNCH từng sát cánh với quân đội Mỹ và bây giờ đã và đang xây dựng trên đất Hoa Kỳ những tượng đài để tưởng niệm, vinh danh “mối tình chiến hữu Việt – Mỹ” thì cuốn sách này lại càng khó đọc hơn, vì các sự kiện kinh hoàng được trình bày một cách trung thực, khoa học và có hệ thống đến mức, nếu còn là một người Việt Nam lương thiện và yêu nước, thì không thể chối cãi được và không nên lẩn tránh chúng. 2. Còn với các “cậu ấm bất mãn” ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, đang ngưỡng mộ và hướng vọng về nước Mỹ như một mẫu mực chính trị tương lai cho đất nước thì cuốn sách này là một nhắc nhở sâu sắc cho họ rằng, chính trị Mỹ xuất sinh từ văn hóa Mỹ, trong đó, từ thời lập quốc, đã có những tay chăn bò được vinh danh là anh hùng… bắn chậm thì chết. Và hơn 40 năm trước, đã có những đồng bào “Việt cộng mặc áo bà ba đen” của các “cậu ấm” lúc bấy giờ ở miền nam xa xôi, vốn chỉ là những thường dân run rẩy, nhưng vẫn bị thảm sát vì dòng chảy văn hóa “bắn chậm thì chết” đặc thù này! 3. Nội dung cuốn sách còn là bài học đau thương cho những ai rước giặc vào nhà thì phải biết hậu quả tai hại sẽ không thể lường được dù giặc có khoe đầy giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền,…

Theo SÁCH HIẾM

Tags: , ,