Trận Herat 2001 – khi Iran và Mỹ trở thành chiến hữu

Như đã biết, chỉ 2 tháng sau vụ khủng bố 11/9, quân đội Mỹ đã tiến hành cuộc chiến toàn diện can thiệp vào Afghanistan để lật đổ Taliban. Tuy nhiên trong hàng loạt những trận đánh đó, có một trận đánh ở thành phố Herat – thành phố quan trọng nhất ở miền Tây Afghanistan – đi vào lịch sử với việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã sát cánh cùng lực lượng Biệt kích Mỹ để giải phóng thành phố. Câu chuyện này như thế nào?

Trận Herat 2001 – khi Iran và Mỹ trở thành chiến hữu

Trước tiên nói qua một chút về bối cảnh thành phố Herat. Herat được coi là thủ phủ phía Tây của Afghanistan. Trong suốt lịch sử thành phố này gắn liền với các triều đại Ba Tư, chỉ đến khi chiến tranh Anh-Ba Tư nổ ra nó mới bị nhập vào Afghanistan. Tuy vậy, nó vẫn có mối liên hệ rất chặt với Iran, và là thủ phủ của cộng đồng người Hazara – dân tộc lớn nhất phía Tây Afghanistan và lớn thứ 3 ở nước này. Năm 1979, tại Herat đã diễn ra một trong những cuộc nổi dậy chống Liên Xô lớn nhất ở Afghanistan, với kết quả là quân đội chính phủ Afghanistan ném bom cháy vào thành phố làm từ 3.000 đến 10.000 dân thường thiệt mạng gây nên sự phẫn nộ tột cùng. Từ đó về sau thành phố này luôn là một trọng điểm của các cuộc nổi dậy chống sự chiếm đóng của quân đội Xô Viết, dẫn đầu bởi các bộ lạc Hazara với sự hỗ trợ của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Người Hazara đã có công lớn trong viện đánh đuổi quân đội Xô Viết khỏi Afghanistan, tuy nhiên do bị coi là ”ngoại tộc” do có liên hệ với Iran và theo dòng Shia, người Hazara đã hứng chịu những vụ thảm sát khủng khiếp với thời Taliban. Câu chuyện này, chỉ cần nhặt bất kỳ cuốn sách nào về Afghanistan lên là có khả năng rất cao sẽ đọc được, chỉ trừ khi không bao giờ đọc mới không biết.

Dưới thời Taliban, Herat nói riêng và khu vực người Hazara nói chung đã hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp. Thành phố Herat rơi vào tay Taliban tháng 9/2001, là một trong những thành phố lớn đầu tiên thất thủ trước cơn lốc Taliban càn quét Afghanistan. Taliban sau khi chiếm được Herat đã cấm tất cả phụ nữ ra đường, phá hủy toàn bộ trường học, đền thờ và chợ hàng hóa, tử hình các giáo sĩ và trí thức người Hazara. Từ năm 1995 cho đến khi Taliban bị lật đổ, ước tính đã có gần 200.000 người Hazara ở Afghanistan bị sát hại và gần 3 triệu người phải đi tị nạn ở nước láng giềng Iran.

Trước sự đàn áp tàn bạo của Taliban, người Hazara đã đứng lên chiến đấu bên cạnh những chiến binh khác đang chiến đấu vì tự do cho Afghanistan – Liên minh phương Bắc. Họ được hầu hết các nước trong khu vực ủng hộ mạnh mẽ từ Nga, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Tajikistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc,… nói chung trừ Pakistan, các nước xung quanh Afghanistan đề ủng hộ Liên minh phương Bắc. Lực lượng dân quân Hazara ở địa phương do tướng Muhammad Mohaqiq chỉ huy, đóng căn cứ trên đất Iran. Tuy vậy trong nước người Hazara thường xuyên phối hợp với các nhóm chiến binh sắc tộc khác như Uzbek của tướng Dostum, và đặc biệt là lực lượng dân quân Tajik của tướng Ismail Khan. Họ thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công vào thành phố Herat, và thậm chí còn nhiều lần tấn công vào thành trì Kandahar nổi tiếng của Taliban, nơi Taliban từng bắt giữ một máy bay Nga chở vũ khí đến cho Liên minh phương Bắc.

Đến tháng 11/2001, khi quân đội Mỹ tiến hành tấn công Afghanistan, thành phố Herat trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu cần giải phóng, do lo ngại người Hazara trong thành phố đối mặt với ”diệt chủng” của Taliban. Tham gia kế hoạch giải phóng Herat, lực lượng Liên minh phương Bắc có 5.000 quân Tajik của tướng Ismail Khan. Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cử lực lượng khoảng 1.000 binh sĩ, chỉ huy bởi tướng Quassem Soleimani, vị tướng thiệt mạng hồi đầu năm 2020 vì tên lửa Mỹ. Năm 2001 chính Qassem là người dẫn quân vào giải phóng Herat.

Lực lượng Mỹ tham gia trận đánh gồm lực lượng Lực lượng Biệt động quân Hoa Kỳ và Lực lượng Delta dưới sự chỉ huy của Tướng Tommy Franks. Trước khi tham gia trận đánh, lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã được bí mật ém quân trên đất Iran, và tướng Tommy Franks được cho là đã lên kế hoạch tác chiến cùng với tướng Yahya Rahim Safavi của Vệ binh Cách mạng Iran. Ngoài ra, lực lượng Đặc nhiệm Đặc nhiệm của Vương Quốc Anh cũng tham gia trận đánh này, nhưng cho đến hiện tại họ vẫn chưa công khai quân số và hoạt động tác chiến cụ thể tại Herat năm 2001.

Các hoạt động quân sự bắt đầu từ tháng 10/2001, khi các máy bay của quân đội Mỹ tiến hành ném bom phá hủy các cơ sở viễn thông, các xe bọc thép và các đường hầm của Taliban. Các cuộc không kích này được mô tả là lên kế hoạch rất kỹ càng, với mục tiêu được chỉ điểm rất chính xác đến từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Quân đội Mỹ cũng đã ném bom phá hủy các máy bay Liên Xô để lại tại sân bay Herat, ngăn quân Taliban sử dụng chúng.

Đến ngày 11/11/2001, một lực lượng đặc nhiệm Alpha của Mỹ bí danh “Tiger 06” đã đổ bộ bằng trực thăng vào Herat, thực hiện các hoạt động phá hoại ngầm và kích động dân chúng nổi dậy chống Taliban. Kết hợp các hoạt động này, quân Liên minh phương Bắc của tướng Ismail Khan cũng đánh vào từ phía Bắc và quân Vệ binh Cách mạng Iran của tướng Qassem Soleimani đánh vào từ phía Tây. Trận chiến diễn ra ác liệt trong vòng hơn 1 tuần ở cả trong và ngoài thành phố, cuối cùng lực lượng Taliban bị áp đảo phải bỏ chạy. Thành phố Herat rơi vào tay liên quân Mỹ, Anh, Iran và Liên minh phương Bắc. Khi họ tiến vào thành phố, lực lượng Taliban chỉ còn lại các chiến binh người Arab và Chesnia – những người tình nguyện đến chiến đấu cho Taliban nhưng không biết tiếng địa phương – đã tiết lộ nguồn gốc hỗ trợ nhân lực cho Taliban là đến từ các nước Arab và vùng Kavkaz của Nga.

Sau khi được giải phóng, người dân Herat đã đổ ra đường ăn mừng, chào đón liên quân Iran, Mỹ, Anh và quân của tướng Ismail Khan tiến vào. Người dân được mô tả là bấm còi xe inh ỏi, phụ nữ xé bỏ khăn trùm mặt, mang theo ảnh của Ismail Khan và cờ của Liên minh phương Bắc ra chào mừng,… Các tin tức về sự kiện giải phóng Herat được đưa tin rầm rộ trên truyền thông Iran lúc đó, ngoài ra cũng được một số báo của Mỹ và Anh đề cập, trong đó có New York Times, tiết lộ hoạt động bí mật của Đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan thời kỳ đầu.

Sau trận Herat, quân đội nước ngoài rút khỏi đây. Tướng Ismail Khan người Tajik được bầu làm Thống đốc khu vực, đã tiến hành ân xá cho tù binh Taliban và ban hành sắc lệnh bình đẳng giữa các sắc dân Hazara, Tajik, Pashtun,… Tuy nhiên, ở vùng Herat thỉnh thoảng vẫn nổ ra các cuộc xung đột sắc tộc, điển hình như việc chính quyền trung ương Afghanistan ra lệnh cách chức Thống đốc Ismail Khan năm 2004, người Hazara đã đổ ra đường phản đối làm hàng chục người thiệt mạng.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , , , ,