Tội ác của trò hạ nhục trên mạng thời công nghệ số

Hạ nhục trên mạng là cách làm theo lối tự xử, là cố gắng dùng một hành vi sai để sửa một hành vi sai. Có thể ban đầu ai đó suy nghĩ hời hợt rằng, làm vậy để hòng tái thiết trật tự nhưng thực ra đang hủy hoại nó.

Tội ác của trò hạ nhục trên mạng thời công nghệ số

Thời chiếc điện thoại di động phổ biến nhưng còn thô sơ, hễ động việc, người ta thường rút ra và gọi cho ai đó. Khi chiếc điện thoại lên đời mang tên Smartphone thì đụng việc, người ta giơ lên để quay và livestream.

Mọi người có quyền làm như vậy, đôi lúc cần như vậy. Nhưng sử dụng hình ảnh đó với mục đích hạ nhục hoặc đe dọa hạ nhục thì tuyệt đối không được phép.

Câu chuyện chủ shop thời trang Mai Hường ở Thanh Hóa hành hạ, quay clip tung lên mạng 1 bé gái (được cho là) đã ăn trộm chiếc váy khiến xã hội phẫn nộ.

Sự việc của chủ cửa hàng Mai Hường ở Thanh Hóa là 1 ví dụ trong nhiều trường hợp hạ nhục tung lên mạng gần đây. Trước đó có thể kể đến như nhốt kẻ trộm gà vào chuồng gà rồi bắt hát, buộc chó đã chết vào quanh cổ kẻ trộm chó rồi dẫn giải về đồn công an… Thậm chí có cả những CEO của một doanh nghiệp lớn mạt sát nhau trên mạng bằng những lời lẽ thiếu văn hóa.

Trong nhiều trường hợp người quay clip muốn sử dụng hình ảnh như một thứ vũ khí để khống chế, đe nẹt, dằn mặt nạn nhân khi cần thiết, hoặc ngay lập tức đưa lên mạng để dán nhãn ô nhục cho nạn nhân, thích một vết nhơ lên trán để cảnh báo cả xã hội biết để tẩy chay, đẩy nạn nhân ra khỏi cộng đồng, buộc họ mãi mãi bị ám ảnh cái cảm giác tội lỗi và thấy mình đê hèn.

Phần đông những người bị “tòa án mạng” hạ nhục tập thể, hạ nhục công cộng như thế có cảm giác tuyệt vọng, bất lực, thấy mình như phế phẩm của xã hội vì bị tước bỏ vị trí trong xã hội, do đó luôn muốn chạy trốn, xa lánh, thậm chí từ bỏ cuộc sống. Người bị hạ nhục trên mạng đeo bản cáo trạng trên cổ, nhưng kinh khủng hơn: Bản án đó không bao giờ có “ngày trở về”. Sự tối tân của công nghệ sẽ giúp cộng đồng “nhớ” đến người bị hạ nhục khi cần; con cái, họ hàng, người thân… của người bị lăng nhục dễ dàng phát hiện được họ tình cờ trong một cuộc lang thang dạo chơi trên mạng.

Vì thế lăng nhục trên mạng chỉ phá hủy chứ không đem lại thay đổi. Nó chặn đứng đường về dù người phạm lỗi đã hoàn lương và hối cải. Hạ nhục trên mạng báo hiệu một sự xuống cấp thảm hại về đạo đức, đồng thời đặt dấu hỏi về vấn đề quản trị xã hội và quản trị tư pháp.

Khi người khác tát anh một cái thì không nhất thiết phải tát lại đối thủ đúng một cái cho “công bằng”. Đấy là kiểu công bằng phi nhà nước, phi luật pháp.

Bị thôi thúc trả thù, người ta đánh mất một phần đạo đức của mình và quay ra vi phạm các chuẩn mực và quy ước xã hội, bởi vì “ăn miếng trả miếng” là dạng công lý có hình hài sơ đẳng nhất, bạo lực nhất và hủy hoại nhất.

Một trong những thành tựu của xã hội hiện đại là lấy việc thực thi công lý ra khỏi tay những cá nhân và trao cho nhà nước. Để công bằng, sự trừng phạt phải tới từ các thể chế công, thay vì tới từ các cá nhân bị hại. Một xã hội văn minh là xã hội kiềm chế được khao khát trả thù của các cá nhân. (*)

Có nhiều nguyên nhân khiến người ta hào hứng, hả hê khi lăng nhục tập thể trên mạng nhưng trước hết cần phải kể đến chính sách pháp luật và thực thi pháp luật.

Khi thực thi và chấp hành pháp luật nghiêm minh thì sẽ không có những kẻ lồng lộn, hùng hổ lên mạng “thay trời hành đạo” cổ vũ, kêu gọi tẩy chay và hạ nhục nhau. Bởi khi đó, dù là bị hại hay bị can, đã có pháp luật điều chỉnh. Còn nếu cứ đưa lên mạng hạ nhục nhau thì cái kết như đã phân tích ở phần đầu: Chỉ là sự phá hủy.

Hạ nhục trên mạng là cách làm theo lối tự xử, là cố gắng dùng một hành vi sai để sửa một hành vi sai. Có thể ban đầu ai đó suy nghĩ hời hợt rằng, làm vậy để hòng tái thiết trật tự nhưng thực ra đang hủy hoại nó.

Chủ nghĩa tự xử thường xảy ra ở những nơi có nền pháp trị yếu kém chứ không thể ở trên đất nước chúng ta, nơi có bộ máy tư pháp đầy đủ và quyền năng. Hạ nhục trên mạng – một kiểu trình diễn công lý méo mó, tự phát, mông muội – đang phá hủy mọi quy ước xã hội. Nó khiến cộng đồng không còn tin vào hệ thống pháp luật của Nhà nước, nếu cứ để tái diễn, bạo lực, luật rừng và sự tuyệt vọng… sẽ đến trong tương lai không xa.

———————

Chú thích:

(*) Trích trong “Thiện ác và smartphone“ – Đặng Hoàng Giang.

Theo NGỌC MAI / VOV

Tags: , ,