‘Tớ cảm ơn’: Không thể chấp nhận cái thể loại quan chức ‘ngây thơ vô số tội’

Đã là quan chức thì không thể vô tư nhận quà biếu một cách hồn nhiên theo kiểu “tớ cảm ơn” và suy nghĩ giản đơn coi như lẽ tất nhiên. Bởi vị trí công tác, chức vụ mà họ nắm giữ biểu hiện cho quyền lực công, tính đại diện của Nhà nước.

Tác giả: TS Cù Văn Trung.

Sự việc ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ nhận tiền cảm ơn hơn 4,6 tỉ đồng của Phan Quốc Việt và một quan chức tỉnh Hải Dương thời điểm đó không nhận hai phong bì tiền biếu của cựu Giám đốc CDC là hai hình ảnh đối lập, phản ánh cách ứng xử khác nhau về quà biếu, quà cảm ơn của quan chức trong một số tình huống cụ thể.

Trước đây, chuyện quà biếu, quà cảm ơn quan chức thường vào các dịp Lễ, Tết. Tuy nhiên, một số vụ việc thời gian qua mà báo chí đã nêu cho thấy, quà biếu, quà cảm ơn các cán bộ có chức quyền đã diễn ra vào bất kì thời điểm nào trong quá trình công tác của họ.

Những “viên đạn bọc đường” nấp bóng “quà cảm ơn” trở nên phổ biến.

Từ thực tiễn như vậy, cho thấy cán bộ có chức quyền là đối tượng “thường trực” đối diện với quà biếu, quà tặng, xa hơn nữa là đứng trước những cám dỗ của tiền bạc, vật chất đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Quan chức là người hiểu rõ nhất quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Mặc dù không có thỏa thuận, không thúc giục hay gây khó dễ nhưng quà cảm ơn dưới sự tính toán của một số cá nhân vẫn có vô vàn cách thức để tiếp cận với quan chức.

Sự việc ông Chu Ngọc Anh nhận quà hơn 4,6 tỷ đồng nhưng không bị truy cứu về tội nhận hối lộ thể hiện yếu điểm về sự giao thoa của văn hóa và luật pháp. Cụ thể là phép tắc cư xử quà biếu, lễ nghĩa không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp lại rất có thể dễ bị các lực lượng “không trong sáng” lợi dụng nhằm vào một số cán bộ có chức, có quyền hiện nay.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hay cán bộ có chức vụ, quyền hạn không thể vô tư nhận quà biếu một cách hồn nhiên theo kiểu “Tớ cảm ơn” và suy nghĩ giản đơn coi đó là lẽ tất nhiên, bởi vị trí công tác, chức vụ mà họ nắm giữ biểu hiện cho quyền lực công, tính đại diện của Nhà nước.

Việc nhận quà cáp cho bản thân thể hiện sự vụ lợi, vi phạm giữa cái chung và cái riêng, giữa tập thể và cá nhân; làm suy giảm tính chính danh, uy tín và hình ảnh của cơ quan, tổ chức. Đặc biệt là ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách khi có tác nhân bên ngoài tác động thông qua con đường quà biếu.

Mặc dù trách nhiệm pháp luật trong một số trường hợp nhận quà biếu không bị truy cứu nhưng sự vi phạm về trách nhiệm chính trị đôi khi còn tổn hại hơn nhiều cho Nhà nước và người dân. Bởi vì trách nhiệm chính trị của quan chức trong tình huống ấy là rất khó đo đếm, định lượng.

Trong hệ thống chính trị, ở những cơ quan công quyền lớn mang tầm quốc gia, chỉ cần một “động cựa” rất nhẹ trong các hành vi, quyết sách của người đứng đầu hướng tới lợi ích cho các cá nhân, tổ chức tặng quà không trong sáng thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới hàng triệu con người.

Do vậy, các quy định trong Đảng đều đã có, pháp luật về phòng chống tham nhũng dần đi sâu vào cuộc sống. Nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy sự ứng xử của các cán bộ có chức quyền về quà biếu vẫn là vấn đề đáng bàn.

Sẽ rất nguy hiểm khi quan chức và các lực lượng khác coi vụ việc cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh như một ví dụ điển hình về câu chuyện làm thế nào để “quà cảm ơn” không có rủi ro trong các quan hệ chính trị, kinh tế và trở thành “luật bất thành văn”.

Chính vì ranh giới chưa rõ ràng, mong manh và sự lưng chừng giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp luật, nên tình huống quà tặng, quà cảm ơn và ứng xử của quan chức ở vấn đề này cần nhận diện một cách đầy đủ hơn. Từ đó nâng cao được năng lực, phản xạ và ứng xử của đội ngũ cán bộ nói chung và giới quan chức, lãnh đạo nói riêng trước quà biếu, quà cảm ơn một cách cẩn trọng, đúng mực, chuyên nghiệp.

Theo VIETNAMNET

Tags: ,