⠀
Tìm hiểu tính cách người Nhật qua truyện cổ tích và truyện cười Nhật Bản
Là một bộ phận của văn học dân gian, truyện cổ tích và truyện cười của mỗi dân tộc ít nhiều phản ánh tính cách, tâm hồn của dân tộc đó. Truyện cổ tích và truyện cười Nhật Bản cũng vậy, nội dung phản ánh thật sự đã hội tụ những nét cơ bản tính cách dân tộc Nhật Bản.
Tác giả: Lê Thị Quỳnh Hảo, Khoa Đông phương – Đại học Đà Lạt.
Là một đất nước có điều kiện địa lý khá đặc biệt so với nhiều nước trên thế giới, toàn bộ đất đai Nhật Bản gồm gần 4000 hòn đảo lớn nhỏ được biển bao bọc. Nhật Bản xa đất liền, từ đó đến đại lục, nơi gần nhất là Hàn Quốc, cũng cách hàng trăm km. Điều kiện địa lý tự nhiên này chi phối rất lớn đến quá trình hình thành tâm lý và tính cách dân tộc Nhật, đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc tới loại hình văn hóa nghệ thuật của đất nước này.
Nhật Bản là một nước ít phải gánh chịu nạn ngoại xâm nhưng nội chiến và nạn cát cứ giữa các phe phái phong kiến diễn ra liên miên suốt từ đầu thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XIX khiến cho nhân dân Nhật Bản triền miên sống trong cảnh nghèo đói. Không chịu được cảnh khốn cùng, nhân dân đã đứng lên khởi nghĩa. Nước Nhật suốt mấy thế kỷ đó không lúc nào chấm dứt cảnh binh đao… Hoàn cảnh đó cùng với tính chất độc lập, kín đáo của thiên nhiên đảo quốc khiến người Nhật có thói quen bí mật, và hết sức kín đáo. Thói quen đó dần dần trở thành bản tính của dân tộc Nhật, bản tính thích hướng nội. Người Nhật thường không bộc lộ tình cảm hay thái độ gì trước thực tế, họ thường tránh đưa ra một câu trả lời rõ ràng, tránh cam kết hoàn toàn và né tránh sự đối đầu trực diện. Họ ít kêu ca, phàn nàn cũng như ít khoe khoang bất cứ điều gì về mình hay về người thân của mình. Truyện cổ tích Nhật Bản cũng mang đậm tính chất kín đáo, bí ẩn ấy. Không gian phổ biến thường thấy trong truyện cổ tích Nhật Bản là không gian quạnh quẽ, u tịch của những hang động, không gian thanh tịnh, linh thiêng của những ngôi chùa, ngôi đền, những dãy núi trùng điệp, hùng vĩ nhưng thưa thớt bóng người, những khu rừng xanh thăm thẳm, âm u với những ngôi đền kín đáo và bí ẩn, những đêm khuya trên mặt biển mênh mông con người gặp và trò truyện với ma (Chàng câu cá Ichiemon), những đêm ở nghĩa trang lạnh vắng con người đánh đàn cho ma nghe (Chàng Hoichi không tai)… Các nhân vật trong truyện cổ tích Nhật Bản cũng thoắt ẩn, thoắt hiện. “Ma”, “tinh” và “quỷ” trong truyện cổ tích Nhật Bản xuất hiện nhiều, hầu như truyện nào cũng có. Chúng tham gia vào thế giới con người vừa bình thường, vừa kỳ lạ, vừa gần gũi, vừa xa xôi tạo thành một không gian cổ tích đặc biệt bí ẩn, đầy huyền ảo, bất trắc nhưng không kém phần hấp dẫn. Con ma của đền Kogenji nửa đêm xuất hiện để mua những chiếc kẹo và lại biến mất nhẹ nhàng trong đêm tối (Con ma của đền Kogenji); Hai con tinh rồng ở đền Kitain lặng lẽ, bí mật xuất hiện trước nhà sư rồi lại mất biến vào bóng tối (Những con rồng của Kitain)…
Nếu trong ngũ thường, người Việt chú trọng đến chữ “nhân” và “nghĩa” nhiều hơn, thì đối với người Nhật, dường như họ coi chữ “tín” và “nghĩa” là hơn cả. Trong hầu hết mọi trường hợp, người Nhật luôn cố gắng để giữ được lòng tin của người khác đối với mình và luôn luôn cố gắng thể hiện những điều họ cho là đúng. Đó chính là vì dân tộc Nhật là một dân tộc rất có ý thức về chữ tín, mọi người Nhật đều ý thức gìn giữ chữ tín của họ. Điều này có thể thấy rõ trong truyện cổ tích Nhật Bản. Trong hầu hết các truyện cổ tích Nhật mà chúng tôi khảo sát, nếu nhân vật đã hứa, mà không thực hiện lời hứa, không thực hiện bổn phận của mình thì kết cục khó có thể tốt đẹp được (Truyện Giấc mơ, Xứ mộng của Jinnai, Hiko Boski và Ôri Himê, Urashima Taro…). Trong truyện Giấc mơ, người chồng đã hứa không bao giờ phụ bạc vợ mình, nhưng rồi lại bội ước đi sống với một người đàn bà khác trong dịp đi làm ăn ở Êđô. Người vợ ở quê biết tin, đau khổ, buồn bã, đêm đó trong lúc rất giận chồng, cô nằm mơ thấy mình giết chồng bằng cách quấn hai vòng tóc quanh cổ anh ta. Thế mà một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng đêm ấy, cũng vào thời khắc ấy, ở Êđô xa xôi, người chồng phụ bạc đã chết quằn quại trong đau đớn khủng khiếp vì như đang bị người nào đó tra tấn, bóp cổ. Trong truyện Xứ mộng của Jinnai, Jinnai là một người hạnh phúc vì anh luôn hài lòng với những gì mình có, anh không bao giờ nghĩ đến điều gì khác ngoài vợ con và công việc. Nhưng bỗng nhiên một hôm anh gặp một người phụ nữ trẻ đẹp và đi theo cô ta đến sống ở một thế giới khác đầy thơ mộng với những gì tuyệt vời nhất mà người ta có thể hình dung ra được. Sau một thời gian bỏ quên gia đình, anh bỗng nhớ đến trách nhiệm của mình và đòi về nhà. Anh đã hứa giữ bí mật về cuộc gặp gỡ người đẹp. Xong, khi về đến nhà, sự căn vặn của người vợ khiến anh phải kể hết mọi việc. Sự thật vừa nói ra thì một mũi tên sáng chói xuyên qua giường và biến anh trở thành người tàn tật suốt đời. Trong truyện Hiko Boski và Ôri Himê, vì không thực hiện lời hứa với vợ mà Hiko đã buộc phải rời xa vợ và hai vợ chồng chỉ có thể gặp nhau một lần duy nhất trong năm. Điều đó cho thấy rằng, trong truyện cổ tích Nhật Bản, nếu vi phạm lời hứa, không thực hiện được lời hứa, chữ tín bị đánh mất thì tất yếu sẽ gánh chịu hậu quả, điều này thể hiện quan niệm tư tưởng, tính cách nghiêm khắc của người Nhật. Đối với người Nhật, việc giữ chữ “tín” rất quan trọng. Có thể nói, đây cũng là tính cách cơ bản của người Nhật. Mọi người Nhật đều cố gắng rất lớn để thực hiện lời hứa của mình, họ chỉ hứa khi họ có thể làm được và thường không lỗi hẹn, vì nếu thất hứa thì họ cảm thấy rất xấu hổ. Sự hình thành tính cách đó trong lịch sử khiến cho từ rất sớm dân tộc Nhật đã là một dân tộc có tính kỷ luật rất cao, cho nên khi tham gia tổ chức nào họ đều tuân thủ mọi điều lệ một cách chặt chẽ.
Tinh thần đề cao ân nghĩa cũng rất phổ biến trong truyện cổ tích Nhật, các nhân vật trong truyện thường trực tiếp đứng ra đền ơn trả oán. Để đền ơn cho mảnh đất quê hương, các vị thần ở những ngôi đền trong một vùng hẻo lánh của Nhật Bản đã hóa thân thành các đô vật, về kinh đô đọ sức với những võ sĩ của các lãnh chúa hùng mạnh để mang lại chiến thắng cho quê hương và cũng là để giúp cho lãnh chúa của họ (Những vị thần không thể khuất phục). Để trả ơn cho ông chủ cửa hàng bánh kẹo đã giúp đỡ mình, con ma của đền Kogenji đã giúp cho vùng đất ông sống không còn tình trạng thiếu nước vào mùa hè (Con ma của đền Kogenji)… Trong truyện cổ tích Nhật Bản, nhân vật mang ơn đã phải cố gắng rất nhiều và trải qua những thử thách cam go, có khi hy sinh cả mạng sống của mình để trả ơn (Cái khăn thần kỳ, Con cáo trắng Hachisuke, Con cáo và ông lão, Sự đền ơn của con Hạc…). Trong một đêm mưa gió khủng khiếp, một chàng trai nghèo đã cứu sống và chữa chạy vết thương cho một con Hạc. Vì ân nghĩa ấy, con hạc đã biến thành một thiếu nữ xinh đẹp, nết na tình nguyện đến làm vợ chàng trai, cô biến căn nhà nghèo xác xơ thành một tổ ấm tràn ngập hạnh phúc. Như thế dường như vẫn chưa đủ, thỉnh thoảng cô đóng chặt cửa mấy ngày liền, giấu giếm mọi người trở lại hình hài con hạc, tự nhổ bộ lông đẹp của mình để dệt thành những bức tranh tuyệt vời cho chồng đem bán. Một lần vì lời hứa của chồng với một khách hàng, trong mấy ngày cô phải dệt liền hai bức tranh, nó khiến cô trụi lông và hết sức đau đớn, nhưng cô vẫn không hề hối hận (Sự đền ơn của con Hạc). Một con cáo trắng một lần được lãnh chúa tốt bụng cứu thoát khỏi tay một bọn đàn ông hung dữ, ông còn đưa cáo về nhà chăm sóc, cho ăn, chữa khỏi vết thương và thả cáo về núi. Đến khi lãnh chúa gặp khó khăn lớn tưởng như không thể giải quyết nổi thì một chàng thanh niên tự xưng là Hachisuke xuất hiện và đề nghị giúp đỡ. Chàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa thư và nhiều lần tiếp theo nữa mà không hề yêu cầu điều gì. Cho đến một lần – chàng trai (tức con cáo trắng hóa thân thành) bị bọn chó hoang bao vây cắn chết, và lúc chết (đã hiện nguyên hình hài con cáo) vẫn nằm lên trên bảo vệ thùng thư, thì lãnh chúa mới biết đó là con vật ân nghĩa đến giúp mình. Sự hy sinh thầm lặng vì ân nghĩa ấy đã mang đến niềm xúc động sâu xa cho người đọc, tuy kết thúc câu chuyện không mang lại sự vui vẻ, nhẹ nhõm như những kết thúc có hậu của những truyện cổ tích khác, nhưng nó mang đến cho người lòng tin vào tình người và con người vẫn có thể hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống (Con cáo trắng Hachisuke).
Văn hóa Nhật Bản coi trọng sự trau chuốt, gọt tỉa. Người Nhật Bản quan tâm nhiều đến hình thức bên ngoài, xem trọng kiểu dáng và mẫu mã. Hầu hết mọi hoạt động của người Nhật đều có xu hướng nghệ thuật hóa. Tính kỷ luật cao, coi trọng lời hứa nên tính cách người Nhật còn rất kiên trì, quyết liệt. Họ cho rằng mọi việc nếu kiên trì và nhẫn nại sẽ dẫn đến thành công, trong ứng xử người Nhật tỏ ra rất khéo léo, trong giao tiếp thì phương châm của họ là hiếu chiến không bằng hiếu hòa, đối đầu không bằng đối thoại. Người Nhật trọng nguyên tắc, nhiều lúc đến độ cứng rắn, nhưng mặt khác họ cũng dễ xúc động trước nhân tình thế thái. Điều này thể hiện khá rõ qua truyện cổ tích. Để thu phục lũ quỷ phá phách và tinh quái, nhà sư đã khéo léo dùng tình cảm chân thành của mình để cảm hóa chúng. Sự giản dị và thân ái rất tự nhiên của nhà sư đã thay đổi được lũ quỷ, đây là điều mà nhiều nhà sư trước đó đã không làm được, câu chuyện còn muốn khẳng định rằng muốn tồn tại được trong hoàn cảnh nào thì bản thân phải tự tìm cách để có thể thích nghi với hoàn cảnh đó (Những con Tanuki ở chùa Shojoji); Bằng cách giấu gươm trong người giả làm phụ nữ, chàng trai Jutaro đã chặt đứt cánh tay của quỷ nước Kappa – kẻ chuyên đi bắt phụ nữ và trẻ em để hãm hại – sự khéo léo và mềm dẻo của chàng đã hoàn toàn quy phục được quỷ nước. Trước những lời cầu xin được tha thứ rất chân thật của nó, Jutaro đã chấp nhận tha thứ, được quỷ hứa sẽ không tiếp tục hại người và tặng thứ thuốc mỡ thần kỳ có thể chữa lành mọi vết thương (Thuốc mỡ của quỷ nước); Con yêu tinh Tengu đơn độc, bị mọi người xa lánh, thèm uống rượu nhưng chỉ giành được rượu bằng cách cướp giật, được chàng Jinbei cảm hóa bằng cách: mặc dù đã nghe kể nhiều về con yêu tinh Tengu thích rượu Sakê vẫn mạo hiểm một mình mang một thùng rượu đi ngang qua đó. Chàng gặp con yêu tinh, nói chuyện với nó, mời nó uống rượu và còn cho nó cả một thùng rượu. Lòng can đảm và sự thân thiện của chàng đã khiến cho con yêu tinh không những không hại chàng mà còn giúp chàng trở thành người giàu có và hạnh phúc nhất. Cũng vì điều đó mà khi Jinbei gặp khó khăn cận kề cái chết, kẻ nhiệt thành giúp chàng nhất cũng lại là con yêu tinh Tengu (Con yêu tinh mũi dài thích rượu).
Giống như truyện cổ tích của các nước khác, truyện cổ tích Nhật Bản cũng giáo dục con người sống có đạo đức, hiền lành, nhân hậu, thật thà, có tình thương yêu đối với đồng loại… Những truyện Núi của những người già, Những chiếc nón lá của Jizo, Con chim sẻ bị cắt lưỡi, Ông lão hoa anh đào, Công chúa Kaguya, Con ma của đền Kogenji… là những truyện mang chủ đề chung quen thuộc đó. Tính thiện và ước mong làm việc thiện là điều mà toàn nhân loại mong muốn và luôn hướng đến, triết lý “ở hiền” luôn có sức sống, mãi tồn tại, mãi bền vững không chỉ trong các truyện cổ tích. Đạo đức là cái cốt lõi. Trong truyện cổ tích Nhật, dù là người hay là ma, dù là thần tiên hay là tinh, là quỷ… tất cả đều có thể hiền lành, chung thủy, đôn hậu, vị tha và sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì người khác. Tuy vậy, kiểu nhân vật “ở hiền gặp lành” không phải là kiểu nhân vật phổ biến của truyện cổ tích Nhật Bản. Do tính trọng lời hứa mà truyện cổ tích Nhật Bản không phải bao giờ cũng kết thúc có hậu. Không phải bao giờ ở hiền cũng gặp lành. Người vợ Hạc hóa người để trả ơn chàng trai đã cứu sống mình, nhưng rồi cô lại trở lại hình hài chim hạc bay đi khi người chồng không giữ được lời hứa giữa họ (Sự đền ơn của con hạc); Vị sư trưởng ở chùa Kita-in đã nhận một bài học thấm thía vì không giữ trọn lời hứa (Những con rồng của Kita-in); Nàng công chúa Kaguya sinh ra từ dóng tre, xinh đẹp, hiếu thảo, sống hạnh phúc nơi trần thế với cha mẹ nuôi hiền lành, tốt bụng, nhưng lại phải đau khổ về trời để lại bố mẹ già sống trong cô đơn và tuyệt vọng (Công chúa Kaguya). Như vậy, trong truyện cổ tích Nhật người ở hiền không phải lúc nào cũng gặp lành như trong truyện cổ tích của một số nước khác. Điều đó cho thấy rằng, triết lý “ở hiền” không phải là triết lý được coi trọng trong truyện cổ tích cũng như trong tâm lý người Nhật, và điều đó cũng khiến cho truyện cổ tích Nhật Bản càng gần với đời thường hơn nữa.
Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng kiểu nhân vật tiêu biểu, phổ biến trong truyện cổ tích Nhật là những nhân vật bình dị mà dũng cảm, mạnh mẽ và dám đương đầu, luôn tự mình thầm lặng hành động để “oán thì trả oán, ân thì trả ân” đến tận cùng. Một chàng trai nhỏ bé nhưng có ước mơ thật lớn lao, khát vọng của chàng càng lớn hơn mỗi khi chàng vượt qua một nguy hiểm mới. Cho đến một ngày, chàng đã dũng cảm bảo vệ tiểu thư Naru – con của lãnh chúa Samurai Sanjo – khỏi nanh vuốt của con quỷ đỏ khổng lồ, nhờ chiếc búa mà con quỷ đỏ để lại, chàng trai tý hon đã trở thành một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh và cưới tiểu thư Naru (Isum Boshi, anh chàng Samurai tý hon); Với vóc hình nhỏ bé nhưng Momotaro dũng cảm cùng với những người bạn của mình đã quyết tâm lên đường đi diệt bọn yêu tinh độc ác chuyên bắt người ăn thịt và chiếm đoạt tài sản, với lòng cản đảm và quyết tâm cao họ đã trở về với thắng lợi hoàn toàn (Chú bé trái đào Momotaro); Trong truyện Ba chàng trai ngựa, khi hành hương đến ngôi đền nổi tiếng Ise, ba chàng nông dân hiền lành đã bị bọn ác dùng mưu biến họ thành ngựa, không nhờ vào ai khác chính họ đã nỗ lực đấu tranh để trở lại thành người rồi tìm mọi cách để biến bọn độc ác kia thành ngựa.
Triết lý “ở hiền” vẫn được coi trọng qua một số truyện nhưng không đem lại lòng tin và sự thuyết phục đối với người Nhật, đối với họ sự thông minh, thông thái vẫn được coi trọng hơn. Rất nhiều truyện cổ tích đã khẳng định chân lý này (Thuốc mỡ của quỷ nước, Hai anh em, Chàng câu cá Ichiemon, Cái áo tàng hình của con yêu Tengu, Truyện cổ Koshikijima, Sự mạo hiểm của người thợ săn Gembei, Con yêu tinh mũi dài thích rượu, Một cuộc thi tài, Truyện cổ về cây long não…). Chàng thợ săn khôn ngoan Gembei một mình đi săn trong vùng núi hoang dã Hyogo đã giết chết con rắn hung dữ, con cóc khổng lồ và dùng mẹo giết chết tên thợ săn hiểm ác để bảo vệ mạng sống của mình, trở về với cuộc sống (Sự mạo hiểm của người thợ săn Gembei). Truyện Hai anh em là một câu chuyện đề cao trí tuệ, khi về già người cha giàu có đã giao cho hai con mỗi người 1000 đồng tiền vàng và hứa ai làm cho vốn liếng đó sinh sôi nhiều hơn thì sẽ được thừa kế toàn bộ gia sản. Người anh dùng vốn đó để uống rượu và đi chơi khắp nơi, còn người em thì dùng vốn để buôn bán làm ăn kiếm lời. Lẽ thường mọi người sẽ nghĩ người em là kẻ thắng cuộc, nhưng không, phần thắng đã thuộc về người anh, người anh đã nhận được gia tài và sự kí thác của người cha vì trong thời gian đi khắp đó đây người anh trở thành người từng trải, hiểu biết phong phú nhiều lĩnh vực. Câu chuyện đề cao sức mạnh của tri thức, tri thức là tài sản vô giá, ai có nó sẽ thành công trong cuộc sống. Giá trị của sự thông thái còn được đề cao trong truyện Núi của những người già, sự khôn ngoan, thông minh của bà lão đã cứu đất nước ba lần thoát khỏi cảnh binh đao, lãnh chúa đã không trừng phạt chàng trai vì tội giấu giếm mẹ mình và còn quyết định hủy bỏ điều luật tàn ác (điều luật quy định, bất kỳ người nào đến tuổi sáu mươi đều bị mang vào núi và ở đó cho đến chết). Từ đó không bao giờ còn có một người nào bị bỏ ở núi người già nữa. Một cuộc thi tài cũng là câu chuyện mang khuynh hướng đề cao trí tuệ. Vốn không ai phục ai, hai người thợ chạm tài hoa ở Osaka đã thách đố nhau, trong cùng một thời gian nếu ai tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật đẹp hơn thì người đó sẽ được thừa nhận là giỏi hơn. Sau cuộc thách đố, một người ngày đêm làm việc, còn người kia suốt ngày say sưa trong các quán rượu. Ai cũng nghĩ người chăm chỉ kia sẽ thắng cuộc và sẽ được công nhận là người tài giỏi nhất, thế nhưng không, ngày so tài, người chăm chỉ đưa đến một cành hoa mẫu đơn giả để dự thi, vẻ đẹp tự nhiên như hoa thật của nó khiến mọi người trầm trồ thán phục. Còn người kia lôi ra một con chuột đen xì. Mọi người đang lên tiếng miệt thị anh ta thì bỗng nhiên một con mèo nhảy ra vồ con chuột tha đi. Từ khinh miệt mọi người chuyển sang thán phục, làm giả như vậy thì còn gì bằng! Thế là người làm ra con chuột chiến thắng. Nhưng sau khi kết thúc cuộc thi mọi người nhìn thấy con mèo đang ăn con chuột làm bằng thịt cá ngừ khô. Mọi chuyện vỡ lẽ, có một sự giả dối trong cuộc thi. Đáng ra thì đã phải chấm thi lại, thế nhưng câu chuyện kết thúc trong sự bàn tán không phân thắng bại của các cổ động viên hai phe, bởi vì dù sao trò bịp ấy cũng thức tỉnh tư duy nhạy bén của mọi người. Trong truyện Cuộc đời một người hành khất, nhờ khôn ngoan cộng thêm một chút may mắn mà người hành khất nghèo khổ đã trở thành con rể của lãnh chúa hùng mạnh, được thừa hưởng toàn bộ tài sản vô biên và sống hạnh phúc đến cuối đời…
Nếu khi tìm hiểu truyện cổ tích Nhật Bản, chúng ta thấy được những tính cách tốt đẹp của người Nhật, thì mặt hạn chế trong tính cách người Nhật thể hiện qua truyện cười. Cũng như truyện cười của các nước khác, truyện cười Nhật Bản phản ánh nhiều mặt của đời sống, nhưng chủ yếu phơi bày những mặt trái, những thói hư tật xấu, những cái chưa hoàn thiện còn tồn tại ở con người Nhật Bản nhằm mục đích chế giễu, đả kích, phê phán rồi từ đấy uốn nắn, khuyến khích con người tiến bộ theo hướng tốt đẹp, lành mạnh, hướng con người tới Chân-Thiện-Mỹ.
Qua từng mẩu chuyện cười, những mặt trái của bản tính của dân tộc Nhật hiện lên một cách rõ ràng. Người Nhật Bản chế giễu những gì còn bất toàn, những cái chưa hoàn thiện. Chế giễu người đần độn, ngốc nghếch, ngớ ngẩn (Cám ơn quá sớm, Nhiệt độ nước tắm, Đào giếng trong nhà, Cháy nhà, Người khác chết bên đường, Thật là đồ ngốc, Chìa khóa, Góa phụ là nhất, Tự sát, Nước Nhật rộng bao nhiêu?). Truyện Góa phụ là nhất kể về một đám đàn ông tụ tập, bàn tán xem tuýp người phụ nữ nào được đàn ông thích nhất. Bàn tới bàn lui cuối cùng họ nhất trí: “Góa phụ là tuýp phụ nữ được đàn ông thích nhất”. Thế rồi một người đàn ông nói: “- Phải chi vợ tôi là góa phụ nhỉ!”. Ngốc nghếch, ngớ ngẩn như thế là cùng! Trong truyện Koi, một chàng rể nông thôn lần đầu tiên đến ghé thăm nhà vợ ở thành phố, do hiểu lầm tên nàng hầu thiếp của người cha vợ là tên một món ăn nên chàng rể đã trở nên thất kính với cha vợ, bị cha vợ giận dữ bắt con gái của mình về. Truyện Con vịt có tay, Tiền chôn giấu, Tăng giá mọi điều cũng là những truyện chế giễu sự dốt nát, bất tài, khờ khạo.
Truyện Đành không ly dị nữa là một điển hình về tính cực đoan về vấn đề danh dự của người Nhật. Một anh chồng sau nhiều năm chung sống với vợ nên chán và đuổi vợ đi, người vợ đồng ý, sửa sang lại quần áo, nhan sắc để trở về nhà mẹ, nhìn vợ, anh bỗng muốn vợ không bỏ đi nữa, nhưng lời đã nói phải biết làm sao! – anh không thể hạ mình thu lại những gì mình đã nói – nên đã lấy cớ khác (không có tiền trả tiền đò) để dẫn vợ quay trở lại. Truyện Mũ ni kể về một nhà sư khi đi tắm quên bỏ chiếc mũ ni ra, khi người hầu nhắc nhở, ông lại còn chống chế: “Bây giờ mới tới lúc bỏ nó ra đây”. Tương tự có truyện Con rết giả cũng là chuyện kể về những con người rõ ràng đã sai mười mươi mà vẫn còn khăng khăng cho mình là đúng. Qua các câu chuyện này chúng ta thấy người Nhật chế giễu tính sĩ diện thái quá của một số người luôn luôn cho mình là đúng, điều mình làm là phải. Chúng ta còn bắt gặp tính trọng danh dự của người Nhật qua truyện Những con chí không ca hát. “Xấu che tốt khoe”, mặc dù còn bé nhưng những đứa trẻ con đã biết cảm thấy xấu hổ khi nếu vô tình chúng để cho người khác biết được đầu mình có chí (con chấy).
Người Nhật Bản chế giễu những người mang danh võ sĩ (bushi hay samurai) mang kiếm đôi mà lại hèn nhát. Một chàng samurai, tuy mang danh võ sĩ nhưng rất hèn nhát, muốn đi vệ sinh ngoài vườn nhưng không dám đi một mình, phải nhờ vợ dẫn đi, sau đó còn mở miệng khen vợ can đảm (Chàng samurai hèn nhát). Một thầy dạy kiếm cười nhạo một samurai bị đánh bại bởi một tên đạo tặc, ông tuyên bố sẽ ra tay trừng trị tên đạo tặc đó nhưng cuối cùng chính ông cũng bị tên đạo tặc đánh bại (Dũng khí), câu chuyện nhắc nhở con người đừng nên cười nhạo trước sự thất bại của người khác, bởi “cười người hôm trước hôm sau người cười”. Truyện Mượn chăn thể hiện bản tính anh hùng rơm của một võ sĩ samurai khoe khoang, khoác lác khi đến nhà kia xin trọ, sự ngưỡng mộ của chủ nhà khiến anh nổi hứng cho rằng đối với anh trời lạnh chẳng là gì cả, anh không sợ và có thể đi ngủ mà không cần chăn mền, nhưng khi trời khuya trở nên rét buốt, không chịu nổi, anh đã lấy cớ sợ chuột bò lên mình để mượn chăn. Sự khoác lác thái quá đã khiến anh tự mình làm khó cho mình. Truyện Vô học cũng kể về một võ sĩ samurai dốt nát mà còn hay lý sự, nhận xét, luôn muốn chứng tỏ ta đây là người hiểu biết, để cuối cùng thò ra cái đuôi dốt nát Truyện Thầy đi đâu đó, Thổi phồng, Thấp cờ cũng chế nhạo những người đần độn mà không biết lượng sức mình còn tự cao tự đại, muốn nhạo báng, đánh bại người khác để cuối cùng phải bẽ mặt.
Bản tính khiêm nhường thái quá còn tồn tại ở một số người Nhật qua truyện Những vì sao nhỏ như cám. Truyện kể về một người đàn ông vốn ưa khiêm nhường về mọi điều, không riêng những gì thuộc riêng anh ta. Nên khi có người hỏi: “ – Trăng lên chưa nhỉ?” Anh trả lời: “ – Nó vừa mới xin đến trình diện cùng đại huynh”, làm ngay cả vầng trăng cũng đâm ra khúm núm. Một lần khác khi có người nói: “ – Trên mái nhà của anh thật lắm sao!” Anh lại khiêm nhường đáp: “ – Vâng ạ, cũng có thế, nhưng tất cả chúng chỉ là loại sao nhỏ như cám thôi, thật không đáng gì đâu ạ!”. Ngay cả sao trời mà anh cũng nhún nhường như thế thì có đáng không? Truyện Cái mũi, Xem mạch người hầu cũng là những câu chuyện cười về tính khiêm nhường thái quá.
Có người phụ giúp là một truyện cho thấy kiểu ăn nói nhún nhường, lịch sự của người Nhật, đồng thời cũng là một truyện chế giễu những người hay bắt chước, rập khuôn, mang hoàn cảnh của người để áp vào hoàn cảnh của mình để cuối cùng chuốc lấy sự thất bại. Truyện kể về một phụ nữ rất khéo léo, nhún nhường trong ăn nói. Một bữa nọ gia đình chị mời khách đến thăm phòng khách mới, khi khách hỏi: “Phòng đẹp thế này hẳn tốn kém lắm!”, chị trả lời: “Không phải một mình chúng tôi làm nổi. Nhờ cô bác láng giềng phụ giúp đó thôi”. Khách về cứ xuýt xoa khen chị mãi và kể toàn bộ sự việc cho vợ nghe. Vợ anh ta khẳng định: “Ai chẳng nói được một điều dễ đến thế!”. Nửa tháng sau nhà họ mở tiệc mời hàng xóm đến để mừng đêm thứ bảy của em bé mới sinh. Có người khách hỏi: “Xin chúc mừng! Vợ anh chắc vui lắm. Chị ấy nằm cữ thật may mắn, có con trai quý tử còn gì bằng?”. Người vợ từ trong buồng bước ra vội nói: “Đứa bé ra đời không chỉ do một mình chồng tôi đâu, ấy là nhờ các cậu thanh niên láng giềng mà tôi mới có con đó”. Truyện Thăm hỏi, Chim cú cũng là những truyện khuyên con người không nên bê nguyên hoàn cảnh của người áp dụng cho bản thân mình để cuối cùng chuốc lấy sự thất bại thảm hại.
Bên cạnh tính khiêm nhường thái quá, tính cương thái quá của người Nhật thể hiện qua truyện Gọi chủ ra đây. Một nhóm người táo tợn cầm gậy gộc đến cung điện đòi trả tiền thuê nhà, không dừng lại ở đó, họ còn đòi mời chủ ra giải thích lý do không phải trả tiền thuê nhà. Đúng là nhắm mắt làm liều, không cần biết hậu quả!
Trong truyện cười Nhật Bản, Phật giáo xuất hiện ở tần số cao so với các tôn giáo khác, mặt trái trong cuộc sống của các nhà sư xuất hiện trong truyện cười Nhật Bản một cách nhẹ nhàng mà thâm thúy, sâu sắc. Đó là những truyện thể hiện một số thói hư, tật xấu không thể chấp nhận được ở các nhà sư nhưng thực tế lại thực sự tồn tại ở họ. Các sư một mặt ăn chay, niệm Phật, cắt sợi tơ ràng buộc với cuộc sống trần tục, nhưng mặt khác lén ăn những món ăn cấm kị của nhà chùa. Một nhà sư thèm ăn cá, vì người hầu ốm bệnh không đi mua được, nên đã giả làm người thế tục để mua cá về ăn (Mua cá). Đang nói chuyện với những người dân thường, bất ngờ một nhà sư hắt hơi làm văng ra một miếng thịt mực. Bẽ mặt, nhà sư dối trá giải thích đó là con mực ăn khi còn tấm bé bây giờ mới bật ra vì mực là món ăn khó tiêu?! (Con mực). Một câu chuyện khác lên án thói đạo đức giả, tham lam – một tính cách không nên có ở một nhà sư – thói tham lam ấy thể hiện qua việc nhà sư ra mặt ghen tỵ cả với tượng Phật ở đền Zenkôji vì cho rằng mình có ít quà biếu hơn trong khi mình còn phải ăn để sống mà tượng Phật thì lại không cần (Nhà sư tham lam).
Người Nhật Bản còn cười những người hay quên. Trong truyện Cuộc họp mặt của những người hay quên, cuộc họp đã không thành vì tất cả đều quên, kể cả chủ tọa. Tiếng cười chế giễu của người Nhật còn dành tặng cho những người vợ, người chồng không chung thủy, dan díu với vợ, với chồng người khác khiến cuối cùng phải lãnh hậu quả về mình (truyện Chiếc ví, Giả giọng mèo…).
Truyện cười Nhật Bản phơi bày cả những tấm lòng giả dối, bất kính của con cái đối với các đấng sinh thành ra mình: truyện Cáo phó, Ngày kiêng ăn. Một gã kia được láng giềng biếu cá ngừ vào đúng ngày anh ta phải kiêng ăn cho người cha quá cố. Thèm quá không biết thế nào, anh ta liền đem cá ngừ đến bàn thờ cha và nói: “Cha ơi, con được người ta biếu cá ngừ này. Nhưng nhằm ngày kiêng ăn cho cha, con không thể ăn được. Cha có cho phép con được ăn không? Nếu được thì cha khỏi phải nói gì, tự con khắc hiểu” (Ngày kiêng ăn).
Mũi nhọn trào phúng còn chĩa vào những người đại diện chữ nghĩa cho nhân dân nhưng cư xử lại rỗng tuếch, không biểu đạt được sự hiểu biết. Cười thói sĩ diện hão của những người hay khoe khoang, tự hào về bản thân nhưng cuối cùng phải lòi cái đuôi dốt nát, cái đầu trống rỗng (Với lấy sao trên trời kể, Thầy lang tự khen mình, Thuật đánh kiếm, Chỉ là tài tử, Đọc thư hộ…). Truyện Với lấy sao trên trời kể về một chú tiểu đêm đêm lấy sào dài quơ trong vườn chùa để cố khoắng lấy một ngôi sao trên trời. Thấy vậy sư ông giễu cợt chê chú tiểu ngốc nghếch. Lại còn hướng dẫn chú tiểu: “Sào chưa dài đủ, trèo lên mái nhà thử xem!”. Thầy quả thông tuệ lạ thường! Tương tự vậy, truyện Giống người, giống khỉ là chuyện kể về một lãnh chúa dốt nát bị người hầu chơi khăm mà không biết.
Mọi điều đều có hạn độ, người Nhật Bản không chấp nhận thói keo bẩn thái quá của một số người. Truyện Cái thang không mượn được kể về một người đàn ông keo kiệt đến mức khi láng giềng đến hỏi mượn chiếc cối trà, anh yêu cầu phải sử dụng tại nhà mình, “gậy ông đập lưng ông”, ít lâu sau khi anh ta sang nhà láng giềng mượn cái thang thì cũng được nhận lại câu trả lời tương tự: “Xin dùng thang ở đây!”. Tương tự vậy, truyện Mượn búa là chuyện một người keo kiệt không nỡ sử dụng búa của mình mà sai đầy tớ sang mượn búa của nhà bên cạnh, khi nhà hàng xóm không có búa, anh mới tiếc rẻ mang búa của mình ra dùng. Truyện Người keo bẩn, Người cha keo kiệt, Lời cầu nguyện giá một sen… cũng là những truyện cười những thói keo kiệt đến mức gàn dở.
Người Nhật Bản còn chê cười những người làm việc máy móc, không chịu vận dụng trí não, lại còn cãi lý đổ thừa tại lệnh không triệt để (Người canh phòng lửa).
Ngoài ra, qua khảo sát còn thấy trong truyện cười Nhật Bản những thói xấu khác như: thói giận cá chém thớt (Con chó mực ở Hyogo), thói khoác lác (Củ cải ở Ôhari, Nói khoác…), vụng chèo khéo chống (Người cha mù chữ, Chưa hết bài ca….), tính trộm cắp, tham lam mà “đánh chết cái nết không chừa” (Vần thơ tuyệt mệnh, Chiếc rìu nhỏ, Lắm cá…). Bên cạnh đó, người Nhật còn cười thói tham ăn (Khách đến trong khi nướng bánh, Ngày kiêng ăn…), cười những người cẩn thận thái quá hóa ra lẩn thẩn (Cướp đường, Cháy nhà, Đào giếng trong nhà…).
Văn học dân gian nói chung, truyện cổ tích và truyện cười nói riêng, không thể phản ánh toàn diện tất cả mọi khía cạnh đời sống một dân tộc như nó vốn có, nhưng có thể nói đó là bức phác họa chân dung mỗi dân tộc. Bằng cách của mình, các tác giả dân gian đã chắt lọc, lựa chọn và đưa vào truyện cổ tích những nét tính cách tiêu biểu và nổi bật nhất của dân tộc mình: dũng cảm, thông minh, mạnh mẽ, trọng tín nghĩa, trọng danh dự… Qua truyện cười Nhật Bản, có thể nhận thấy một số truyện nổi bật lên các đặc tính của người Nhật vốn thường cực đoan trong những vấn đề danh dự, sự nhún nhường, khiêm tốn, ăn nói lịch sự… vốn thường mâu thuẫn, vừa can đảm vừa hèn nhát, ưa ngắm hoa mà cũng ham vung kiếm, nhu thái quá mà cương cũng thái quá, tự tôn thái quá mà tự ti cũng thái quá… Người Nhật chế giễu những gì còn bất toàn, còn hạn chế, còn xấu xí, còn giả tạo và còn vị kỷ. Họ cười những người đi tu mà còn tham lam, còn lừa đảo, cười những người mang danh võ sĩ (bushi hay samurai) mang kiếm đôi mà lại hèn nhát, cười bọn nhà giàu mà còn keo bẩn. Cười những lãnh chúa (đaimyo) ngang ngược, cười những thói xấu như khoác lác, tham lam, giả đạo đức… Đây tuy chưa phải là toàn bộ tính cách người Nhật Bản, chỉ là những nét tính cách được thể hiện qua truyện cổ tích và truyện cười, song qua tìm hiểu chúng ta phần nào thấy được đời sống Nhật, tính cách Nhật và tâm hồn Nhật, vốn là một dân tộc có nhiều bản sắc độc đáo.
——————————
Tài liệu tham khảo:
1. Eiichi Aoki, Nhật Bản, đất nước và con người, Nxb văn học, Hà Nội, 2006.
2. Nhật Chiêu, Truyện cười Nhật Bản, Nxb Mũi cà Mau, 1987.
3. Dương Ngọc Dũng, Chuyên luận Nhật Bản học, Nxb Tổng hợp, Tp HCM, 2008
4. Nguyễn Bích Hà, Tuyển tập truyện cổ tích Nhật Bản, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1999.
5. Bùi Văn Ngân, Ngược dòng lịch sử, tìm hiểu cội nguồn, bản lĩnh, bản sắc dân tộc Nhật qua thư tịch và truyện cổ dân gian, Tạp chí Văn học số 1, 1999, tr. 4-6.
6. Nguyễn Thị Nguyệt, Bảng mục lục tra cứu type và môtip truyện cổ dân gian Nhật Bản của Keikoseiki và Hiroko Ikeda, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 3 (165), 1998, tr. 61 – 63.
7. Đặng Đức Siêu, Tinh hoa văn hóa phương Đông, Nxb Giáo dục, 2007
8. Lại Văn Toàn (Chủ tịch Ban biên tập), Văn học Nhật Bản, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
Theo INAS.GOV.VN
Tags: Văn hóa Nhật Bản, Văn học