Thuế thân và sự thâm độc trong chính sách bóc lột của thực dân Pháp

Thuế thân, thuế lao dịch và thuế ruộng đất là những thứ thuế có chủ yếu dưới thời phong kiến. Sau khi xâm lược và đặt được bộ máy cai trị lên đất nước Việt Nam, thực dân Pháp đã tận dụng triệt để các sắc thuế này và đặt lên một phương thức thu mới với tính chất áp đặt và tận thu làm thay đổi hoàn toàn về bản chất so với thời phong kiến.

Thuế thân và sự thâm độc trong chính sách bóc lột của thực dân Pháp

Thực dân Pháp chia nước ta làm 3 miền với 3 chế độ cai trị khác nhau. Nam Kỳ với chế độ thuộc địa, có đồng ruộng phì nhiêu, rộng lớn nên đã sớm tiếp cận với kinh tế sản xuất hàng hoá theo kiểu tư bản. Trung Kỳ theo chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ với sự hiện diện của triều đình Nhà Nguyễn. Riêng Bắc Kỳ hoàn toàn theo chế độ bảo hộ, lại là nơi đất ít, người đông, khí hậu khắc nghiệt nên quan hệ làng xã được duy trì bền vững. Đồng thời, quan hệ giữa địa chủ và nông dân cũng nghiệt ngã hơn ở Nam Bộ. Người nông dân nghèo bị phụ thuộc nhiều vào làng xã và ít có cơ hội thay đổi cuộc sống. Thực dân Pháp cũng lợi dụng quan hệ giữa chính quyền làng xã với dân chúng rất chặt chẽ để định ra cách cai trị riêng cho Bắc Kỳ. Chúng giữ nguyên bộ máy cai trị của phong kiến để biến tầng lớp này trở thành tay sai đắc lực cho chính quyền Pháp ở Đông Dương bằng cách trao cho họ những quyền lợi về kinh tế và chính trị. Việc thu thuế cũng qua tầng lớp này vì từ thời phong kiến, tất cả mọi thứ thuế đều đánh vào làng xã.

Trong bài viết này, tôi xin chỉ đề cập đến vấn đề thuế thân ở Bắc Kỳ thời kỳ Pháp thuộc đã thay đổi như thế nào so với thời phong kiến và sự thâm độc của thực dân Pháp khi tiếp tục duy trì loại thuế và hình thức thu thuế của chế độ phong kiến trước đó với cách thức mới.

Thuế thân, thuế lao dịch và thuế ruộng đất là những thứ thuế có chủ yếu dưới thời phong kiến. Sau khi xâm lược và đặt được bộ máy cai trị lên đất nước Việt Nam, thực dân Pháp đã tận dụng triệt để các sắc thuế này và đặt lên một phương thức thu mới với tính chất áp đặt và tận thu làm thay đổi hoàn toàn về bản chất so với thời phong kiến.

1. Dưới thời phong kiến mà gần nhất là triều Nguyễn, thuế thân chỉ đánh vào nội tịch, tức là dân sở tại, có ít nhiều tài sản nên có khả năng đóng thuế. Vì vậy, người nộp thuế thân cũng được hưởng một số đặc quyền trong làng, xã như được chia ruộng đất công, được tham gia việc làng, được tham gia bầu các chức vụ trong làng, xã. Dân ngoại tịch (dân ngụ cư) không phải đóng và không được đóng thuế thân nên cũng không được hưởng các đặc quyền trên. Như vậy, dưới thời phong kiến, người nộp thuế thân vừa có nghĩa vụ vừa có quyền lợi khi nộp thuế, bởi đó là chính sách thuế của một nhà nước phong kiến độc lập, không có ngoại bang điều khiển.

Thời phong kiến (Triều Nguyễn), nông dân nộp thuế bằng hiện vật là chủ yếu. Điều đó giúp cho triều đình đảm bảo cho các chi phí, đồng thời còn có một lượng thóc gạo dự trữ. Về cách thu thuế, triều đình không trực tiếp thu mà phân bổ cho từng làng, xã. Sau đó, làng, xã sẽ tự phân bổ cho dân đinh nội tịch. Mức thuế không phải do triều đình ấn định mà do thương lượng giữa các làng với các đại diện của triều đình. Vì vậy, thuế như vậy mang tính chất nộp cống phẩm hơn là định xuất phải đóng góp cho triều đình. Cách tính thuế và thu thuế này có nhiều sơ hở để chính quyền địa phương khai man và ẩn lậu số dân, số đất thực có. Tuy nhiên, về phía người nộp thuế cũng có nhiều điểm có lợi vì thực sự thuế thân cùng với thuế lao dịch vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của người nông dân dưới thời phong kiến độc lập. Người dân ngoài việc nộp thuế thân còn có thuế lao dịch. Người dân phải đóng góp một số ngày công đi sưu để giúp triều đình xây dựng những công trình công cộng. Khi đi sưu, người dân được nuôi ăn bằng kho của địa phương và còn được lĩnh tiền và gạo (mức được nhận tuỳ thuộc vào từng thời Vua). Như vậy, người thực hiện nghĩa vụ đi sưu còn được trả công. Nhiều dân đinh còn coi đây như một nguồn thu nhập, vì đại đa số họ đều là bần nông, ruộng đất không nhiều nên thời gian rỗi nhiều. Ngoài ra họ còn có thể đi sưu giúp cho những người giầu để lấy tiền công. Như vậy, dưới thời phong kiến, thuế thân kèm lao dịch đối với người nông dân không bị áp đặt và không quá nặng nề, ngoại trừ một số thời kỳ do triều đình huy động quá nhiều dân với thời gian đi sưu quá lâu để xây những công trình lớn làm dân ai oán như thời Vua Tự Đức có câu ca dao: Hào xây xương máu, hào đào máu dân.

2. Đến thời Pháp thuộc, thực dân Pháp giữ nguyên bộ máy quan lại thời phong kiến ở các làng xã và tận dụng triệt để hai loại thuế chính là thuế ruộng đất và thuế thân, đều là loại thuế trực thu nhưng với phương thức khác mang tính áp đặt, mở rộng đối tượng thu, tăng loại tiền thu.

Thuế thân được định thành xuất, nộp theo từng năm. Mức thuế đối với nội đinh nhiều hơn mức thuế đối với ngoại đinh (nội đinh nộp 2đ50, ngoại đinh nộp 0đ30). Mức thuế này bao gồm cả tiền thuế thân chính ngạch và tiền chuộc ngày công lao dịch. Cách tính mức thuế này tồn tại đến năm 1919. Sau năm 1919, chế độ đồng nhất thuế ra đời, việc phân chia nội đinh, ngoại đinh không còn nữa mà đánh đồng tất cả người có tài sản hay không có tài sản đều chung một mức 2đ50. Đó là sự bất công trong chế độ thực dân, phong kiến. Thực dân Pháp tận dụng tất cả các đối tượng nộp thuế nhưng lại ưu đãi một số đối tượng người Việt phục vụ cho bộ máy cai trị của Pháp như: Viên chức của chính quyền bảo hộ, những người có bằng tòng cửu phẩm trở lên, quân nhân đương nhiệm, thông ngôn, nhà nho đang làm việc tại các sở dân sự và quân sự, chánh phó tổng… Điều này thể hiện rõ ý đồ mua chuộc người Việt làm tay sai cho thực dân Pháp, chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất của một dân tộc.

Để kiểm soát việc đóng thuế thân, chính quyền thuộc địa đã cấp thẻ thuế thân cho dân đinh sau khi nộp đủ thuế. Nó có giá trị như thẻ căn cước. Thẻ thuế thân có các loại màu khác nhau để phân biệt giữa nội đinh, ngoại đinh và các đối tượng miễn giảm thuế. Màu của thẻ thuế thân cũng được thay đổi theo từng loại và từng năm. Thẻ phát ra phải có điểm chỉ của người được cấp và dấu của lý trưởng làng sở tại công nhận đã nộp thuế. Dân đinh mang theo người và xuất trình khi cần thiết. Nếu họ bị kiểm tra không có thẻ, họ có thể bị bắt giam. Người bị mất thẻ xin cấp lại phải nộp bằng khoản tiền thuế. Việc dùng thẻ đã trở thành một hệ thống kiểm soát chặt chẽ việc thu thuế thân và quản lý nhân lực dưới thời thực dân, phong kiến.

Việc đi sưu của dân đinh vẫn được áp dụng trong thời Pháp thuộc nhưng dùng cách tính khác có lợi cho chính quyền thực dân và hại đến người dân. Lúc này, người đi sưu không được nuôi ăn và nhận tiền như thời phong kiến mà ngược lại, phải chuộc bằng tiền một số ngày, còn một số ngày phải đi lao động công ích. Như vậy, dân đinh, những người lao động chính của mỗi gia đình đã bị bóc lột nặng nề hơn thời phong kiến. Chế độ lao dịch nặng nề cùng với món nợ thuế thân đã làm cho nhiều gia đình nông dân Việt Nam điêu đứng, bần cùng.

Thuế thân, thuế đinh đánh vào người dân từ 18 đến 60 tuổi, theo Nghị định ngày 2 – 6 – 1897 ở Bắc kì và đạo dụ ngày 14 – 8- 1898 ở Trung Kì, tăng vọt từ 50 xu lên 2,50 đồng ở Bắc Kì và từ 30 xu lên 2,30 đồng ở Trung Kì, tương đương với giá 1 tạ gạo lúc bấy giờ. Người chết cũng không được miễn thuế, người sống phải đóng thay. Nhà nước thực dân buộc từng làng phải nộp đủ mức thuế đã định”.

“Từ năm 1919 đến 1921, chính quyền thực dân ra lệnh bãi bỏ việc đóng thuế theo mức cũ ở Bắc, Trung Kì và tiến hành đóng thuế hàng loạt với mức thuế thân là 2,5 đồng. Mức thuế thân ở Nam Kì tăng từ 5,58 đ (1913) lên 7,5 đ (1929). Tổng số tiền thu thuế ở ba kì từ 1912 đến 1929 tăng gấp ba lần so với thời kì trước đó. Trong các năm bình thường, mức thuế này đã là một gánh nặng đối với người dân nếu so với mức thu nhập kém cỏi của họ. Trong các năm khó khăn, mất mùa, khủng hoảng kinh tế, gánh nặng đó trở nên đặc biệt khủng khiếp. Tính đổ đồng đầu người, không phân biệt già trẻ lớn bé, mỗi người dân Việt Nam phải nộp 8 đ tiền thuế, tương đương 70 kg gạo trắng hạng nhất lúc bấy giờ”.

Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II, NXB Giáo dục, 1998.

.

Chính sách thuế của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ cũng như ở Việt Nam là một sự kết hợp giữa bóc lột phong kiến với bóc lột tư bản chủ nghĩa, tức là kết hợp giữ bóc lột địa tô (bằng hiện vật) với bóc lột giá trị thặng dư (bằng tiền). Thực dân Pháp duy trì và lợi dụng giai cấp phong kiến vì mục đích bóc lột lợi nhuận kinh tế ở nông thôn. Còn giai cấp phong kiến Việt Nam lại dựa vào thực dân Pháp để vơ vét cho bản thân.

Trên thực tế, người dân vừa phải nộp thuế của nhà nước, vừa phải nộp những khoản phụ thu của chính quyền phong kiến địa phương. Vì vậy, mức thực nộp thuế của nhân dân dưới thời Pháp thuộc là rất nặng nề. Chính sách thuế và cách thu thuế thực dân Pháp càng đẩy nhanh quá trình phân hoá giầu nghèo, làm tăng mâu thuẫn trong xã hội và là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Học giả phương Tây, H.L. James đã nhận định: “Trên chiếc lưng cao su của người An Nam, nhà nước tha hồ kéo dài mức thuế co dãn”. Quả thực, trước Cách mạng tháng Tám, thuế má là tai họa khủng khiếp nhất đối với người nông dân. Tình cảnh khốn cùng của người nông dân vì sưu cao thuế nặng đã được tái hiện lại qua nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán. Qua “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, ta thấy rõ hơn không khí căng thẳng, ngột ngạt ở làng quê trong những ngày sưu thuế đặc biệt tác giả tập trung xoáy sâu vào thuế thân – một thứ thuế vô nhân đạo trong chính sách thuế khóa dã man của chế độ thuộc địa.

Chống sưu cao thuế nặng trở thành mục tiêu và là khẩu hiệu trong nhiều cuộc đấu tranh của nông dân suốt thời kì thực dân phong kiến. Vì vậy mà ngay sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, một trong những sắc luật đầu tiên được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành là bãi bỏ thuế thân, sắc thuế trực thu tiêu biểu của chế độ cũ. Sắc lệnh do Bộ trưởng bộ Nội vụ ký thay Chủ tịch chính phủ lâm thời.

.

Theo BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA / TỔNG HỢP

Tags: , ,