Thói đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của phương Tây tại World Cup 2022

Khi đề cập đến những tranh cãi xung quanh kỳ World Cup 2022 ở Qatar, dường như có hai vũ trụ song song do những quan điểm khác biệt.

Đối với những nhà vận động, đội tuyển châu Âu và đặc biệt là 7 đội trưởng đã có ý định đeo băng tay OneLove, họ muốn tiếp tục lên tiếng về vấn đề nhân quyền và LGBT.

Trong khi đó, đối với chủ nhà Qatar, những khán giả đã đến đây hoặc những người đang theo dõi khắp thế giới Ả Rập, nơi người Hồi giáo chiếm đa số, đó là câu chuyện về tôn giáo, văn hóa, các chuẩn mực của khu vực và chủ yếu là về việc họ đang cảm thấy không được tôn trọng.

Cho đến thời điểm hiện tại, căng thẳng dường như là những dòng chảy ngầm xuyên suốt giải đấu này.

Cuộc tranh luận kịch liệt

Thói đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của phương Tây tại World Cup 2022

Đội tuyển Đức che miệng trong lúc chụp hình trước trận đấu với tuyển Ecuador.

Vào hôm 24/11, các cầu thủ Đức đã che miệng trong bức ảnh chụp tập thể trong trận ra quân trước tuyển Nhật Bản. Huấn luyện viên trưởng Hansi Flick khẳng định hành động đó “để truyền tải thông điệp rằng FIFA đang bịt miệng” các đội tuyển.

Tuy nhiên, hành động và quan điểm đó của Đức đã vấp phải sự phản đối tiêu cực từ thế giới Ả Rập.

Hashtag Đức – Nhật Bản đang trở nên thịnh hành trên khắp Ả Rập. Nhiều người gọi quan điểm “che miệng” để ủng hộ quyền LGBT của đội tuyển Đức là “xúc phạm” và “khiêu khích”. Một số người thậm chí còn kêu gọi FIFA gây thêm áp lực đối với “cỗ xe tăng”.

Bạn đến với chúng tôi, bạn phải tôn trọng tôn giáo, văn hóa, chuẩn mực và luật pháp của chúng tôi”, một người dùng Twitter cho biết.

Hành vi che miệng của tuyển Đức là động thái mới nhất trong cuộc tranh cãi giữa cơ quan quản lý bóng đá FIFA và một số đội bóng châu Âu. Nhiều đội từng dự định đeo băng đội trưởng OneLove trong các trận đấu để thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, cho đến khi FIFA đe dọa sẽ phạt thẻ vàng với họ.

Động thái đó được Giám đốc truyền thông Liên đoàn Bóng đá Đức Steffen Simon mô tả là “hành vi hăm dọa cực độ“.

Đội tuyển Đức sẽ không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào đối với hành động che miệng đó. Họ đồng thời cho biết hành động đó “không phải là đưa ra một tuyên bố chính trị”.

Quyền con người là không thể thương lượng. Việc từ chối cho phép chúng tôi đeo băng cầu vồng cũng tương đương với việc từ chối tiếng nói của chúng tôi. Chúng tôi luôn giữ vững lập trường của mình”, tuyển Đức cho biết trong một tuyên bố trên website.

Trong khi đó, một số nhân vật tiếng tăm tại Đức cho rằng những tranh cãi quanh việc FIFA đe dọa phạt các đội trưởng đeo băng tay OneLove đã khiến đội tuyển của họ mất tập trung trước trận đấu, Guardian hôm 24/11 đưa tin.

Có quá nhiều ồn ào trong quá trình chuẩn bị, quá nhiều vấn đề bị coi là quan trọng hơn bóng đá, tương tự 4 năm trước. Những điều như thế khiến các cầu thủ mất tập trung, làm họ phân tâm, vì thế có thể khiến họ mất đi 5-10% phong độ quan trọng“, cựu danh thủ Lothar Matthaus nói với Bild.

Người Ả Rập phẫn nộ

Trước thềm World Cup, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã cáo buộc thế giới phương Tây là “đạo đức giả” và mang đến “bài học đạo đức phiến diện” khi đưa tin về tình hình nhân quyền của Qatar.

Ông Gianni Infantino hôm 19/11 cũng đề nghị châu Âu ngừng “rao giảng đạo đức” liên quan tới World Cup 2022, theo Al Jazeera.

Tôi là người châu Âu”, ông Infantino nói. “Tôi nghĩ với những gì người châu Âu đã làm trên khắp thế giới trong 3.000 năm qua, chúng ta cần xin lỗi trong 3.000 năm tới”.

Theo vị chủ tịch FIFA, nếu châu Âu thực sự quan tâm đến số phận của các lao động nhập cư, họ cần làm theo điều mà Qatar đã thực hiện – thiết lập các cơ chế hợp pháp để lao động nước ngoài có thể đến được.

Những lời rao giảng đạo đức một chiều chỉ là điều đạo đức giả”, ông Infatino nói.

Đối với nhiều người Ả Rập, điều đó đã khiến họ phẫn nộ.

Trước thềm giải đấu, truyền thông phương Tây đã bị chi phối bởi những tranh cãi xung quanh World Cup 2022, thay vì chính sự kiện này. Họ đưa tin về cách Qatar đối xử với lao động nhập cư, quy định về cộng đồng LGBTQ và những hạn chế về mặt xã hội tại quốc gia này, theo CNN.

Khi Qatar giành được quyền đăng cai giải đấu này, đó được coi là một chiến thắng của người Ả Rập. Cuối cùng, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới đã diễn ra ở một khu vực chủ yếu được biết đến với nhiều cuộc xung đột.

Điều này không chỉ dành cho Qatar. Nó dành cho tất cả người Ả Rập và người Hồi giáo”, một người Qatar nói với BBC tại lễ khai mạc World Cup.

Bất kỳ lời chỉ trích nào đối với ban tổ chức dường như được coi là sự phán xét đối với toàn khu vực và tính phù hợp của khu vực này khi là nước chủ nhà, đặc biệt là khi nói đến các sự kiện danh giá như World Cup.

Tuy nhiên, Qatar dường như đã bị bất ngờ trước mức độ giám sát đối với họ.

Nhiều người Qatar cho rằng hàng loạt lời chỉ trích về tình hình nhân quyền và việc họ bóc lột lao động nhập cư gắn liền với sự phân biệt đối xử và đạo đức giả.

Họ nhận định giải đấu đã mang đến một loạt tin tức tiêu cực, tạo ra những hình ảnh lỗi thời và khuôn mẫu về đất nước và con người Qatar. Phương Tây đã vẽ nên một hình ảnh về Qatar mà người dân nước này hầu như không nhận ra, New York Times đưa tin.

Người Qatar cho rằng truyền thông phương Tây đang áp dụng tiêu chuẩn kép. Họ đặt câu hỏi tại sao người châu Âu lại mua khí đốt tự nhiên từ Qatar nếu họ thấy đất nước này ghê tởm đến mức họ không thể xem bóng đá ở đó? Tại sao một số nhân vật quốc tế từng lên tiếng chống lại Qatar lại không làm điều tương tự với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất?

Họ cũng nói rằng bản thân hy vọng kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia Ả Rập sẽ thách thức những định kiến về người Qatar, người Ả Rập và người Hồi giáo.

Tuy nhiên, điều đó dường như đã diễn ra theo hướng ngược lại.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,