⠀
‘Thời đại Putin’ và lời nguyền khó gỡ trong quan hệ Nga – Mỹ
Từ khi ông Putin trở thành Tổng thống Nga (31/12/1999) đến nay, cạnh tranh và đọ sức chiến lược giữa 2 cường quốc Nga – Mỹ ngày càng khốc liệt. Không gian cạnh tranh không chỉ bó hẹp trực tiếp giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực, chính trị, kinh tế, ngoại giao, chạy đua vũ trang… mà còn diễn ra ở nước thứ 3 như một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”. Dù kết quả của cuộc đọ sức “có thắng, có thua”, nhưng đều gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa hai nước. Vì thế, lời nguyền khó gỡ trong quan hệ Nga – Mỹ “không tồi tệ nhất, chỉ tồi tệ hơn” sẽ còn màu nhiệm.
Tác giả: Nguyễn Thị Thúy & Trần Phương Hạnh, Học viện Chính trị CAND.
1. Những sự kiện gây căng thẳng triền miên quan hệ Nga – Mỹ trong “thời đại Putin”
Sau khi Putin lên nắm chính quyền ở Nga, quan hệ Nga – Mỹ đã trải qua rất nhiều sự kiện quan trọng như tấn công khủng bố tại Mỹ vào ngày 11/9/2001; cách mạng sắc màu ở Ukraina từ năm 2004 đến 2005; xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia vào năm 2008; cuộc khủng hoảng Ukraina và Krym trở về nước Nga vào năm 2014; Nga can thiệp vào vũ lực một cách toàn diện vào xung đột tại Syria vào năm 2015; di chuyển các lãnh sự và trục xuất nhân viên ngoại giao giữa Nga và Mỹ năm 2017… cũng như những cuộc khẩu chiến triền miên trong nhiều năm xung quanh lĩnh vực cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược và hệ thống phòng thủ tên lửa. Và gần đây (2021-2022), là quan hệ Nga-Ukraina và NATO có xu hướng mở rộng, phạm vào lằn ranh đỏ do Nga vạch ra. Có những sự kiện liên quan trực tiếp đến quan hệ Nga – Mỹ, có sự kiện dường như chẳng liên quan, nhưng đều là những cuộc đọ sức chiến lược quyết liệt, tạo thành đường hướng chủ yếu của quan hệ Nga – Mỹ hơn 2 thập niên qua.
Một là, cuộc đọ sức chính trị xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Ukraina cuối năm 2004. Về bề ngoài, cuộc bầu cử lần này là cuộc đọ sức giữa Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovych do đảng Các khu vực đề cử và ứng cử viên Viktor Yushchenko do phe đối lập đề cử, nhưng đằng sau nó là cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai đội ngũ bầu cử hùng mạnh của Nga và phương Tây do Mỹ đứng đầu. Ngày 21/11/2004, vòng bỏ phiếu thứ 2 của cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc, kết quả kiểm phiếu sơ bộ của Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraina cho thấy Viktor Yanukovych được bầu làm Tổng thống, Putin ngay lập tức gửi điện mừng. Nhưng ngày hôm sau, được sự ủng hộ của Mỹ và một số nước phương Tây, phe đối lập cho rằng bầu cử có hành vi gian lận, đồng thời kêu gọi hàng trăm nghìn người ủng hộ Viktor Yushchenko quàng khăn màu cam, tổ chức biểu tình liên tục trong nhiều ngày, yêu cầu Ủy ban bầu cử Trung ương kiểm phiếu lại hoặc tòa án tuyên bố kết quả bầu cử không có hiệu lực. Ngày 3/12/.2004, Tòa án tối cao Ukraina đưa ra phán quyết kết quả bầu cử không có hiệu lực, đồng thời yêu cầu tổ chức cuộc bỏ phiếu vòng 3. Trong cuộc bỏ phiếu vòng 3 được tổ chức vào ngày 26/12/2004, Viktor Yushchenko với 51,99% số phiếu bầu đã giành chiến thắng, Mỹ và các nước phương Tây ngay lập tức gửi điện mừng và Viktor Yushchenko trở thành Tổng thống.
Hai là, nhân dịp khai mạc Thế vận hội mùa Hè 2008, Mỹ xúi giục Gruzia, phát động tấn công quân sự đối với Nam Ossetia, nhưng gặp phải sự đáp trả cứng rắn của Nga. Sau khi xúi giục thành công lãnh đạo phe đối lập Mikheil Saakashvili thân Mỹ thay thế Tổng thống Eduard Shevardnadze tháng 11/2003, Mỹ luôn dành cho Gruzia viện trợ lớn về kinh tế và quân sự, liên tục tổ chức tập trận chung Mỹ-Gruzia, với mục đích là xây dựng Gruzia thành một “họng súng” chĩa vào cạnh sườn Nga từ Nam Caucasus. Ngày 8/8/2008, bất chấp đề xuất ngừng chiến trên toàn thế giới trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh, quân đội Gruzia phát động tấn công quân sự vào Tskhinvali – thủ phủ Nam Ossetia – chủ trương độc lập, làm cho rất nhiều dân quân địa phương và binh lính Nga đồn trú tại địa phương thiệt mạng. Hành động của Gruzia làm cho Thủ tướng Nga Putin đang tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh phải trở về nước trước thời hạn và đến thẳng Quân khu miền Nam, cùng với Tổng thống Medvedev tổ chức phản công nhằm vào quân đội Gruzia. Từ ngày 9-12/8/2008, quân đội Nga đã tấn công cả trên không trên và mặt đất vào quân đội Gruzia. Kết quả là, Nga không những đuổi quân đội Gruzia ra khỏi Nam Ossetia, mà còn tiến hành không kích luân phiên nhiều căn cứ quân sự của Gruzia. Đến ngày 16/8/2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đứng ra hòa giải và 2 bên ký thỏa thuận ngừng bắn. Sau đó, Nam Ossetia và nước cộng hòa tự trị Abkhazia tuyên bố độc lập, Nga lập tức tuyên bố thừa nhận, cử quân đội tiến vào chiếm giữ và kiểm soát lâu dài 2 khu vực này. Cuối cùng, Nga chiếm được ưu thế trong cuộc đọ sức với Mỹ ở khu vực Caucasus.
Ba là, ngày 25/5/2014, Ukraina tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn, Chủ tịch đảng Đoàn kết Petro Poroshenko được bầu làm Tổng thống. Cuộc bầu cử lần này vốn được dự kiến tổ chức vào ngày 29/3/2015, nhưng từ cuối năm 2003, xoay quanh vấn đề liệu Ukraina có khởi động trình tự gia nhập EU hay không, Tổng thống Viktor Yanukovych nảy sinh bất đồng rất lớn với các chính đảng thuộc phe đối lập. Thực chất, Viktor Yanukovych cũng đồng ý khởi động đàm phán, nhưng gặp phải sự phản đối quyết liệt của Nga. Vì vậy, phe đối lập tiến hành biểu tình, yêu cầu Viktor Yanukovych từ chức. Ngày 21/2/2014, ngoại trưởng của Đức, Pháp, Ba Lan… đứng ra hòa giải giữa Viktor Yanukovych và nhà lãnh đạo của các chính đảng đối lập chủ yếu để tiến hành đối thoại và đạt được thống nhất chung về tổ chức bầu cử Tổng thống sớm trước cuối năm 2014. Tuy nhiên, sau khi ký thỏa thuận, lấy lý do sự an toàn của bản thân bị đe dọa, Viktor Yanukovych rời khỏi Kiev đến khu vực miền Đông Ukraina; còn Quốc hội Ukraina thì từ bỏ việc thực hiện thỏa thuận này và thông qua nghị quyết, bầu cử trước thời hạn. Với sự thao túng của phương Tây, phe đối lập đã đánh bật Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych thân Nga ra khỏi vị trí. Phương Tây chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu với Nga.
Bốn là, việc Nga “lấy lại” Krym thông qua trưng cầu dân ý gia nhập liên bang Nga, để kiềm chế Ukraina gia nhập NATO gặp phải sự lên án mạnh mẽ và trừng phạt khốc liệt của phương Tây. Sau khi Quốc hội Ukraina lấy lý do Viktor Yanukovych tự động từ bỏ quyền lực hiến pháp, xác định ngày bầu cử Tổng thống trước thời hạn, các tỉnh thân Nga như Donbass, Kharkov ở miền Đông Ukraina và Krym tuyên bố vì không kịp chuẩn bị nên không bố trí bầu cử Tổng thống trong khu vực mình. Đồng thời, Ủy ban bầu cử Trung ương Ukraina cũng thừa nhận, không kịp hoàn thành công tác chuẩn bị liên quan đến bầu cử theo kế hoạch. Bên cạnh đó, trước sự chi phối của thế lực dân tộc chủ nghĩa, Quốc hội Ukraina đã thông qua một loạt nghị quyết có liên quan đến việc bài xích và hạ thấp giá trị của tiếng Nga trong địa vị pháp lý của nước này, gây ra sự bất mãn cao độ của đông đảo người Ukraina nói tiếng Nga và người Nga ở miền Đông Ukraina. Thế lực chính trị thân Nga ở các tỉnh như Donetsk, Kharkov, Lugansk… đưa ra yêu cầu chính trị muốn độc lập và gia nhập Nga, nhưng bị Quốc hội Ukraina từ chối. Quân đội Ukraina cũng xảy ra nhiều cuộc xung đột đổ máu với lực lượng vũ trang địa phương được sự hỗ trợ của Nga. Lúc này, một bộ phận người dân Krym tổ chức biểu tình, từ chối ủng hộ chính phủ mới của Ukraina, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Krym rời Ukraina trở về Nga.
Trong lịch sử, Krym vốn thuộc lãnh thổ Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga luôn không thể quên được Krym và thành phố Sevastopol – nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen. Sự rối loạn trong nội bộ chính trị của Ukraina đã tạo cơ hội lịch sử hiếm có cho Putin lấy lại Krym. Ngày 17/3/2014, thông qua trưng cầu dân ý, Krym tuyên bố độc lập, đồng thời chính thức ký văn kiện pháp lý gia nhập Nga. Ngày 18/3/2014, Quốc hội Nga thông qua nghị quyết và Tổng thống Putin ban hành Sắc lệnh, tiếp nhận Krym và thành phố Sevastopol là 2 chủ thể của Liên bang Nga, đồng thời thành lập khu liên bang thứ 9. Mỹ và phương Tây đều không thừa nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân và gia nhập Liên bang Nga của Krym, vì thế mà sự trừng phạt của phương Tây do Mỹ đứng đầu đối với Nga đến nay vẫn chưa được dỡ bỏ. Nhưng thực tế, Nga lấy lại Krym là không thể thay đổi, Mỹ và NATO chỉ có thể “ngậm ngùi”, còn nước Nga coi Putin là anh hùng vì đã đưa Krym trở về “đất mẹ”.
Năm là, xung đột ở Syria bắt đầu vào năm 2013 là diễn biến của mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị khác nhau ở trong nước, nhưng Mỹ và đồng minh là lực lượng ngay từ đầu đã ủng hộ phe đối lập lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad thân Nga. Vì thế, Nga đã trợ giúp cho Bashar và chính quyền của ông. Từ năm 2013 đến 2017, ở Iraq với trung tâm là thành phố Tarrafal và khu vực biên giới giữa Iraq và Syria đã hình thành tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan – Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chúng đã tấn công xâm lược chiếm đóng các thành phố ở hai nước Iraq và Syria, gây ra sự quan ngại sâu sắc cho các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Nga… Mỹ đã lôi kéo các đồng minh quốc tế của họ ủng hộ Chính phủ Iraq bao vây và tiêu diệt IS, đồng thời cũng ủng hộ lực lượng vũ trang chống chính phủ ở Syria để lật đổ Bashar al-Assad và chính quyền của ông, hành động của Mỹ bị Nga phản đối quyết liệt. Bắt đầu vào tháng 9/2015, Nga lấy danh nghĩa chống khủng bố để sử dụng căn cứ hải quân, lục quân và tàu chiến trên biển Syria tấn công quân sự mạnh mẽ đối với IS và lực lượng vũ trang chống Chính phủ Syria. Với 48.000 quân thuộc các binh chủng của lực lượng vũ trang cùng trang bị vũ khí tham chiến, Nga không những làm cho IS ở trong lãnh thổ Syria bị tiêu diệt, mà còn làm cho các tổ chức vũ trang chống Chính phủ Syria do Mỹ ủng hộ bị thiệt hại nặng. Đến ngày 14/3/2016, Tổng thống Putin tuyên bố Nga kết thúc các hoạt động quân sự chủ yếu và rút lực lượng quân đội cơ bản khỏi Syria. Bằng chiến dịch này, Nga không những xây dựng được uy tín là lực lượng chủ lực chống khủng bố, mà còn ủng hộ hiệu quả đối với đồng minh của mình là Bashar al-Assad và rèn luyện năng lực chiến đấu của toàn diện quân đội. Ngoài ra, Nga chủ động phối hợp với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian giải quyết vấn đề Syria, thậm chí hình thành cơ chế đàm phán Astana mà không có sự tham gia của Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc đàm phán giải quyết vấn đề Syria do Liên hợp quốc lãnh đạo. Điều này cho thấy, biện pháp quân sự và ngoại giao của Nga đều rất cứng rắn, làm cho chiến lược hỗ trợ phe đối lập nhằm lật đổ Bashar al-Assad và đẩy Nga khỏi Trung Đông trở nên mờ nhạt. Nga đã giành quyền chủ đạo chiến lược trong cuộc đọ sức với Mỹ và phương Tây ở Syria.
Sáu là, tranh chấp xung quanh vế vấn đề Ukraina hiện nay – nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo phương Tây, đã có khoảng hơn 100.000 binh lính Nga đã được triển khai đến khu vực biên giới Ukraina cùng cáo buộc Nga có ý định can thiệp quân sự. Cáo buộc, trừng phạt lẫn nhau cùng những động thái quân sự của cả Nga, Mỹ và phương Tây khiến Ukraina có nguy cơ biến thành chảo lửa.
2. Quan hệ Nga – Mỹ tụt dốc không phanh
Sau khi Putin lần thứ 4 được bầu làm Tổng thống (2018) đã tiếp tục bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, việc cải thiện đó được Nga xây dựng dựa trên lập trường khá cứng rắn: (1) Mỹ phải thừa nhận thực tế Krym thuộc về Nga, đồng thời xóa bỏ trừng phạt kinh tế; (2) Mỹ phải tôn trọng Nga, chung sống bình đẳng với Nga và không coi là Nga kẻ thù.
Với những vấn đề có tính nguyên tắc nêu trên, thì cho dù Donal Trump, J.Biden hay ai cầm quyền ở Mỹ đều khó có thể thực hiện. Bởi lưỡng viện của Mỹ dường như đã hình thành tư duy “cố hữu” – Putin cầm quyền, Mỹ sẽ phản đối Nga đến cùng. Thực tế là, từ cuối năm 2017 đến nay, Mỹ đã nhiều lần đưa ra các báo cáo chiến lược, trong đó đều coi Trung Quốc và Nga là đối thủ. Vì vậy, việc cải thiện quan hệ Nga – Mỹ trong thời đại Putin sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Về chính trị, ngoại giao: Sự đối lập về chính trị và ngoại giao giữa Nga và Mỹ có xu thế gay gắt hơn. Những năm gần đây, lợi ích chung giữa Mỹ và Nga ngày càng ít, mâu thuẫn và bất đồng liên tục tăng lên. Một mặt, dưới sự lãnh đạo của Putin sức mạnh quốc gia được khôi phục khiến Nga càng tự tin hơn đối với con đường phát triển, uy tín của Putin tăng lên rất cao, bảo đảm ít nhất ông có thể cầm quyền đến năm 2024. Và như vậy, hình tượng Putin trong mắt người Mỹ ngày càng phức tạp. Giới tinh hoa chính trị trong Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đều gọi Putin là “chuyên chế” và “Sa Hoàng”. Đặc biệt, sau khi Putin lấy lại Krym, phương tiện truyền thông Mỹ đã công khai gọi Nga và Putin là kẻ xâm lược và nhận định, “gấu Nga tuy không đáng sợ, nhưng rất nguy hiểm”.
Từ sau khi có chuyến thăm Mỹ cuối cùng vào tháng 7/2007, đã hơn 15 năm Putin chưa đến Washington. Khi Putin lần thứ 3 được bầu làm Tổng thống năm 2012 đến nay, lãnh đạo của hai nước cũng chưa từng thăm viếng nhau mà chỉ tiến hành các cuộc gặp ở một nước thứ ba hoặc trao đổi, điện đàm theo hình thức trực tuyến. Sau khi thắng cử cuối năm 2016, D.Trump bày tỏ hy vọng có thể đến thăm Moskva, Putin cũng sẵn sàng cho cuộc ngoại giao thăm Mỹ – nhưng điều đó chưa hề xảy ra.
Lên nắm quyền, với mong muốn thay đổi, D.Trump đã hủy bỏ rất nhiều biện pháp chính sách đối nội và đối ngoại của Obama, nhưng trước áp lực của Quốc hội, D.Trump đã phải ký sắc lệnh duy trì tất cả các biện pháp trừng phạt của Obama đối với Nga. Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ căn cứ phán quyết trừng phạt đối với Nga do thượng viện và hạ viện đưa ra vào tháng 7/2017, vào ngày 30/1/2018 đưa ra Báo cáo Điện Kremly, tuyên bố sẽ đưa 114 chính trị gia (trừ Putin) từ Thủ tướng Medvedev đến các Bộ trưởng trong đó có Ngoại trưởng Sergei Lavrov, lãnh đạo lưỡng viện, văn phòng Tổng thống, thị trưởng thành phố Moskva và 96 doanh nhân vào danh sách trừng phạt. Hành động này của Mỹ đã chặn lại con đường trao đổi quan chức ngoại giao các cấp giữa Mỹ và Nga.
Sau 4 năm cầm quyền, D.Trump không những chưa xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực do chính sách của Obama trước khi kết thúc nhiệm kỳ để lại, mà còn tiếp tục tăng cường mức độ trừng phạt đối với Nga, làm xấu đi quan hệ song phương và khiến cho mong muốn thăm viếng lẫn nhau của Tổng thống hai nước không thể thực hiện.
Về kinh tế: Mặc dù đều là nước lớn trên thế giới, hợp tác kinh tế Nga – Mỹ chỉ có thể duy trì hạn mức thấp nhất, do Mỹ từ lâu vẫn thực hiện chính sách phân biệt và phong tỏa đối với Nga. Đặc biệt, sau sự kiện Krym năm 2014, Mỹ và phương Tây tiếp tục siết chặt vòng vây đối với Nga, làm cho thương mại Nga – Mỹ vốn đã ít ngày càng giảm mạnh. Trong lĩnh vực đầu tư, ngoài giữ số lượng trái phiếu Mỹ tương đối lớn, đầu tư trực tiếp của Nga vào Mỹ và ngược lại rất ít. Nhất là sau sự kiện Ukraina năm 2014 và Krym gia nhập Nga, Mỹ tăng cường mức độ trừng phạt kinh tế đối với Nga, điều này khiến đầu tư trực tiếp giữa Mỹ và Nga tụt dốc không phanh.
Về quân sự: Đây là lĩnh vực mà cả Nga và Mỹ cạnh tranh trực tiếp và quyết liệt nhất, từ đối đầu Xô-Mỹ trong quá khứ đến trực diện Nga – Mỹ hiện nay. Chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn giữ kỷ lục thế giới và không ngừng tăng lên: Năm 2019 là 716 tỷ USD thì đến năm 2021 đã đạt 778 tỷ USD mà mục tiêu chủ yếu là để đối phó với Nga và Trung Quốc. Với Nga, trong hơn 22 năm Putin cầm quyền, chi tiêu quân sự luôn duy trì xu thế tăng lên ổn định. Tuy nhiên, do sự hạn chế về tiềm lực kinh tế, Nga không thể chạy đua với Mỹ về chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng. Trong tình thế không thể đối đầu với Mỹ về số lượng, Nga tập trung phát triển về chất lượng, lấy trang thiết bị mũi nhọn mang tính phi đối xứng để duy trì sức mạnh ngang hàng với Mỹ. Trong Thông điệp liên bang (4/3/2018), Putin đã dùng video để giới thiệu vũ khí kiểu mới mà Nga phát triển trong những năm gần đây. Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021 (2/7/2021) nhấn mạnh: Các yếu tố chính quyết định vị thế và vai trò của Liên bang Nga trên thế giới là tiềm năng con người chất lượng cao, khả năng dẫn đầu về công nghệ, nhất là công nghệ quân sự là nhân tố quyết định khả năng quốc phòng của đất nước. Putin nhấn mạnh các loại vũ khí siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat (RS-28), tên lửa phóng từ trên không Kinzhal, ngư lôi hạt nhân, hệ thống vũ khí laser 1K17… Theo ông, những vũ khí mới này hiện “không có đối thủ”. Và như vậy, bằng cách này hay cách khác, hai bên luôn muốn áp đảo đối phương tạo lợi thế về lĩnh vực quân sự.
3. Thay cho lời kết
Hơn 22 năm cầm quyền của Putin cùng 4 đời Tổng thống Mỹ, Nga – Mỹ còn đó hàng loạt những vấn đề quốc tế mà cả hai bên có quan điểm tiếp cận và giải quyết mang tính bất đồng. Từ vấn đề Ukraina, Syria, Krym, Triều Tiên, Iran, Israel… cho đến những vấn đề chiến lược là những thế cờ gai góc tồn tại trong bàn cờ quốc tế mà mỗi bên đều không dễ trong cả tiến công và phòng thủ. Cho đến nay, rất khó dự đoán trong thời đại J.Biden quan hệ Nga – Mỹ sẽ đi về đâu, nhưng những lằn ranh đỏ do mỗi bên vạch ra vẫn đang chồng lấn khiến cả 2 đều không có đường lui. Và vì thế, lời nguyền khó gỡ “không tồi tệ nhất, chỉ tồi tệ hơn” trong quan hệ Nga – Mỹ sẽ còn tiếp tục nhiệm màu.
Theo HVCTCAND.EDU.VN
Tags: Nga, Vladimir Putin, Quan hệ Nga - Mỹ