Thi hoa hậu Việt Nam – lệch chuẩn và tiềm ẩn hậu họa cho nòi giống?

Việc tuyển chọn hoa hậu Việt Nam theo tiêu chí châu Âu dẫn đến lựa chọn những cá thể biến dạng, không đặc trưng của chủng tộc, tiềm ẩn nguy cơ bất thường cao.

Trích đăng bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả Phó Đức Tùng trên trang Soi.com.vn.

Hoa hậu là mực thước của gái đẹp, là chuẩn mực cho cái đẹp quan trọng nhất trong các loại cái đẹp. Việc đặt ra tiêu chuẩn và chọn lựa mẫu mực đó không phải là một nhóm người có thể quyết định, mà đằng sau nó là cả một nền văn hóa, với hệ thống triết học, lịch sử, mỹ học, mỹ thuật, thang giá trị v.v…

Vì vậy, nghiên cứu hoa hậu có thể biết về một nền văn hóa, và ngược lại, hiểu rõ nền văn hóa, có thể đưa ra kiến giải về hoa hậu.

Về hình thể

Nguyên tắc, cái đẹp chuẩn mực bao giờ cũng phải là cái đẹp đặc trưng, đấy là sự thuần chủng. Nếu tiêu chí được rút ra từ cái đặc trưng, thì thứ nhất là có bản sắc, thứ hai là có một số lượng lớn đối tượng để lựa chọn, thứ ba là hình mẫu có tác dụng định hướng cho xã hội.

Người phụ nữ Việt Nam có chiều cao trung bình khoảng 1m55. Vậy nếu chọn trong khoảng này, sẽ có nhiều đối tượng, và trong nhiều đối tượng đó, sẽ có những người hoàn hảo cả về những mặt khác. Nay hoa hậu được chọn phải rất cao, không biết chuẩn là bao nhiêu, nhưng có lẽ dưới 1m70 không bao giờ được xét, để có thể đứng cạnh hoa hậu Đức, Thụy Điển v.v…

Mà quả là trong dàn hoa khôi thế giới, nếu không quay cận lại, đố ai biết cô nào từ Việt Nam, cô nào từ Đức. Như vậy chỉ có một số rất ít người, với nguy cơ mất cân bằng hoormon cao và những bất thường khác có liên quan về trí não mới lọt vào vòng sơ tuyển.

Tương tự, người Việt Nam bình thường có tỷ lệ chân ngắn hơn người châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà người mẫu hoàn hảo theo phương Tây có tâm điểm ở khu vực sinh dục, trong khi người Á Đông có quan niệm trung tâm ở Đan điền, tức là vùng dưới rốn. Chọn chân Á Đông dài như tỷ lệ chân châu Âu, sẽ dẫn đến tỷ lệ bất thường lớn, trong đó ẩn chứa nhiều thứ mất cân bằng khác không dễ nhận ra.

Tỷ lệ 3 vòng đo cũng rất khác nhau ở mỗi chủng tộc. Vì thế không thể có một tỷ lệ vàng cho cả loài người. Rõ ràng là tỷ lệ phần ngực và mông của người Việt thuần không thể như phụ nữ châu Phi hay châu Âu thuần chủng được.

Như vậy, việc tuyển chọn hoa hậu Việt Nam theo tiêu chí châu Âu thứ nhất là dẫn đến lựa chọn những cá thể biến dạng, không đặc trưng của chủng tộc, tiềm ẩn nguy cơ bất thường cao. Điểm thứ hai, cho dù chọn được một cô Việt Nam giống Tây hơn cả Tây, thì về nguyên tắc, người Việt Nam sẽ không đồng cảm được với cái đẹp này, giống như cóc đực chẳng thể thấy Tây Thi là đẹp.

Nhưng vì đã được giới chuyên môn coi là đẹp, nên ông nào cũng phải khen đẹp, để chứng tỏ mình là đàn ông thực thụ, là người sành. Như thế, tác dụng của những người mẫu bất thường này sẽ là làm sai lệch thẩm mỹ bình thường của giới mày râu. Từ thẩm mỹ méo mó đó, lại dẫn đến áp lực lên những người phụ nữ bình thường, bỗng dưng tự cảm thấy là mình không bình thường, và cũng không được coi là bình thường. Do đó dẫn đến các loại vẽ rắn thêm chân, độn mông nâng ngực, nới vòng nọ bóp vòng kia một cách ngớ ngẩn, không khác gì việc bó chân của người Tàu, để rồi lại uất ức vì mình bị coi như món đồ chơi của giới đàn ông.

Trí tuệ, khéo léo, đức hạnh

Tuy chọn hoa hậu là theo chuẩn về tỷ lệ hình thức, đã dẫn đến lựa ra những cá thể đột biến, nhưng các ông lại vẫn không thoát khỏi tư tưởng công dung ngôn hạnh, muốn đòi hoa hậu ngoài cái đẹp phải có cả ba cái kia, như thế chẳng phải lú lẫn sao. Nếu có được văn hóa Hy Lạp, chỉ cần nhìn thấy tỷ lệ là như thấy Chúa trời, cần gì những thứ khác. Còn đã không có cái văn hóa đó, thì nhìn tỷ lệ cũng không thấy đẹp, nên cho là thiếu. Thế mà phàm đã là cá thể dị biệt, thì sống được là may, còn đòi hỏi lắm thứ cái nỗi gì.

Việc định ra tiêu chí hoa hậu sao cho hay và có ý nghĩa là việc làm vô cùng khó, có quan hệ đến vận mệnh dân tộc. Phải chăng cả trường mỹ thuật công nghiệp nên tập trung vào giải bài toán này, thay vì dành một hai bài luận văn bàn về cổ tay hay lông mày Ngọc Trinh.

Theo SOI.COM.VN (2012)

Tags: ,