Thế kỷ 20: Mông Cổ tồn tại ra sao giữa hai ‘người khổng lồ’ Liên Xô và Trung Quốc?

Mông Cổ là một trường hợp kỳ lạ. Nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc, từng có một lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, rồi có lúc lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nước này hoặc nước kia, nhưng cuối cùng, bao giờ người Mông Cổ cũng tìm ra lối thoát thoát ngoạn mục để phát triển đất nước theo con đường riêng của mình.

Thế kỷ 20: Mông Cổ tồn tại ra sao giữa hai ‘người khổng lồ’ Liên Xô và Trung Quốc?

Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ năm 1976.

Lựa chọn thứ nhất: thống nhất các bộ tộc

Dưới áp lực của các bộ tộc Tartar, Khiết Đan, Mãn Châu và Turk, từ thế kỷ 12, các bộ lạc Mông Cổ phân tán đã bắt đầu có ý thức hợp nhất. Sau gần một thế kỷ thăng trầm, cuối cùng năm 1206, trong một cuộc họp toàn thể các bộ tộc Mông Cổ, các thủ lĩnh đã chọn Thiết Mộc Chân (Temujin) và bầu ông làm Đại Hãn (thủ lĩnh tối cao) với danh hiệu Thành Cát Tư Hãn (Genjis Khan).

Sau cuộc nhất thống các bộ tộc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn và con cháu đã tiến hành nhiều cuộc chinh phạt tàn bạo khắp Châu Á và Châu Âu. Họ đã thành công nhờ sức hành quân bền bỉ vô song, kỷ luật sắt, tổ chức quân đội và chiến thuật giao tranh hiện đại, vũ khí tinh xảo của người Mông Cổ và kỹ thuật phá thành Trung Hoa hiệu quả. Trong các thế kỷ 13-14, một Đế Quốc Mông Cổ mênh mông được hình thành với thủ đô ban đầu ở Karakorum (Trung Á).

Đế quốc Mông Cổ từng có lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trải dài từ biển Nhật Bản phía Đông đến Đông Âu phía Tây, từ Siberia phía Bắc đến vịnh Oman và Đông Nam Á ở phía Nam, bao gồm phần lớn lãnh thổ Châu Á (China, Nam Siberia, Trung Á, Trung Đông, Tây Tạng, Caucasus) và một phần lãnh thổ Châu Âu.

Tóm lại, việc thống nhất thành công các bộ tộc Mông Cổ và bầu được Đại Hản, không những cho phép người Mông Cổ bảo tồn được dân tộc, mà còn đưa dân tộc Mông Cổ lên một tầm vóc mới về tổ chức chính trị xã hội (chuyển sang chế độ phong kiến, hình thành các đô thị lớn), và văn hóa (tiếp nhận rất nhiều thành tựu văn hóa khoa học kỹ thuật của cả Trung Hoa lẫn Châu Âu).

Mặt khác, phải nói rằng việc hình thành Đế quốc Mông Cổ cũng là sự bắt đầu quá trình suy vong của dân tộc này. Đơn giản là vì việc quản lý một đế quốc như vậy vượt quá xa khả năng của họ. Về sau người Mông Cổ đành phải chấp nhận cơ chế tản quyền tự trị cống nạp.

Lựa chọn thứ hai: thoát Trung

Hốt Tất Liệt cháu Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục được Trung Quốc và thành lập nhà Nguyên (1271-1368). Xuất phát từ trinh độ văn minh thấp hơn hẳn Trung Quốc, sau một thời gian ngắn không thành công trong việc “du mục hóa” Trung Quốc, và dưới áp lực của phong trào phục quốc Trung Hoa do Chu Nguyên Chương lãnh đạo, người Mông Cổ lập tức tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Phải nói rằng việc “rút chân” kịp thời ra khỏi Trung Quốc, là một sự lựa chọn rất sáng suốt. Sau hơn 80 năm thống trị Trung Hoa người Mông Cổ rất ít bị (chịu) Hán hóa, họ bảo tồn được hầu như nguyên vẹn lãnh thổ, bản sắc dân tộc và phiên hiệu quốc gia của mình.

Điều này hoàn toàn khác với người Mãn Châu một ngoại tộc thống trị Trung Hoa dưới thời nhà Thanh (1644-1912). Cùng xuất phát từ trình độ văn minh thấp hơn hẳn văn minh Trung Quốc như người Mông Cổ, nhưng lại có tham vọng chinh phục Trung Quốc bằng cách “hòa mình” vào văn hóa Trung Hoa, nên họ đã có kết cục khá bi thảm.

Mặc dù từng có những minh quân như Khang Hy, Càn Long, sau 268 năm “nấn ná” ở Trung Quốc, người Mãn Châu đã bị Hán hóa và “hòa tan” hầu như toàn phần, nghĩa là đánh mất hết cả lãnh thổ, bản sắc dân tộc và phiên hiệu quốc gia của mình. Điều thú vị nhất, là trong thời kỳ Nhật xâm lược Trung Quốc (1937-1945), người Mông Cổ còn truyền bá kinh nghiệm lịch sử này cho người Nhật.

Lựa chọn thứ ba: Liên Xô

Sau triều đại nhà Nguyên sụp đổ, người Mông Cổ rút về phía Bắc thành lập triều đại Bắc Nguyên (1368-1635) trên phần lãnh thổ Mông Cổ và Nội Mông (Trung Quốc hiện nay). Đây cũng là thời kỳ mà Phật giáo Mật Tông (Lamaism) từ Tây Tạng bắt đầu xâm nhập vào Mông Cổ

Triều đại Bắc Nguyên tuy giữ được độc lập đối với nhà Minh và các quốc gia Trung Á khác, nhưng đã mất hoàn toàn hào quang của Đế quốc Mông Cổ và dần suy yếu do những mâu thuẫn nội bộ.

Năm 1635, Đại Hãn Bắc Nguyên chính thức đầu hàng Mãn Châu, và trở thành một bộ phận Trung Quốc từ 1644 khi nhà Thanh chính thức thành lập. Sau đó, dần dần Mông Cổ trở thành một tỉnh ngoại vi lạc hậu của nhà Thanh. Họ chỉ thoát khỏi sự cai trị của Trung Hoa vào năm 1911, khi nhà Thanh sụp đổ trong Cách mạng Tân Hợi. Sau năm 1911 ở Mông Cổ đã thiết lập chế độ quân chủ Đại Hãn (1911-1924).

Xukhe Bator là người có công lớn nhất trong việc đưa Mông Cổ hoàn toàn thoát khỏi Trung Quốc lạc hậu, nửa phong kiến và nửa thuộc địa lúc đó.

Xuất thân là một chiến binh trẻ tuổi (sinh 1893), Xukhe Bator nổi tiếng là một chỉ huy dũng cảm và có học thức trong quân đội Đại Hãn.

Nhận thức được sự vượt trội về mọi mặt của nước Nga, của Liên Xô so với Trung Quốc phong kiến, Xukhe Bator đã cùng với các đồng chí như Choibansan tiếp cận được các lãnh đạo Liên Xô (kể cả Lenin). Được sự giúp đỡ của Liên Xô họ thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (1921) và Quân đội Nhân dân Mông Cổ theo mô hình ĐCS và Hồng quân Liên Xô.

Ông Xukhe Bator là Tổng chỉ huy đầu tiên của quân đội này. Được sự hỗ trợ của Liên Xô, Quân đội Nhân dân Mông Cổ của Xukhe Bator và các đồng chí đã đuổi được Quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc ra khỏi Mông Cổ. Ngày 11/07/1921 Mông Cổ chính thức tuyên bố độc lập. Cũng từ đó Mông Cổ chính thức bước vào kỷ nguyên Liên Xô hóa toàn diện, thậm chí cả chữ viết Mông Cổ cũng dùng mẫu tự Kiril.

Trong khoảng thời gian kỷ lục bốn mươi năm (1925-1965), Mông Cổ đã từ một nước phong kiến với nền kinh tế nông nghiệp chăn nuôi du mục lạc hậu trở thành một quốc gia nông công nghiệp có nền chăn nuôi khá phát triển, gần như Liên Xô hồi đó.

Thời kỳ Xô Viết, Mông Cổ thường được gọi là nước Cộng hòa thứ 16 của Liên Xô. Thực tế Mông Cổ đã thực sự trở thành một bản sao không tồi về mọi phương diện, và được giúp đỡ toàn diện mọi mặt của Liên Xô. Sau Thế chiến 2, từ khoảng 1950 thủ đô Ulan Bator bắt đấu được quy hoạch, các căn hộ kiểu Xô Viết đã thay thế hầu hết các khu nhà yurt (nhà lều truyền thống Mông Cổ). Liên Xô thường xuyên tư vấn và hỗ trợ kinh phí xây dựng. Hầu hết các công trình tại Ulan Bator hiện nay được xây dựng trong thời kỳ từ 1960 đến 1985.

Vì vậy, tuy đô thị Mông Cổ phát triển gần như từ số không, nhưng nhìn chung cũng khá khang trang. Đặc biệt là tránh được tình trạng nhà ổ chuột, nhà ống, cũng như quy hoạch nhôm nham ở phần lớn các đô thị Châu Á đương thời.

Đa số người Mông Cổ đã được chuyển đến sống trong các khu chung cư có đầy đủ điện nước và các tiện nghi tối thiểu, cũng như được sử dụng các phương tiện công cộng, được biết đến nhà hát, rạp chiếu bóng, nhạc viện…

Đồng thời giống như các nước thuộc Liên Xô thời kỳ đó, giáo dục Mông Cổ phát triển vượt bậc, trẻ em được đi học ở các trường thuộc một nền giáo dục hiện đại bao gồm hệ thống các nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học được trang bị đầy đủ.

Tóm lại, bị “kẹp chặt” giữa Trung Quốc và Liên Xô, giới tinh hoa Mông Cổ luôn nói đùa một cách cay đắng “nếu không có nước Nga, Mông Cổ từ lâu đã là ‘Nội Mông mở rộng’. Còn nếu không có Trung Quốc, từ lâu Mông Cổ đã trở thành ‘nước Cộng hòa tự trị Mông Cổ’ thuộc LB Nga”.

Tuy nhiên phải nói rằng trong nửa đầu thế kỷ 20 đối với người Mông Cổ, việc ngả về Liên Xô là một lựa chọn thành công. Lựa chọn này vừa tạo cho Mông Cổ khả năng phát triển tăng tốc trong một giai đoạn lịch sử nhất định, vừa tránh cho Mông Cổ nguy cơ bị đồng hóa nếu trở thành một tỉnh của Trung Quốc.

Vào những năm 1990, cùng với phong trào dân chủ hóa xã hội và mở cửa sang Phương Tây, trong thế hệ trẻ Mông Cổ khá nhiều người (đặc biệt là những người chưa bao giờ từng phải đốt phân bò khô để sưởi ấm lều trại trong mùa đông) đã phủ nhận sự lựa chọn này. Họ cho rằng Liên Xô đã kìm hãm và làm “méo mó” sự phát triển tự nhiên đáng lẽ có thể rất huy hoàng của Mông Cổ, tương tự như trường hợp Cộng hòa dân chủ Đức và Czech.

Theo VIETTIMES

Tags: , , , ,