Thế giới đã thay đổi như thế nào sau một năm xung đột Nga – Ukraina?

Ngày 24/2/2022, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Một năm sau đó, cuộc xung đột này vẫn tiếp diễn, không chỉ khiến hai bên chịu thiệt hại lớn về người và của mà còn làm rung chuyển trật tự địa chính trị hậu chiến tranh lạnh và các thị trường toàn cầu.

Thế giới đã thay đổi như thế nào sau một năm xung đột Nga – Ukraina?

Hiện chưa có dấu hiệu về một lối thoát cho cuộc xung đột khi cả hai bên đều hướng đến một chiến thắng quân sự rõ ràng trong lúc đàm phán bế tắc. Dù vậy, có nhiều đồn đoán rằng dù giao tranh ngày càng ác liệt song con đường đàm phán sắp được mở ra để chốt lại những thỏa thuận tạm thời về mặt an ninh. Một số nhà ngoại giao suy đoán một thỏa thuận như thế có thể nhằm khôi phục hiện trạng biên giới trước xung đột, tức Ukraina lấy lại các lãnh thổ của mình ở phía Đông và Nam nhưng Nga vẫn giữ bán đảo Krym.

Trong lúc chờ đợi một diễn biến tích cực như thế, hãy cùng nhìn lại tác động của cuộc khủng hoảng đối với Ukraina, Nga, phương Tây và cả thế giới sau một năm.

Ukraina

Ukraina ban đầu bị mất một phần lãnh thổ nhưng quân đội nước này đã đẩy lực lượng Nga vào thế giằng co ở miền Bắc, buộc Moskva tập trung trở lại vào chiến dịch ở vùng Donbass ở miền Đông. Đến mùa thu năm 2022, lực lượng Ukraina bắt đầu phản công và lấy lại được 20% phần lãnh thổ rơi vào tay Nga trước đó.

Ngoài thương vong nặng nề, giao tranh còn buộc hơn hàng triệu người đi sơ tán và phá hủy nghiêm trọng hạ tầng của Ukraina. Hồi tháng 7/2022, nước này cho biết cần đến hơn 750 tỉ USD trong 10 năm tới để tái thiết đất nước.

Nga

Một năm sau khi cuộc xung đột bùng phát, kinh tế Nga vẫn trụ vững trước các đòn trừng phạt khốc liệt của phương Tây nhưng đã xuất hiện những tín hiệu đáng lo, như lạm phát tăng lên gần 12%, nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí giảm… Số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cho thấy GDP nước này năm 2022 giảm 2,1%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo con số này giảm 2,5%.

Điểm tích cực là Nga nỗ lực thích nghi với trừng phạt, tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế và khách hàng mới cho dầu khí. Một số yếu tố khác là sự điều hành của Ngân hàng Trung ương Nga, thương mại với Trung Quốc và một số nước khác hồi phục gần đây…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thứ nhất của Nga Andrey Belousov thừa nhận năm 2023 sẽ khá thách thức đối với Nga xét về khía cạnh tài chính và thâm hụt ngân sách, dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục âm.

Châu Âu

Cuộc khủng hoảng đã và đang thử thách sự đoàn kết của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraina (nhất là tiền và vũ khí), những chính sách liên quan đến quốc phòng và biện pháp trừng phạt Nga.

Sự chia rẽ thể hiện rõ qua việc một số nước không muốn trừng phạt hoạt động xuất khẩu dầu khí của Moskva do nỗi lo thiếu năng lượng, giá dầu và lạm phát leo thang. Ngoài ra, có những dấu hiệu cho thấy kho vũ khí phương Tây đang dần cạn kiệt trước nhu cầu của Ukraina.

Một cơn đau đầu khác là nhiều nước châu Âu phải nỗ lực tìm thêm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Giá mặt hàng này dù không còn cao như năm ngoái nhưng vẫn cao hơn gấp 4 lần so với 2 năm trước, một diễn biến khiến lạm phát tăng và làm suy yếu sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Thêm vấn đề đáng chú ý không kém là chi phí tái thiết Ukraina. Ngân hàng Thế giới ước tính con số này hiện là 500 tỉ euro và không ngừng gia tăng. Sau khi trao tư cách ứng viên cho Ukraina, Liên minh châu Âu (EU) dường như khó tránh kịch bản phải chịu phần lớn hóa đơn này.

NATO

Cuộc xung đột Nga – Ukraina đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan chính thức yêu cầu xin gia nhập NATO, qua đó từ bỏ chính sách trung lập được một số nước châu Âu theo đuổi lâu nay. Bước đi hôm 18/5/2022 nói trên cũng phần nào cho thấy khuôn khổ an ninh châu Âu đã được vẽ lại dưới tác động của cuộc xung đột.

Dù vậy, không dễ để NATO mở rộng và kết nạp thêm thành viên. Nỗ lực của Thụy Điển và Phần Lan đang bị cản trở vì một số điều kiện do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Một số chuyên gia cũng nhắc đến lời hứa năm 2008 của NATO về việc kết nạp Ukraina and Georgia nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực.

Chưa hết, những diễn biến gần đây cho thấy sự can dự “trực tiếp và nhiều hơn” của NATO vào cuộc xung đột, ít ra là theo nhận định của Nga khi nói về chuyện Mỹ, Đức thông báo cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina.

Trước đó, Điện Kremlin không ít lần cáo buộc các đồng minh NATO trở thành một bên của cuộc xung đột bằng cách cung cấp vũ khí, huấn luyện binh sĩ và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraina. Không gì lạ khi xuất hiện cảnh báo, lẫn lo ngại, rằng xung đột ở Ukraina có nguy cơ vượt tầm kiểm soát và trở thành cuộc chiến rộng lớn hơn giữa Nga và NATO.

Mỹ

Cuộc xung đột Nga – Ukraina kéo dài cũng làm gia tăng sự chia rẽ tại Mỹ. Trong bối cảnh Washington tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraina, ngày càng có nhiều người Mỹ cho rằng nước mình đang hỗ trợ quá nhiều cho Kiev.

Theo cuộc thăm dò được Trung tâm nghiên cứu Pew công bố hôm 31/1, khoảng 26% người được hỏi cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraina. 31% cho rằng sự giúp đỡ như vậy là vừa phải và 20% muốn giúp Ukraina hơn nữa. So với cuộc thăm dò hồi tháng 9/2022, tỉ lệ người cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraina đã tăng 6 điểm %.

Sự chia rẽ còn thể hiện trên chính trường khi một nhóm hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa do ông Matt Gaetz dẫn đầu vừa trình dự thảo nghị quyết, theo đó thể hiện quan điểm Washington cần chấm dứt hỗ trợ quân sự và tái chính cho Ukraina, cũng như kêu gọi tất cả các bên hướng đến một thỏa thuận hòa bình.

Lý giải cho động thái trên, ông Gaetz chỉ ra nguy cơ cuộc xung đột leo thang thành xung đột toàn cầu và gây thiệt hại kinh tế cho Mỹ.

Washington đã viện trợ quân sự khoảng 27 tỉ USD và cung cấp hàng chục tỉ USD tiền hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraina kể từ khi xung đột nổ ra.

Kinh tế toàn cầu

Một năm sau xung đột, kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu đựng hậu quả, như nguồn cung ngũ cốc, phân bón, năng lượng suy giảm, lạm phát cao, triển vọng kinh tế không rõ ràng… Các công ty và quốc gia phát triển cho đến giờ tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái nhưng các nền kinh tế đang phát triển phải chịu ảnh hưởng tệ hơn.

Giờ đây, tại Mỹ và nhiều quốc gia giàu có khác, giá tiêu dùng đang dần “hạ nhiệt” sau khi tăng mạnh, một phần do tác động của cuộc chiến lên giá dầu. Điều này làm gia tang hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc tăng lãi suất, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh rơi vào suy thoái.

Mùa đông ấm hơn thông thường cũng giúp giá khí đốt giảm và hạn chế thiệt hại từ cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga ngưng cung cấp phần lớn khí đốt đến châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc xung đột ít nhiều vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn như ở châu Âu, giá khí đốt hiện vẫn cao gấp 3 lần so với thời điểm trước khi giao tranh diễn ra.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% năm nay, một tỉ lệ được xem là khá lạc quan bất chấp còn nhiều ẩn số lớn khác, như nguy cơ xung đột leo thang nghiêm trọng.

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tags: ,