Thế giới ảo đang khiến trẻ em đánh mất tuổi thơ?

Trước đây, nói đến tuổi thơ, người ta nghĩ ngay đến những tập truyện tranh gối đầu giường, những trò nhảy dây, bắn bi, đánh đáo… như một phần không thể thiếu trong đời sống của trẻ em.

Ấy vậy mà giờ đây, cái tuổi thơ ấy lại đang có chiều hướng “hiện đại hóa, công nghệ hóa” đến mức nhiều người phải giật mình. Tôi có một cô cháu mới học mẫu giáo, thế nhưng về đến nhà là cháu bật ngay máy vi tính để… chơi.

Không thể phủ nhận các thiết bị số hóa đã và đang trở thành một cầu nối hữu ích giúp trẻ em mở mang tầm hiểu biết về thế giới bên ngoài, nhưng việc lạm dụng và coi đó như vật bất ly thân với nhiều trẻ nhỏ hiện nay thực sự đã trở thành một tình trạng đáng báo động. Thay vì vui chơi, sinh hoạt cùng bạn bè, trẻ em bây giờ có vẻ “nghiện” các sản phẩm công nghệ hơn. Đi đến đâu, người ta cũng dễ bắt gặp cảnh các em nhỏ dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính bảng, thậm chí ngay cả khi đi bộ trên đường. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí là cả chục triệu đồng sắm cho con mình những chiếc iPhone, iPad, iPod đời mới để con bằng bạn, bằng bè.

Họ những tưởng như vậy là “trải thảm đỏ” cho con em mình mà không biết rằng, chính những sản phẩm đó vô hình trung đã ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển tâm lý, sinh lý của trẻ nhỏ. Những tin nhắn, cuộc gọi qua lại; các mối quan hệ “ảo” được thiết lập qua facebook; các dòng trạng thái được đăng từng ngày qua twitter; những bức ảnh “tự sướng” được “khoe” hằng giờ. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, chúng không cần phải tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể cập nhật đầy đủ tình hình của bạn bè, người thân. Chính điều này đã làm nảy sinh tư tưởng ỷ nại, thói quen khép kín, đóng cửa với thế giới bên ngoài ở các em.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều bậc phụ huynh về đến nhà cũng chỉ chăm chăm lướt web, “lên phây”. Bố mẹ, con cái, mỗi người một chiếc điện thoại-một thế giới riêng, không ai nói chuyện với ai. Từ đó dần bào mòn thói quen giao tiếp mà đáng lẽ trẻ nên và cần được học ngay khi còn nhỏ, đồng thời hình thành một bức tường ngăn cách trong quan hệ tương tác giữa bố mẹ và con cái. Bên cạnh đó, việc trẻ tiếp cận với các thiết bị di động ngay từ nhỏ mà không có sự giám sát từ phía gia đình cũng dẫn đến như những mối nguy hại tiềm tàng khi chúng có thể tiếp xúc với các nội dung bạo lực, không lành mạnh; từ đó dẫn đến những lệch lạc trong nhận thức và hành động.

Thiết nghĩ, trẻ em như một tờ giấy trắng, chúng lớn lên và phát triển như thế nào phụ thuộc vào cách giáo dục của bố mẹ. Vậy nên, các bậc phụ huynh cần có một cái nhìn thận trọng hơn trong việc nuôi dưỡng con em mình bằng tình yêu thương, những bài học, sự quan tâm, chăm sóc chứ không chỉ đơn giản là thoải mái cho chúng tiếp xúc với thế giới “ảo” để bố mẹ nhàn hơn trong việc chăm sóc con.

Theo ĐÀO DIỆU HOA / QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: ,