Thay đổi sâu rộng trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản

Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang tiến hành nhanh chóng các cải cách an ninh quốc gia trong bối cảnh trên thế giới, cấu trúc an ninh và cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang gia tăng.

Những thay đổi sâu rộng trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản

Nổi bật nhất trong những vấn đề vẫn là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung cùng hàng loạt sự kiện đan xen tiếp nối như cuộc chiến ở Ukraine, việc CHDCND Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân, Nga-Trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương… Tuy nhiên, có những kỳ vọng và lo ngại rằng Tokyo có thể đang tìm cách loại bỏ sự tự kiềm chế quân sự của mình có từ thời hậu Chiến tranh thế giới II để bắt đầu xây dựng một đại chiến lược thực tế, hướng tới tương lai hơn.

Trong nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng, nội các Nhật Bản vào tháng 12/2022 đã thông qua dự thảo sửa đổi 3 văn bản quan trọng bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi, Chiến lược quốc phòng và Chương trình quốc phòng trung hạn do Tokyo lo ngại về chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cũng như cảnh giác trước các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Đây là kế hoạch quốc phòng lớn nhất của Nhật Bản kể từ Chiến tranh thế giới 2, trong đó cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP năm 2027 và đầu tư vào tên lửa Tomahawk để phát triển năng lực tự vệ.

Trong suốt thời kỳ hậu chiến cho đến nay, Nhật Bản vẫn duy trì một vị thế an ninh tương đối hạn chế sau khi thừa nhận những vi phạm thời chiến và thuộc địa của mình, đồng thời dựa vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Nhật Bản tiếp tục duy trì Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình của nước này, theo đó từ bỏ việc sử dụng vũ lực như một biện pháp giải quyết tranh chấp và hạn chế năng lực phòng thủ của nước này đối với các thiết bị phục vụ mục đích phòng thủ nghiêm ngặt.

Ngược dòng lịch sử, sau khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc, sự tự kiềm chế quân sự của Nhật Bản đã ra đời từ sự cần thiết của hoàn cảnh. Lực lượng quân Đồng minh do Mỹ đứng đầu đã thực hiện một chương trình dân chủ hóa và phi quân sự hóa để ngăn chặn Nhật Bản tiến hành chiến tranh xâm lược một lần nữa. Dư luận Nhật Bản ủng hộ việc duy trì Điều 9 bất chấp sự xuất hiện của áp lực Chiến tranh Lạnh, cả trên bình diện quốc tế từ Mỹ và trong nước từ các phe phái dân tộc chủ nghĩa bảo thủ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, để Nhật Bản tiến hành tái vũ trang hơn.

Chiến lược phụ thuộc vào Mỹ, giới hạn vị thế quân sự trong việc tái vũ trang nhẹ thông qua việc thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và tập trung vào tăng trưởng kinh tế được biết đến với tên gọi Học thuyết Yoshida dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Yoshida (1948-1954). Dưới sự lãnh đạo của các chính quyền kế tiếp theo đuổi học thuyết này, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua CHLB Đức (cũ) để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 1967.

Vào những năm 1970, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn quyết định duy trì Học thuyết Yoshida và liên minh Mỹ-Nhật để trấn an các nước khác trong khu vực rằng Tokyo không có kế hoạch quay trở lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa quân phiệt đã dẫn nước này vào con đường chiến tranh xâm lược. Lời hứa không trở thành một cường quốc quân sự này đã được đưa ra trong Học thuyết Fukuda năm 1977.

Việc Chiến tranh Lạnh kết thúc một lần nữa đặt ra câu hỏi về tương lai của Học thuyết Yoshida và liên minh Mỹ-Nhật. Tình trạng không chắc chắn xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc, nguy cơ xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan và việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, cũng như sự ủng hộ tiếp tục của công chúng đối với việc duy trì Điều 9 và tránh để SDF vướng vào các nhiệm vụ chiến đấu, đồng nghĩa là các cải cách về an ninh Nhật Bản được gia tăng và ấn định trong khuôn khổ của hiến pháp thời hậu chiến. Tuy nhiên, theo thời gian, hàng loạt cải cách gia tăng đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong việc mở rộng vai trò và chức năng của SDF trong khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật.

Nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản, Yusuke Ishihara nhận định: “Học thuyết Yoshida không còn phù hợp để hiểu đại chiến lược của Nhật Bản. Khi nền kinh tế Nhật Bản trì trệ và không còn là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, trí tưởng tượng của các nhà lãnh đạo Nhật Bản về các lựa chọn chiến lược quốc gia rộng lớn hơn đã bị thu hẹp lại. Không giống như trong thời kỳ đi lên của kinh tế Nhật Bản, hiện nay không có thành viên nào trong LDP cầm quyền muốn rời khỏi hiệp ước phòng thủ với Mỹ”.

Khi Nhật Bản dần rời bỏ Học thuyết Yoshida, không rõ đại chiến lược mới đang nổi lên của nước này sẽ được định hình như thế nào?

Một mặt, Nhật Bản và Mỹ duy trì lợi ích chung trong việc làm sâu sắc thêm liên minh và tăng cường hợp tác, phối hợp sức mạnh răn đe để ngăn chặn những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng. Mặt khác, khi nói đến vấn đề quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc, lợi ích của hai nước này khác nhau khá rõ rệt. Trong khi Mỹ tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc từ góc độ duy trì vị thế đứng đầu toàn cầu và khu vực, thì vị trí địa lý gần gũi của Nhật Bản với Trung Quốc và lợi ích của nước này trong một nền kinh tế toàn cầu mở đồng nghĩa với việc Tokyo muốn quản lý căng thẳng theo cách thận trọng hơn.

Nhà nghiên cứu Ishihara giải thích: ”Với tư cách là một đồng minh thân cận, Tokyo cũng đã bày tỏ mối quan ngại về câu chuyện dân chủ chống lại chế độ chuyên chế của Washington và báo hiệu sự dè dặt của Tokyo đối với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo”.

Đại chiến lược mới của Nhật Bản phải đi theo con đường thứ hai này và đó là con đường mà ban lãnh đạo chính sách của Nhật Bản vẫn chưa đề ra.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,