Thành phố Leningrad từng chống dịch thế nào khi bị bao vây?

Trong cuốn sách “Leningrad bị bao vây” của mình, tác giả Dmitry Likhachev viết: “… thật lạ lùng, dịch bệnh lại không xuất hiện vào mùa xuân!”. Đây không phải là điều tác giả tự nghĩ ra, bởi thành phố khi đó quả thực đã tránh được dịch bệnh khi bị phát xít Đức phong tỏa.

Thành phố Leningrad từng chống dịch thế nào khi bị bao vây?

Không riêng gì vào mùa xuân, mà trong tất cả 872 ngày bị bao vây, tại Leningrad (nay là Saint-Petersburg) đã không hề có đợt dịch bùng phát nào nghiêm trọng. Nguyên nhân là nhờ những hoạt động vệ sinh phòng bệnh được tổ chức kịp thời tại thủ đô phương Bắc của nước Nga.

Tỷ lệ mắc bệnh tại Leningrad trong thời gian bị bao vây

Tác giả cuốn “Leningrad trong vòng phong tỏa. Năm 1941” Dmitry Pavlov khẳng định, trong suốt thời gian bị bao vây, Leningrad trên thực tế không ghi nhận bất kỳ đợt bùng phát bệnh lây nhiễm nào. Hơn nữa, theo lời tác giả này, tỷ lệ mắc bệnh tại đây khi bị phong tỏa thậm chí còn giảm so với năm 1940, lúc chưa nổ ra chiến tranh. Theo báo cáo của Sở Y tế Leningrad ngày 5/1/1942, trong năm 1940 có 143 người dân Leningrad bị mắc bệnh thương hàn, còn năm 1941 con số này thấp hơn 29 người. Trong khi đó, năm 1940 có 2086 người mắc bệnh kiết lị, còn năm 1941 chỉ có 1778 người; số ca sốt phát ban, bạch hầu và ho gà giảm hơn 2 lần.

Việc không xuất hiện dịch bệnh đã góp phần rất lớn vào việc Leningrad cuối cùng vẫn đứng vững sau gần 900 ngày bị phong tỏa. Trong khi đó, theo nhận định của Valery Cherepenchuk và các tác giả khác trong cuốn sách “Những sự kiện làm thay đổi nước Nga”, quân Đức rất muốn người dân thành phố bị bao vây sẽ chết dần không chỉ vì đói rét, mà còn vì bệnh tật. Tuy nhiên, các cơ sở vệ sinh phòng bệnh của Leningrad không những đã học được cách phòng chống bệnh hoại huyết, mà còn ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả, thương hàn và sốt phát ban.

Thành lập các ủy ban và trạm vệ sinh phòng bệnh

Theo lời các tác giả cuốn sách “Phong tỏa Leningrad: 900 ngày anh dũng”, N.Ya. Komarov và G.A. Kumanev, thì mùa đông năm 1941-1942, thực tế ban đầu chẳng mấy ai quan tâm đến tình hình vệ sinh phòng bệnh ở Leningrad. Chính vì vậy, việc không có hệ thống dẫn nước, sưởi ấm và điện, cũng như đường thoát nước sinh hoạt ngừng hoạt động, nhà ở bị phá hủy và giá lạnh về cơ bản đã làm xấu thêm tình hình sinh hoạt và vệ sinh phòng bệnh của người dân thành phố. Tuy nhiên, do việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho Leningrad là nhiệm vụ rất quan trọng về mặt quân chính, nên ngày 11/2/1942 đã thành lập Ủy ban phòng chống dịch khẩn cấp do Chủ tịch Ban Chấp hành thành phố Leningrad P.S. Popkov đứng đầu.

Những ủy ban tương tự cũng đã được thành lập khắp tất cả các quận của thành phố Leningrad. Ngoài ra, trong tập 5 cuốn sách “Ký sự Leningrad: Giai đoạn Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, năm 1941-1945” có viết, để phòng chống dịch, xung quanh thành phố Leningrad và ở khu vực ngoại ô đã lập nên các trạm kiểm soát vệ sinh phòng bệnh. Nhờ có những ủy ban và trạm vệ sinh phòng bệnh này, nên người dân thành phố đã được tiêm phòng đại trà. Ngành y tế thành phố Leningrad rất chú trọng đến việc phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Các hoạt động phòng chống dịch bệnh

Tuy vậy, ngoài việc tiêm vaccine, thành phố còn triển khai những hoạt động khác nhằm phòng chống dịch bệnh. Theo lời hai tác giả cuốn “Chiến tranh và phong tỏa”, Alexander Chistikov và Valentin Kovalchuk, Ban Chấp hành Hội đồng thành phố Leningrad năm 1942 đã ra quyết định số 65, trong đó khoản 5 đề cập đến “việc huy động người dân theo quy định nghĩa vụ lao động nhằm thực hiện vệ sinh sân vườn, đường phố, quảng trường và đường bờ sông ở Leningrad”. Việc dọn dẹp theo chế độ nước rút được bắt đầu vào ngày 27/3 và kết thúc ngày 15/4/1942. Trong thời gian này, hơn 12.000 sân vườn, trên 3 triệu m2 quảng trường và đường bờ sông được dọn dẹp sạch sẽ, gần 1 triệu tấn rác được chuyển đi, ít nhất 13.000 thi thể bị vùi dưới tuyết được đưa lên, những thi thể này thậm chí có thể trở thành nguồn lây bệnh.

Nhằm tìm kiếm thi thể các nạn nhân, cũng như kiểm soát tình hình vệ sinh phòng bệnh, tại các khu chung cư và nhà riêng đều có sự giám sát của các ủy ban đặc biệt. Để người dân Leningrad thuận tiện hơn trong việc giữ gìn vệ sinh, chính quyền thành phố bắt tay vào việc khôi phục lại sở công chính. Họ đã tiến hành sửa chữa những hỏng hóc trên các hệ thống cấp và thoát nước, đưa vào hoạt động ổn định những hiệu cắt tóc và nhà tắm hơi. Trong cuốn “900 ngày phong tỏa: Leningrad 1941-1944” của mình, tác giả Valentin Kovalchuk viết, nếu tính đến ngày 1/3/1942 có 15 trong tổng số 65 nhà tắm hơi trong thành phố hoạt động, thì đến ngày 15/3 con số này tăng lên 25. Ngoài ra, các cơ sở vệ sinh phòng bệnh đã xử lý dứt điểm nạn chuột cống, loài sinh vật chuyên mang bệnh truyền nhiễm. Để làm được việc này, các bác sĩ đã gây cho chúng nhiễm bệnh sốt của loài chuột, loại bệnh này không nguy hiểm đối với con người.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN / RUSSIAN7.RU

Tags: , , , ,