Tham vọng sở hữu tàu sân bay ‘lai’ tàu ngầm của Nhật Bản thời Thế chiến II

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, một loạt các loại vũ khí cực độc của các nước phe phát-xít được quân Đồng Minh tìm thấy trong đó có cả tàu ngầm “lai” hàng không mẫu hạm lớn nhất lịch sử của Hải quân Đế quốc Nhật Bản.

Tham vọng sở hữu tàu sân bay ‘lai’ tàu ngầm của Nhật Bản thời Thế chiến II

Trên đường tiến về Nhật Bản vào cuối tháng 8/1945, Trung úy Chỉ huy Stephen L. Johnson có vấn đề rất lớn khi đang di chuyển trên tàu ngầm lớp Balao mang tên USS Segundo (SS-398) của anh ta. Trước mặt Johnson và thuỷ thủ đoàn của mình là một tàu ngầm lớn chưa từng thấy.

Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương vừa kết thúc, và các văn kiện hoà bình chính thức sắp được ký trong vài ngày nữa, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên tàu chiến USS Missouri ở Vịnh Tokyo.

Khi Johnson tiếp cận được với con tàu khổng lồ kia, anh nhận ra đó là một chiếc tàu ngầm khổng lồ. Người Mỹ không có loại tàu ngầm nào với kích thước như vậy, vì vậy anh nhận ra rằng đó phải là tàu ngầm của Nhật Bản.

Đây là nhiệm vụ đầu tiên cho chỉ huy 29 tuổi. Ông và thủy thủ của mình phải đối mặt với tàu ngầm lớn nhất và có lẽ là tiên tiến nhất trên thế giới. Tàu I-401 của Nhật Bản dài hơn một sân bóng đá và có lượng giãn nước bề mặt là 5.233 tấn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là vũ khí chiến đấu của nó gồm một khẩu pháo 140mm trên boong phía sau, ba khẩu pháo phòng không 25mm cùng với tám ống phóng ngư lôi cỡ lớn ở mũi tàu.

Tàu ngầm cỡ lớn này treo cờ đầu hàng đen theo quy ước, nhưng khi Segundo tiến về phía trước, tàu ngầm Nhật Bản lại di chuyển nhanh vào màn đêm. Tàu của Johnson theo đuổi chiếc tàu ngầm đối phương nhưng không khai hỏa và cuối cùng tàu ngầm lớn nhất thế giới thời bấy giờ đã chịu chậm lại khi bình minh đến gần.

Johnson và thủy thủ đoàn của anh ta đã nhận được sự cho phép để đánh chìm con tàu bất đắc dĩ của Nhật Bản nếu cần thiết, nhưng anh ta nhận ra rằng đây sẽ là một chiến lợi phẩm cực kỳ đắt đỏ và muốn mang nó về nước. Điều này là cực kỳ liều lĩnh vì điều đó có nghĩa những người Nhật sẽ tiếp tục vận hành con tàu này và họ có thể “đổi ý”, không đầu hàng nữa bất cứ lúc nào.

Johnson cùng thủy thủ đoàn của mình cũng không biết rằng trên chiếc tàu ngầm khổng lồ này là chỉ huy Tatsunosuke Ariizumi, nhà phát triển tàu ngầm bí mật được thiết kế để tấn công Mỹ bằng hàng loạt các cuộc tấn công bất ngờ. Ariizumi được coi là cha đẻ của dòng tàu ngầm I-400 và là người có nhiều năm phục vụ trong Hải quân Đế quốc Nhật Bản, vì vậy đầu hàng là một sự ô nhục mà anh ta không thể chịu đựng được.

ohnson cũng đã phải tranh luận với Trung úy Nobukiyo Nambu, thuyền trưởng của I-401. Trung úy Nambu từng tham gia tấn công Trân Châu Cảng và bây giờ ông chỉ huy tàu ngầm lớn nhất thế giới được thiết kế để mang theo ba máy bay tấn công tối tân trong một móc treo được chế tạo đặc biệt đặt trên tàu. Những chiếc máy bay Aichi M6A1 bí mật này ban đầu được thiết kế cho một trận Trân Châu Cảng thứ hai hoặc một cuộc tấn công bất ngờ khác, thậm chí có thể oanh tạc vào thành phố New York hoặc Washington, D.C. Các tàu ngầm thuộc dòng I-400 đều mang trong mình những công nghệ cực kỳ bất ngờ. Họ có khả năng thực hiện hành trình vòng quanh thế giới lần một năm rưỡi mà không cần tiếp nhiên liệu, có tốc độ bề mặt trên 19 hải lý (tương đương gần 38 km một giờ), và có thể duy trì tuần tra bốn tháng, gấp đôi thời gian của lớp tàu ngầm Segundo.

Cả Nambu và Chỉ huy Ariizumi đều không chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Nhật hoàng Hirohito khi nó được phát sóng vào ngày 15 tháng 8. Các thông cáo tiếp theo từ Tokyo rất khó hiểu, đặc biệt là “Lệnh 114”, đã xác nhận rằng hòa bình đã được tuyên bố nhưng tất cả các tàu ngầm đều thực hiện các nhiệm vụ được xác định trước và phải tấn công kẻ thù nếu bị phát hiện.

Đô đốc Isoroku Yamamoto, chỉ huy Hạm đội Hải quân Nhật Bản và là tác giả của cuộc tấn công Trân Châu Cảng, người đã kêu gọi xây dựng hàng loạt các tàu ngầm I-400 chỉ khoảng ba tuần sau Trân Châu Cảng. Yamamoto sau đó đã thiệt mạng khi máy bay của ông bị tiêm kích Mỹ bắn hạ.

Mặc dù từng tới Mỹ và đã tận mắt chứng kiến sức mạnh công nghiệp kinh hoàng của đất nước này, Yamamoto vẫn tin rằng một khi Nhật Bản lôi Mỹ vào cuộc chiến, các tàu sân bay của Nhật sẽ thả bom như mưa trên các thành phố lớn của Mỹ và chắc chắn sẽ khiến người dân Mỹ mất ý chí chiến đấu.

Người Nhật đã có kinh nghiệm trước đây với các tàu ngầm mang máy bay, nhưng đây là những chiếc thủy phi cơ được sử dụng chủ yếu để trinh sát. Các thủy phi cơ này có thể dễ dàng bị các máy bay chiến đấu của Mỹ loại khỏi cuộc chiến và mỗi chiếc tàu ngầm chỉ mang theo một chiếc máy bay, chắc chắn không đủ để oanh tạc nước Mỹ. Yamamoto với tầm nhìn vĩ đại đã yêu cầu một chiếc tàu ngầm có thể đi được 40.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu, hoặc gần gấp bốn lần tầm hoạt động của một tàu ngầm lớp Balao như Segundo.

Bên cạnh đó, tàu ngầm lớp I-400 sẽ mang theo được 1.750 tấn nhiên liệu, thực phẩm trong bốn tháng trên biển cho thủy thủ đoàn của 147-157 người, kèm theo hai máy bay tấn công với tốc độ tốc độ tối đa 500 km/h và tầm bay khoảng 1000 km . Nhà chứa máy bay trên sàn tàu ngầm cần dài ít nhất 30 mét để chứa hai máy bay và đủ mạnh để chịu được áp lực lớn khi các tàu ngầm này phải lặn sâu để lẩn tránh máy bay địch phản công.

Các tàu ngầm lớp I-400 của Yamamoto có độ giãn nước khoảng 6.560 tấn khi lặn, gấp khoảng ba lần lượng tàu ngầm lớn nhất của Mỹ thời kỳ đó, và sẽ dài hơn 120m, khiến chúng có kích thước tương đương một tàu tuần dương nhỏ và được Nhật gọi là “Tàu sân bay biết lặn”.

Yamamoto kêu gọi xây dựng 18 chiếc tàu ngầm khổng lồ mang theo tổng cộng 36 máy bay tấn công. Kế hoạch đã được gấp rút thông qua vào tháng 6 năm 1942, với việc xây dựng năm tàu ngầm đầu tiên bắt đầu vào tháng 1 năm 1943. Tên của lớp tàu ngầm đặc biệt được viết tắt là Sen-toku.

Các máy bay tấn công phải được thiết kế lại từ đầu. Các yếu tố cần thiết nhất giờ đây là tốc độ, tầm bắn và tải trọng. Đôi cánh phải có thể gập lại để máy bay có thể gấp lại gọn gàng trong các ống chống nuocs trên tàu – hay nhà chứa máy baym. Công việc thiết kế, thử nghiệm và chế tạo máy bay đã được giao công cho Công ty Máy bay Aichi.

Để tối đa hóa phạm vi và tốc độ, máy bay được giảm trọng lượng hết cỡ. Mỗi chiếc máy bay đều có một phi công / oanh tạc cơ ở phía trước và ba xạ thủ súng máy phía sau. Các kế hoạch ban đầu yêu cầu một súng máy 7,7mm cố định, mặt trước và súng máy Type 2 13mm phía sau với dây đạn 300 viên.

Sau thất bại tại Midway vào đầu tháng 6 năm 1942, Nhật Bản đã tập trung hơn vào việc bảo vệ nội địa Nhật Bản và ít có suy nghĩ về một cuộc tấn công nhắm vào lục địa Mỹ bằng cách sử dụng loại tàu ngầm này. Cái chết của Yamamoto vào giữa tháng 4 năm 1943, chỉ vài tuần sau sinh nhật lần thứ 59 của ông, đã gần như đánh dấu chấm hết cho dự án tàu ngầm này. Số lượng tàu ngầm đóng theo lớp I-400 bị cắt giảm ngay lập tức sau cái chết của Đô đốc Yamamoto.

Quan trọng không kém, các quan chức hải quân Nhật Bản nhận ra rằng với sự mất mát của Guadalcanal, vành đai phòng thủ của quốc gia có nguy cơ rất cao. New York và Washington đã không còn là mục tiêu mang tính chiến lược quan trọng mà khi đó mục tiêu tối thượng của Nhật là tấn công Kênh đào Panama. Một cuộc tấn công thành công vào kênh đào sẽ bóp nghẹt cỗ máy chiến tranh của Mỹ ở Thái Bình Dương và giúp người Nhật có đủ thời gian để củng cố lại hàng rào phòng thủ trên biển của mình.

Kế hoạch tấn công tàn bạo

Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay tấn công Aichi vào ngày 8/11/1943. Chiếc máy bay đã thể hiện khá tốt dù cho đây mới là loại máy bay ném bom tấn công từ tàu ngầm đầu tiên trên thế giới.

Người Nhật bắt đầu tổng hợp những thông tin hạn chế về Kênh đào Panama để chuẩn bị cho trận tập kích của mình. Phân tích của họ cho thấy rằng việc phá hủy đập chắn nước ở hồ Gatun sẽ tạo ra một dòng nước khổng lồ, phá hủy các cổng khác trên đường đi của nó trong khi lao về phía biển Caribbean và vô hiệu hóa hoàn toàn kênh đào này.

Về phía Mỹ, có khoảng 40.000 quân bảo vệ kênh đào với các công sự kiên cố rất lớn. Ngoài ra còn có pháo 400mm với một tầm bắn lên tới 40 km. Bên cạnh đó còn có các trạm radar, đèn rọi phòng không, 9 căn cứ không quân và 30 trạm cảnh báo máy bay làm tuyến phòng thủ kênh đào.

Sau nhiều tuần lên kế hoạch, người Nhật đã đưa ra chiến lược tấn công “ổ khóa” Gatun vào lúc rạng sáng khi cánh cổng bị đóng và đây cũng là lúc thay ca của lính gác – thời điểm được cho là lỏng lẻo nhất. Cuộc tấn công sẽ xảy ra trong mùa khô bởi vì nó sẽ khiến hồ Gatun mất nhiều thời gian hơn để tích lại nước và sẽ được thực hiện với sự kết hợp của bom cùng ngư lôi. Ban đầu, đây không phải là một cuộc tấn công tự sát; các phi công sẽ quay trở lại tàu ngầm và được đón sau khi nhảy dù xuống biển bỏ lại máy bay.

Các tướng lĩnh Nhật đã có gần một năm để lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào đầu năm 1945. Nhưng có những vấn đề khó khăn nhất lại là không có tàu ngầm nào hoàn thành và các máy bay chưa ở giai đoạn sản xuất. Nhờ sự phong tỏa của Hải quân Mỹ ném quanh Nhật Bản, thép đã bị thiếu hụt đặc biệt ở nội địa Nhật Bản, khiến các quan chức phải cắt giảm việc sản xuất siêu tàu ngầm I-400 theo lịch trình xuống còn năm chiếc cộng với hai tàu ngầm I-13 và I-14 nhỏ hơn.

Bất chấp các khó khăn, kế hoạch đã được tiến hành, cho thấy người Nhật tin tưởng mạnh mẽ như thế nào vào kế hoạch đánh sập Kênh đào Panama để câu giờ cho bộ máy chiến tranh của Tokyo được phục hồi. Việc mất kênh đào Panama có thể khiến quân Đồng minh sửa đổi yêu cầu đầu hàng từ vô điều kiện sang có điều kiện với Nhật.

Người Nhật đã lao động, và đến cuối năm 1944, I-400 và I-13 nhỏ hơn đã được hoàn thành và chuyển cho Hải quân. Đầu tháng 1/1945, I-401 được đưa vào hoạt động và I-14, chiếc tàu sân bay biết lặn cuối cùng được đưa vào sử dụng vào giữa tháng 3/1945.

Máy bay Seiran vẫn đang trong quá trình thử nghiệm vào cuối năm 1944, với sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng đến mức nhiều công nhân sản xuất lắp ráp máy bay là nữ sinh từ 12 đến 15 tuổi. Người Nhật vẫn tiến lên phía trước cho dù cùng thời điểm này, họ vừa phải chịu hai trận động đất, vừa phải chịu nhiều cuộc không kích của Mỹ làm chậm quá trình sản xuất.

Cần lưu ý rằng trong khi chuẩn bị cho cuộc tấn công vào Kênh đào Panama được tiến hành, Phó Đô đốc Jisaburo Ozawa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hải quân, đã đưa ra một ý tưởng khác cho việc sử dụng hàng không mẫu hạm ngầm. Ông đề nghị vũ trang các máy bay Seiran bằng vũ khí sinh học để được tạo ra thảm sát tại một khu vực đông dân cư ở Bờ Tây nước Mỹ.

Tiến sĩ Shiro Ishii, chuyên gia về virus hàng đầu của Nhật Bản và là người đứng đầu đơn vị 731 khét tiếng của Quân đội ở Mãn Châu, đã được mời hợp tác trong kế hoạch này. Ông đề nghị các máy bay thả bọ chét bị nhiễm bệnh dịch hạch, thứ mà ông đã thử nghiệm thành công ở Trung Quốc và chọn San Francisco, Los Angeles hoặc San Diego làm mục tiêu. Kế hoạch đã bị hủy bỏ vào cuối tháng 3 bởi người đứng đầu bộ tổng tham mưu Quân đôịkhi kế hoạch này được coi là không thể chấp nhận trên cơ sở nhân đạo.

Trên thực tế, Quân đội Nhật Bản – kẻ dẫn đầu trong sự phát triển của vũ khí sinh học và đã thử nghiệm chúng trên các tù nhân Trung Quốc và Mỹ ở khắp châu Á trước đó, đã dập tắt ý tưởng sử dụng vũ khí vào cuối cuộc chiến chống lại thường dân Mỹ, có lẽ vì tin rằng họ đã thua trong cuộc chiến này từ trước khi nó kết thúc.

Cái kết chóng vánh

Sự sụp đổ của Iwo Jima vào tháng 3/1945 cùng cuộc tấn công của Mỹ vào Okinawa đã làm gia tăng sự lo ngại trong các nhà hoạch định Nhật Bản khi người Mỹ đã chính thức đặt chân được lên lãnh thổ nội địa của nước Nhật. Chiến tranh đã vượt quá xa tầm kiểm soát của người Nhật và cuộc tấn công dự kiến vào Kênh đào Panama bị hủy bỏ. Như đã lưu ý, đã có những cuộc thảo luận về việc có thể sử dụng máy bay trong một cuộc tấn công bất ngờ vào San Francisco hoặc Los Angles, nhưng những người đó cũng đã gạt sang một bên để ủng hộ kế hoạch tấn công tàu sân bay của kẻ thù hiện đang tiến ngày càng sát Tokyo.

Các tàu sân bay ngầm được cử đi làm nhiệm vụ do thám, sẵn sàng tấn công “hội đồng” vào bất cứ nhóm tàu sân bay nào có giá trị của Mỹ. Tuy nhiên không kịp.

Ngay sau đó, có tin tức đến các tàu ngầm rằng một quả bom nguyên tử đã phá hủy thành phố Hiroshima và vào ngày 15/8, các thủy thủ Nhật Bản đã nghe tin phát sóng từ Nhật Hoàng yêu cầu các chiến binh của mình hạ vũ khí. Các mệnh lệnh sau đó được phát đi rất khó hiểu khi một bên là lệnh đầu hàng, bên còn lại là giữ nguyên nhiệm vụ trước lúc rời cảng. Vào ngày 16 /8, các tàu sân bay dưới nước đã nhận được lệnh rõ ràng rằng mọi cuộc tấn công theo kế hoạch của họ đã bị hủy chỉ vài giờ trước khi I-401 chuẩn bị cho máy bay xuất kích. Các tàu ngầm được lệnh cho chuyển hướng sang cuộc gặp gỡ định mệnh của nó với Trung úy Johnson.

Người Mỹ chưa đủ trí tưởng tượng để tin rằng những tàu ngầm này mang được… máy bay ném bom.

Cuối cùng người Nhật trên I-401 và hai tàu sân bay dưới nước còn lại đã đầu hàng. Chỉ huy Ariizumi, kỹ sư trưởng của chương trình tàu ngầm bí mật hàng đầu tự kết liễu đời mình trên chiếc I-401 và được thủ thủ đoàn an táng lặng lẽ trên biển. Trước khi chạm trán người Mỹ, Nambu đã tuân theo mệnh lệnh từ Nhật Bản để giương cờ đen đầu hàng và vứt bỏ vũ khí khỏi tàu, bao gồm cả những chiếc máy bay đều bị xuống biển. Nhật ký, sách mã, và những thứ tương tự được chất vào các bao tải có kèm vật nặng và cũng bị ném xuống biển. Các ngư lôi đã bị vứt bỏ, tàu ngầm I-401 khi đầu hàng người Mỹ hoàn toàn không còn khả năng chiến đấu.

Những chiếc tàu ngầm đã thu hút sự chú ý đáng kể khi họ quay trở lại Vịnh Tokyo. Nhiều người Mỹ ban đầu tin rằng các nhà chứa máy bay lớn trên đỉnh tàu ngầm đã được thiết kế để chuyên chở hàng hóa cho quân đội trên các hòn đảo xa xôi mặc dù bên ngoài các nhà chứa này vẫn còn nguyên cơ cấu phóng máy bay. Người Mỹ đã nhận được một số hỗ trợ từ các thủy thủ đoàn Nhật Bản khi họ cố gắng hiểu mục đích của các tàu ngầm phi thường này, và vào cuối tháng 9, người Mỹ đã đưa các tàu ngầm ra khơi, bắt đầu hành trình tới Mỹ để mổ xẻ nghiên cứu tiếp.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,