Thảm họa Itaewon và lời cảnh báo cho phố đi bộ ở Hà Nội

Vụ xô đẩy chen nhau đêm 29/10 tại Itaewon Hàn Quốc đã khiến hơn 150 người tử vong và con số vẫn tiếp tục tăng thêm. Đó là bài học sát sườn trong việc quy hoạch tổ chức phố đi bộ.

Thảm họa Itaewon và lời cảnh báo cho phố đi bộ ở Hà Nội

Ai cũng đặt câu hỏi vì sao lại xảy ra vụ việc Itaewon, có tai nạn hay biến cố gì?

Hãng tin Yonhap cho rằng vụ việc này xảy ra sau khi một số lượng lớn người đổ xô đến một quán bar ở Itaewon.

Trong một con hẻm bên cạnh khách sạn Hamilton nổi tiếng, du khách Itaewon bắt đầu đổ lên đầu nhau khi đám đông tiếp tục xô đẩy. Con hẻm này có chiều rộng khoảng bốn mét, hơi dốc, cộng với việc đám đông đang ra khỏi khách sạn và đám đông đang đi ra từ lối ra số 1 và số 2 của ga tàu điện ngầm Itaewon gặp nhau khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng.

Nếu lý do dẫn đến thảm họa chen lấn là:

– Một khu vực sầm uất tập trung lượng lớn người đi bộ.
– Có những điểm nút (ngõ, ngách, hẻm cụt hoặc đường thoát rất hẹp).
– Có nhiều quán bar chứa lượng lớn khách, dẫn đến những thời điểm ùa vào (hoặc ra) cùng lúc rất nhiều người (khi một ngôi sao ca nhạc xuất hiện hoặc ra về chẳng hạn).

Thì bạn nghĩ đến nơi nào tương tự? Ở Hà Nội, tôi nghĩ ngay đến khu vực Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Đào Duy Từ. Tôi để hai bức ảnh bản đồ khu vực xảy ra thảm họa Itaewon và khu vực thường được gọi là “Ngã tư Tạ Hiện”.

Điểm tương đồng giữa phố Tạ Hiện (trái) và con dốc nơi xảy ra vụ việc tại Itaewon (phải).

Vốn là khu lõi phố cổ, khu vực ngã tư Tạ Hiện giao cắt những phố nhỏ và hẹp gồm Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Hàng Giày, Hàng Buồm. Là khu vực quy hoạch phố đi bộ vào cuối tuần (từ tối thứ Sáu), nhưng thực tế hiện nay tối nào khu vực này cũng giống như là phố đi bộ. Bạn cứ thử đi ô tô rẽ từ Hàng Buồm xuyên qua Tạ Hiện sang Đinh Liệt vào bất cứ tối nào xem. Bàn ghế kê san sát, chỉ chừa một lối nhỏ ở giữa.

Khu vực Tạ Hiện quán bar san sát, có vài bar lớn nổi tiếng, sức chứa hàng trăm người, thường xuyên mời ca sĩ nổi tiếng đến diễn. Ở bức ảnh bên dưới, bạn có thể thấy dòng người xếp hàng để vào một bar trong Tạ Hiện tìm một chỗ đứng xem show của nam ca sĩ mới nổi.

Các điểm giữ xe hầu hết là tự phát. Ngay cả đường hai làn xe như Hàng Gai, vào những tối có show ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng tắc cứng hàng giờ đồng hồ. Đoạn Hàng Gai, cứ cuối tuần là bãi xe lẫn hết lòng đường. Giá trông xe phổ biến từ 20 – 30 nghìn đồng, nay có lúc đã lên đến 50 nghìn đồng/xe máy.

Rác rến bừa bãi, cơ bản vì thùng rác quá thiếu. Nhà vệ sinh cũng thiếu.

Còn về nội dung các phố đi bộ?

Đám đông người trẻ chen chúc nhau trên phố Tạ Hiện.

Sự kiện quảng bá của các nhãn hàng thì chi chít, sự kiện vì cộng đồng, vì các mục đích nhân đạo, môi trường hay các nhóm yếu thế thì lác đác năm thì mười họa. Chợ đêm tràn ngập hàng Tàu, hàng “fake” (Tây đến cứ há mồm xem áo Adidas giầy Nike giá hơn trăm nghìn bán tràn).

Phố đi bộ như thế, Hà Nội được gì, suốt từ 2004 đến nay?

Bài học Itaewon không phải là cảnh báo sát sườn cho Hà Nội kịp thời chỉnh đốn quy hoạch thì còn đợi đến khi nào? Và không chỉ Hà Nội, khắp các địa phương đã có phố đi bộ rồi, nhìn gương đó để rút kinh nghiệm ngay còn kịp.

Thêm kiến thức có thể bạn cần biết

Khi 6 hoặc 7 người cùng đẩy về một phía thì lực đẩy có thể lên đến gần 500 kg. Lực này đủ để bẻ cong một thanh sắt hoặc làm đổ một bức tường. Những nạn nhân tử vong thường được tìm thấy ở tư thế đứng. Thậm chí khi đám đông được giải tán, họ chết khi vẫn đang đứng như vậy. Những nạn nhân này thường chết vì bị gẫy xương sườn hoặc vỡ nội tạng bên trong cơ thể do bị chèn ép. Xương sườn gãy và vỡ nội tạng do lực ép trực tiếp lên cơ thể từ phía trước và phía sau. Vì vậy khi di chuyển trong đám đông, tư thế tốt nhất là di chuyển ngang để lực ép của đám đông lên cạnh bên cơ thể bạn.

Theo PHẠM GIA HIỀN / NGÀY NAY

Tags: , , ,