Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng trong văn hóa người Việt

Ngày 15/1 âm lịch hay còn gọi là Rằm tháng Giêng từ lâu đã trở thành ngày lễ lớn và linh thiêng của cả dân tộc với quan niệm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”.

Tết Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng trong văn hóa người Việt

Ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu – một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người Việt, cũng được coi là lễ hội chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Vào ngày này người dân thường đi lễ chùa đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân và gia đình.

Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù… Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Còn có truyền thuyết kể lại, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng trong dân gian. Vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, công việc cày bừa của vụ chiêm sẽ bắt đầu, bà con nông dân ở các nơi đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, đến tối ngày Rằm tháng Giêng, bà con nông dân ra đồng ruộng tập trung cây cỏ lá khô, châm lửa thiêu hủy để diệt sâu bọ.

Một số ý kiến khác cho rằng, Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Rằm tháng Giêng chính là ngày vía Phật tổ Adiđà, ngày không chỉ dành riêng cho thiện nam tín nữ, mà còn là ngày của mọi người, của những đôi nam thanh nữ tú đến chùa cầu duyên.

Cũng có ý kiến khẳng định, ngày Rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan, trong dân chúng đây là dịp lên chùa cúng dâng sao giải hạn (hoặc cúng tại nhà), giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.

Bên cạnh việc đi lễ, văn hóa người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà trong ngày Rằm tháng Giêng. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ. Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau.

Nhưng tựu chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn. Có hai dạng lễ cúng là lễ cúng chay (cho ban thờ Phật) và lễ cúng mặn (cho ban thờ gia tiên).

Trong đó, cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Và đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ.

Theo BÁO TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG

Tags: ,