Tàu ngầm Kilo: Cú đấm thép trong chiến lược ‘bất đối xứng’ trên biển của Việt Nam

Việc sở hữu đội tàu ngầm Kilo 6 chiếc tạo ra ưu thế trên biển cho Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc – cường quốc hải quân mạnh thứ 3 thế giới với 275 tàu chiến và 1.500 máy bay các loại.

Để có thể hiểu được lý do tại sao 6 chiếc tàu ngầm lại có thể tạo ra ưu thế trên biển cho Việt Nam khi đối đầu với Trung Quốc – cường quốc hải quân thứ 3 thế giới với 275 tàu chiến và 1.500 máy bay các loại (theo báo cáo 2012 của Bộ quốc phòng Mỹ và Tạp chí Sức mạnh không gian Trung Quốc), trước hết chúng ta cần tìm hiểu về chiến lược “bất đối xứng” của Việt Nam và Chống xâm nhập/Chống tiếp cận của Trung Quốc.

Chiến lược “bất đối xứng” của Việt Nam

Theo Bài viết “Chiến lược bất đối xứng” của Việt Nam (Vietnam’s Asymmetrical Strategy) của Tiến sĩ (Giám đốc Trung tâm phân tích Hàng hải và Hàng không, London) trên trang web Trung tâm nghiên cứu biển Đông*, chiến lược “bất đối xứng” chủ yếu dùng để phòng thủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia trước những lực lượng mạnh hơn gấp nhiều lần mà quân đội quốc gia không thể và không nên đối đầu trực diện. Nhắm vào mục tiêu xây dựng khả năng tấn công bất ngờ, nhằm tiêu hao lực lượng của đối phương.

Hệ thống vũ khí phục vụ cho chiến lược này phải đảm bảo các yêu cầu về: hỏa lực mạnh; chi phí thấp; dễ sử dụng; tính linh hoạt cao; dễ dàng ngụy trang nhằm tạo ra hiệu quả tác chiến tối ưu.

Tiến sĩ Gari Li đánh giá, với chiến lược này, khi tác chiến, tàu hộ vệ hạng nhẹ và tàu ngầm của Việt Nam có thể thực hiện tấn công bất cứ lúc nào và rút về cảng căn cứ. Việt Nam không cần phải có tàu chiến tương đương như của Trung Quốc, mà chỉ cần sử dụng chiến thuật “chiến tranh du kích” – chiến thuật đặc biệt mà Việt Nam đã sáng tạo và vận dụng thành công trong hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ. Vì vậy, dù thuật ngữ này mới được đưa ra trong thời gian gần đây, nhưng thực chất nó chính là “chiến lược chiến tranh du kích công nghệ cao”.

Chiến lược chống tiếp cận / Chống kiềm chế của Trung Quốc

Chiến lược chủ đạo mà quân đội Trung Quốc đang xây dựng hiện nay là AA/AD – Chống tiếp cận/chống kiềm chế, vốn được phát triển để đối đầu với hải quân Mỹ – mạnh hơn Trung Quốc nhiều lần, do vậy mục đích của nó cũng tương đối giống với mục đích xây dựng của chiến lược “bất đối xứng” của Việt Nam, theo Bài viết “PLA và chiến tranh trên biển” đăng trên trang web Trung tâm nghiên cứu biển Đông.

Để “đối xứng” được với các hạm đội tác chiến gần như hoàn hảo của Mỹ, Trung Quốc cũng phát triển đội hình “Không – Hải chiến” của riêng mình. Theo bài phỏng vấn trên truyền hình quốc gia Trung Quốc của đại tá Du Wenlong, các vũ khí được thiết kế gần đây của quân đội Trung Quốc đều nhằm vào việc triệt tiêu các thế mạnh của Mỹ như các máy bay cảnh báo sớm AEW&C KJ500, tiêm kích J16, tàu khu trục phòng không Type 052C, tàu ngầm chiến lược lớp Tấn, tàu chiến trang bị tên lửa chống hạm siêu thanh,… đặc biệt là sự ra đời của tên lửa chống hạm Dong Feng-21D vào tháng 12/2010, được coi là đặc biệt nguy hiểm cho các hạm đội tàu chiến lớn, là trọng tâm của chiến lược chống tiếp cận/chống kiềm chế khi có thể tiêu diệt tàu sân bay.

Những khí tài này chủ yếu thiên về hướng phòng thủ và tác chiến “bất đối xứng” với lực lượng không quân khủng khiếp trên tàu sân bay và các tàu khu trục siêu lớn của hải quân Mỹ, do đó nó sẽ trở nên thiếu hiệu quả hơn với Việt Nam khi máy bay, tàu chiến của ta đều là loại nhỏ, tốc độ cao và tác chiến kiểu “du kích”.

Vì vậy, nếu xét về mặt chiến thuật – chiến lược, thì chúng ta cũng không lép vế dù Trung Quốc sở hữu khá nhiều khí tài quân sự hiện đại.

 >> Tất cả những điều cầu biết về tàu ngầm Kilo của Việt Nam
.

———————————-
Chú thích:

* Trung tâm Nghiên cứu biển Đông là nguồn thông tin chính thống về các nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế, thuộc Học viện ngoại giao, Giám đốc là Tiến sĩ Trần Trường Thủy. Website: http://nghiencuubiendong.vn

Theo VŨ THÀNH CÔNG / THANH NIÊN ONLINE

Tags: , ,