Tập Cận Bình đã làm lu mờ bậc tiền bối Đặng Tiểu Bình như thế nào?

Những di sản mà Đặng Tiểu Bình để lại trong xã hội Trung Quốc hiện nay đang ngày càng mờ nhạt, khi quốc gia này bước vào thời kỳ mới với tên gọi “Thời đại Tập Cận Bình”.

Hội nghị trung ương diễn ra vào tháng 12/1978, sự kiện được đánh giá là đã làm thay đổi lịch sử Trung Quốc, khi mở ra thời kỳ cải cách và mở cửa, dọn đường cho sự phát triển thịnh vượng hiện nay của quốc gia đông dân nhất thế giới, theo Interpreter.

Người đặt dấu ấn cho thời kỳ này của Trung Quốc chính là Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo nổi tiếng với những câu nói như “dò đá qua sông” hay “giấu mình chờ thời”, định hướng cho cả một giai đoạn Trung Quốc âm thầm phát triển và hội tụ sức mạnh để trỗi dậy. Tuy nhiên, những di sản mà Đặng Tiểu Bình để lại trong xã hội Trung Quốc hiện nay đang ngày càng mờ nhạt, khi quốc gia này bước vào thời kỳ mới với tên gọi “Thời đại Tập Cận Bình”.

Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc gần đây mở một triển lãm đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa, nhưng lãnh đạo được khắc họa nổi bật nhất tại triển lãm lại là Chủ tịch Tập Cận Bình với bức chân dung có kích thước lớn nhất. Bức tranh lớn thứ hai được đặt ở sân khấu trung tâm triển lãm khắc họa hình ảnh ông Tập Trọng Huân, cha của Tập Cận Bình, đang thuyết trình với Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo Trung Quốc cùng thời về kế hoạch phát triển thành phố Thâm Quyến.

Không chỉ trong triển lãm nghệ thuật, những dấu ấn của Đặng Tiểu Bình cũng đang dần phai mờ trong nhiều khía cạnh khác của đời sống chính trị Trung Quốc, theo Geremie Barme, giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia.

Trong Đại hội 18 (2017), đảng Cộng sản Trung Quốc đưa Tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong Thời kỳ mới do ông Tập đề xướng vào cương lĩnh của đảng và hiến pháp nước này. Tư tưởng của ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ, với sức mạnh vượt trội cả về kinh tế, công nghệ lẫn quân sự.

Jude Blanchette, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Crumpton Group của Mỹ, cho rằng Tư tưởng Tập Cận Bình chính là sự đoạn tuyệt với câu nói “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, phương châm đã giúp Trung Quốc theo đuổi thịnh vượng và quyền lực mà không bị các đối thủ bên ngoài để ý.

Quan điểm mới của ông Tập thúc đẩy đáng kể niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng đẩy nước này vào tình thế đối đầu ngày càng gay gắt với các thế lực toàn cầu, điển hình là cuộc chiến thương mại với Mỹ, theo Blanchette.

Đặng Tiểu Bình còn nổi tiếng với chiến lược “một quốc gia, hai chế độ” nhằm thu hồi Hồng Kông một cách thuận lợi từ tay người Anh vào năm 1997, với cam kết duy trì công thức này trong ít nhất 50 năm.

Tuy nhiên, nguyên tắc do Đặng Tiểu Bình đề xướng ở Hồng Kông đang đứng trước những thử thách rất lớn, khi Bắc Kinh đang ngày càng gây sức ép để chính quyền đặc khu hành chính này chú trọng hơn vào yếu tố “một quốc gia”, làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn.

Trong sự nghiệp của mình, Đặng Tiểu Bình từ chối làm tổng bí thư hay chủ tịch nước cũng như các vị trí cấp cao khác, chỉ giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 1981 tới năm 1989. Trước khi từ bỏ mọi chức vụ vào năm 1990, Đặng Tiểu Bình đã nỗ lực hoàn thành tâm nguyện cuối cùng là thiết lập một “chế độ nghỉ hưu” cho các lãnh đạo cấp cao nhất, nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ ra một cuộc Cách mạng Văn hóa thứ hai.

Chế độ này quy định chủ tịch Trung Quốc chỉ được nắm quyền trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, trước khi thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Quy định này đã được tuân thủ nghiêm ngặt trong hàng chục năm sau đó, tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nhưng Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3/2018 đã xóa bỏ quy định về giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, điều có thể giúp ông Tập trở thành “Chủ tịch trọn đời”. Ngoài chức danh Chủ tịch nước, ông Tập còn nắm giữ hai vị trí khác không bị giới hạn về nhiệm kỳ là Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương để trở thành “lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc”, Barme nói.

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập từ năm 2013 bắt đầu phát động chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” quy mô lớn nhằm đối phó với tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, đồng thời củng cố quyền lực của mình trong mọi lĩnh vực.

Chiến dịch này ngay lập tức tác động tới các quan chức Trung Quốc ở mọi cấp, điển hình với các chính sách “bốn món chính một món canh” trong các bữa tiệc, cấm xe dẫn đường hộ tống quan chức địa phương, hạn chế vòng hoa câu đối trong đám tang, hay cấm xây dựng các công trình, khách sạn, khu nghỉ dưỡng xa hoa cho công chức, đảng viên.

Truyền thông Trung Quốc và quốc tế ca ngợi đây là nỗ lực phi thường của ông Tập trong việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên và quan chức nhằm mang tới sự thay đổi thực sự cho quốc gia này.

Trên thực tế, đây là những chính sách mà Đặng Tiểu Bình đã từng đề ra 40 năm trước để chống lại nạn tham ô, lãng phí trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong giai đoạn cải cách và mở cửa, các đảng viên, công chức Trung Quốc được yêu cầu chỉ tổ chức tiệc “bốn món một canh”, không đưa rước linh đình, không xây dựng các công trình xa hoa…

Theo Barme, điều này cho thấy ông Tập dường như đã “sao chép và đóng gói lại” các chính sách của Đặng Tiểu Bình, người được ca ngợi là “kiến trúc sư của chính sách cải cách và mở cửa”, để viết nên “Giấc mơ Trung Hoa” của riêng mình.

Trong câu chuyện về “Giấc mơ Trung Hoa” đó, ông Tập chắc chắn sẽ biết cách lựa chọn những chính sách mà ông cho là phù hợp nhất từ những người tiền nhiệm, đặc biệt là Đặng Tiểu Bình, đồng thời có những điều chỉnh để tạo ra dấu ấn đậm nét của riêng mình, Barme nhận định.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,