Tại sao tôi đọc những cuốn tiểu thuyết dày cộp và khó nhằn?

Tại sao không dừng lại ở những cuốn sách đọc dễ như ăn kẹo dẻo, như Tề thiên đại thánh và Harry Potter. Tìm những cuốn sách ít hấp dẫn hơn để làm gì?

Tại sao tôi đọc tiểu thuyết?

Với tôi văn học và điện ảnh gần gũi nhau lắm, nên tôi mạo muội gửi vào đây bài “Tại sao tôi đọc tiểu thuyết”, nếu sửa lại là “Tại sao tôi xem phim” có lẽ cũng được.

Nếu tiểu thuyết lúc nào cũng hấp dẫn, dễ đọc thì câu hỏi trở nên thừa. Các con tôi không bao giờ hỏi tại sao người ta ăn kem cây. Chúng chỉ hỏi tại sao lại ăn những thứ chúng cho là không hấp dẫn. Con gái tôi cho rằng người ta không cần trồng rau cải hay nuôi cá tôm làm gì, vì con người có thể sống hoàn toàn hạnh phúc nhờ mỗi ngày ăn một bình kẹo dẻo. Tôi giải thích: ăn cà rốt sáng mắt, ăn rau dền luộc bổ máu…

Tại sao không dừng lại ở những cuốn sách đọc dễ như ăn kẹo dẻo, như Tề thiên đại thánh và Harry Potter. Tìm những cuốn sách ít hấp dẫn hơn để làm gì?

Vì đọc tiểu thuyết có lợi ích, giống như ăn rau dền luộc bổ máu?

Chúng ta làm một việc gì đó chỉ khi nào biết được nó có lợi vào việc gì thôi sao?

Ngôn ngữ của chúng ta có một giới từ rất thông dụng là từ “để”. Học bài để thi đậu, đi làm để kiếm tiền, giao tiếp xã hội để có người quen mà nhờ vả, đi du lịch để mở mang kiến thức, nghe bài Cô Thắm về làng để thư giãn. Tôi nghĩ rằng gắn được vế sau của mỗi câu ở phía sau chữ “để” cho mỗi việc tôi làm là tôi có được mục đích lớn của cuộc đời: nó là tổng số của những mục đích nhỏ xíu và nhỏ vừa, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Cho đến một hôm, một người bạn cho rằng tôi không biết sống trong hiện tại. Tôi sống, cùng lắm, chỉ được một nửa. Tôi nói: “Sống mới một nửa mà đã quá khó, sống trọn làm sao làm nổi?” Người bạn hỏi tôi: “Đứng một chân và đứng hai chân, cái nào khó hơn?”

Tôi về nghĩ lại.

Cuộc sống tôi là một chuỗi hoạt động đuổi theo những mục đích ở phía trước. Cuộc đời xảy ra vào ngày mai. Không bao giờ có hôm nay. Không bao giờ có sự ung dung trong hiện tại. Hình như lúc nào tôi cũng đang cố giữ thăng bằng, tôi như người đứng một chân thật.

Ngày chúng tôi còn nhỏ, khi học sinh vật, học về một con thú hay một loại cây nào đó, sách giáo khoa thời trước luôn luôn dạy cho chúng tôi chúng có ích cho chúng ta ra sao. Con chồn cho thịt và lông, con voi kéo gỗ và cho ngà, gỗ bằng lăng dùng làm nhà, cây cầy, bần, đước thì làm than. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vạn vật ở chỗ chúng phục vụ được những mục đích nào của con người mà thôi. Cuối cùng phải đến lúc rừng mất và thú tuyệt chủng. Nếu người ta nghĩ rằng trời sinh ra cái cây là vì cái cây, con voi là vì con voi và để yên cái cây và con voi được ở nơi trời sinh ra nó, thì sẽ còn rừng giữ đất, giữ không khí sạch, ngăn lũ xuống đồng bằng.

Để sống trọn vẹn hơn, theo người bạn học thiền của tôi, khi nói câu nào chỉ cần bỏ đi chữ “để” và cái vế đi sau đó. Đọc sách chứ không phải đọc sách để tích tụ kiến thức cho ngày mai. Nhìn trăng chứ không phải nhìn trăng để tâm hồn thư giãn. Để tâm hồn thư giãn không có gì sai, nhưng nó giới hạn sự nhìn trăng, cũng như đi tìm kiến thức trong một quyển sách loại bỏ những thứ khác trong quyển sách đó không được định nghĩa là kiến thức.

Một hôm, không ai dạy bảo, con tôi tự nhận ra rằng ăn rau lang luộc chấm tương cự đà ngon hơn ăn kẹo dẻo. Con người tự biết rằng các món ngọt ngào, dễ ăn không thôi không đủ nuôi sống mình. Người ta không chỉ cần có Tề thiên đại thánh và Harry Potter.

Tôi đọc tiểu thuyết vì tiểu thuyết không mang mục đích gì cả, nhờ vậy việc đọc của tôi thuần khiết. Trong một bức thư không gửi cho một nhà văn cùng thời vào năm 1865, Tolstoy viết:

“Nếu có ai bảo tôi viết một cuốn tiểu thuyết trong đó tôi khẳng định một cách tuyệt đối cái mà tôi cho là quan điểm đúng cho tất cả các vấn đề xã hội, thì quyển tiểu thuyết đó không đáng để tôi dành ra hai tiếng đồng mà viết nó.”

Nếu cầm một cuốn sách lên, đọc được một lúc, tôi nhận ra được ý đồ của tác giả, thì tôi không còn tin quyển sách ấy nữa. Tôi có ngay cảm giác là câu nào, cảnh nào người viết cũng đưa vào để phục vụ cho cái ý đồ ấy, để khẳng định một quan điểm. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết, tôi chỉ muốn được nghe kể chuyện mà thôi. Câu chuyện có đầu có đuôi hoặc thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu cả hai cũng không sao. Nhưng đừng hơn như vậy. Tolstoy cho rằng trong thế giới của nghệ thuật không có chỗ để chứa các công thức giải quyết những vấn đề xã hội.

Kho tàng triết lý của loài người nằm trong các tác phẩm văn học nhiều hơn trong những cuốn sách triết. Nhưng triết trong tiểu thuyết không có hệ thống, không khẳng định, nó bàng bạc giữa có và không, và nó tùy thuộc rất nhiều vào người đọc. Triết trong văn học là những đám mây trên trời, người đọc ngước nhìn và tự tả cho mình: đám mây này hình con thỏ, kia là ông khổng lồ, còn đây là ông câu cá, có cả chiếc thuyền con của ông ấy. Nếu người đọc nhìn mây không thấy ông khổng lồ và ông câu cá thì cũng chẳng sao, mây vẫn là mây, vẫn đẹp và nhất là nhẹ nhàng.

Người viết sách triết tìm cách hoàn tất một hệ thống tư tưởng chặt chẽ. Trong cuốn sách triết nào, phần kết luận cũng là phần quan trọng nhất. Còn người viết tiểu thuyết chỉ kể một câu chuyện, lang thang giữa vùng sáng và vùng tối của trái tim con người, đôi lúc phân vân không biết viết bao nhiêu thì đủ, bao nhiêu thì thừa. Cái khó trong một bức tranh là những nét không vẽ chứ không phải những nét được vẽ xuống khung vải. Sự khẳng định làm chết nghệ thuật. Những câu nào người viết còn được viết ra không khó bằng những câu phải để trống để cho nó tự thành hình trong đầu hay trong tim người đọc. Một cuốn tiểu thuyết hay, giống như cuộc đời, không bao giờ hoàn tất.

Tiểu thuyết, trong khi không mang mục đích thông tin, chuyên chở kiến thức, lại làm cho ta hiểu về con người, về lòng tin, nơi họ sống, lịch sử, thời tiết, mùa màng… sâu hơn những sách chuyên đề. Cơ quan nhi đồng của Liên hiệp quốc có thể thống kê về số trẻ con được sinh ra trong một năm nào đó ở một nơi nào đó ở Phi châu, số trẻ con đau yếu, được chữa bệnh hoặc không được chữa, chế độ dinh dưỡng của chúng, được đến trường, học nghề hay đi cuốc đất. Đọc những bài viết tỉ mỉ đó, bạn không biết một đứa trẻ khi làm vỡ một cái bát nó có bị đòn hay không; miếng thịt hiếm hoi trong bữa cơm gia đình vào miệng người cha hay đứa con ốm yếu nhất; khi buồn khổ đứa nhỏ úp đầu vào lòng mẹ hay đến ngồi bên một gốc cây; nó mơ những gì và kể giấc mơ của nó cho một cái tượng gỗ, đứa em gái hay là những ngôi sao? Nhà xã hội học có thể cung cấp cho bạn trăm nghìn con số tiêu biểu cho trẻ con ở Phi châu, nhưng qua những con số đó bạn không nhìn thấy một gương mặt, một kiếp sống, một hy vọng nào. Bức tranh càng tiêu biểu, thì cây cỏ trong đó càng mờ nhạt. Nhà văn, trái lại, không biết những con số. Anh ta có một câu chuyện về một đứa bé và một nỗi buồn không đếm được bằng số. Anh ta thức đêm đốt đèn để viết câu chuyện ấy ra, không biết để làm gì.

Theo ĐOÀN MINH PHƯỢNG FACEBOOK

Tags: ,