Tại sao con người cần sự cô đơn để có thể sáng tạo ?

Ở Hà Nội, chỗ duy nhất tôi tìm thấy sự tĩnh lặng thật sự là trong nhà vệ sinh. Sự CÔ ĐỘC đang bị tuyệt chủng. “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”, Picasso đã nói.

Tại sao sự sáng tạo cần cô đơn?

Steve Wozniak, đồng sáng lập hãng Apple, viết trong cuốn hồi kí của mình như sau: “Phần lớn những nhà phát minh và các kỹ sư tôi đã gặp đều có có điểm chung như tôi … họ sống trong cái đầu của họ…Tôi sẽ cho các bạn một lời khuyên mà hẳn các bạn sẽ thấy lạ lùng lắm. Lời khuyên là: Hãy làm việc một mình … Không phải với một đội ngũ. Cũng chẳng phải trong một nhóm”.

Nghiên cứu chỉ ra rằng con người có khả năng sáng tạo tốt hơn khi họ được ở một mình, tận hưởng sự riêng tư và tự do khỏi những điều sao nhãng. Và những người có khả năng sáng tạo phi thường nhất, trong nhiều ngành nghề khác nhau, phần lớn lại là những người hướng nội (introvert) – dựa theo một nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi và Gregory Feist.

Khi học đại học, các giáo viên của tôi dường như có một cái mốt là hầu như trong môn nào cũng bắt sinh viên phân nhóm để làm bài. Khi tham gia các khóa học đào tạo, những người hướng dẫn cũng liên tục chia tôi và các bạn thành các nhóm làm việc. Khi đi làm, việc thiết kế các bàn làm việc không ngăn, ngồi tất cả một dãy (open-space), giống như các không gian co-working đang nở rộ hiện nay, phát triển như một trào lưu mới nhưng đi kèm với nó lại là sự thu hẹp lại của các không gian riêng tư của nhân viên.

Khi đi đến quán cà phê, sự yên tĩnh dường như làm mọi người phát bệnh tới mức lúc nào họ luôn phải bật một bản nhạc gì đó. Có vẻ như, chuyện để một cá nhân có không gian riêng tư, trầm tư suy nghĩ và làm việc một mình là một sự xa xỉ mà xã hội không thể kham nổi được nữa, ngoại trừ căn phòng vệ sinh, pháo đài cố thủ cuối cùng mà tôi có thể dành được để đọc sách.

Xung quanh câu chuyện này là một niềm tin sắt đá cho rằng 10 cái đầu thì luôn hơn 1 cái đầu, hay cụm từ cửa miệng, hãy “brainstorm” để ra ý tưởng nào. Nhưng điều này có thật sự tốt nhất cho sự sáng tạo không?

Làm việc nhóm đã giết chết sự tĩnh lặng, sự cô độc, thứ vô cùng cần thiết cho khởi nguồn sáng tạo. Trong các câu truyện tôn giáo, những người tìm kiếm như Moses, Jesus, Đức Phật cũng phải tìm đến những nơi hẻo lánh, không có ai để có tìm kiếm được sự giác ngộ, chứ không phải ngồi “brainstorm” với các phật tử hay con chiên của mình.

Trong một nghiên cứu hơn 2,400 nhân viên tại Đan Mạch, các tác giả tìm ra rằng khi số người làm việc tại cùng một căn phòng tăng lên, số nhân viên nghỉ ốm cũng tăng lên nhanh chóng. Những nhân viên làm việc ở văn phòng không có chỗ cho sự riêng tư có số ngày nghỉ hơn cao hơn 62% trung bình. (Bài Cái Bẫy của Không gian làm việc mở, báo New Yorker.)

Làm việc với sự cô đơn, trái với nhầm tưởng của nhiều người, có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, nó giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Trong một nghiên cứu, 2 tác giả so sánh các sản phẩm của hơn 600 lập trình viên máy tính từ 92 công ty. Và họ tìm ra rằng các sản phẩm tốt nhất không phải do nhân viên giỏi hơn hay có lương thưởng nhiều hơn, mà là họ có nhiều sự cô đơn hơn. 62% những người thể hiện tốt nhất nói rằng không gian làm việc của họ đủ riêng tư, trong khi con số này chỉ là 19% với những người có kết quả thấp nhất.

“Hàng chục năm nghiên cứu chỉ ra rằng cá nhân làm việc gần như luôn có hiệu suất cao hơn làm việc nhóm cả về chất lượng lẫn số lượng, và hiệu suất nhóm càng thấp khi số người trong nhóm càng cao. “Bằng chứng từ khoa học cho ta thấy các doanh nhân hẳn là phải ấm đầu mới sử dụng ‘những phiên họp động não nhóm’”, nhà tâm lý tổ chức Adrian Furnham viết. “Nếu bạn có những con người tài năng và tích cực, họ nên được khuyến khích để làm một mình – khi mà khả năng sáng tạo và hiệu suất đạt mức cao nhất”.
.

Thứ hai, cô đơn giúp ta học tốt hơn. “Theo một nghiên cứu về khả năng làm việc của các chuyên gia hàng đầu bởi nhà tâm lý học Anders Ericsson, cách tốt nhất để thành thạo trong một lĩnh vực đó là làm công việc khó nhất với bạn. Và thường cách tốt nhất đó là làm nó một mình. Chỉ khi đó, Ericsson nói với tôi, bạn mới có thể “trực tiếp tiếp cận những thử thách khó khăn nhất cho bạn. Nếu muốn tiến bộ, bạn phải là người chủ động dấn thân. Hãy nghĩ đến một lớp học mà xem – bạn chẳng mấy khi chủ động làm bất cứ điều gì cả. Toàn là những ai khác bảo bạn phải làm gì với làm gì”.

Ngoài ra, bạn cũng nên biết rằng hệ thần kinh của những người hướng nội phản ứng rất nhạy cảm với các kích thích từ bên ngoài. Vì thế, họ rất dễ bị mất tập trung, bị choáng ngợp, bị phân tán trong những môi trường quá ồn ào và đông người, dù chỉ là 1 tiếng chuông tin nhắn, tiếng mở cửa, hay tiếng bước chân.

Trái lại, những người hướng ngoại, do hệ thần kinh ít nhạy cảm với các kích thích hơn, vì vậy họ càng cần phải có nhiều tác động từ bên ngoài để cảm thấy mình đang sống, mình tràn đầy năng lương, mình đang làm việc (như việc cần phải bật nhạc liên tục hoặc giao tiếp không ngừng).

Theo TRẠM ĐỌC

Tags: , ,