⠀
Súng đạn trong trường học Mỹ – những ‘quả bom hẹn giờ’
Việc dễ dàng sở hữu súng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và cảm giác bị cô lập ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại của Mỹ có thể biến người ta thành “những quả bom hẹn giờ”.
Liên tiếp trong sáng 19/5 (giờ Việt Nam – tức tối 18/5 theo giờ địa phương) đã xảy ra hai vụ xả súng trường học lần lượt tại bang Texas và bang Georgia của Mỹ, khiến ít nhất 11 học sinh thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Đây đã là lần thứ 22 kể từ đầu năm nay, nước Mỹ chìm trong bầu không khí tang thương bởi bạo lực súng đạn học đường.
Theo giới chuyên gia, việc dễ dàng sở hữu súng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và cảm giác bị cô lập ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại của Mỹ có thể biến người ta thành “những quả bom hẹn giờ”.
Chỉ trong 10 năm qua, nước Mỹ đã chứng kiến 4 vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước này. Năm 2007, một sinh viên tại trường đại học Công nghệ Virginia đã dùng súng giết chết 32 người. Năm 2012, một kẻ bị rối loạn tâm thần đã cướp đi sinh mạng của 28 người trong vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook, trong số các nạn nhân có 20 trẻ em.
Tiếp đó, năm 2016, một đối tượng đã nã súng sát hại 49 người tại một hộp đêm cho người đồng tính nam ở Orlando. Và gần đây nhất là vụ xả súng tại Las Vegas hồi tháng 10/2017, khiến gần 60 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng/326 triệu người, tỷ lệ tử vong do súng đạn tại Mỹ theo đó cũng rất cao. Số liệu thống kê của Gun Violence Archive cho thấy tính từ 1/1/2018 đến nay, nước Mỹ chứng kiến 21.925 vụ bạo lực liên quan tới súng, trong đó có 102 vụ xả súng hàng loạt, cướp đi sinh mạng của 5.440 người.
Tỷ lệ các vụ xả súng tại các trường học với thủ phạm là học sinh, sinh viên ở mức cao. Người ta không khỏi rùng mình khi biết rằng đối tượng đứng sau vụ xả súng tại trường trung học Santa Fe ở bang Texas sáng 19/5, khiến 10 người thiệt mạng và 10 người bị thương, mới chỉ 17 tuổi.
Bạo lực súng đạn học đường ỏ Mỹ cũng là vấn đề được nói tới nhiều. Chưa đầy 2 tháng trước, học sinh, sinh viên trên toàn nước Mỹ đã tham gia các hoạt động như March For Our Lives” (Tuần hành vì sinh mạng của chúng ta), “NeverAgain” (Không bao giờ nữa) hay “Enough” (Thế là quá đủ)… yêu cầu thắt chặt kiểm soát súng đạn, sau những thảm kịch đẫm máu như vụ xả súng tháng 2 vừa qua tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida khiến 17 người thiệt mạng.
Nhiều địa phương của Mỹ đã siết chặt các quy định sở hữu súng, nhiều trường học đã áp dụng biện pháp nâng cao an ninh…, song có vẻ một giải pháp kiên quyết và tổng thể trên quy mô toàn nước Mỹ để chấm dứt nạn xả súng học đường thì vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội xem việc sở hữu súng là một trong những quyền cơ bản của con người. Những người cực đoan cho rằng nước Mỹ là nơi nguy hiểm rình rập và việc mang theo súng phòng vệ là điều cần thiết để bảo toàn mạng sống cho bản thân.
Các vụ bắn giết càng nhiều, số lượng súng đạn bán ra cũng theo đó mà tăng lên. Ở nhiều bang, việc mua súng dễ như mua một món đồ chơi. Chỉ cần trên 21 tuổi, có địa chỉ rõ ràng, không cần kiểm tra sức khỏe tâm thần là có thể dễ dàng sở hữu ngay một khẩu súng ngắn.
Trong khi đó, độ tuổi được sở hữu các loại súng trường chỉ là 18. Và ngành công nghiệp vũ khí tại Mỹ hàng năm không ngừng tung ra các mẫu mã mới, mang về lợi nhuận khổng lồ ước tính đạt doanh thu hàng trăm tỷ USD, đủ cho các ông chủ chi tiền lobby để các bộ luật về hạn chế hay cấm súng đạn không được thông qua…
Trong ngày Black Friday 24/11/2017, nước Mỹ đã chứng kiến cột mốc kỷ lục mới khi có hơn 200.000 yêu cầu kiểm tra lý lịch để mua súng được gửi đến văn phòng Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chưa tính tới các giao dịch cá nhân riêng lẻ. Con số này ở thời điểm cùng kỳ năm 2016 là 185.713 và năm 2015 là 185.345 – đều là những kỷ lục về số lượng yêu cầu mua súng được thực hiện chỉ trong 1 ngày.
Theo VIETNAM PLUS
Tags: Mỹ, Vấn nạn xã hội, Văn hóa Mỹ, Bạo lực