Sức khỏe cộng đồng và cuộc đấu tranh giai cấp trong nền y tế tư bản

Tại sao sống trong một nền dân chủ, nơi mọi công dân đều có quyền bầu cử, chúng ta lại cho phép các chính sách tạo ra bất bình đẳng có tác động tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta?

cuộc đấu tranh giai cấp trong nền y tế tư bản

Tác giả: Giáo sư Richard Levins (1930-2016), Trường Sức khoẻ Công cộng, Đại học Havard, Mỹ. Chuyên ngành của ông là sinh thái học, di truyền học quần thể, triết học khoa học.

Nguồn: Is Capitalism a Disease?; Richard Levins; Monthly Review; 1/9/2000.

Trích dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

Một khía cạnh trong cách tiếp cận của tôi đối với các vấn đề chăm sóc sức khỏe xuất phát từ nền tảng của tôi là một nhà sinh thái học. Tôi đã xem xét sự thay đổi về sức khỏe trên sự khác biệt vị trí địa lý, nhóm nghề nghiệp, nhóm tuổi và các yếu tố xã hội khác. Tôi đã đặt câu hỏi rằng kết quả của việc chăm sóc sức khỏe ở các bang khác nhau ở Mỹ, các quận khác nhau ở bang Kansas, các tỉnh khác nhau ở Cuba, các khu y tế khác nhau ở một bang của Brazil hay ở một tỉnh của Canada thì có thể thay đổi như thế nào? Kết quả thú vị đã xuất hiện từ khảo sát này.

Tôi và các đồng nghiệp đã xem xét tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở mỗi khu vực này, cả về tỷ lệ trung bình và tỷ lệ này ở mỗi nơi khác nhau như thế nào, phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe ra sao. Những gì chúng tôi thấy là tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Mỹ ít nhiều tương đương với Cuba, Kansas có tỷ lệ này cao hơn một chút so với mức trung bình của Mỹ, trong khi Rio Grande do Sur ở Brazil có tỷ lệ cao hơn nhiều.

Những điều tương tự xảy ra khi chúng ta xem xét tất cả các nguyên nhân gây ra cái chết. Chúng tôi thấy rằng tỷ lệ ung thư ở Kansas và ở Cuba là tương đương nhau, nhưng tỉ lệ tử vong ở Kansas cao hơn ở Cuba. Khi chúng tôi kiểm tra dữ liệu của Canada, chúng tôi thấy rằng Saskatchewan nằm ở đâu đó giữa Kansas và Cuba.

Lý do chúng tôi chọn những nơi này là Brazil, Canada và Kansas đều có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trong đó các quyết định đầu tư dựa trên việc tối đa hóa lợi nhuận chứ không phải bất kỳ mệnh lệnh xã hội nào nhằm cân bằng hoàn cảnh kinh tế. Còn Saskatchewan và Rio Grande do Sur cùng với Cuba có hệ thống y tế quốc gia cung cấp phạm vi bao phủ khá đồng đều trên một khu vực địa lý nhất định. Các khu vực của Canada và Brazil có lợi thế về hệ thống y tế tốt hơn và công bằng hơn, nhưng khác với Cuba, những nơi này có nhược điểm của chủ nghĩa tư bản, dẫn đến vị trí trung gian trong sự thay đổi của kết quả chăm sóc sức khỏe.

Tại một cuộc họp gần đây mà tôi tham dự, một bài báo được phân phát đã đặt ra một tình huống khó xử sau đây: Tại sao sống trong một nền dân chủ, nơi mọi công dân đều có quyền bầu cử, chúng ta lại cho phép các chính sách tạo ra bất bình đẳng có tác động tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta? Làm thế nào để chúng ta giải thích điều này? Chúng ta có các kế hoạch cải thiện nông nghiệp nhưng chúng lại làm gia tăng nạn đói. Chúng ta tạo ra các bệnh viện và chúng trở thành trung tâm truyền bá những căn bệnh mới. Chúng ta đầu tư vào các dự án kỹ thuật để kiểm soát lũ lụt và chúng làm tăng thiệt hại do lũ lụt. Điều gì đã xảy ra?

Một câu trả lời có thể là chúng ta không đủ thông minh, hoặc vấn đề quá phức tạp, hoặc chúng ta ích kỷ, hoặc chúng ta có một số khiếm khuyết. Tuy nhiên, sau những thất bại trong việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe người dân, xóa bỏ bất bình đẳng, có lẽ chúng ta cần phải đối mặt với thực tế và kết luận rằng điều đó không thể thực hiện được. Hoặc có lẽ chúng ta chỉ là loại loài không có khả năng sống một cuộc sống hợp tác trong mối quan hệ nhạy cảm với thiên nhiên.

Chúng ta nên bác bỏ bất kỳ kết luận bi quan thái quá nào trong số này. Lịch sử đấu tranh lâu dài không phải không có thành tựu. Nhưng đấu tranh cũng là con đường khó khăn.

Chúng ta rất dễ phụ thuộc vào ảo tưởng về thể chế dân chủ và một chính phủ nhân hậu để giải quyết các vấn đề xã hội. Nhưng khi nhìn vào thể chế dân chủ đó, chúng ta thấy rằng những chính sách bề ngoài nhằm cải thiện đời sống của người dân gần như luôn gặp khó khăn bởi một số điều kiện tiềm ẩn.

Ví dụ, tôi chắc chắn rằng về tổng thể, Tổng thống Clinton muốn mọi người được bảo hiểm y tế chi trả hơn là không. Nhưng điều đó phụ thuộc vào điều kiện phụ là lợi nhuận của ngành bảo hiểm phải được bảo vệ. Ông ấy có lẽ muốn thuốc rẻ hơn, nhưng chỉ khi ngành dược phẩm tiếp tục tạo ra lợi nhuận cao. Lý do cơ bản khiến các chương trình thất bại không phải là sự kém cỏi, thiếu hiểu biết hay ngu ngốc, mà là vì chúng bị hạn chế bởi lợi ích của những người có quyền lực.

Một cách tốt để nhận diện những hạn chế tiềm ẩn này, những rào cản mang tính hệ thống này, là xem chúng tác động như thế nào đến việc cung cấp các dịch vụ y tế. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ tồn tại dựa trên nền tảng của chủ nghĩa tư bản không kiềm chế của đất nước này. Chúng ta đã từng mô tả dài hạn cả triển vọng và vấn đề của hệ thống đó.

Tuy nhiên, ở châu Âu, các nhà dân chủ xã hội trong lịch sử đã có một cách tiếp cận khác – một cách tiếp cận thừa nhận bất bình đẳng là một trở ngại. Chẳng hạn, họ coi thất nghiệp là một vấn đề xã hội hơn là một sản phẩm phụ không thể tránh khỏi của một thị trường sôi động. Hội đồng thị trấn sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách cấp vốn cho một trung tâm dành cho người thất nghiệp, với các cố vấn để tư vấn cho họ về quyền được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các chương trình phúc lợi khác. Trung tâm này thậm chí có thể tổ chức một nhóm hỗ trợ, nơi mọi người có thể giải quyết bức xúc của họ về việc không thể mang lại thu nhập cho gia đình. Ở London, có một chương trình nhằm phá bỏ sự cô lập của các bà mẹ trẻ. Tham gia chương trình này, họ có thể gặp gỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau.

Tất nhiên, không có biện pháp nào trong số này ảnh hưởng đến lợi nhuận hoặc thách thức thị trường. Ngay cả những chương trình có tầm nhìn xa nhất do các chính phủ dân chủ xã hội châu Âu khởi xướng cũng không thách thức trật tự tư bản theo bất kỳ cách nào. Những gì họ làm là cố gắng chỉ là làm cho mọi thứ trở nên công bằng hơn – chẳng hạn như thông qua thuế thu nhập lũy tiến hoặc bảo hiểm thất nghiệp hào phóng.

Ở Thụy Điển, các công nhân vận tải đã yêu cầu thực phẩm phù hợp để giảm vấn đề về tim ở những người lái xe tải. Họ đã nâng cao chất lượng thức ăn ở các căng tin ven đường và phối hợp với các chủ nhà hàng, chủ căng tin và nơi cung cấp thực phẩm để cải thiện bữa ăn. Ở những nơi khác, các công đoàn đã thương lượng thỏa ước tập thể để thay đổi ca làm việc, giờ làm việc và điều kiện làm việc. Các công đoàn đã nhận ra rằng mối quan tâm về sức khỏe chỉ là một khía cạnh khác của mối quan hệ giai cấp.

Nhưng vấn đề cải thiện sức khỏe trở nên phức tạp khi liên quan đến sự sắp xếp lại lao động hoặc phân bổ tài chính. Nếu tiền chi tiêu đến từ thuế, thông qua các chương trình của chính phủ để cải thiện sức khỏe, giới tư bản có thể sẽ phản đối. Sự phản đối của họ có thể mang một hình thức chính trị nào đó, chẳng hạn như việc bãi bỏ một số khía cạnh của quy định về sức khỏe và an toàn. Trong hoàn cảnh đó, chỉ có một phong trào lao động mạnh mẽ và được tổ chức tốt mới có thể tạo ra những thay đổi.

Khi chính sách y tế được xem xét từ quan điểm những vấn đề nào liên quan đến sự đối đầu trực tiếp của lợi ích cơ bản, của giai cấp thống trị, những vấn đề nào chỉ liên quan đến lợi ích tương đối đối với một giai cấp và tương đối trung lập, chúng ta có thể dự đoán những loại biện pháp nào là khả thi. Điều này làm nổi bật sự dối trá trong quan điểm rằng thể chế này đang cố gắng cải thiện sức khỏe cho mọi người.

Chúng ta cần xem việc chăm sóc sức khỏe theo một cách phức tạp hơn. Sức khoẻ là một phần của giá trị sức lao động, và do đó là đối tượng tranh chấp thường xuyên trong đấu tranh giai cấp. Nhưng sức khỏe cũng là mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là đối với những người giàu có. Thay vì cải thiện chất lượng nước sinh hoạt, họ mua nước đóng chai; thay vì cải thiện chất lượng không khí, họ sử dụng bình dưỡng khí trong phòng khách của họ. Y tế cũng là một ngành đầu tư sinh lời với các bệnh viện, cơ sở điều dưỡng và công ty dược phẩm. Không chỉ bán dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho một thị trường lớn nhất có thể, những người kinh doanh y tế còn tìm cách đẩy các dịch vụ của mình vào những người không thực sự cần đến nó.

Sự phân biệt này thể hiện rõ ràng khi người sử dụng lao động thương lượng bảo hiểm y tế cho nhân viên của mình. Đối với người chủ, chi phí của gói phúc lợi sức khỏe sẽ luôn đi trước những gì họ nghĩ rằng sẽ cần cho người lao động. Vì vậy sức khỏe luôn là điểm tranh chấp trong đấu tranh giai cấp.

Những lo ngại về dịch vụ y tế và chính sách y tế là một phần của một hệ thống tích hợp phải trở thành chiến trường của chúng ta trong tương lai. Chúng ta phải coi sức khỏe là một vấn đề phổ biến như cách chúng ta nhìn nhận về các vấn đề môi trường. Đó là những khía cạnh khác nhau của của một cuộc đấu tranh giai cấp.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , , ,