Sự thảm hại của não trạng ‘sợ Tây’ trong nhiều người Việt

Nhiều thế kỷ sau thời kỳ thực dân Pháp và sau khi Việt Nam đánh bại Mỹ, hình như người da trắng cuối cùng vẫn chiến thắng. Ấn tượng người da trắng là hơn đã in sâu trong đầu óc rất nhiều người.

Bài viết của tác giả John Hùng Trần, một Việt kiều Mỹ.

Hùng tự hào là người Việt Nam. Dù ở đây vẫn còn nhiều vấn đề, Hùng vẫn rất yêu đất nước này và đó là lý do vì sao Hùng rất bực mình khi thấy rất nhiều (phần lớn) người Việt Nam coi người nước ngoài là tốt hơn và đối xử với họ một cách khác.

Người nước ngoài chỉ hơn người Việt bởi vì bạn đối xử với họ theo cách đó. Dù không biết họ là ai, bạn vẫn trải thảm đỏ, đỡ mông họ và mát-xa cái tôi của họ. Đương nhiên như thế thì họ sẽ muốn sống ở đây, ai mà không muốn?

Bạn có biết những người nước ngoài “expats” này thực sự là ai không, đặc biệt là những “tây ba lô”? Ở nước của họ, rất có thể họ là những người không thể tìm được việc nhưng khi họ đến đây, họ dễ dàng kiếm được việc dạy tiếng Anh với mức lương rất tốt, và tự nhiên lại được nhiều người hâm mộ. (Đương nhiên không phải tất cả đều như vậy). Chỉ ở Việt Nam, những người “ở đáy thùng” mới có thể được đón chào và trở nên quan trọng như vậy.

Và điều mỉa mai? Hãy nghĩ đến tình huống ngược lại. Có bao nhiều người Việt Nam thông minh và tài giỏi đi du học và cố gắng ở lại, làm việc để đóng góp cho một nước khác, thì họ lại gặp phải khó khăn. (Có thể một vài người trong các bạn đã từng trải qua việc này, các bạn có thể chia sẻ thêm).

Hùng đã được nghe kể, là họ bị đối xử như những công dân “hạng hai”, những “ký sinh trùng ăn bám” đất nước khác. Trong khi thực tế là họ thông minh và giỏi hơn nhiều so với những người đã đến Việt Nam.

Không may, sự thật là thỉnh thoảng Hùng cũng phải lợi dụng thực thế là Hùng là “người Mỹ”. Khi đi vào quán cafe hoặc nhà hàng, Hùng phải nói tiếng Anh vì nếu không, khách nước ngoài sẽ được phục vụ trước dù họ đến sau (lần nào cũng như thế). Khi phải phát biểu thay mặt công ty, Hùng cũng nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, vì khi được coi là người nước ngoài thì công việc sẽ dễ dàng hơn.

Thỉnh thoảng sau bài phát biểu của Hùng, các CEO và giám đốc người Việt Nam đến nói chuyện bằng tiếng Anh và đề nghị hợp tác với Hùng. Nhiều người cũng đã nói là nếu Hùng là người Việt Nam thì người ta đã không giúp Hùng khi Hùng đi xuyên Việt, và bây giờ thì đáng buồn là Hùng bắt đầu nhận ra đúng là như thế.

Rất buồn và đáng xẩu hổ khi thấy người nước mình chấp nhận điều này và cho phép người nước ngoài lợi dụng. Một lần Hùng được mời tới một chương trình trao giải cùng với một “ca sĩ” người Mỹ (Hùng sẽ không nói tên) khá nổi tiếng ở Việt Nam.

Tệ hơn nữa, khi nói chuyện với anh này được khoảng 5 phút là Hùng muốn tự cắt đứt tai mình luôn. Anh này hoàn toàn ảo tưởng và nghĩ mình là một diva. Trong chương trình, anh ấy còn tự tin nói “tôi là người của công chúng và người ta mời tôi đi hát khắp nơi để đại diện cho Việt Nam”. Cái gì? Một người da trắng giới thiệu là mình đại diện cho Việt Nam, Hùng thấy như bị xúc phạm.

Nhiều thế kỷ sau thời kỳ thực dân Pháp và sau khi Việt Nam đánh bại Mỹ, hình như người da trắng cuối cùng vẫn chiến thắng. Ấn tượng người da trắng là hơn đã in sâu trong đầu óc rất nhiều người. Thưa quý bà và quý ông, uy quyền của da trắng vẫn tồn tại và lớn mạnh ở Việt Nam. Có lẽ đúng hơn khi nói người Việt tôn thờ người da trắng, bởi vì họ thậm chí còn khá phân biệt đối xử người da đen.

Nếu họ là người tài năng và thực sự giỏi, thì việc ngưỡng mộ là hoàn toàn bình thường. Ví dụ, anh Joe Tây là một người bạn mà Hùng rất tôn trọng vì sự am hiểu và sự trân trọng của anh ấy với Việt Nam, hơn nữa anh ấy còn là một người thông minh. Nhưng với những người khác, Hùng thật sự không biết nói gì.

Những ai đang tôn thờ ý tưởng này, các bạn nên thấy xấu hổ. Với một quốc gia có truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc, làm sao chúng ta có thể cúi mình với người nước ngoài? Ai có thể làm ơn giải thích cho Hùng vì sao lại như thế và làm thế nào để dừng nó lại? Bởi vì chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến Hùng rất bực mình!

Mặc dù đến Việt Nam từ đầu năm 2010, không có họ hàng thân thiết, vừa học thêm tiếng Việt vừa giảng dạy tiếng Anh, thực hiện chuyến đi xuyên Việt ‘điên rồ’, xuất bản sách,… nhưng chỉ đến khi nhận định của mình được đưa vào đề thi đại học môn văn khối D năm 2013 cái tên Trần Hùng John (1989, người Mỹ gốc Việt) mới được báo chí và nhiều người biết đến.

Ở anh chàng 8x này, người ta thấy toát lên sự mộc mạc, chân chất, đậm chất Việt Nam. Có lẽ vì thế mà cuốn sách ‘John đi tìm Hùng’ – cuốn sách kể lại hành trình xuyên Việt 80 ngày với chiếc ví rỗng của Hùng lại nhận được sự đồng tình của nhiều bạn trẻ đến vậy. Đa phần, người đọc nhận xét, cuốn sách gần gũi, lối viết chân thật, giản đơn không màu mè, bóng bẩy, đó cũng chính là con người của tác giả.

Cho đến nay đã nhiều năm sống và làm việc ở Việt Nam, Hùng John cũng đã có rất nhiều cơ hội cho công việc của mình. Quãng thời gian sống và làm việc trên đất mẹ, Hùng trải nghiệm rất nhiều điều mà chính bản thân câu đang đi tìm lời giải đáp. Và câu chuyện tại sao người Việt Nam luôn ‘sính ngoại’ được chàng trai chia sẻ đã nhận được rất nhiều phản hồi của cư dân mạng và cộng đồng.

.

Theo VNTINNHANH

Tags: , ,