⠀
Sự mệt mỏi và bấp bênh của giới trẻ Trung Quốc thời hậu COVID
“Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau, cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”. Câu rap vô tư của một nam nghệ sĩ lại đang phác họa đúng bức tranh của những người trẻ Trung Quốc hậu COVID-19. Học vấn cao, kỹ năng đủ, ước mơ nhiều, nhưng họ lại chọn về quê lập nghiệp.
3 tháng, 89 cuộc phỏng vấn, 1 hồi âm…
Khi Hermione Zhang tốt nghiệp thạc sĩ tại Bắc Kinh vào năm ngoái, cô gái 25 tuổi này quyết tâm sẽ làm việc tại một ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán có tiếng ở một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc. Nhưng sau khi chương trình đào tạo kéo dài hai năm của cô bị tạm hoãn trong 9 tháng do đại dịch COVID-19 – làm trì hoãn mọi kế hoạch thực tập vốn được coi là điểm cộng của các nhà tuyển dụng – Zhang buộc phải hạ thấp mục tiêu của mình.
Cuối cùng, sau khi trải qua 89 cuộc phỏng vấn mệt mỏi trong ba tháng, cô đã nhận được đề nghị làm việc tại một chi nhánh ngân hàng nhỏ gần quê mình ở tỉnh Sơn Tây, miền Trung Trung Quốc. “Nếu không phải vì đại dịch, tôi đã ở lại Bắc Kinh, dù chỉ là để đi thực tập”, Zhang nói. “Đại dịch đã thay đổi cách tôi đưa ra quyết định nghề nghiệp của mình. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng mong muốn có được một công việc ổn định. Đứng trước quá nhiều rủi ro, xu hướng né tránh sự bất lợi đã vượt lên những khát vọng dám nghĩ dám làm trước đây”, Zhang chia sẻ.
Khác Zhen, Jenny Bai nằm trong top 10 sinh viên khoa học máy tính có thành tích cao nhất từ các trường đại học Trung Quốc được một công ty Internet đình đám tại Bắc Kinh tuyển chọn sau 4 vòng phỏng vấn cam go. Nhưng tháng trước, công ty này nói với Jenny rằng hợp đồng tuyển dụng của cô buộc phải hủy bỏ do ảnh hưởng của COVID-19 và tình hình tồi tệ của nền kinh tế nói chung. “Tôi lo lắng. Nếu tôi không tìm được việc làm, tôi không chắc mình sẽ làm gì tiếp theo”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Hermione Zhang, Jenny Bai, và 10,8 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc mùa hè này đều đang đối diện với bài toán tương tự nhau: Tìm việc. Reuters mô tả, số sinh viên tốt nghiệp tại Trung Quốc năm nay, vốn lớn hơn toàn bộ dân số của Bồ Đào Nha, sắp bước vào thị trường việc làm ít tươi sáng nhất trong nhiều thập kỷ, khi mà tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 18,4%.
Theo trang web tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, tính đến tháng 4, chưa đến ½ số sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc nhận được lời mời làm việc. COVID-19 với những hạn chế nghiêm ngặt kéo dài đã khiến nền kinh tế Trung Quốc trùng xuống, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường lao động nước này. Rockee Zhang, Giám đốc điều hành khu vực Trung Quốc của công ty tuyển dụng Randstad, cho biết thị trường tuyển dụng nhân sự mới tốt nghiệp của Trung Quốc hiện còn ảm đạm hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, với ước tính số việc làm mới giảm 30% so với năm ngoái.
Theo Zhilian Zhaopin, một công ty tuyển dụng khác, mức lương kỳ vọng cho sinh viên mới ra trường cũng thấp hơn năm ngoái 6,2%. Lĩnh vực công nghệ, vốn là mảnh đất vàng cho các nhà tuyển dụng cũng như sinh viên mới tốt nghiệp, giờ cũng đối diện cảnh cắt giảm nhân sự. SCPM dẫn chứng thực tế nhiều gã khổng lồ internet của Trung Quốc như Tencent và Alibaba đã thực hiện các đợt cắt giảm việc làm trong năm qua, do áp lực pháp lý và việc phong tỏa kéo dài đang đặt gánh nặng lên hoạt động kinh doanh.
Lo lắng về triển vọng tồi tệ của lĩnh vực công nghệ, Liu – sinh viên 22 tuổi đang theo học chương trình thạc sĩ tại một trường đại học hàng đầu Hong Kong – không biết rằng việc mình được nhận thực tập có đảm bảo một công việc toàn thời gian hay không. “Trong thời gian thực tập của tôi tại ByteDance, nhiều người hướng dẫn đã nói với tôi rằng số nhân viên sẽ giảm đi nhiều vào mùa thu năm nay do hoàn cảnh và họ cảnh báo chúng tôi phải chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra”, Liu nói.
Sự lựa chọn thứ hai
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thay đổi mạnh mẽ sau 3 năm COVID-19 hoành hành, nhiều thanh niên Trung Quốc từ các trường đại học ưu tú đang gác lại ước mơ nghề nghiệp để ổn định cuộc sống, SCMP nhận định. Được học tại các trường đại học danh tiếng nhất trong và ngoài nước, những tài năng hàng đầu của Trung Quốc từng nhắm đến các công ty thuộc danh sách Fortune Global 500, các ông trùm công nghệ, hoặc các công ty luật ở trung tâm tài chính Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng giờ họ đã thiên về “lựa chọn thứ 2”.
Khảo sát của SCMP cho thấy, sinh viên mới tốt nghiệp sẵn sàng an cư với mức lương thấp hơn nhưng có cuộc sống dễ dàng hơn ở vùng ngoại ô các thành phố lớn, tìm kiếm công việc tại các công ty có vốn nhà nước hoặc trong các dịch vụ công – những vị trí được coi là an toàn hơn trong bối cảnh kinh tế đầy biến động. Ryan Hu, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn nghề nghiệp Togo Career, cho biết: “Năm nay, kỳ vọng của sinh viên khá thấp và họ đang chọn sự ổn định thay vì phát triển nghề nghiệp”.
“Sự cạnh tranh là cực kỳ khốc liệt. Chúng tôi làm việc với những sinh viên có bằng cử nhân và thạc sĩ từ các trường Ivy League của Mỹ và những sinh viên từ các trường đại học hàng đầu của Vương quốc Anh. Ít nhất một nửa số sinh viên này sẽ liệt kê các công ty nhà nước là một trong những lựa chọn hàng đầu của họ”, ông Ryan Hu tiết lộ. Nhận định này trùng khớp với báo cáo của công ty tuyển dụng trực tuyến Zhaopin.com, theo đó làm việc với các doanh nghiệp nhà nước là lựa chọn phổ biến nhất đối với các sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp năm nay.
Cần phải nói thêm rằng, tại Trung Quốc trước đây, một công việc tại các công ty hay tổ chức nước ngoài luôn khiến hồ sơ ứng viên trở nên nổi bật, cả về kỹ năng và mức lương. Song trong một vài năm qua, sự nổi lên của các gã khổng lồ công nghệ và các công tin Internet đã trao sinh viên nhiều cơ hội việc làm hơn với mức lương hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đồ thị việc làm và mức lương thay đổi hoàn toàn khi COVID-19 xuất hiện.
“Sự cạnh tranh đã trở nên gay gắt, những người mà chúng tôi tuyển dụng với mức lương 6.000 nhân dân tệ (890 USD)/tháng trong năm nay chất lượng hơn những người chúng tôi từng tuyển dụng với mức lương 8.000 nhân dân tệ trước đây”, Fred Feng, quản lý tại trung tâm tuyển dụng Hays, cho biết. Theo Feng, số lượng người nộp đơn xin việc tại công ty của anh đã tăng hơn một nửa so với năm ngoái, với nhiều người trong số họ có bằng thạc sĩ từ các trường ưu tú của Mỹ như Đại học Johns Hopkins, hoặc là sinh viên giỏi của các trường top đầu trong nước.
Feng đang tuyển dụng cho các công việc nhân sự cấp thấp, nhưng có rất nhiều ứng viên có bằng cấp ở mức cao hơn ứng tuyển. “Các công ty Internet đang cắt giảm nhân sự và nhiều ứng viên của chúng tôi cho biết họ cảm thấy mất mát khi nhìn về số phận tương lai”, anh nói, nhấn mạnh rằng mức lương cạnh tranh đã không còn hấp dẫn bằng sự ổn định.
Có nên rời phố, về quê?
Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị đã tăng lên 6,1% vào tháng 4 vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 16-24 trong tháng 6 đạt 18,2% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 2018, khi Trung Quốc lần đầu tiên công bố dữ liệu việc làm hàng tháng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một bài phát biểu mới đây đã cảnh báo về triển vọng “tồi tệ” đối với thị trường việc làm Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh ổn định thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chính phủ hiện nay. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách tài khóa để tạo điều kiện cho việc làm, bao gồm cắt giảm thuế và phí, trợ cấp, nới lỏng các hạn chế tài chính, miễn phí trả chậm và hỗ trợ sinh viên đại học bắt đầu kinh doanh mới (startup).
Các công ty tuyển dụng vị trí thực tập cho sinh viên mới tốt nghiệp sẽ nhận được trợ cấp, cùng với các đặc quyền khác nhằm thúc đẩy việc làm nói chung. Thủ tướng Trung Quốc cũng thúc giục chính quyền các tỉnh có hành động mạnh mẽ hơn để ổn định việc làm trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, với mục tiêu tháo gỡ nút thắt việc làm và giải vây áp lực nhân sự tại các đô thị lớn.
Một số chính quyền tỉnh và thành phố Trung Quốc đã rục rịch “tung phao cứu sinh” cho các nhân tài trẻ, bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho sinh viên tốt nghiệp muốn khởi nghiệp. Tại Lishui, một quận nhỏ thuộc tỉnh Chiết Giang với dân số dưới 200.000 người, “kế hoạch tuyển dụng nhân tài” của địa phương đã giúp tuyển dụng 24 sinh viên mới tốt nghiệp, 23 người trong số họ có bằng sau đại học, trong đó có bốn người có bằng tiến sĩ.
Tỉnh Vân Nam tuyên bố trợ cấp 50.000 nhân dân tệ (7.500 USD) hàng năm cho những ai chọn làm việc ở các làng quê trong lĩnh vực giáo dục, y học, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Trong khi đó, tỉnh Hà Nam sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để đẩy mạnh tìm kiếm việc làm và đơn giản hóa quy trình tuyển dụng.
Các nhà tuyển dụng của bên thứ 3 sẽ được thưởng 300 nhân dân tệ cho mỗi vị trí mà họ mang về. Tuy nhiên, “các chính sách cứu trợ khác nhau của chính phủ phải được thực hiện cẩn thận và nỗ lực để thúc đẩy kinh tế. Nếu các yếu tố cơ bản không được cải thiện, sẽ không có cuộc đại tu nào trong vấn đề việc làm”, Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hội cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền tỉnh, nhận định.
Theo SCMP, hơn 700 ứng viên có bằng sau đại học từ năm trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc và các tổ chức uy tín ở nước ngoài đã nộp đơn xin làm việc tại một quận xa xôi tên Heping ở Quảng Đông, với khoảng 350.000 cư dân đang sinh sống. Điều đó có nghĩa rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chính các nhân tài trẻ đã và cần đi xa hơn, trải nghiệm nhiều hơn, đừng bó chân trong giấc mơ hạn hẹp riêng mình.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Trung Quốc, Lao động - việc làm, Giới trẻ